1.
không bao giờ đâu Donna, Donna
dù anh có yêu em
hơn bất cứ thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh cũng vẫn trở về
anh vẫn phải trở về quê hương anh
cái dải đất nóng khô cong hình chữ S
cái dải đất không lớn bằng tiểu bang California của xứ sở em
(nơi anh đã sống những ngày đầu tiên, tập ăn, tập nói theo lối Mỹ)
cái dải đất rách nát nghèo đói vì chiến tranh
liên tiếp hai mươi năm
dù anh không bao giờ quên được em
trong đêm nhạc của ngày Hội Mùa Thu
ngày kỷ niệm 50 năm tiến bộ của các trại chủ miền Indiana
và nhất là anh không thể nào quên được
lúc Hội Thu bế mạc
em đã cùng Jana
ôm đàn chạy ra kiếm anh và một thanh niên Việt Nam khác
trên chuyến xe buýt chở đầy sinh viên
của các quốc gia đồng minh với Mỹ
trong sương mù giá buốt một đêm chớm thu
em ngơ ngác như một con bò non tội nghiệp

ôi những bước chân son
chạy đau nền cỏ lạnh
và những ngón tay run
xoá nhanh lớp nước mờ cửa kính

để nhìn rõ mặt nhau
anh đã đứng lên đẩy kính xe thò hẳn đầu ra ngoài
cùng em nói chuyện
và người bạn của anh đã phải gào lên
“tôi từ Việt Nam tới”
để trả lời cho một câu hỏi của Jana, bạn em

ôi Donna, Donna
phải là người Việt Nam
em mới hiểu được nỗi xúc động rưng rưng của anh
khi nghe thấy tên gọi quê hương mình
dạt lùa trong một khoảng không gian đẫm mù sương muối
át cả trăm ngàn tiếng động cơ máy nổ chung quanh

2.
không bao giờ đâu Donna, Donna
dù anh có yêu em
hơn bất cứ một thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh cũng trở về
như em đã biết
quê hương anh trên bốn ngàn năm lập quốc
trên bốn ngàn năm không ngừng đánh đuổi ngoại xâm
trong đó có gần một ngàn năm bị Tàu đô hộ
và ngót trăm năm thuộc địa của Tây
nhưng dân tộc anh không bao giờ bị đồng hoá
bởi dân tộc anh là một giống dân quật cường
tuy hiền lành và rất nhiều tình cảm
mặc dù anh không thể quên
những lần gọi điện thoại cho em
trong những phòng điện thoại công cộng
với mười xu cho một cuộc nói chuyện kéo dài tối đa 7 phút
và đôi khi máy đã chẳng trả lại cho anh mười xu
như điều đã ghi trong bảng chỉ dẫn
mỗi khi không liên lạc được
không phải anh tiếc mười xu đâu, Donna
dù mười xu tính ra tiền Việt Nam
những trên hai mươi đồng theo giá chợ đen cơ đó
với hai mươi đồng Việt Nam xưa
anh có thể ăn một bữa cơm tạm no
hay thừa để mua một bao thuốc lá
nhưng kể từ khi có người Mỹ sang chiến đấu
bên cạnh quân đội của nước anh
thì với hai mươi đồng anh đã không đủ mua một gói thuốc

3.
không bao giờ đâu Donna
dù anh có yêu em
hơn bất cứ một thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh vẫn trở về
nơi mẹ già anh đã một đời ăn cơm chan bằng nước mắt
nơi anh em, nơi chú bác, cô dì, gần xa ruột thịt
đã và còn đang từng giờ gục ngã
chiến đấu cho sự trường tồn
và lý tưởng tự do của giòng giống
mặc dù ngay khi anh vừa bước chân xuống phi trường Sài gòn
anh có thể chết tan thây
vì một miếng plastic
một trái mìn nổ chậm
hay một quả đạn từ xa
của người anh em phía bên kia bắn tới
mặc dù anh không thể quên
đôi mắt em xanh như những cánh đồng hai mùa trĩu hạt
và mái tóc em óng vàng
xoã tung trên đôi vai gầy cổ tròn ngấn trắng
mặc dù anh không thể quên
lòng tốt của ba mẹ em
dành cho anh một người Việt nam cô đơn lạc lõng

và anh cũng không thể quên
những lá thư của em
như có đem theo cả tiếng cười vô tư giòn tan
vỡ cao trên những hàng cây phong úa vàng lá chín
ôi những nụ hôn thầm
trong đêm nào rét ngọt

4.
không bao giờ đâu Donna
dù anh có yêu em
hơn bất cứ một thứ gì trên đất Mỹ
thì anh cũng trở về
quê hương anh với trăm ngàn đời khốn khó
nơi anh sống chui rúc như chuột
trong một căn nhà tôn, vách ván
nơi người yêu anh
đang từng phút giây mong đợi
(nàng cũng có một mái tóc dài thả xoã như em)
nàng cũng có một đôi mắt mở to sáng trong nhẫn nhục
tất nhiên tóc và mắt của nàng thì đen
và da vàng, cũng hệt như anh
nàng có may mắn
hơn khá nhiều người khác
ở chỗ còn được đi học
nghĩa là chưa đến nỗi phải tập nói O.K
để đi bán bar hay làm sở ngoại quốc
nhưng suốt một đời nàng không được như em
có những ngày hội vui
đem đàn tới cùng bè bạn hoà nhạc
vì nàng cũng như bất cứ một người Việt Nam nào đó
đã sớm biết đến chiến tranh
từ trong bụng mẹ
rồi lớn lên cùng lửa đạn tro tàn
và ngay trong tình yêu
(nàng cũng chịu biết bao điều nhục nhã)

5.
không bao giờ đâu Donna, Donna
dù anh có yêu em
hơn bất cứ một thứ gì có trên đất Mỹ
thì anh cũng vẫn trở về
quê hương anh ruộng cằn đất cỗi
người chưa lớn đã già
trẻ chưa cao đã cọc
dù anh sẽ chẳng bao giờ quên em
đôi mắt xanh, mái tóc vàng và những ngón chân ngà
chạy nhanh trên nền cỏ lạnh
và tất nhiên sẽ về cùng anh
là những tấm ảnh em cho
với xấp thư thơm mùi lúa mạch
anh sẽ mãi ngóng trông
một ngày nào em đặt chân lên quê hương anh nhỏ bé
anh hy vọng ngày đó
những hố bom hố mìn
đã được lấp bằng
cho rất nhiều hoa nở
để mỗi bước chân đi
em sẽ thấy xứ sở anh có phần đẹp hơn nước Mỹ
để em sẽ nhận ra
không đâu có thể có được
một giống dân hiền lành nhưng quả cảm
một giống dân cần cù nhẫn nại
và dễ mến như dân tộc anh
biết chừng đâu khi ấy
em sẽ chẳng chọn quê hương anh
như một tổ quốc thứ hai
khởi đầu một cuộc định cư vĩnh viễn

ôi Donna, Donna Ostermeyer
hoài hoài sương mù trong anh một đêm mùa thu tay vẫy
một đêm ngời giọng hát vỡ trên cao

ôi Donna, Donna Ostermeyer
em có hiểu chút gì
những điều anh mới nói?


(Indiana, tháng 9-69)

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]