Bài thơ
Bên ô cửa đá phác hoạ vẻ đẹp buổi sáng vùng cao và cuộc sống của đồng bào người Mông qua cái nhìn chân thành, hồn nhiên của bạn nhỏ.
Nhà thơ Hoài Khánh sinh 1963, quê ở Hải Phòng. Ông là nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi và đã nhận được nhiều giải thưởng về đề tài văn học này.
Theo các nhà nghiên cứu nhận xét, Hoài Khánh là người “luôn giữ được cái nhìn và cách nghĩ của trẻ thơ trong cảm hứng sáng tạo”.
Bài thơ
Bên ô cửa đá phác hoạ vẻ đẹp buổi sáng vùng cao và cuộc sống của đồng bào người Mông qua cái nhìn chân thành, hồn nhiên của bạn nhỏ. Đó cũng chính là tình yêu thiết tha, sâu đậm mà người bạn nhỏ đã dành cho quê hương yêu dấu của mình.
Vẻ đẹp của buổi sáng vùng cao được nhà thơ Hoài Khánh miêu tả bằng rất nhiều hình ảnh độc đáo. Trước hết, đó là hình ảnh “mây rủ nhau vào nhà”. Do nhà ở trên núi cao, mây theo đó cũng bay vào một cách tự nhiên. Ở đây, mây hồn nhiên như con trẻ, thích đùa nghịch, thích rủ rê đi chơi. Thêm nữa, do bạn nhỏ nhìn ra từ cửa sổ nhà mình, vậy nên ông mặt trời nhô lên trông cũng rất “khó nhọc”, cũng phải “leo dốc” từ phía đằng xa.
Các động từ “rủ”, “leo dốc” đã nhân hoá mây và ông mặt trời như thể con người, cũng biết vui chơi, cũng leo trèo khó nhọc. Chính điều đó đã làm cho khổ thơ mở đầu thật ngộ nghĩnh, hồn nhiên:
Buổi sáng em ngồi học
Mây rủ nhau vào nhà
Ông mặt trời khó nhọc
Đang leo dốc đằng xa.
Sau hình ảnh mây và ông mặt trời ở khổ 1, vẫn qua cái nhìn và cảm xúc của bạn nhỏ bên ô cửa đá, hình ảnh tiếng chim buổi sáng lảnh lót vang lên khi ngày mới bắt đầu. Điều thú vị là tiếng chim không chỉ rất hay mà còn biết “kéo nắng lên rực rỡ” nữa.
Có lẽ nắng đang lên, chim cũng vừa hót thành ra có cảm giác như tiếng chim nâng đỡ và kéo dần ánh nắng ban mai lên cao. Vậy nên, khoảng trời như được mở thêm ra, trong xanh và rộng lớn vô cùng:
Lảnh lót tiếng chim ca
Kéo nắng lên rạng rỡ
Cả khoảng trời bao la
Hiện dần qua ô cửa.
Quả vậy, hai khổ thơ 1 và 2 đã miêu tả vẻ đẹp của buổi sáng vùng cao thật bình yên, thơ mộng. Tác giả Hoài Khánh đã rất tài tình khi sử dụng biện pháp nhân hoá để biến các hình ảnh thiên nhiên như mây, mặt trời, tiếng chim, ánh nắng trở nên sống động và có tính cách con người qua cái nhìn tuổi thơ hồn nhiên, mơ ước. Đó là điều làm cho thơ Hoài Khánh có một nét riêng và được thiếu nhi yêu mến.
Nếu khổ 1 và 2 là bức tranh thiên nhiên buổi sáng vùng cao tươi đẹp thì khổ 3 và 4 nhà thơ lại tập trung miêu tả khung cảnh sinh hoạt của đồng bào người Mông. Tuy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng người Mông sống yên ả, thanh bình.
Họ thường thức dậy sớm, thổi lửa nấu ngô. Tác giả Hoài Khánh đưa các hình ảnh bếp lửa, hương ngô và đặc biệt là những chú ngựa thân thiết đang ăn cỏ hay lá ngô non bên vệ đường đã dựng lên cuộc sống bản Mông nơi miền Tây Bắc thật hiền hoà, tĩnh lặng.
Vẻ đẹp ấy êm êm theo tiếng trẻ học bài bên ô cửa đá nên thật tuyệt diệu và giàu chất thơ:
Trong bếp còn đỏ lửa
Hương ngô thoảng ra ngoài
Rìa đường dăm chú ngựa
Đứng nghe em học bài.
Quả vậy, qua cái nhìn của bạn nhỏ, bản Mông của em tuy đơn sơ, bình dị và nằm “chênh vênh bên dốc đá” nhưng bạn nhỏ rất yêu quý và tự hào. Nơi ấy, mỗi ngày em vẫn được đón nhận biết bao điều mới lạ bước ra từ trang sách hồng tuổi thơ, từ những gì học được bên ô cửa đá nhà mình:
Bản Mông em sơ sài
Chênh vênh bên dốc đá
Vẫn có bao điều lạ
Từ sách hồng bước ra.
Bên ô cửa đá khắc hoạ bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và thanh bình nơi vùng cao Tây Bắc của Tổ quốc. Không những thế, tình yêu thiết tha và niềm tự hào về bản làng yêu dấu, về cuộc sống con người trên quê hương bản Mông của người bạn nhỏ trong bài thơ thật đáng quý và trân trọng biết bao!
Thục Lê
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]