Đọc thơ Anh Ngọc như chợt được một lần bắt gặp cảm xúc của chính mình, mà đâu phải của riêng mình:

Khi người không yêu ta
Buồn đã đành một nhẽ
Khi ta không yêu người
Sao cũng buồn đến thế?
Khổ thơ như trải ra trước mắt chính trái tim và những điều còn ẩn giấu. Ai lại không biết nữa: Yêu mà không được yêu thì đau khổ là chuyện của muôn đời. Yêu đơn phương một người mà chuốc lấy nỗi đau cho riêng mình rõ ràng là chuyện của không ít người. Còn:
Khi ta không yêu người
Sao cũng buồn đến thế?
là của riêng ai?
Xin đừng giấu cảm xúc của mình nữa. Xin đừng cố tỏ vẻ thờ ơ trước những lời yêu dành cho mình dẫu mình “Không yêu người”. Có tiếc nuối, có bâng khuâng, có hụt hẫng như vừa đánh mất cái gì đó của mình, dẫu mình còn chưa nhận. Nghĩ thật hay người ta trao tặng mình không muốn nhận nhưng trả đi rồi lại thấy bâng khuâng, liệu không muốn nhận hay không thể nhận? Để nhắm mắt tiếc nuối:
Như đánh mất điều gì
Lòng bâng khuâng khó tả
Như thể mắc nợ ai
Món nợ không thể trả
Mắc nợ? Nợ ân tình người trao tặng cho ta, nợ một tình yêu. “Không yêu người” mà như thể mình mắc nợ, cái món nợ có nguyên do. Ai đủ can đảm để cắt xử rạch ròi cái món nợ kia, món nợ của riêng mình hiểu và tự mình nhắc mình. Câu thơ như một sự day dứt, dằn vặt. Chỉ “như thế” thôi nhưng rõ ràng không thể là sự buông xuôi hờ hững trước món quà được tặng.

Từ trong sâu thẳm những tiếc nuối day dứt bâng khuâng ta bắt gặp một sự so sánh quả hơi lạ ẩn sau chút màu sắc vị kỷ:
Có lẽ ta thương người
Giờ này đang lủi thủi
Hay là ta thương ta
Từng chịu nhiều hắt hủi
Có lẽ phải thế, nghĩ mình rồi ắt sẽ nghĩ đến người cái vị kỷ của Anh Ngọc dắt người đọc đến sự đồng vọng cảm xúc của con tim. Thế mới hiểu, ta thương kẻ ăn mày bởi ta sợ một ngày kia ta cũng lâm vào cảnh ăn mày như họ (ý của một nhà thơ dặn con). Còn Anh Ngọc thương người bởi ta từng chịu chứ không phải sẽ chịu. Câu thơ nhờ đó toát lên một tâm sự kín đáo nhưng không kém phần chân thật. Thì ra “cho một người” nhưng cũng là để cho mình. “Hay là ta thương ta” câu thơ chợt buốt đau một câu tự hỏi dành cho mình, một sự hiểu mình đến thương người sâu sắc.

Cái làm cho cả bài thơ chợt khó hiểu và trở nên như bài toán đố, là ở khổ thơ cuối cùng, khổ thơ khép lại bài thơ, dẫn người đọc về với cái nơi bắt đầu của nó. Cứ tưởng hiểu hết phần nào chợt trở nên mông lưung không tài nào đi sâu hơn được nữa là thế này đây:
Ngỡ chẳng có gì đâu
Mà sao thành rắc rối
Tất cả chỉ một lời
Nói hay là không nói?
Nói gì? Không nói gì? Nói những bâng khuâng khó tả, nói những tiếc nuối day dứt, nói cái ngổn ngang khi “chợt thấy mình cô đơn”, hay sẽ nói về “ta thương ta từng chịu nhiều hắt hủi?”. Chỉ có thế thôi mà trở thành rắc rối, chỉ có thế thôi mà làm thơ tặng “cho một người”, nhưng cũng chỉ dừng lại được ở đó.

Khi tôi nhìn bóng người ấy khuất xa, mới biết mình thương đến tột cùng câu thơ và những điều Anh Ngọc muốn “nói hay không nói”. Không, không thể nhận món quà người ấy tặng cho ta, cả trái tim và tình yêu chân thành nhất nhưng nói lời chối từ đâu dễ phải không ai? Để mãi còn day dứt:
Tất cả chỉ một lời
Nói hay là không nói?


Nguyễn Thị Thu Hải
tửu tận tình do tại