Bậc đại trượng phu ở đời lập công to dựng nghiệp lớn mà giữ trọn vẹn được trước sau, làm rạng rỡ đời trước để đức cho đời sau thì có ít.
Thời vua Lê Cảnh Hưng, thượng tướng là cụ Quận công họ Phạm dấy lên trong lúc phong trần, lại làm nên cái mà người khác khó làm được. Vậy thì sự rèn luyện và chứa góp hẳn có từ gốc vậy!
Cụ là người làng Bác Trạch huyện Chân Định tỉnh ta (tỉnh Nam Định cũ), cụ làm quan đến chức Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Tuyên lực công thần Đề đốc thần vũ tứ vệ quân, sự vụ Đô đốc, Phủ hữu đô đốc Viêm quận công, Thượng trụ quốc thượng trật, lúc cụ mất được vua phong chức Thái bảo, sau đặt cho tên Thuỵ (hèm) là Trung Vũ, được phong là Phúc thần Hùng nghị oanh liệt đoan túc cần khác đại vương. Tiếng tăm lừng lẫy của cụ so với các bậc danh tướng thời gần đây trong tỉnh nhà thì trội hơn cả.
Sau khi cụ mất 93 năm, mùa hè năm Bính Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 9, cháu thứ của cụ là Phạm Đình Khản và chắt đích tôn là Phạm Đình Thảng đến nói với tôi rằng; “Tổ tiên ngày trước là công thần triều Lê, miếu thờ ở phía Tây Nam làng, mộ cũng là đấy. Vì gặp lúc binh hoả chưa kịp khắc bia, nay nhờ viết cho lời văn bia để kỷ niệm lâu dài”. Rồi các ông đưa ra bản sao các bài chế cáo, phong tặng và tờ trình bày về việc đánh giặc, trong đó ghi đầy đủ đầu cuối về công lao, cách tập luyện của cụ.
Ôi, cụ phấn đấu trong hàng ngũ quân đội mà một sớm được ghi công trạng, nổi tiếng tăm, điều đó đâu có phải chỉ những giỏi về tài võ lược mà thôi đâu, đó chính là do chứa góp những điều tốt nên được báo đền. Ngày nay điều đáng noi gương là những chiến công của cụ.
Xét về cuối đời nhà Lê, giặc cướp nổi lên khắp nơi, cụ đem lòng trung nghĩa đánh giặc hàng trăm trận: buổi đầu phá đồn giặc ở Ngân Già, đánh nguỵ Mạc ở Thanh Lan, bắt Ngộ Nghi ở Cổ Lũng, diệt giặc Mạnh ở Sơn Tây. Cụ đi đến đâu giặc đều thua, đến như việc “giặc Cầu” thì càng oanh liệt. Từ các trận đánh ở Tranh Giang, Đôi Giang rồi đến các trận Kinh Câu, Thiên Bồng và Hương Đại, khiến cho bọn giặc không giữ yên được sào huyệt. Trải qua 5, 6 năm, nào các trận đánh Đồ Sơn, Tô Hệ, Lâm Môn, Mạn Hải, Bình Lãng, Ninh Xá, Lục đầu, Vạn Vân cho đến các trận ở Xương Hà, Phú Dã, Úc Môn, Đồng Lũng, Kinh Môn, Nam Sách - trước sau hơn chục trận. Giặc đến đâu cụ bao vây ráo riết. Thế giặc ngày một co lại. Khi cụ đóng quân ở Hải Dương giặc không dám tới gần. Khi thế giặc đương thịnh ở vùng Châu Hoan, Châu Ái, cụ lại vâng mệnh vua làm An đốc trấn, đánh giặc ở Phạm Giang rồi tiến tới Mê Sơn, đuổi giặc thẳng tới cửa bể Tiên Lý, lại đuổi giặc ở núi Trùng Điệp, ở Quỳ Lăng, ở Hoàng Mai, Bến Bần, rồi bắt sống được giặc Cầu, thực là oanh liệt. Do đó cụ được xếp bậc công thần, được phong chức tước, được ban ruộng thế nghiệp ở 30 xã với số ruộng 650 mẫu. Cụ là tướng lĩnh đứng đầu thời bấy giờ.
