Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Chiêu Dương » Hồn giăng sao Gấu (2016)
Đăng bởi Lạc Nhật vào 05/11/2020 19:57
Hớp ánh sáng bạc
chấp chới bay,
Linh hồn trả trăng những câu thề hẹn,
Người đi!
Dốc men tình phụ,
Say chếnh choáng,
Thịt da lạnh lẽo cô đơn rợn người,
Ta khóc!
Quấn dải khăn tang,
Thít chặt mình,
Ruột gan cuộn thắt, não tim nứt vỡ,
Tình chết!
Oà nôn tạng phủ,
Ném linh hồn giăng sao Gấu,
Hình hài mây khói,
Du ca buồn thế nhân!
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Phan Quốc Vũ ngày 26/06/2021 10:26
Sao Gấu hay sao Đại hùng tinh và tiểu hùng tinh, nghĩa là sao Gấu lớn và sao Gấu nhỏ. Tại vì sao một người viết trẻ như Chiêu Dương lại chọn đề tài này để viết?
Nhìn vào bài thơ:
“Hồn giăng sao Gấu
Hớp ánh sáng bạc
chấp chới bay,
Linh hồn trả trăng những câu thề hẹn,
Người đi!
Dốc men tình phụ,
Say chếnh choáng,
Thịt da lạnh lẽo cô đơn rợn người,
Ta khóc!
Quấn dải khăn tang,
Thít chặt mình,
Ruột gan cuộn thắt, não tim nứt vỡ,
Tình chết!
Oà nôn tạng phủ,
Ném linh hồn giăng sao Gấu,
Hình hài mây khói,
Du ca buồn thế nhân!” ta thấy được tố chất mê say của một chàng tứ tuần đang thả mình giữa vùng trời êm dịu, dẫu linh hồn anh có nhiều va vấp ắp đầy những đau thương mất mát. Cái sự ngông cuồng trong thơ đôi khi là sự tò mò cho những người đọc nó bởi cái chất lãng tử trong tâm hồn. Và từ đây giá gì Chiêu Dương cứ đi tiếp tục nữa cho dòng thơ THIÊN ĐÀNG này, khám phá sâu sắc hơn nữa để cho nàng thơ anh mỉm cưởi với độc giả thì hay biết mấy! Qua các từ và cụm từ: “hớp; bay; dốc men; lạnh lẽo cô đơn rợn người; oà nôn tạng phủ; ném linh hồn; hình hài mây khói”, ta thực sự bị choáng ngợp vì một ma lực của thơ Chiêu Dương nằm ở tầng thượng thanh khí, bởi nhiều lý do chán ngán cuộc đời trần tục, chán mình mà thơ anh cứ bay lên tận chót rồi ngùn ngụt vứt ra những lời thơ có phép. Phép gì? Phép bay tự do về một miền viễn ảo để được cầu mong yêu thương và hạnh phúc. Có thể là anh đã đáp đậu nơi nhân gian chưa lấy gì làm chắc chắn nên anh cứ hoài vọng. Ở đây, một trong những lý do mà anh có thể xuất thần được bài thơ này là vì cái tính chất nửa vời của một nhà thơ giữa thực và ảo. Cái khó nói nhất của thơ ca chính ở chỗ: ảo diệu, mà ảo diệu của thơ từ mỗi nhà thơ lại khác nhau hoàn toàn.
Bài thơ này đã nâng chất tư tưởng của một con người phàm tục từng thành công và chiến bại, từng nếm những vị đời chà xát anh mà sinh ra cái hồn thơ kỳ dị. Ở Việt Nam ta có thơ tình yêu, thơ thất tình, cũng có thơ buồn, thơ vui; với Chiêu Dương, anh là một tạng người được nảy nở ra từ bông hoa hồng đen và sự bạc mệnh để làm nên cái vui ít ỏi. Anh đang dùng hồn để nói chuyện với chúng ta như kẻ điên say là ngà mà ú ớ gọi tên người tình trong tuyệt vọng, ú ớ kêu gọi tình yêu tồn tại trong lòng anh, trong cái quả tim đầy khổ ải. Số phận anh đã thế, cuộc đời đã thế mới sinh ra dòng thơ bi luỵ mà ai chưa từng bi luỵ thì chưa từng biết vui sướng là gì, ngược lại đã từng sung sướng thì sẽ nhất định nếm đắng cay mới công bằng theo quy luật của Thượng Đế: ăn ngon rồi đến ăn dở, uống sữa rồi đến ăn cơm cháy khô khan,… Đọc thơ anh, ta không khỏi chua xót từ thể xác lẫn linh hồn anh như đang đấu tranh bằng mọi lẽ để lìa xa nhau hay không xa nhau, như một người thiếu nữ đang ngắt từng cánh hoa hồng mà tìm thấy ra số phận của mình: may hay rủi.
