Tầng Địa ngục thứ VII. Ngục thứ hai. Những người tự sát bị biến thành cây. Số phận của Firenze.

Nesso chưa sang đến bờ bên kia,
Thì chúng tôi đã vào một khu rừng,
Chưa từng có dấu vết của lối mòn đi lại!

Lá cây không xanh mà một màu xám xịt,
Cành không thẳng mà vặn vẹo xù xì,
Quả không có mà chỉ toàn gai độc!

Thú rừng xa lánh cả những vùng trồng tỉa,
Từ sông Serina đến tận Coocneto,
Không rừng nào rậm rạp và dữ dằn như thế!

Đây là nơi loài ác điểu Acpi làm tổ,
Đã đuổi dân Troy chạy khỏi thành Strofade,
Vì lời báo trước về một tương lai thê thảm.

Chúng có cánh chim nhưng cổ và mặt người,
Chân có vuốt cong, bụng lớn đầy lông lá,
Và rền rĩ trên những cành cây kỳ lạ.

Thầy tôi bảo: - “Trước khi tiến vào sâu hơn,
Con nên ghi nhớ, con đang ở ngục thứ hai,
Và vẫn ở đó cho tới khi

Đi vào bãi cát rùng rợn,
Hãy nhìn cho kỹ và con sẽ thấy,
Bao sự việc có thể xóa hết lòng tin vào những điều ta nói”.

Khắp nơi nghe tiếng người than khóc,
Nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng người,
Quá sửng sốt tôi vội dừng chân.

Tôi đoán chừng thầy đã nghĩ tôi tin rằng,
Lời than khóc là của những người đang ẩn nấp,
Ở đâu đó sau các lùm cây.

Nên thầy bảo: - “Nếu con bẻ vài cành,
Của một cây nào đó,
Thì thắc mắc của con sẽ lập tức sáng tỏ”.

Tôi bèn giơ tay ra phía trước,
Bẻ một cành của cây ngái gần bên,
Cây bỗng kêu lên: - “Sao lại hành hạ ta như thế?”

Từ chỗ cành gãy máu đen túa chảy,
Cây lại bảo: - “Sao lại tàn hại ta như vậy?
Hay là ngươi không còn chút nhân tình?

Chúng ta, xưa cũng là người, nay là cây,
Bàn tay ngươi nên sẽ sàng mới phải,
Dù chúng ta đã là những linh hồn rắn rết.”

Như một mẩu củi tươi đã cháy một đầu,
Những đầu kia vẫn nghiến răng, rên rỉ...
Tiếng thoát ra ấy là nhờ có gió.

Vậy là từ cành gãy cùng phát ra,
Lời nói và cả máu khiến tôi vô cùng kinh hãi,
Buông rơi cành cây và đứng  im tại chỗ.

Bậc hiền giả của tôi lên tiếng: - “Hỡi linh hồn bị xúc phạm
Nếu từ đầu nó đã có thể tin,
Những gì đọc được trong thơ ta.

Thì với ngươi tay nó đã không chạm tới,
Nhưng sự việc quá khó tin khiến ta cũng dính líu,
Hành động đó, làm nặng trĩu hồn ta!

Xin cho biết ngươi là ai nếu có thể,
Để sửa sai nó sẽ làm sống lại ký ức của ngươi,
Nơi trần thế, mà nó còn có quyền trở lại!”

Cây đáp: - “Người đã thuyết phục được tôi với lời lẽ dịu dàng,
Khiến tôi không thể im lặng, nhưng xin chớ phiền,
Nếu tôi có điểm tô chút nào câu chuyện kể.

Tôi là người giữ hai chìa khóa,
Của trái tim hoàng đế Federicgo,
Khóa, mở lẹ làng, một tay tôi quán xuyến.

Bí mật của Đức Vua tôi giữ kín,
Cực trung thành với chức vụ vinh quang,
Đến quên cả ngủ và coi thường sinh lực.

Thói đố kỵ không hề rời mắt,
Trơ tráo nhòm ngó cung điện Cesra
Cái chết thì chung, còn tật xấu, riêng của cung đình.

Nó nhen dần ngọn lửa chống tôi trong các linh hồn.
Lửa bén dần đến cả hoàng đế Augusto,
Địa vị sướng vui biến thành tang tóc đau buồn.

Tâm hồn tôi, trong tột cùng phẫn uất,
Nghĩ rằng, bằng cái chết, sẽ trốn được sự khinh thường,
Chống lại mình, một người chính trực, tôi đã bất công!

