Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 15/10/2024 07:24, số lượt xem: 151

Măng tre Mạnh Tông ăn ngon lắm
Tre khua rót rét cũng bùi tai
Măng non a dua theo bóng nắng
Tre già oanh tạc tháng ngày dài.

Thân tre rỗng tuếch kêu to quá
To thân nhưng chẳng có dài gai
Lá như mũi giáo nhưng không sắc
Phất phơ trong gió thắm trang đài!

Lông nhung êm ái phủ vỏ hung
Kém thấm được sương, tiếc vô cùng!
Sơn mạch hút vào cho ngọt nước
Đường tuy ướt át, tiếc đường chung!

Không sống một mình, mọc từng cụm
Không sợ gió lùa, được chống lưng?
Vỏ ngoài đần dại, khôn trong lỏi
Mưa nắng dạn dày, cấu thành rừng.

Chẳng thấu rừng tre, chẳng buồn sầu
Cót két ngoài tai, văng vẳng đâu
Vi vu hun hút, rừng nhiều muỗi
Đứng trên vách núi, rừng ngang đầu!

Rừng thẳm còn sâu, đứng ở ngoài
Măng không ngó tới, tại không dài
Bao nhiêu biến động trong thời khắc
Bao nhiêu xấu hổ? Đẹp mặt mày?

Tre già nhiều mắt nhìn không thấu
Quê kệch làm sao thấu nỗi trần
Bập bẹ măng non ưa sắc bén
Trên đỉnh tâm linh đứng chen chân.

Bún măng ngọt nước thanh tao quá!
Miệng lưỡi phàm nhân cũng được ăn
Lạ lùng cao thượng hơn người thấp?
Bao trượng thân tre cũng từ măng.

Tay không bẻ măng, măng không gãy
Mượn gió bẻ măng được ích chi?
Tuy thơ con cóc, tầm chưa lớn
Ăn chén canh măng, nhỏ tức thì!

Vạn vật hữu linh, tre không khác
Có ích hay không bởi do người
Dò khắp bốn phương, tìm nhân kiệt
Nhìn măng tranh mọc, có kẻ cười!

Mình biết cây tre có vai trò quan trọng trong văn hoá người Việt Nam. Vì vậy, bài thơ này là không chỉ đơn thuần khen tre Mạnh Tông, mà còn muốn nhấn mạnh sự ngon lành đặc biệt của món bún măng. Thật sự bổ rẻ, thơm ngon tròn vị ♡ Đó không chỉ là món ăn, mà còn là một trải nghiệm ẩm thực không thể quên!

Hôm đó, mình đi cùng hai cư sĩ và hai người bạn: Thầy chủ nhiệm mình có làm thơ, mình rất biết ơn vì được học thầy; Bác Út là nhân vật “chủ nhà” mà mình đã viết trong bài “Tư lự”. Thơ của bác rất sâu sắc, nhưng đã lâu rồi bác không còn sáng tác, mình hiểu lí do; Thằng bạn mình là người khiến mình thích lắng nghe hơn là trả lời, vì hiểu biết của nó rất rộng; Người còn lại là bạn thâm niên của mình, nhỏ rất rành giáo lý và luôn nhiệt tình với đạo. Mình rất vui khi được tung tăng đi trước bốn người, lắng nghe họ trò chuyện.

Trên đường đi, cả nhóm ghé vào một quán nước cạnh rừng tre, nơi có một hội tác giả trẻ đang đi thực tế. Mình ngồi nghe chăm chú, nếu ai ngoài cuộc nhìn vào, chắc sẽ nghĩ mình rất hứng thú với những chuyện đó. Nhưng cả nhóm đều biết tính của mình. Thực ra, mình chỉ đang quan sát và đánh giá. Mình cố tình nói vài câu đùa dường như “vô ý”, vì nhận thấy đối diện mình là một cô có vẻ thông thái. Sau đó, mình rủ mọi người đi chỗ khác. Mọi người trêu: “Sao Cẩm Giang không lại tham gia đi?”. Mình nhõng nhẽo: “Con chỉ biết làm thơ con cóc, người ta bài bản như vậy mà”. Thầy mình cười nói: “Đi thôi, chứ tui dạy Văn, mà ngồi đây tui mắc cỡ quá”. Câu nói của thầy không thể hiểu theo nghĩa cạn. Khi đến quán bún măng, mình vừa ăn vừa ríu rít về những “khuôn mẫu” mà hội tác giả kia vừa chia sẻ, và kết lại bằng câu: “Con hong thích”. Tóm lại, bún măng rất ngon!