73.57
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
2 người thích

Đăng bởi Vanachi vào 23/06/2005 17:39, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 31/03/2007 10:55

Thơ, đong từng ngao nhưng tát bể
Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời.

Thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức- tỉnh
Không phải chỉ "ơ hời" mà còn đập bàn, quát tháo lo toan.

Đóng bài thơ như cái cọc vào đời để chống nước trôi xuôi
Làm cho mọi người nghe được cái vô hình này: thời gian họ sống.

Anh phải làm cho thời đại đến sớm hơn là nó đến
Anh là gió đưa hương, nhưng chính ra anh lại phải là hương.

Lấy bát cơm ngày mùa trả lời cho cơn đói
Cái ấy thơ hơn, hay những bài thơ rỉ rên vè trận đói thơ hơn ?

Tôi muốn người ta yêu tôi như yêu người đào giếng hơn người làm ra rượu
Rượu không thể giải khát được môi người nhưng giếng đời có thể làm say

Hãy đo chiều cao những chuồng cọp, chiều sâu những vết thương, sức nặng những gông xiềng, bề rộng những vành đai trắng xoá
Mà nhẹ tênh thay là lời hát của anh
Anh là người định vực sự sống ba chiều
Lên trang thơ hai mặt phẳng

Sao trên trời mỗi đêm anh cần thắp lại
Sông Ngân hà chảy nhờ anh mà nó chảy
Những ngôi sao trên trời đổi ngôi nhờ anh mà nó đổi ngôi
Mỗi ngay, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây
Đều có cái gì của đời không giống trước
Miễn la có anh lắng tai
Nếu anh ghi lại thì dòng sông kia ở lại
Và anh để đời trôi xuôi thì nước cũng trôi xuôi.

Như ngọn hải đăng phải tự chớp, tự xoay mới biết mình đang chiếu sáng
Anh phải tự nâng lên đặt xuống mới nghe ra tiếng động của hồn anh.
Có những hoa không có ong thì cũng đã tan đi mất cả một mùa
Đã có nghìn mùa hoa lãng phí
Bởi xa đường ong qua
Không chàng thi sĩ nào đi ngang đấy lấy tháng ngày lên làm mật
Còn anh, anh đi qua, nhưng chỉ là con bướm nhởn nhơ màu sắc
Cảnh chập chờn rồi cảnh lại lìa xa.

Dù là con bướm thì cũng phải biết tiếc nắng trời hôm nay như tiếc màu hoa vậy.
Tả ngày nay đi, cho mặt trời nó lặn, yên tâm.

Có những câu thơ say nghe thơ mà quên mất nghe đời
Máu đập ở cổ tay đâu có phải thuỷ triều đang đập!

Những ngày ta mổ vết thương mà thiếu thuốc gây mê
Ta có cần gì thơ làm ta mơ mộng hão
Và khi ta cần thơ hồi sinh cho ta những máu
Thì thơ ơi, người tả cảnh mà làm chi.

Nguyễn Du có nói về cô Kiều e lệ nép vào hoa buổi ấy
Thì cũng để cho ta yêu người con gái đẹp thời nay
Và con bướm ta tả ngày nay dù cánh phấn trăm màu
Thì cũng để cho người sau yêu con bướm của thời họ sống
Câu thơ ư, là cách chuyển lửa qua muôn đời
Ai hơi đâu chuyền đuốc tắt mà chơi ?

Những nhà thơ không tiềm lực, những chiến trường không hậu phương
Giặc ném bom, những F, những B không đòi cảm hứng
Chúng lùa anh Trỗi, anh Đang ra bãi cỏ cọc tre không đòi cảm hứng
Bà mẹ đẻ con, chùm rau quặn lại rỉ rên, không cần cảm hứng
Còn anh, anh đòi cảm hứng mới nên thơ!

Cái chung, cái giống nhau
Giữa sự quận một chùm rau
Và óc nhà thi sĩ
Cái kết tinh của một vần thơ và muối bể
Muối lắng ở ô-nề và thơ đọng ở bể sâu
Cái "lô-gic" nghệ thuật tuân theo "lô-gic" cuộc đời là vẫn thế
Phá vỡ lôgic ư ? Đời dung dị mà rất là phi lý
Hạt giống đen bỗng nở cánh hoa màu.

Có những lúc câu thơ phải bắn cầu vồng
Mà người nhắm vẫn là nhắm thẳng.
Không phải là tìm cách ném cần câu thế này, buông lưỡi câu thế nọ
Mà là tìm nơi lắm cá
Nơi cuộc sống rào rào mùa cá đang đi.
Hãy đi trước cuộc đời như ngọn lửa
Đừng đi sau đuốc, ăn tàn.

Bài thơ không được là cái đuôi sự sống.
Sự sống có rồi, thêm một cái đuôi.
Nhưng cũng đừng là cái đầu như đầu sư tử kỳ lân rằm tháng tám
Tất cả múa may nhờ ở tay người
Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy
Lặn vào cuộc đời
Rồi lại ngoi lên


Hãy giương cung bởi bất thần chim đến
Say đắm, mộng mơ thì giữa trưa bắt được ánh trăng rằm
Hãy chực săn bên cây bởi bất thần trái chín
Đừng có khi thơ qua, thì anh ở xa lòng.

Có những kẻ làm thơ như làm pháo
Cứ hét lên vì sợ chẳng vào tai
Cũng có khi chỉ là pháo xì, cả nhiệt tình là một cái xì hơi.
Nghề làm thơ phải đâu nghề làm pháo.
Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình
Cơn nắng cơn mưa làm điều suy nghĩ
Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe
Một giọt mưa phải lắng nó rơi trên tàu lá cọ chằng quê mình
Trên từng lá chuối chửa từng quen
Ra đi, chạm vào những cơn bão, ngọn gió bất ngờ thổi ở ngoài bốn bức tường quen thuộc.
Nhìn cuộc đời phía dưới phía trên phía sau phía trước
Dù trở lại bên lòng, xin hãy cứ ra đi.

Những câu thơ như dã tràng xe cát bể
Xe cát trên  trang giấy vô công như bãi bể chẳng cấy trồng
Đừng cậy thế thời đại oai hùng, nếu tâm hồn anh cứ bé.
Dã tràng xe cát là xe bên cạnh bể,
Trước sóng lớn nghìn đời nó vẫn vô công.

Dù anh đi qua trái đất chả bao ngày.
Các triết gia bảo anh là cây lau, anh là hạt bụi
Dù anh chỉ là kẻ bình thường, mỗi ngày có bom phải nấp bom, có thịt xếp hàng cầm phiếu thịt
Nhưng mỗi ngày anh có nhiệm vụ và có quyền cầm trái đất để cân
Cầm nó trên tay và đánh giá
Cầm nó bên này và lật ngược phía bên kia
Xem ở đâu có bùn và ớ đâu có máu
Đâu là chân lý và đâu không phải nó
Trước khi viết từng câu từng chữ
Sao anh bảo anh là cây lau, hạt bụi chẳng ra gì!

Quang hợp làm sao nổi những ánh sáng thực ngoài trời
Khi anh ở trong phòng cầm trang giấy giả
Hoa cúc dại ngoài có hương mà hoa cúc khôn của anh trong phòng không có mùi hương.

Nhà thi sĩ như con chim bói cá đầm hồ bát ngát, phải thấy cả tam thiên mẫu của đời, trước khi lao vào bắt một chiếc cá con
Lao như trong tình yêu anh lao vào em vậy
Chỉ một phút lao mà phải lượn trăm vòng
Một phút lao ảo ảo hư hư mà phải lượn trăm vòng rất thực

Hay là để lao vào bắt con cá thực, có khi phải lượn trăm vòng rất đỗi ảo hư
Chộp con cá trong hồ, hay con cải trong mắt chim, chim không biết nữa.
Chộp cái mồi là con cá ư, hay chộp lấy chính mình ?
Ôi lao từ điểm cao, hay từ điểm sâu là nội tâm mình mà lao tới.
Thôi, những điều ấy chưa cần tranh cãi vội
Bởi con cá kia chim đã bắt được rồi,
Thực là con cá, chính là con cá thực,
Và chỉ một con cá thôi, chim phải lượn trăm vòng.

Vầng trán năm 68 các nhà thơ
Giống vầng trán đổ mồ hôi những người thợ trên cầu
Và giọt mồ hôi các thi sĩ hè 1972
Chung với giọt mồ hôi những anh hùng lên mâm pháo.

Nào máu có cấu trúc gì đâu, mà lòng ta chấn động
Chẳng cấu trúc nào trên trang giấy của anh thay được máu người.