Dưới đây là các bài dịch của Nguyễn Đình. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 6 trang (59 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Anh chôn của và bạn (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Huỳnh Lý, Nguyễn Đình

Chàng ky cóp dày công thu nhặt
Tiền quá nhiều biết cất vào đâu?
Keo thường là bạn của ngu
Anh chàng đầu óc rối mù, tối đen
Khó tìm chủ đáng tin gửi của
Phải có nơi cất đã mới yên:
“Bởi ai thấy bạc không thèm?
Tiền mòn dần nếu giữ bên cạnh mình
Và chính ta trở thành tên bợm
Hưởng của mình là trộm mình ư?
Kể thì ông bạn hơi ngu
Của không hưởng, của khư khư để dành
Là của nợ. Hỡi ông anh!
Một mai già cả chúng mình cần chi?
Vàng ôm, vàng có quý gì?
Nhọc khi chắt bóp, cực khi giữ gìn”
Không đem gửi kẻ đáng tin
Anh chàng chỉ bới đất đi chôn vùi
Giúp tay còn cậy một người
Sau đôi ba tháng lại dời chân xem
Hỡi ôi! vàng đã biến êm!
Lẽ đương nhiên gã anh em đáng ngờ!
Chạy tìm: “Này chú giúp cho
Bữa nao còn ít ta đưa chôn cùng”
Anh kẻ cắp lòng mừng khấp khởi
Vàng đem ra lại gửi nơi xưa
“Tạm thôi, sau lấy cũng vừa
Chì, chài khuân trọn, ngon ơ! mất gì?”
Nhưng lần này chàng kia lại lõi
Đào trọn về để hưởng để tiêu
Không ky cóp, chẳng chôn liều
Tên gian tội nghiệp mơ theo món hời

Lừa quân lừa bịp dễ thôi


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hai dê cái (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Đình

Khi dê gặm cỏ no rồi
Dê ưa phóng túng cuộc đời thênh thang
Tìm nơi bãi rộng đồng quang
Non xanh nước biếc nơi hoang vắng người
Nơi không nẻo tới đường lui
Cheo leo vực thẳm, chơi vơi đá ngàn
Ấy nơi dê thích nhảy quàng
Quen chân, khôn cản các nàng lêu têu

Đôi dê nọ phiêu diêu rộng cẳng
Từ biệt đồng cỏ phẳng rong chơi
Mỗi nàng một ngả hai nơi
Tình cờ một chốn cả đôi đụng đầu
Trên dòng suối bắc cầu ván nhỏ
Cầy lại qua cũng khó đi đôi
Dòng sâu nước xiết chơi vơi
Dẫu cho nữ tướng mấy tài cũng kinh
Thế mà các cô mình chẳng núng
Đây bước lên, đó cũng bước lên
Như vua hai nước láng giềng
Cùng nhau tranh chấp một miền biên cương
Và thế đấy. hai nường liều mạng
Bước, bước đều, trán trán đối nhau
Kiêu căng ai nhượng ai đâu
Cả hai tiến tới giữa cầu cuồng ngông
Cậy điều cao quí giống dòng
Cháu bà đọ với con ông, đủ vành
Đều giữ thế chẳng đành nhường bước
Cùng lăn kềnh xuống nước cả đôi

Chuyện này chẳng mới trên đời
Bước đường danh lợi loài ngưởi khác đâu


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Loài vật phải bệnh dịch hạch (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Đình

