Đoạn thơ mở đầu bằng hình ảnh “Người đi Mộc Châu” trong “chiều sương ấy”. Giữa một không gian mờ mờ, ảo ảo, hư hư, thực thực, tác giả đã đẩy người đọc về một điểm thời gian xa xôi vô định ở đâu đó trong nỗi nhớ của mình. “Người đi Châu Mộc” ở đây có thể hiểu như là đối tượng trữ tình để Quang Dũng hướng nỗi nhớ, tình cảm và ý thơ của mình đến. Tứ thơ của hai câu thơ thứ hai và thứ ba gợi nên cho ngươi đọc biết bao rung động, suy tư. Chính cái cấu trúc “có thấy…có nhớ…” đã làm cho câu thơ, giọng thơ mang nhịp da diết, khắc khoải, in sâu thêm vào tiềm thức con người. Dường như cái hồn” và cái “bóng” trong không gian ấy đều mờ nhạt, tạo nên cảm thức hoang sơ, cò quạnh. Đối với Quang Dũng, khi viết bài thơ này, cảm hứng chủ đạo là nỗi niềm nhớ thương về đồng đội, cho nên động tới bất kỳ câu thơ nào ta cùng thấy trào dâng nên xúc cảm. Mọi hình ảnh qua cảm quan của người đọc đều ở trong trạng thái mơ hồ, ám ảnh. Và chìm trong những hình ảnh tĩnh ấy, ta thấy nổi lên một hình ảnh “hoa đong đưa” thật đẹp và gợi hình. Câu thơ thứ tư đọc lên nghe giống như trong một thước phim vậy. Đất trời lặng lẽ theo con nước là bông hoa vô thường đơn chiếc.
Cả đoạn thơ nhuốm một vẻ buồn của tâm trạng, nếu như ở những khổ thơ trên trong bài
Tây Tiến người ta thấy một giọng thơ lãng mạn trẻ trung và tươi tắn của anh lính trẻ Tây Tiến thì đến đây, tâm trạng như có phần trùng xuống. Phải chăng giữa mênh mang nỗi nhớ niềm yêu, giữa những hồi ức đẹp đẽ gian khổ mà hào hùng, anh dũng mà tài hoa, lòng Quang Dũng bỗng dưng cảm thấy cô đơn, buồn bã khi chợt hiểu ra rằng tất cả đều đã chìm sâu trong quá khứ.
Phải nói đây thực sự là một đoạn thơ rất hay và đặc sắc trong cả một bài thơ
Tây Tiến. Bời lẽ, khi người ta đọc nó, người ta buộc phải hướng toàn bộ xúc cảm và tư tưởng về nó để cảm thụ được và hiểu được. Hơn thế nữa, tứ thơ gợi nhiều suy tưởng miên man. Nào là “hồn lau”, nào là “hoa đong đưa”, và đặc biệt là “chiều sương ấy”, hình ảnh nào cũng mang màu sắc vô thực, ám ảnh để rồi từ ấy, nó cứ len lỏi, len lỏi sâu thêm vào trong tâm trí cũng như là trong nỗi nhớ của Quang Dũng.
Nếu như coi Tây Tiến là một bản hoà âm thì có lẽ bốn câu thơ này sẽ là một nốt trầm xao xuyến để sau đây lại tiếp tục cất vút cao lên những khúc ca bi tráng của những người lính Tây Tiến anh hùng.
Lời thơ đẹp và tứ thơ lại giàu hình ảnh, chính điều này đã làm nên vẻ đẹp cho toàn đoạn thơ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng “hồn lau nẻo bến bờ” hình ảnh này không chỉ mang nét cô đơn, mà còn gợi nên sự hoang dại của cảnh vật. Và “hoa đong đưa” dường như mang một cái gì đó tương phân với “dòng nước lũ”. Bởi lẽ, “hoa đong đưa” chỉ thường xuất hiện bên dòng sông phẳng lặng hay đại loại như thế. Phải chăng đây cũng chính là một dụng ý nghệ thuật độc đáo của tác giả? Điều này có lẽ cũng chẳng ai biết chắc được, chi biết rằng, Quang Dũng đã thành công trong việc diễn tả được cảm xúc và nỗi nhớ bâng khuâng của mình gián tiếp từ những hình ảnh và tứ thơ mới, độc đáo.
(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)