Ôi Nguyễn Hữu Cầu là một giặc rất mạnh ở triều Lê, chiếm giữ vùng đông bắc chống với quan quân triều đình. Thế giặc lan tràn cả đến vùng châu Hoan, Châu Ái, lúc ẩn lúc hiện khoảng hơn 10 năm. Quan Thượng thư Kinh giao là Quận công họ Phạm giữ chức thống lĩnh, cụ cùng với viên quan này đồng tâm hiệp lực để đánh giặc. Xem như trong bài “Trần từ” cụ nói: “Lệnh quân rất nghiêm túc, không được xâm phạm của dân dù chỉ mảy may”. Cụ lại nói “dẹp tận gốc, đuổi đến cùng, không được yên nghỉ một nơi”. Cụ còn nói: “Đêm lạnh vượt suối trèo đèo muôn vàn hiểm trở”, đó là tấm lòng kiên quyết vững như sắt đá, dù chết không hài lòng nếu không phải là bậc trung nghĩa trội hơn hẳn sao có thể như thế được; công gây dựng từ bao đời, cách rèn luyện hàng ngày biểu hiện ra việc làm đủ chứng tỏ vậy. Cho nên cụ được hưởng tước lộc, làm rạng rỡ đời trước để âm đức cho đời sau thực là đáng lắm!
Cụ sinh năm Tân Tỵ (1701), thăng tước Quận công năm Cảnh Hưng 13 (tức là năm Nhâm Thân 1752). Cụ mất năm cảnh Hưng 25 thọ 64 tuổi.
Thân phụ của cụ được phong là Đô chỉ huy sứ. Thân mẫu của cụ được phong là Tự phu nhân. Cụ có 3 con trai, 8 con gái. Con trưởng của cụ tên huý là Đình Y, năm Cảnh Hưng, thứ 39 đánh được giặc Diễn, được phong là Anh liệt tướng quân Đô chỉ huy sứ Y thọ hầu, giữ chức Hiệp trấn Tuyên Quang. Lúc mất được phong tặng Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Tham đốc, tên Thuỵ là Thông Quả. Con trai thứ hai của cụ tên huý là Trần Thiện. Chiêu Thống năm đầu làm Binh bộ Hiệp lý, Đề đốc tứ vệ, ngự doanh Ngân dương hầu. Vận nhà Lê đến lúc suy, vua Chiêu Thống phải chạy ra nước ngoài rồi mất ở đấy. Ông theo vua trải qua bao gian khổ ở nước ngoài 16 năm. Triều nhà Thanh cảm lòng trung nghĩa của ông nên phong tước là Kiêu Kỵ hiệu Uý, quốc triều chép công khen thưởng. Con trai thứ 3 cụ huý là Đình Nhai, được phong là Hoằng tín đại phu. Các con gái cụ đều lấy chồng ở các họ danh vọng. Đến ngày nay họ hàng đông đúc đó là nhờ phúc ấm của cụ còn để lại.
Than ôi non sông như cũ, trung nghĩa vẫn còn. Nay căn cứ vào các điều mắt thấy tai nghe ghi chép lại để đời sau được biết. Còn như nói rằng “dùng văn chương để làm rạng rỡ đức tính của cụ thì tôi không dám”.
Nay ghi: Ngày 28 tháng 6 năm Tự Đức thứ 9 (1856).
Đồng tiến sĩ khoa Mậu Tuất giữ chức Ngự sử đạo Lạng - Bình nguyên hàm về hưu, kẻ hậu sinh ở làng Ngoại Lãng huyện Thư Trì cùng Phủ là Doãn Khuê hiệu Bảo Quang.
Người khắc chữ: Tú tài Trần Gia Thuỵ, chắt ngoại.