Các loài vật bị dịch hạch

Một họa lớn gây tai dữ dội
Họa trời gieo lúc nổi lôi đình
Để trừng trị tội chúng sinh
Chính là dịch hạch! âu đành gọi tên
Cái họa một ngày đêm cũng đủ
Làm ngổn ngang đầy ứ tuyền đài
Họa nhè lũ vật gieo tai
Dù không chết hết, muôn loài đều vương
Chán cuộc sống đau thương hấp hối
Kế bảo sinh chẳng đoái chẳng hoài
Cao lương cũng chẳng buồn xơi
Thờ ơ, chồn sói mặc mồi thơ ngây
Chim gáy cũng lìa bầy lánh bạn
Hết ái ân, thôi cạn nguồn vui!
Thiết triều Sư tử phán lời:
"Chư khanh thân ái, nếu tôi không lầm
Trời cố phạt lỗi lầm ta đấy
Nên bắt ta gánh lấy họa này
Tội tình ai nặng nhất đây
Phải hy sinh để dịu ngay lòng trời
May ra bệnh muôn loài được khỏi
Sử sách xưa đã nói rành rành
Gặp tai biến ấy âu đành
Vì nhau ta phải quên mình cứu nguy
Đừng tự dối làm chi các bạn!
Nghiêm xét mình cho tận lương tâm
Trẫm thì tham thực quen thân
Miệng rồng trót nhá hàng trăm cừu rồi!
Cừu đâu động đến người của trẫm
Không dối vua, chẳng dám khinh nhờn
Đôi khi tội trẫm còn hơn
Ngon mồm có lúc xơi luôn... mục đồng
Nếu cần trẫm vui lòng hiến mạng
Nhưng xét ra muốn đặng phân minh
Mỗi khanh nên thú tội mình
Theo gương của trẫm chí tình mới hay
Bởi đúng lẽ, ai dày tội nhất
Phải hy sinh mới thật công bình"
Cáo ta đứng dậy tấu trình:
"Muôn tâu thánh thượng anh minh tuyệt trần
Lệnh ngài quả băn khoăn quá mức
Nhá cừu ư? giống ngốc, giống tồi
Có gì đáng tội ngài ơi?
Chúng còn hân hạnh được ngài nhá cho!
Thằng chăn nữa, cái đồ vô lại!
Chính hắn nên chịu mọi nhục hình
Cái đồ ngợm quá hợm mình
Toan trên muôn vật ngông nghênh trị vì!"
Cáo vừa tấu lời ti tiện đó
Lũ nịnh thần rầm rộ vỗ tay
Chẳng ai động đến tội dày
Của Hùm, của Gấu, của bầy đầu to
Loài gây sự đến đồ chó má
Theo lời cung đều hóa thành con!
Lừa ta đến lượt mở mồm:
"Thưa, tôi còn nhớ một hôm thế này
Qua bãi cỏ nhà thầy tu nọ
Đói, thời cơ, ngọn cỏ mịn màng
Ma đưa lối, quỉ dẫn đàng
Cỏ kia tôi gặm khoảng bằng lưỡi tôi
Tôi nào có quyền xơi thế chứ
Vì lẽ công xin thú rạch ròi"
Lừa ta chưa kịp dứt lời
Nhao nhao kết tội, tiếng sôi cả triều
Sói am hiểu ít nhiều pháp luật
Liền hô hào diễn thuyết ba hoa
Rằng cần hiến mạng Lừa ta
Cái con ghẻ lở gây ra vạ trời!
Lỗi tí tẹo tức thì thành án
Xử giảo ngay mới đáng tội dày!
Gặm cỏ người, tội ghê thay!
Tội kia chỉ có cách này: giết thôi
Để Lừa biết tội trời đầy đủ
Chúng lôi ngay cổ nó hành hình

Lạ chi công lý triều đình
Sang hèn thay đổi tội tình trắng đen


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Gấu và hai bác lái (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Đình

Gấu và hai bác lái

Túng tiền, hai bác lái
Gạ anh bạn thuộc da
Để bán cho anh ta
Da một con Gấu sống
Mà theo lời hứa khống
Họ giết chết nay mai
Họ tán tỉnh: Đây loài vua Gấu
Da sẽ làm người tậu giàu ra
Đánh lùi cơn rét cắt da
Lót thừa một áo, khéo là được đôi
Họ tán tới tán lui con Gấu
Dẻo quẹo hơn mồm lão lái trâu
Tính suy không kể Gấu đâu
Mà theo cái bụng, cái đầu lái ta!
Hẹn hai bữa giao da vua Gấu
Mặc cả xong họ tẩu đi lùng
Gặp ngay một cụ Gấu hung
Nhằm hai bác lái mà xông thẳng vào
Hai bác lái khác nào sét đánh
Giao ước kia phải tính làm sao?
Giữ lời, chả giữ được nào
Họ đành vứt cả ước giao cho rồi!
Khoản thiệt hại đền bồi phí tổn
Đòi Gấu ư? Ai dám mảy may!
Bác này trèo tót ngọn cây
Bác kia lạnh toát chân tay như đồng
Nằm nín thở, sấp lưng giả chết
Như lời truyền, Gấu ghét thây ma
Thân không sống, không thở ra
Thân không động đậy, Gấu tha không màng
Ngài Gấu tựa thằng đần bị bịp
Thấy nằm im tưởng chết thật rồi
Còn ngờ, ghé mõm tận nơi
Lật qua lật lại, ngửi hơi mũi mồm
Đúng xác chết! Thối om! Thôi xéo!
Gấu nói xong tếch nẻo rừng bên
Tụt xuống đất chạy đến liền
Bác kia vội tỏ nỗi niềm hân hoan:
- Ôi, may quá! Tưởng tan xác chứ!
Lại rằng: Nào, da Gấu ra sao?
Rỉ tai Gấu bảo gì nào
Mà đưa vuốt lật, ghé vào tai anh?
- A, Gấu nó bảo mình cậu ạ!
Khi Gấu chưa bị hạ hãy khoan
Chớ đem da Gấu rao hàng!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Sư tử dùng binh (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Huỳnh Lý, Nguyễn Đình

