23/11/2024 03:41Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cảm nghĩ về bài thơ “Du tử ngâm”

Du tử ngâm

Đăng bởi Vanachi vào 24/03/2006 15:42

 

Với một ý thức hệ nho gia phong kiến, lấy “trung-hiếu” làm đầu, dựa trên nền tảng triết lý nhân sinh đại chúng và đạo lý cương thường xã hội, trong một chế độ quân chủ về chính trị và phụ quyền về xã hội, tại sao rất it những bài thơ Đường ca tụng Tình Mẹ?

Phải chăng những nhà thơ Đường, trong cái sĩ khí của nhà Nho, ngày đêm dùi mài kinh sử để mong đến ngày thi đỗ ra làm quan, thực hiện cái hoài bão “kinh bang tế thế, trị quốc an dân...” hoặc nếu không thành đạt như ý, họ bất lực chán nản buông xuôi và tự ẩn dật chìm mình trong tư tưởng vô vi, hướng về những đề tài thiên nhiên, sơn thuỷ điền viên, với tư tưởng “lạc thiên tri mệnh” (vui trời biết mệnh).

Phải chăng họ đã mang mặc cảm ngại phơi bầy những tình cảm gia đình mật thiết riêng tư, những xúc động chân thành như tình mẹ, vì bị ràng buộc bởi quan niệm nghiệt ngã trọng nam khinh nữ,tam tòng tứ đức đè nặng trong xã hội hủ tục phong kiến, sợ người đời gán cho là kẻ yếu đuối, hèn nhác không phải là bậc đại trượng phu trong thiên hạ?

Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội đó phải chăng chỉ là những chiếc bóng âm thầm, tủi nhục, mang cái thân phận bèo bọt chồng chúa vợ tôi, có nhiệm vụ tôi mọi nô bộc, chỉ biết đầu tắt mặt tối làm việc và không được chia sẻ cái chân lý căn bản của lẽ sống gia đình: hạnh phúc và tình yêu. Thật là thảm thương khi ta mường tượng đến hình ảnh của người phụ nữ, một người Mẹ, một người vợ trong cái xã hội quan liêu bất công đó:
Loạn bồng vi mấn, bố vi cân
Hiểu đạp Hàn sơn tự phụ tân
(Bạch Cư Dị)

Dịch (Hải Đà dịch):
Tóc tua cỏ dại rối bù
Dung nhan tàn tạ, khăn thô che đầu
Nắng mưa sương gió dãi dầu
Đầu non nặng gánh củi sầu thế gian
Nói đến sự đề cao người phụ nữ hay vinh danh người Mẹ trong Đường Thi, thì ai ai cũng phải nhắc đến bài thơ Du tử ngâm. Đó là bài thơ với những lời lẽ chân tình, giản dị, là những tiếng lòng toả ra những âm vang huyền diệu, những nỗi niềm tha thiết dễ làm rung động người đọc, vì đó là nhừng lời lẽ phát xuất tự một con tim chân thật, bộc trực của một người con rất có hiếu, nhà tuy nghèo nhưng đã được Mẹ, hy sinh, tần tảo, dãi dầu nắng sương, chăm lo, nuôi nấng cho đến khi thành tài, dù rất muộn màng mãi đến năm 50 tuổi, cái tuổi tri thiên mệnh mới được bổ làm quan. Khi được làm quan, ông đã nghĩ ngay đến Mẹ già ở quê và vội vàng đón Mẹ về chung sống với ông. Tác giả đã sáng tác bài thơ Du tử ngâm khi đón Mẹ lên Lật Dương (Nghênh Mẫu Lật Dương tác, như lời chú giải của ông). Bài thơ có nội dung ngắn gọn, nhưng mỗi từ ngữ trong thơ rất dạt dào, súc tích, tạo một sự truyền cảm mãnh liệt đến người đọc. Chỉ nhìn những công việc nho nhỏ thôi, những sợi chỉ trên tay của bà mẹ già, những giây phút thầm lặng, cúi đầu chăm chú từng đường kim, múi chỉ để, may, khâu, vá áo cho con, chờ ngày con lên đường đi xa.

