Hương Sơn nơi ấy một vùng quê
Chẳng muốn đi xa, chỉ muốn về.
Nhớ đọi chè xanh lòng bủn rủn,
Thèm con cá mát dạ buồn tê.
Bãi Bè tấp nập giang cùng ná,
Kẻ Truá tưng bừng lạc với kê.
Ngàn Phố, Mồng Ga hưu ấy nhỉ,
Dựng căn nhà nhỏ, nghị mà mê!
02/9/2019
Có phải vua Lê Thánh Tông từ năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ mười (1469) ở tận kinh thành Thăng Long xa xôi cảm được cái hương thơm trong trẻo của núi rừng nơi đây mà đặt tên cho huyện là Hương Sơn? Hay là quan lại các cấp xét thấy không thể dùng cái tên nào khác hợp hơn cho vùng đất bốn mùa xanh thẳm trên trời, dưới núi từ đỉnh Giăng Màn quanh năm mây phủ qua rú Mồng Ga xuôi về Thiên Nhẫn với chín mươi chín ngọn nối tiếp nhau điệp trùng cứ trong lành, cứ thơm thảo mà đệ trình lên?
Đất phải có nước. Núi phải có sông. Xuyên suốt chiều dài huyện là dòng sông Ngàn Phố uốn lượn quanh co theo hình sông, dáng núi với những triền cát trắng phẳng lỳ, tinh khôi, ấy là nói khi chưa bị đào bới, xới lộn khai thác cát kiệt quệ như hiện nay và nước sông thì, trừ khi là vào mùa lũ, luôn trong văn vắt như thể không thể nào trong hơn được nữa ấy. Trong đến đỗi mà nhà thơ Vương Trọng khi tả về cô gái trồng cây của Lâm trường Hương Sơn buổi chiều xong việc ra sông Ngàn Phố tắm đã “nhìn thấy” thế này:
Cô gái trồng cây chiều ra sông tắmThời gian con tạo xoay vần để rồi cái tên đất nơi ấy, cái vùng người nơi ấy cũng đã được định danh với tên huyện Hương Sơn kể đã năm trăm năm mươi năm tròn trịa!
Ngàn Phố xanh trong, da cô mịn trắng
Cuối bàn chân hòn sỏi trắng lung linh…