Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Núi Đôi (Vũ Cao): Vẫn có lỗi

"Hàng thông bờ có con đường quen." 
Sửa lại là
"Hàng thông bờ cỏ con đường quen"
"Từ núi qua thôn, dường nghẽn lối" sửa lại cho đúng là
"Từ núi qua thôn, đường nghẽn lối"
"Giữa đêm bộ đội vây đồn Thửa"
sửa cho đúng là "Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa"
"Ngơ chùa cháy đỏ những thân cau"
sửa cho đúng là "Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau"

Ảnh đại diện

Nhớ Bắc (Huỳnh Văn Nghệ): Tình cảm dành cho cố hương của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Theo tôi thì Huỳnh Văn Nghệ mượn hình ảnh chúa Nguyễn Hoàng để tự giãi bày nỗi lòng mình thì đúng hơn. Đọc một số tác phẩm có nhắc đến những hoạt động của Huỳnh Văn Nghệ đặc biệt là hồi ký "Quê hương rừng thẳm sông dài" của ông thì thấy ông luôn tự nhắc mình cũng như những người Nam bộ khác nhớ về gốc gác của mình là ở "xứ Bắc", ông luôn khẳng định tổ tiên của ông là người Bắc đã theo chúa Nguyễn vào Nam "mở cõi" vậy tình cảm của ông thể hiện qua bài thơ Nhớ Bắc chính là tình cảm của một người con xa xứ nhớ về cố hương.

Ảnh đại diện

Nhớ Bắc (Huỳnh Văn Nghệ): Huỳnh Văn Nghệ - Nhà thơ anh hùng

Tôi vừa đọc xong cuốn người Bình Xuyên của Nguyên Hùng, trong đó có nhiều đoạn nói đến Huỳnh Văn Nghệ, khu trưởng khu 7 thời chống Pháp. Ông thực sự là một nhà thơ anh hùng, đã chỉ huy bộ đội đánh nhiều trận thắng lớn. Hình ảnh ông đợc khắc hoạ thật đẹp và hùng khi một mình đi vào tận sào huyệt của Bảy Viễn để thực hiện kế điệu hổ ly sơn, giúp cho tướng Nguyễn Bình vô hiệu hoá tên khu bộ phó giang hồ đang có tư tưởng phản bội, trong đoạn này có nhắc đến việc ông thản nhiên vùng vẫy bơi lội dưới sông Soài Rạp đầy cá sấu và có 1 tiểu đội commando do tay chân  Bảy Viễn bố trí đang rình bắn lén khiến người đọc liên tới một con rồng đang vùng vẫy trước bầy lang sói. Ông cũng là người được Bảy Viễn khâm phục bậc nhất cả về trí, dũng và sự mã thượng. Ông cũng là cánh tay phải của Tướng Nguyễn Bình đã giúp ông lập nhiều công trạng khi thống nhất các lực lượng vũ trang nam bộ thời kỳ đầu chống Pháp


Đọc: Người Bình Xuyên. Tác giả Nguyên Hùng.
    Nguyễn Bình - Huyền thoại và sự thật.
Ảnh đại diện

Thuyền và biển (Xuân Quỳnh): Lời bình bài thơ “Thuyền và biển”

Bài 1: Hoàng Thuỷ (7-2006)

Tình yêu là khát vọng muôn đời. Có bao thi nhân trăn trở với cuộc tình thì có bấy dòng thơ mang hơi thở tình yêu. Đọc thi phẩm Thuyền và biển của Xuân Quỳnh, ắt hẳn người đọc sẽ cảm nhận được những tâm sự, khát khao hạnh phúc, những trăn trở âu lo... trong tình yêu.

Hãy lắng nghe Xuân Quỳnh kể anh nghe: “Chuyện con thuyền và biển”. Xưa nay, thuyền, biển, sóng...vốn được thơ ca dành nói nhiều về tình yêu. Xuyên suốt bài thơ Thuyền và biển cũng là hình tượng thuyền, biển. Phải chăng, bởi ở chúng lấp lánh sắc màu tình yêu? Nơi đó, biển bao la sóng vỗ, còn con thuyền bơi giữa muôn trùng. Xuân Quỳnh đã từng băn khoăn đi tìm lời giải đáp:

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
(Sóng)
Nay chị lại thủ thỉ tâm sự:
Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi
Bể tình yêu mênh mông, con thuyền tung cánh ra khơi bởi “nghe lời” biển cả. Và biển sẳn lòng “đưa thuyền đi muôn nơi”- đi theo tiếng gọi thổn thức của con tim. Nếu “lòng thuyền nhiều khát vọng” thì “tình biển bao la”. Nếu “thuyền đi hoài không mỏi” thì “biển vẫn xa...còn xa”. Như vậy, cứ một câu thơ nói về thuyền thì tương ứng là một lời thơ viết về biển. Sự song đôi này ngầm thể hiện sự gắn bó mật thiết không thể tách rời của hai hình tượng thuyền - biển. Đúng là chỉ có thuyền mới “xô sóng dậy” và sóng mới “đẩy thuyền lên”. Tình yêu tìm đến một không gian, thời gian lãng mạn, ấy là lúc:
Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ
Biển bao la là thế mà nay ví như “cô gái nhỏ” bé bỏng, đáng yêu. Cô đang thầm thì gửi gắm tâm tư, ấp ôm “mạn thuyền sóng vỗ”. Lại bất chợt “vô cớ”: “Ào ạt xô thuyền”. Tình em khi dịu êm, khi dữ dội không ngờ! Từ đây, Xuân Quỳnh rút ra một vấn đề có tính triết lí:
Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên
Tình yêu không “đứng yên” và lòng người cũng chẳng bao giờ chịu “đứng yên” chờ tình yêu đến. Tình yêu tất yếu gắn liền với sự khao khát kiếm tìm, mong hiểu lòng nhau. Trong thơ, Xuân Quỳnh khéo léo tách từ “hiểu biết”, để rồi hạnh phúc nào hơn khi mà:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có thuyền mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Nhà thơ sử dụng hai lần điệp từ “chỉ có”, khẳng định đúng là chuyện này chỉ riêng của “thuyền và biển”, cũng là riêng “anh và em” chứ không một người thứ ba thấu hiểu. Đấy là cảm giác hãnh diện, tự tin trong tình yêu hai ta.

Đã yêu, có ai người không biết nhớ nhung? Bút thử màu tình yêu vốn là nỗi nhớ. Thế nên,chỉ cần “Những ngày không gặp nhau” đủ để “Biển bạc đầu thương nhớ” và “Lòng thuyền đau rạn vỡ”. Sự xa cách tính từng ngày làm cho kẻ “bạc đầu thương nhớ”, người “rạn vỡ” tâm can. Đúng là kết quả của một tình yêu chân thật. Biết nhớ nhung, đau khổ vì yêu!

Dường như để khẳng định một lần nữa tình yêu của mình, chị đưa ra giả định:
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
Rõ ràng, nếu xa thuyền, biển hẳn cô đơn. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết:
Em xa anh
Trăng cũng chợt lẻ loi
thẫn thờ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Liên tưởng đến chính mình, Xuân Quỳnh không dấu diếm mà chân thật thú nhận: em chỉ còn bão tố, nếu phải cách xa anh. Ngôn từ “bão tố” khép lại vần thơ như một sự thách thức. Thanh trắc đấy thể hiện cá tính của em - mạnh mẽ, dạt dào sánh với sóng gió biển khơi. Nói lên điều này, tôi nghĩ chắc chắn chẳng bao giờ em muốn “cách xa anh”. Chuyện em kể cho anh cũng là tâm tư em muốn trao anh. Biển là em - cô gái nhỏ luôn khát khao hạnh phúc và anh là thuyền giữa khơi tình sâu rộng.

Với thể thơ năm chữ, giai điệu khi trầm lắng, chậm rãi khi dạt dào mang sức sống biển khơi, bài thơ “Thuyền và biển” mang hương sắc riêng. Lời thơ chân thật, sâu sắc. Hình tượng thơ có tính hàm súc cao. Tình thuyền - biển, anh - em là tình muôn đời. Bão tố hay bình yên, khổ đau hay hạnh phúc? Tất cả cóp nhặt cho phong phú thêm cung bậc tình yêu. Còn tôi, khi viết những điều này, lòng hằng mong trái tim Xuân Quỳnh được bình yên sau tháng ngày đầy bão tố...


Bài 2: Nguyễn Thị Hồng- THPT Như Thanh

Thần thoại Hi Lạp kể rằng: Erox- vị thần tình yêu là một cậu bé bụ bẫm và xinh đẹp, luôn khoác trên vai một chiếc cung tên nhiều màu sắc và những mũi tên làm bằng hoa xoài. Vì là một cậu bé nên Erox sẵn tính hiếu động. Với cung tên trong tay cậu bay đi khắp mọi nẻo, bắn mũi tên vào trái tim rất nhiều người, biến cả cõi nhân gian thành thế giới của tình yêu. Và từ đó, mỗi người sinh ra trên đời dường như ai cũng sống để yêu và được yêu, dù cho “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy ai yêu và đã được yêu”, yêu là đau khổ nhưng oái ăm thay “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”, Xuân Diệu từng nói “Khi chết rồi tôi sẽ yêu ma/ Kẻ đa tình không cần đủ thịt da”! Huống gì chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập những yêu thương!