Sư tử xuất chinh

Hùng sư nảy ý xuất chinh
Họp ban tư vấn chiến tranh bố bài
Điều tướng lĩnh phán muôn loài
Sẵn sàng tất cả tuỳ tài lập công
Voi phải tải trên lưng quân bị
Chiến đấu theo thường lệ kiểu voi
Công đồn Gấu phải kịp thời
Cáo lo kế mật, trận bài binh cơ
Khiến địch lảng phải nhờ kế Khỉ...
Bỗng có người dâng ý lên Sư:
“Đuổi phăng Lừa, giống lừ đừ
Và tên Thỏ đế cuốn cờ chạy vung”
- Không! - vua phán - Trẫm dùng cả chứ!
Loại họ ra đội ngũ không tuyền
Làm loa Lừa hét địch kiêng
Giấy tờ Thỏ chạy giao liên tài tình

Thấy xa, cẩn mật vua minh
Dùng người chẳng bỏ cả anh kém tồi
Tận tường ưu điểm bề tôi
Chẳng ai vô dụng với người khôn ngoan


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Nồi đất và nồi đồng (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Đình

Nồi đồng nọ rủ anh nồi đất
Cùng nhau đi du lịch một phen
Thoắt nghe nồi đất chối liền:
- Cứ bên bếp núc chẳng phiền... lại khôn
Thân tôi vốn vừa giòn vừa mảnh
Động vào dù chẳng mạnh cũng tong
Giữ thân nguyên vẹn khó lòng
Có đâu da sắt xương đồng như anh!
Anh thì bước thênh thênh ai cản
Nào có lo sứt trán trầy da
- Trăm điều che chở có ta
(Nồi đồng vội đáp tỏ ra chí tình)
Rồi có gặp tình hình bất trắc
Đụng phải đồ như sắt như đanh
Thân ta đây vững như thành
Chen vào đem hết sức mình đỡ nhau
Lời phân giải đuôi đầu cặn kẽ
Nồi đất nghe yên chí cùng đi
Ba chân khập khiễng cặp kè
Gập ghềnh lại đụng, gồ ghề lại va
Nồi đất phải xuýt xoa chịu tuốt
Chưa bước xong trăm bước đồng hành
Bị bạn va vỡ tan tành
Thiệt đời nồi đất sự tình khôn kêu!

Ngẫm thế sự muốn điều bầu bạn
Đồng đẳng và bình đẳng mới nên
Chớ như nồi ấy mà phiền


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tai thỏ (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Đình

Thú có sừng một con nào đó
Húc Hùng Sư mấy cú bị thương
Sư khùng, để tránh tai ương
Đuổi xa Sư quốc loài mang cặp sừng
Dê, cừu, hoẵng, nai cùng bò tót
Đều xéo ngay, hộc tốc đổi vùng
Thỏ ta thấy bóng tai mình
Sợ quan ngự hạch là sừng thì nguy
Tai dài thượt, ngắm đi ngắm lại
Khác gì sừng, khó cãi mồm ngoa
"Chào bạn dế, tôi chuồn xa
Đôi tai này dễ hóa ra cặp sừng
Ví bằng nó cụt như đà điểu
Vẫn cứ lo mồm đểu tán điêu"
Dế rằng: "Sừng ấy phải đâu!
Chúa sinh tai đó, họa ngu mới nhầm"
Con vật sợ nhập tâm, đáp lại:
"Họ biến ra sừng tất, bạn ơi!
Sừng kỳ lân nữa! Cãi chơi?
Cãi cho cứng lý để ngồi nhà điên!" (*)


(*) Thời La Fontaine nhiều người bị vu là điên và bị đưa vào nhà thương điên vì chính quyền không ưa.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Con cá nhỏ và người đánh cá (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Đình

Cá con và người câu cá

Cá con sẽ trở thành cá lớn
Miễn trời cho cá sống bình yên
Nhưng mà câu được cá lên
Thả chờ nó lớn, chẳng điên cũng cuồng
Cá đã thả còn hòng bắt lại
Phiêu lưu thay, chuyện đại tào lao!

Chép con một chú lau nhau
Rìa sông mắc phải lưỡi câu một chàng
Chàng ngắm cá, nói rằng: "Cũng tốt
Cá kể đầu, miễn được nhiều con
Cũng thành một bữa chén ngon
Thôi, ta bỏ giỏ, chả còn nề chi!"
Cá lâm quẫn, nằn nì giọng cá:
"Bắt tôi làm cái thá gì, ông?
Thân tôi nửa miếng là cùng!
Chờ tôi lớn đã, đáng công câu về
Gặp tay sụ sẽ mê, mua đắt
Còn hơn câu lắt nhắt thế này!
Trăm con một đĩa không đầy
Ra gì, không đáng làm rầy miệng ông!"
Chàng câu đáp: "A, không đáng kể!
Chú mình ơi, bàn dễ nghe chi!
Tán hươu tán vượn ích gì
Chiều nay bỏ chảo rán đi tốt rồi!"

