Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

Đó là những kẻ kỳ cục sống bằng ngòi bút
Mà cũng có khi không sống tuỳ lúc của mùa
Đó là những kẻ kỳ cục xuyên qua sương lạnh
Với những bước chân chim dưới cánh của ca thi

Linh hồn họ bỏ quên dưới những cầu sông Seine
Xu họ thì trong những cuốn sách chưa hề bán
Vợ họ đâu đó trong điệp khúc một bài ca
Nói với chúng ta về tình yêu và trái cấm

Họ thêm sắc màu vào cái xám của phố phường
Rồi cất bước và tưởng rằng mình đi trên biển
Họ cột ru băng quanh những chữ của tự mẫu
Và để chúng hứng gió dắt chữ nghĩa ra đường

Đôi khi họ nuôi chó làm bạn đường đói khổ
Cho chúng liếm bàn tay của bút mực thân tình
Nơi đầu mõm của chúng là ánh sáng thuỷ chung
Đưa họ bay tới những miền đất đai phi lý

Đó là những kẻ kỳ cục nhìn những bông hoa
Và thấy trong nếp hoa những nụ cười đàn bà
Đó là những kẻ kỳ cục ngâm nga về đau khổ
Trên những phím tim và vĩ cầm của linh hồn

Tay họ trụi lông nhưng chưa quên thời tung cánh
Mà mai sau văn học hẳn sẽ mắc thêm vào
Những bóng ma họ buốt giá trên những thùng rác
Nơi thơ lại chết bởi hậu quả của Nghệ Thuật

Họ đi trên trời xanh đầu bước trong thành phố
Nhưng cũng biết dừng chân ban phúc lành cho ngựa
Họ bước trong kinh hoàng đầu đi trên hoang đảo
Nơi hồn bọn đồ tể không thể để chân lên

Họ có những thiên đường bị bảo là nghệ tạo
Những khổ thơ mười xu của họ bị bỏ tù
Chẳng khác gì xích chân một ngôi nhà cao tầng
Chỉ tại bọn trưởng giả bê tha trong rãnh cống...

Chú thích của người dịch:

Tôi nghe Les poètes vào thời mới lớn, cuối thập niên 50, hay đầu thập niên 60. Thi sĩ cũng là một bài thơ sử dụng thể thơ cổ điển mười hai âm (alexandrin) với vần tréo ở cuối câu (abab), đã để lại ấn tượng mạnh ở tôi. Tôi không bao giờ dám nghĩ rằng mình có thể dịch nổi bài thơ này. Nhưng nó vẫn nằm đâu đó trong não, trong tim tôi từ ấy.

Thời gian gần đây, “đi tìm thời gian đã mất”, tôi ráng đọc lại, nghe lại, xem lại những cái mình đã đọc-nghe-xem và từng ưa thích, hoặc đã muốn (đọc-nghe-xem) nhưng chưa gặp dịp hay chưa có phương tiện, tiếp cận chúng một lần cuối cùng, trước khi ra đi.

Hôm thứ Tư 8.3.06 vừa qua, bỗng dưng tôi lấy bài Thi sĩ ra đọc lại chơi. Rồi dịch thử. Câu đầu: “Ce sont de drôl’s de typ’s qui vivent de leur plume” đã đến với tôi một cách hết sức dễ dàng tự nhiên dưới dạng thơ mười chữ tiếng Việt: “Đó là những kẻ kỳ cục sống bằng ngòi bút”. Sau đó, tôi cứ dịch tiếp bằng những câu tiếng Việt mười từ như vậy, độ nửa giờ sau là xong hết, gần như một cách hoàn chỉnh ngay, chỉ cần sửa đổi một vài chữ nhỏ. Sẵn hứng tôi dịch thêm vài bài nữa, cũng nhanh và dễ như vậy, và khá hài lòng.

Tôi không trân trọng những cái mình làm được, viết ra, nhưng lần này, nói thiệt, tôi thấy thích thích, nếu không muốn nói là “khoái lắm”. Tôi nghĩ, Léo Ferré nếu sống lại (và đọc được tiếng Việt) chắc anh cũng không chê bản dịch của tôi. Tôi nghĩ, vẩn vơ, rằng có thể là vì tôi yêu ca khúc và ca từ của Ferré quá đỗi nên “hồn thiêng” của anh đã về phò hộ tôi chăng? Mà cũng rất có thể, tuy nhìn vào bản dịch nhưng mắt tôi vẫn chưa rời nguyên tác, tai tôi vẫn chưa hết nghe tiếng hát Léo, như một người si tình vẫn nhìn thấy hình ảnh người yêu cũ trong kẻ đã phản bội mình (bản dịch).

Rất mong bản dịch Thi sĩ đã/sẽ gây được vài cảm xúc nơi người đọc. Bạn nào chưa nghe nhạc Léo Ferré có thể vào Amazone.fr tìm nghe thử vài khổ nhạc mẫu. Nhưng làm vậy là với thiện chí của người mù xem voi, rất đáng được... ca ngợi. Cứ thử xem!