Xuân Quỳnh cũng vậy, chị sinh ra và sống trên đời là để yêu, đó là một tâm hồn sống trong tình yêu, sống bằng tình yêu. Suốt đời trăn trở kiếm tìm một tình yêu lý tưởng. Suốt đời mệt nhoài để chắt chiu, gìn giữ cái hạnh phúc đời thường, giản dị. Cho nên mỗi lời thơ được chị viết ra dường như đều được đánh đổi bởi những phút giây, những khoảnh khắc khát khao và trải nghiệm!

Thuyền và Biển được hoài thai khi Xuân Quỳnh là một tâm hồn giàu ước mơ, say mê với vẻ đẹp của một tình yêu trọn vẹn - một tình yêu mang tính chất lý tưởng. Bài thơ mở đầu như một dòng tự sự: tự sự về cuộc hành trình của Thuyền và Biển:
Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con Thuyền và Biển
Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi
Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa... còn xa...
Hai sinh thể thuyền và biển phút chốc như lồng trong nhau, thuyền trở thành trái tim của biển, soi chiếu, nâng đỡ, hoà quyện vào nhau làm một trong khát khao khám phá, thấu hiểu và đồng điệu. Một cuộc hành trình yêu bí ẩn và đam mê!

Đứng trước biển Xuân Quỳnh như thấu hiểu tâm hồn của biển: biển gồm cả những con sóng nổi lẫn những con sóng chìm. Bởi mang cả hai thứ sóng ấy mà trong lòng biển không bao giờ nguôi yên. Đại dương thăm thẳm, bao la cũng chính là một tâm trạng lớn với đầy đủ những cảm xúc. Biển như người con gái đang yêu và cũng chính như tình yêu vậy: chẳng bao giờ đứng yên; từng phút từng giây những khát khao những nỗi nhớ, những niềm yêu và sự khắc khoải cứ tràn ngập trong những con sóng lòng để tình yêu mãi là bí ẩn, và cũng để biển có lúc: “...như cô gái nhỏ/ Thì thầm gửi tâm tư/ Quanh mạn thuyền sóng vỗ”, rồi “Có những khi vô cớ/ Biển ào ạt xô thuyền/ Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên”. Dịu dàng và mạnh mẽ, đối lập mà thống nhất, đó cũng chính là bản chất của trái tim yêu đằm thắm, chân thành.

Trái tim Xuân Quỳnh ngày “Thuyền và biển” ra đời còn trẻ và mơ mộng lắm. Như một khao khát, một định mệnh Xuân Quỳnh trở thành thi sĩ của tình yêu, sống vì tình yêu. Có lẽ đó là cách cuộc đời bù đắp cho Xuân Quỳnh cũng có thể là cơ hội để Quỳnh có thể là chính mình. Yêu và khát khao, cuộc đời Xuân Quỳnh trở thành một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc. Với trái tim sôi nổi lúc bấy giờ Xuân Quỳnh khao khát một tình yêu lý tưởng, thuỷ chung, duy nhất và thấu hiểu đến trọn vẹn:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mệnh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu...
Với Xuân Quỳnh, tình yêu không chỉ là sự “gắn bó giữa hai người xa lạ” mà cao hơn đó là sự gắn bó máu thịt “Khi đó em là máu thịt của anh rồi/ Nếu cắt đi anh sẽ ngàn lần đau đớn...”, sự gắn bó ấy cũng như con tàu với đường ray, như sóng với bờ, như thơ với tình yêu và như thuyền với biển: “Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió/ Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố...”. Chính vì thế, thuyền và biển đã làm say lòng những người yêu thơ trước và cho đến nay nó vẫn đủ sức làm xao xuyến những trái tim đang được hưởng cái thần tiên ban sơ của mối tình đầu, vẫn xúc động mọi tình nhân đang ấp ủ những khát mong luyến ái.

Hành trình đi tìm một tình yêu lý tưởng, một tình yêu sống cho nhau và sống vì nhau của Thuyền và biển khi gặp Lưu Quang Vũ mới thật sự thăng hoa, với Thuyền và biển, với tình yêu Quỳnh- Vũ, Xuân Quỳnh đã để lại cho đời một câu chuyện tình bất tử. Để chúng ta mãi thấy Xuân Quỳnh “Tự hát” cho trái tìm mình và cho tình yêu nhân thế: “Em trở về đúng nghĩa trái tìm em/ Là máu thịt đời thường ai chẳng có/ Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi...”.

Trên thế giới này một khi tình yêu còn tồn tại, một khi những tâm hồn vẫn biết rung động, biết yêu thương, biết sống vì nhau thì khi đó “Thuyền và biển” còn làm xúc động lòng người, còn dư âm như lời hát ân tình, tha thiết: “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu...”

Ảnh đại diện

Mưa rơi (Tố Hữu): Bài thơ rất hay

Bài thơ này rất hay, không ngờ 1 nhà thơ chuyên viết những bài hô khẩu hiệu cũng có những phút giây rung động và lãng mạn đến như vậy

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: