Chỗ cao siêu nhất trong nghề văn do ở khí hạo nhiên. Đó là thuộc về phần hình nhi thượng của tạo hoá, không tiếng hơi, không bờ bến, thu lại là tinh thuần, khoáng sung ra du cửu, khi tĩnh như trời êm bể lặng, đem muôn vật vào cõi êm đềm, khi động như sấm sét, như mưa bão, làm cả thế giới đều rung chuyển, cả mặt trời mặt trăng phải đổi sắc, một linh cơ tự nó ẩn hiện biến hoá, vô cùng vô tận, không có thế nào đo lường được, vì thế gọi là hạo nhiên.

Những bậc chính nhân quân tử ở nước ta, như Tiều Ẩn như ông Giới Hiên đời Trần, ông Ức Trai, ông Bạch Vân Am đời Lê, ông Thanh Hiên, ông Ngộ Trai đời Nguyễn, há phải là những người suốt đời chỉ vùi đầu ở trong làng văn mặc để tiêu ma hết tháng hết năm, thế mà mỗi khi làm được một câu, một bài, đều có giá trị đặc biệt, thành một văn gia là tại sao? Là vì những bậc ấy bẩm thụ được một phần hạo khí rất khinh thanh, bình nhật lại có rất nhiều công hàm dưỡng, khi nào cảm xúc với cảnh vật thiên nhiên của tạo hoá, như khóc, như cười, như tĩnh, như say, như bực dọc, như hả hê, như nhớ nhung, như khuây khoả, tự nhiên tả ra thành văn: mưa gió tuôn đầu ngọn bút, mây ráng bay trên mặt giấy, lắm lúc chính nhà viết được một câu đắc ý mà lại ngờ là không phải của mình làm ra, vì thế cổ nhân có câu rằng: “văn chương như hoá công”, tưởng không phải là nói ngoa vậy.

Nước ta sau khi tuyên bố độc lập, tôi vào thăm Thuận Hoá, ông Trần Lệ Thần cho xem một tập văn dịch 120 bài thơ Đường, làm theo lối lục bát và song thất lục bát, trong lúc ông ở đảo Chiêu Nam. Tôi đem so với nguyên văn, cân nhắc, đo đắn từng chữ, từng nghĩ một, không hiểu làm sao khi đọc văn Đường tôi tưởng là văn Trần quân, khi đọc văn Trần quân, tôi lại tưởng là văn Đường. Tôi sực nhớ tới một đoạn ở trong Truyện Kiều:

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối chảy ra nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoáng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Những câu ấy cũng đều dịch ở trong Đường thi, nhưng nếu bảo là Đường thì dịch những câu ấy ra, cũng có nhiều người tin là thực, có lẽ từ sự cảm xúc đến sự miêu tả, khi đã vào chân cảnh, thì Đường và Việt văn gia vẫn là đồng tâm đồng điệu chăng?

Hồi tưởng lúc Trần quân ở Chiêu Nam, xa nước, xa nhà, ngày đêm thui thủi, trên trời dưới bể, giữa có một than; nếu so một người với trời bể, thì người thấm vào đâu, nhưng nếu bảo trời bể là của một người, thì hoài bảo không khoáng biết là dường nào! Ức tắc thở với làn không khí, khối lỗi rửa với ngọn thuỷ triều, lúc này chính là lúc thiên chân thường lưu lộ ra; những bài Đường thi chỉ là mối cảm hứng để khêu gợi tâm sự của Trần quân, mà Trần quân vớo Đường văn gia lại cùng một khâm hoài, vì thế mới có tập văn này.

Tôi viết mấy lời ra đây, không phải chỉ để tán dương một tập văn dịch đúng và hay, nhưng cốt là muốn giải bày chỗ kiến giải riêng của tôi về nghề văn. Có phải người nào và lúc nào cũng viết được văn không? Làm thế nào điều khiển được tài trử, biểu diễn được tư tưởng và tình cảm? Xưa có người phê bình văn Thiếu Lăng, cho là “cùng tắc thông” về sau người ta dùng câu ấy để phê bình chung các danh văn gia. “Cùng” đây chỉ về cảnh ngộ, “cùng” có ý nghĩa thanh cao đối với những bậc đạt giả. Có đạt mới thoát ra ngoài trần tục và vào tới cõi hạo nhiên. “Công” là khéo, nhưng không phải khéo dũa gọt, khéo gò ghép; khéo có vẻ hồn hoá như thợ trời. Tôi thiết tưởng người nào đã lĩnh hội được chữ “cùng” của người quân tử, chữ “công” của bậc văn hào mới thưởng thức được cái chân thú ở trong nghề ngâm vịnh vậy.


Viết tại Hà thành ngày 22 tháng sáu năm Ất Dậu

Đây là bài Tự trong sách Đường thi của Trần Trọng Kim, NXB Tân Việt, 1950.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]