Bài thơ HỒN GIĂNG SAO GẤU cũng là tựa tập thơ mà anh vừa xuất bản tại Nhà xuất bản Thanh niên năm 2016. Mới nghe qua ta cứ như ngỡ tay nhà thơ này hơi khá kiêu ngạo ư, nhưng không, đây là một kiểu giấc mộng của nhà thơ muốn truyền lại cho ta khi cảm thụ điều gì đó thuộc về linh hồn – một thứ duy tâm và duy vật lẫn lộn vào nhau. Vả lại, ai cũng có quyền ao ước mình sẽ sống quanh một chòm sao có giá trị cao, chòm mà nhiều người ưa thích. Cái năng khiếu của một người am hiểu về võ thuật lẫn văn chương như Chiêu Dương có thể chấp nhận được. Song anh còn nhiều bài khác như thế này nữa sẽ trình làng sau để góp tiếng vui cho nhân thế, chứ hoàn toàn chưa đến độ tuyệt vọng. Anh thích chọn một mảng tối và một mảng sáng hay một mảng hướng thượng và một mảng hướng hạ, nên thảo nào cái tư tưởng thuần chủng thơ làm anh càng được người ta chú ý tới – dám lao vào đề tài hóc búa, chính là cái buồn mà buồn thì người ta hay xa lánh(?).
Nhưng qua nhiều nhạc phẩm của những nhà nhạc sỹ trứ danh như TRỊNH CÔNG SƠN, qua một thiên tài thơ HÀN MẶC TỬ, họ cũng đã để lại cái thứ đau buồn cho thiên hạ nhớ. Phải chăng Chiêu Dương đang bắt chước các tiền nhân để cũng làm nên tứ thơ đau khổ? Điều này khi bạn đọc sống gần gũi với anh thì sẽ thấy rõ hơn: Chiêu Dương thực ra rất yếu mềm từ thể xác đến tinh thần, mặc dù khối óc ấy có mạnh bạo để suy tính nhiều việc đời nhưng rồi văn là người không giấu được anh vào đâu được!
Nhìn ở câu thơ: “Oà nôn tạng phủ”, ta thật bất ngờ như cái phép thuật mà anh dùng theo kiểu phim TÂY DU KÝ mà Tề Thiên đã làm trước nhà vua và yêu quái. Nhưng ở đây, ta hãy hiểu là nỗi đau khổ tột cùng của tác giả mà chưa có ngôn từ nào thay thế được – một cách nói ngoa ngữ mà gần gũi như ông bà ta bảo “đau cháy lòng cháy dạ; tức lộn gan lên đầu; ho ra máu” mà có như vậy đâu bèn là cái chả có để nói về cái có nhằm tìm ai đó đồng điệu với mình.
Hầu hết các nhà thơ thành công mà để lại dấu ấn cho người ta nhớ mình dường như chưa được tỉnh bao giờ và đang nằm trong trạng huống nửa tỉnh nửa say. Như vậy, tác giả sẽ ngày càng thành công hơn ở cách viết thật về cuộc đời, về mình là nên theo cái triết lý nhân sinh, tức phải có còn thương xót những kẻ nghèo lang bạt, kẻ ăn mày, kẻ đĩ, kẻ vô gia cư,… Bên cạnh một nhân cách mà có lòng quan tâm đến con người, đến đất nước thì ngòi bút sẽ càng trưởng thành hơn nữa.
Trở lại bài thơ HỒN GIĂNG SAO GẤU, tôi thấy tác giả đang có một tia sáng nhỏ ở đằng bầu giời xa xa rồi sẽ tiến gần hơn nữa nếu như anh cứ rầm rộ bước đến gần cái đỉnh của thơ ca vào một ngày gần đây nữa. Sự phấn đấu để xứng với cái danh từ “nhà thơ” thì không phải dễ, nếu như chưa đi đúng hướng.
Về nghệ thuật, Chiêu Dương thành công ở lối dùng từ, biết tận dụng các động từ, cụm từ làm mới mẻ cách suy nghĩ của người đọc mặc dù cũng nói đến đề tài thiên đường, đến không trung nhưng khác hẳn với mọi nhà thơ khác. Cái quý ở đây mà anh sẽ tiếp tục đi là chả cần phải trùng lấp ai và chả ai giống mình nên thơ mới thực sự là thơ, còn việc hay hay dở đến độ nào đó là tuỳ mọi sự cảm nhận của tác giả. Với riêng tôi, bài thơ này là tiền đề cho những lần tác giả chao bay trên không trung nữa về thơ. Theo cách viết này, Chiêu Dương có cơ hội để dần dần sai khiến được hồn mình hoá thánh mà mọc cánh bay đi về miền mà tự do suy nghĩ là có. Nếu mai này dòng thơ THIÊN ĐÀNG tồn tại thì tôi nghĩ tác giả phải dụng công gấp dăm bảy lần nữa để khỏi phụ lòng mong đợi từ phía độc giả.
Vài lời cho bài thơ của anh, chúc anh hạnh phúc trong việc làm văn chương đầy vất vả!