Chắc chi cá nước chim trời
Mà ham bắt bóng thả mồi trong tay!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Truyện cô hàng sữa (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Đình

Cô hàng sữa và hũ sữa

Cô Perết đội đầu hũ sữa
Đặt êm ru vào giữa đệm bông
Cô ta chắc mẩm trong lòng
Ra cho đến tỉnh chắc không hề gì
Người nhanh nhẹn, chân đi rảo bước
Bởi hôm nay cô mặc gọn gàng
Để cho thoăn thoắt lẹ làng
Tênh tênh giày mỏng, nhẹ nhàng váy đơn
Cô hàng sữa nhẹ tơn gọn lỏn
Vừa bước vừa tính toán gần xa
Rằng đem tiền sữa bán ra
Mua ngay trăm trứng ấp ba mái cùng
Kể chẳng khó, thông đồng bén giọt
Tay gái này chăm chút đảm đang
Cô rằng: "Việc cũng dễ dàng
Quanh nhà gây lấy một đàn gà con
Cáo có giỏi xơi ngon ít chú
Còn bán đi cũng đủ một heo
Lợn mua đâu phải tẻo teo
Vỗ to mấy nỗi cám bèo chóng thôi!
Bán lợn được tiền tươi bạc tốt
Ai cấm ta mua nhốt vào chuồng
Cứ theo giá cả tương đương
Một bò mẹ với một chàng bê con?
Chàng bê con lơn tơn nhảy nhót
Giữa đàn bò, sướng mắt ta xem!"
Đến đây Perết hứng lên
Nhảy rơn, hũ sữa lăn chiêng đổ nhào
Bê! Bò! Lợn! Gà nào! tiêu tán!
Nhìn của rơi lênh láng bốn bề
Cô tôi ngao ngán quay về
Xin chồng tha lỗi còn e ăn đòn
Câu chuyện được người đồn khắp xứ
Thành chuyện vui: "Cái hũ sữa bò"

Hão huyền ai chả như cô?
Ai không có lúc ngồi mơ xây lầu?
Kể ai cũng giống nhau đấy chứ
Picrôcôn, Piaruýx [*], cô em
Người hiền triết, kẻ cuồng điên
Mơ trong khi thức là tiên trên trời
Hồn phiêu lãng vào nơi ảo mộng
Của hoàn cầu ôm gọn tay ta
Về ta tất cả vinh hoa
Về ta phụ nữ nõn nà trần gian
Ngồi một mình, thách trang cái thế
Đi lật ngai hoàng đế như chơi
Dân yêu tôn phắt lên ngôi
Ngập đầu mũ miện như trời đổ mưa
Giật mình tỉnh giấc tan mơ
Bố cu mình lại vẫn là bố cu


[*] Picrochole: nhân vật trong truyện Gargantua của nhà văn Pháp Rabelais, phỏng theo nhân vật lịch sử cổ đại Pyrrhus.
Pyrrhus: vua xứ Epirus, đã từng đánh bại quân đội La Mã, nuôi mộng xâm lược toàn bờ Bắc Địa Trung Hải, nhưng trong khi đánh vào một thị trấn, bị một bà già từ trên mái phố ném một viên ngói giết chết (thế kỷ III trước Công nguyên).

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lừa và chó con (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Nguyễn Đình, Huỳnh Lý

Tài ít chớ xít ra nhiều
Không chút yêu kiều
Lại vô duyên tệ
Rù rờ khệ nệ
Dù cố làm duyên
Cũng chẳng trở nên
Con người duyên dáng
Kẻ tốt số mạng
Trời phú biệt tài
Khiến cho mọi người
Gặp là thích thú.
Duyên kia mặc họ
Chớ bắt chước Lừa!
Lừa kia muốn được chủ ưa
Vuốt ve chủ để được đùa được nuông
Nó nghĩ: bởi Cún dễ thương
Nên ông bà đãi ngang hàng ngang vai
Còn ta, gậy cứ phang hoài!
Cún đưa một cẳng là người ôm hôn
Làm theo Cún, thật giản đơn
Để người cũng nựng, cũng tôn, ẵm bồng...
Ý đẹp trong đầu nấu nung
Thì vừa thấy chủ nhân ông tươi cười
Nặng nề Lừa xán lại người
Đưa móng mòn nhẵn nhui nhui vào cằm
Để thêm tình tứ thâm trầm
Hét lên, đệm khúc giai âm họ Lừa
Chủ: “Ồ! ve vuốt thú chưa?
Lại thêm hát nữa, êm tai lạ đời!
Gậy đâu?”
Gậy múa tức thời
Lừa liền đổi điệu. Kịch vui hạ màn


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 6 trang (59 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối