Đăng ngày 06/05/2015 21:26, số lượt xem: 684
"Ông đồ" xưa của Vũ Đình Liên (*)
Học vấn uyên thâm đạo thánh hiền.
Mỗi năm Tết đến hoa đào nở.
Bày hàng cho chữ dịp tân niên.
Nho học gặp khi đã thoái trào.
Khiến dân hoài cổ chạnh niềm đau.
Mỗi năm một vắng người thuê viết.
Giấy đỏ buồn không thắm mực tàu.
Thời nay, mỗi độ hoa đào nở.
Bỗng nhiên gặp những “cụ Đồ già”.
Bày biện mực tàu, trưng giấy đỏ.
Xôn xao bán chữ cho người ta.
Khách hàng mua chữ vào thuê viết.
Xuýt xoa, tấm tắc ngợi khen tài.
Mấy ai để ý đâu mà biết.
Ông đồ viết đúng hay là sai.
Lần đầu sát hạch kiểm trình độ.
Phân định vàng thau, chọn thực tài.
Mười người rớt bảy. Ôi!... Cơ khổ!
Ông đồ quay cóp! Chuyện bi hài.
Đến hẹn, xuân sang đào vẫn nở.
Tội nghiệp làm sao “ông đồ xưa”!
Từ khi lộ mặt ông,… đồ rởm.
Chẳng biết hành nghề đâu bây giờ?
Các báo đưa tin: mỗi năm Tết đến xuân về, "phố ông đồ" (khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) lại tấp nập cảnh người cho chữ, kẻ xin chữ.
Kết quả cuộc sát hạch đầu tiên về trình độ thư pháp của các ông Đồ tại Văn miếu-Quốc Tử giám Hà Nội vừa qua đã đặt ra một câu chuyện khá bi hài. Có người không biết cách viết chữ nho đúng phương pháp. Thậm chí có người không biết chữ nho (phải tra từ điển); hoặc có người không thuộc chữ phải lận phao, “quay cóp”…
70% các ông Đồ đã “thi trượt” trong cuộc sát hạch này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có tới 70% số ông Đồ cho chữ dịp Xuân mới ở Văn Miếu-Quốc Tử giám không đạt chuẩn. Tức là viết sai chữ, viết không đẹp, thậm chí không đủ trình độ năng lực để cho chữ trong dịp Xuân mới.
Nét chữ là nét người và việc xin chữ-cho chữ đầu năm mới cũng có thể hiểu là việc xin và nhận tri thức, xin Lộc mới và may mắn.
Chính vì thế, việc có tới 70% các ông Đồ “thi rớt” trong cuộc thi sát hạch khiến không ít người trong chúng ta phải băn khoăn. Với kết quả thi sát hạch thấp như thế, thì liệu các ông Đồ có thể cho chữ. Và liệu người dân có thể tin tưởng xin chữ-xin tri thức các ông Đồ dịp Tết đến Xuân về hay không?
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Trả lời