Qua bao dặm trường ngăn cách, trắc trở, qua bao cạm bẫy nguy hiểm của đường đời, Mẹ biết bao giờ con trở lại? Đợi ngày vinh qui bái tổ quá xa vời vợi trong trí tưởng của người Mẹ. Cái gì để gửi gắm cho con? Tấm áo khoác trên mình con trên khắp nẻo đường lãng du, dù ở một bến bờ nào đều mang tâm tình ấp ủ, khăng khít của lòng Mẹ. Lòng Mẹ thương con như sông rộng, biển đầy, mênh mang, bát ngát. Nước mắt chảy xuôi, có bao giờ chảy ngược? và người con có đền đáp lại được gì mà người Mẹ đã cho? Cái tâm tình nầy đã trải rộng trong hai câu thơ kết:
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy?
Ai có thể nói rằng tấc lòng của cỏ non đền đáp được ánh sáng của ba tháng mùa Xuân nắng ấm? Đứa con là “tấc lòng của cỏ”, còn Mẹ hiền là “nắng ấm của ba tháng mùa xuân” khi mà những tia nắng đầu tiên xuyên qua kẽ lá, đã phả hơi ấm, làm đâm chồi nẩy lộc những cọng cỏ co ro, ủ rũ, tàn héo, nằm rạp mình trong những ngày đông lạnh lẽo, u ám. Cỏ cũng như những cánh én không tạo dựng một mùa xuân, không đem lại nắng ấm mùa Xuân, nhưng chính những tia nắng ấm đó từ lòng Mẹ đã làm cỏ thắm tươi, xanh ngát để hãnh diện khoe màu cùng vũ trụ. Chính Lòng Mẹ đã hy sinh cho con, muốn cho con nên người, công thành danh toại hầu nở mày nở mặt với thiên hạ.

Bài thơ Du tử ngâm đúng là một tuyệt tác diễn tả được lòng mẹ bao la, đã xuất phát tự con tim, đáy lòng như sự nhận xét của Tô Thức “Thi tùng phế phủ xuất, xuất thiếp sầu phế phủ” (bài thơ xuất phát từ ruột gan, tâm can mà ra, và đã làm gan ruột phải bồi hồi xao xuyến).

Những điệp tự như “mật mật phùng” (mật = dầy, nhặt, gần, khít / phùng = may) đã đối lại với “trì trì quy” (trì = chậm, trễ, muộn, lâu / quy = về) tạo nên những giai điệu rất hài hoà, âm thanh tình mật thiết quyện vào nhau, đã diễn tả được những gì khăng khít nhất, những khắc khoải lo lắng bồi hồi của người mẹ, sợ con đi xa lâu trở về, trên bước đường viễn du không một bàn tay săn sóc, Mẹ chỉ mong sao cho manh áo được dầy, kín, để đủ sưởi ấm thân con trẻ trên bước đường tha phương lưu lạc.

Bài thơ với từ ngữ mộc mạc, giản dị, nhưng đã diễn đạt được cái tận cùng của một bản sắc dân tộc, một cội nguồn của nhân bản: Tình Mẹ, của một đời dầm mưa dãi nắng, của những chuỗi ngày triền miên, cay đắng, chịu đựng, và đợi chờ, khi những đứa con của Mẹ, phải làm “du tử” ra đi thời chinh chiến..., không hẹn ngày trở về...
Mẹ buồn thắp lửa hư vô,
Năm canh khắc khoải sững sờ đợi con
để mà
Đêm đêm trên cánh đồng khô,
Đôi tay vô vọng mẹ quờ trăng mơ
(Mẹ trầm luân, Thơ Hải Đà)

Hai câu cuối của bài thơ Du tử ngâm đã đi vào văn học Trung Quốc, đã tạo ra những thành ngữ trong tự điển Hán-Học như:
“Thốn thảo tâm” = tấc lòng nhỏ ví như tấc cỏ, lòng con hiếu thảo với cha mẹ
“Thốn thảo tâm bi” = tấc lòng của con thương cha mẹ
“Thốn thảo xuân huy” = Tấc cỏ và ánh sáng mùa xuân. Xin đem tấm lòng của con ví như một tấc cỏ mà báo đáp công ơn cha mẹ ví như ánh hồng của ba tháng mùa xuân.
“Xuân Huyên” = công cha nghĩa mẹ như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê,
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao.
Xuân huyên lo sợ xiết bao,
Quá ra khi đến thế nào mà hay!
hoặc:
Xuân huyên nhớ thuở đời tàn
Mẹ ta dầu dãi tảo tần nuôi con
Cha già cải tạo đầu non,
Giao thừa mắt mẹ lệ mòn phương nao
(Nhắn hỏi xuân đài, thơ Hải Đà)
Chuyện Kiều đã đề cập đến chữ Hiếu rất nhiều, hiếu thảo với cha mẹ là việc con cái luôn mong ước được báo đền:
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Nguyễn Du cũng đã mượn hai câu thơ cuối của bài Du tử ngâm để diễn tả nỗi lòng tha thiết muốn báo hiếu cha mẹ, đền ơn sinh thành của người hiếu nữ Thuý Kiều dù phải chịu đựng bao nhục nhằn đau khổ:
Đau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.

Hải Đà Vương Ngọc Long

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Mạnh Giao » Du tử ngâm » Cảm nghĩ về bài thơ “Du tử ngâm”