22/11/2024 10:03Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Huyền thoại sông - Huyền thoại bóng

Con sông huyền thoại

Đăng bởi saoviet vào 11/12/2008 11:26

 

Huyền thoại là một giải pháp thẩm mỹ khi con người chưa đủ sức mạnh tri thức nhằm giải thích những hiện tượng tự nhiên, nhưng khi con người đã nắm được tri thức khoa học thì huyền thoại lại là một giải pháp tối ưu để nhận thức khám phá cuộc sống, làm giàu cảm thụ và mở rộng liên suy tưởng của mình. Trong nghệ thuật ngôn từ, trường hợp thứ nhất thuộc về phương pháp sáng tác huyền thoại - dân gian, trường hợp thứ hai thuộc về phương pháp sáng tác huyền thoại - hiện đại.

Bài thơ Con sông huyền thoại của Nguyễn Trọng Tạo là một “siêu văn bản” của tư duy huyền thoại - hiện đại. Tác giả đã tích hợp các hình ảnh, động thái liên tưởng theo kiểu đồng nhất hoá thần thoại (identification mysthique) cũng do mình tưởng tượng ra để tôn vinh một con sông mang tên huyền thoại. Đây là kiểu tư duy độc đáo, tạo thành hình tượng thơ mới lạ ngỡ như siêu thực nhưng lại tiềm ẩn những giá trị thẩm mỹ hiện thực, nghĩa là người đọc có thể hình dung về một con sông có thật nào đó, và cũng có thể nó chỉ là một con sông mơ hồ tuyệt đẹp như cổ tích trong tâm tưởng của riêng mình.
Con sông mình hạc xương mai
Vàng son in bóng đền đài hoa khôi
Đến đây tôi gửi bóng tôi
Vớt lên thì vỡ tan rồi lại nguyên
Đấy hẳn là một con sông thiếu nữ đài các. Những hình ảnh “mình hạc xương mai” và “vàng son in bóng” gợi lên cảm giác mảnh mai mà lộng lẫy, dịu dàng mà rực rỡ, quí phái vô cùng. Con sông nữ tính này dường như tượng trưng cho cái Đẹp, và người đến gửi bóng chính là nhân vật trữ tình lấy cái Đẹp làm đối tượng để gửi gắm lòng mình. Cái hay của câu thơ ở đây là hình tượng cái bóng gửi vào sông đã hoá thành hữu thể, có thể vỡ tan rồi lại lành nguyên, như tình yêu không bao giờ tan biến mất. Chính ảo giác và ảo ảnh đã làm cho đoạn thơ trở nên lung linh, huyền diệu và giàu sức quyến rũ lạ thường.

Khi cái bóng gửi vào sông đã nguyên lành trở lại, tác giả đưa liên tưởng trở về với hiện thực, và ngay cả hiện thực cũng đồng hiện trong liên tưởng đa chiều, khiến cho đoạn thơ tiếp theo bỗng trở nên sinh động hẳn lên:
Con sông mướt cỏ tóc tiên
Những đêm kỹ nữ bỏ quên nguyệt cầm
Vầng trăng loã thể ướt đầm
Sẩy chân thi sĩ vớt nhầm mỹ nhân
Có một chút gì thật liêu trai trong những câu thơ nửa thực nửa ảo ấy. Từ ngữ ở đây hàm chứa những nghĩa kép liên tưởng đồng hiện: “cỏ tóc tiên” là cỏ hay là tiên? “bỏ quên nguyệt cầm” là bỏ quên đàn hay là bỏ quên trăng? “Vầng trăng loã thể” hay là sông loã thể, hay là mỹ nhân...? Rõ ràng đây là một dòng sông của tài tử và giai nhân có đàn ca xướng hoạ trong đêm trăng tuyệt đẹp. Hai chữ “vớt nhầm” xuất hiện khá bất ngờ và đắc địa khiến câu thơ trở nên thi vị khác thường. Lối kiến trúc thơ theo kiểu tư duy ảo này đã làm cho không gian và thời gian nghệ thuật vừa kỳ ảo lại vừa thăng hoa, gieo vào lòng người những cảm xúc nên thơ và thánh thiện.

Đến đây, liên tưởng của thi sĩ còn đi xa hơn nữa. Nguyễn Trọng Tạo như muốn ngược về quá khứ mờ xa của lịch sử để dệt nên một huyền thoại chưa ai từng biết tới:
Con sông đám cưới Huyền Trân
Bỏ quên giải lụa phù vân trên nguồn
Đồng hiện chi tiết lịch sử có thật là đám cưới của công chúa Huyền Trân (với vua Chiêm là Chế Mân) để đổi lấy 2 châu Ô, Lý cho nước Việt (1306), có liên quan đến “con sông huyền thoại”, gợi ta nhớ đến con sông Hương thơ mộng trong thực tại. Phải chăng “giải lụa phù vân” mà Huyền Trân bỏ quên đã hoá thành dòng sông hay chính dòng sông đẹp như giải lụa phù vân ấy? Câu thơ huyền thoại hoá lịch sử này đã tạo nên một nhận thức mới về Huyền Trân. Có bi kịch nào giữa Huyền Trân và số phận lịch sử của nàng không? Câu trả lời dành cho người đọc, còn thi sĩ ở đây chỉ giúp ta nói lên cái nỗi buồn như định mệnh mà cao cả và thiêng liêng của một bậc “quyền quí trâm anh”, biết nén tình riêng vì đại cuộc, vì chính nghĩa. Vì thế mà hai câu thơ tiếp theo là một tiếng than thầm, một lời đồng vọng, đồng cảm đến day dứt của tác giả:
Hèn chi thơm thảo nỗi buồn
Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ
Đến đây, người đọc có thể khẳng định được “con sông huyền thoại” chính là con sông nào rồi. Một con sông lưu hương nỗi buồn thiên cổ cùng với hoàng hôn màu tím riêng biệt, hiếm con sông nào có được. Đấy chính là con sông Hương của xứ Huế mộng mơ.

Dùng ảo để gợi thực, dùng xưa để đánh thức nay, quả là bài thơ đã hướng tới vẻ đẹp nhân văn bằng lối đi của sương khói vô thường. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo không dừng lại ở đấy, anh muốn đẩy cái Đẹp tới đỉnh điểm tuyệt đối:
Con sông nửa thực nửa mơ
Nửa mong Lý Bạch nửa chờ Khuất Nguyên...
Hai câu kết bài thơ bỗng mở ra một liên tưởng xa vời, gợi ta nhớ đến hai con sông Tương Giang và Mịch La nơi hai bậc kỳ tài là Lý Bạch và Khuất Nguyên đã gửi thân vào miền miên viễn. Khuất Nguyên nhảy xuống sông tự tử, Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng mà chết. Hai cái chết cũng “nửa thực nửa mơ” như huyền thoại vậy. Nhưng tại sao Lý Bạch và Khuất Nguyên lại xuất hiện bất ngờ ở cuối bài thơ? Và con sông mong chờ hay nhân vật trữ tình trong bài thơ mong chờ? Cả hai! Người ta sống vì cái Đẹp, nhưng cũng có thể chết vì cái Đẹp. Đấy mới chính là thông điệp mà nhà thơ muốn gửi tới người đọc - thông điệp về vẻ Đẹp tuyệt đối của Con sông huyền thoại. Và vẻ Đẹp ấy lại được chuyển tải bằng điệu thơ lục bát vô cùng điêu luyện, hữu duyên, hàm súc và thăng hoa của Nguyễn Trọng Tạo, nên càng đọc càng có cảm giác là ta đang hoà nhập vào thế giới huyền thoại sông, huyền thoại bóng ảo diệu của riêng anh.
Huế, 28.12.2002
Hồ Thế Hà

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trọng Tạo » Con sông huyền thoại » Huyền thoại sông - Huyền thoại bóng