Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 02/11/2017 21:52, số lượt xem: 381

Ngàn năm đất học sử còn ghi
Đền thật linh thiêng khó thể bì
Từ dạo Nho Công vinh bái tổ
Cũng khi Trần Toản giã trường thi
Về trời canh cánh tình em ấy
Ở lại mang mang nghĩa bạn ni
Giúp bạn vũ môn đà vượt hội
Nhớ thương đền dựng Bạch Vân nì.

Tự hoạ bài Đề đền Bạch Vân

01/11/2017

Chú thích: Truyền thuyết kể lại rằng: Đinh Nho Công (1637-?) người tổng Yên Ấp, nay là xã Sơn Hoà, ra Thanh Hoá tìm thầy trọ học, kết thân với Trần Toản là một người địa phương rất thông minh, sáng dạ. Sau khi cả hai cùng đậu cử nhân, chia tay về quê, hẹn 3 năm sau cùng ra Kinh đô thi Hội.

Trước khi đi thi, một đêm Đinh Nho Công nằm mơ Trần Toản cưỡi ngựa trắng đang đi ngược về Hương Sơn, quê mình. Trần Toản nói: “Khoa này chỉ có chú đi thi, còn ta đã về trời hơn một tháng nay, bài vở kỳ thi ta đã soạn sẵn, giắt trên chái nhà, chú qua nhà ta bảo vợ ta đưa cho. Ta mừng cho chú khoa này đậu Tiến sĩ. Xin đừng quên ơn ta”. Quả nhiên, khi qua nhà Trần Toản thì Trần Toản đã về trời thật. Kỳ thi đó, Đinh Nho Công đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (khoa Canh Tuất, nên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời vua Lê Huyền Tông.

Sau khi vinh quy bái tổ, Đinh Nho Công lại nằm mơ thấy Trần Toản dặn: “Sáng hôm sau đến làng Thịnh Xá, thấy đám mây trắng tụ ở đâu thì dựng đền cho ta ở đó để nhớ ơn tình bạn tri kỷ không bao giờ phai”. Đinh Nho Công đã cho xây dựng đền ở đây và lấy tên là đền Bạch Vân (đền Mây Trắng).

Đền Bạch Vân, di tích văn hoá cấp Quốc gia, đang được trùng tu với chi phí lên tới 20 tỷ đồng.