Với gốc rễ mới của thân phận cây cối,
Tôi xin thề chẳng bao giờ phụ lòng tin,
Của Chúa tôi, niềm vinh quang xứng đáng.

Nếu một trong hai người có thể trở về dương thế
Xin bảo vệ giùm ký ức về tôi,
Đang bẹp dí dưới những đòn đố kỵ”

Chờ một lát nhà thơ liền bảo:
- “Hắn đã ngừng đừng bỏ phí thời gian,
Để hỏi thêm, nếu con còn muốn biết”.

Thầy liền tiếp: - “Nếu người ta hết lòng đáp ứng,
Cài điều mà ngươi cầu khẩn,
Thì hỡi hồn đang bị cầm tù xin hãy nói thêm.

Vì sao hồn lại nhập được vào cây,
Và nếu có thể cũng xin cho biết,
Có bao giờ hồn thoát khỏi thân cây?”

Bấy giờ cây thở dài một tiếng thật to,
Rồi gió đồi thành tiếng nói:
- “Chỉ xin trả lời vắn tắt.

Khi một linh hồn dữ dằn,
Tách khỏi xác do chính mình mong muốn,
Thì Miniot sẽ quẳng xuống tầng thứ bảy.

Xuống rừng này, nhưng nào được chọn lựa!
Rơi xuống đâu là tùy sự rủi may!
Ở đó nảy mầm như một hạt mì nâu.

Rồi đâm trồi và biến thành cây hoang dại,
Ác điểu Acpi đến mổ lá ăn,
Gây đau đớn cho cây và tạo cửa cho niềm đau đớn.

Chúng tôi rất muốn trở lại hình hài cũ,
Như mọi người, nhưng chẳng còn cái gì... để nhập,
Thực không đúng, nếu lại được cái chính mình đã vứt đi!

Chúng tôi sẽ kéo xác tới đây,
Chúng sẽ treo trong khu rừng buồn thảm.
Mỗi cái trên cây của oan hồn hung hãn.”

Đang chú ý lắng nghe lời cây nói,
Vì nghĩ rằng cây còn nhiều điều khác nữa,
Bỗng sửng sốt nghe tiếng động ầm ầm.

Tưởng như đang tiến đến phía mình,
Con lợn rừng và cả đoàn thợ săn,
Nghe rầm rĩ tiếng cành cây và thú vật.

Đây rồi, có hai người từ sườn đồi bên trái,
Trần truồng, tơi tả, đang chạy trốn rất nhanh,
Làm gãy bao cành cây, rừng núi.

Người thứ nhất kêu lên: - “Cứu tôi với, cứu tôi với! Ôi Thần Chết!”
Người thứ hai như thấy mình còn quá chậm
Gào lên: - “Lano, chân mày đâu có nhanh như thế.

Khi ở chiến trận Toppo!”
Và như đã hết hơi kiệt sức,
Hắn lao vào, cùng bụi cây kết thành một khổi.

Phía sau chúng kín cả khu rừng,
Một bầy chó đen đói khát đuổi theo,
Như thể chúng vừa được tuột xích!

Chúng ngoạm răng vào người nấp trong bụi,
Xé ra từng mảnh, từng mảnh,
Rồi tha đi những tứ chi thê thảm.

Người bạn đường nắm lấy tay tôi,
Dắt tôi đến bên cây đang than khóc,
Những vết thương đang ròng ròng chảy máu.

- “Ôi, Jacopo Da Santo Andrea,
Nào có ích gì đâu, anh dùng tôi làm nơi ẩn nấp,
Tôi có lỗi gì với cuộc đời anh tội lỗi?”

Thầy tôi dừng lại trước bụi cây,
Và hỏi: - “Ngươi là ai mà xum xuê cành lá,
Máu tuôn trào và lời than đau đớn?”

Cây nói: - “Hỡi những linh hồn mới tới,
Để chứng kiến nỗi đau khổ dã man,
Đã vặt trụi của tôi bao cành lá.

Xin hãy nhặt dùm và gom lại dưới gốc cây sầu thảm.
Tôi là dân của đô thành đã vì thánh Batista,
Mà đuổi đi vị chủ nhà thứ nhất.

Với tài nghệ của mình, Ngài đã làm cho điêu đứng.
Và nay chỉ trên cầu sông Arno
Còn sót lại ít dấu tích của Người.

Thì sau đó, những công dân của đô thành,
Trên đống tro tàn do Attila để lại,
Đã xây dựng lại một cách vô ích,
Và tôi đã biến nhà mình thành giàn treo cổ!”