13/12/2024 04:29Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Mình và ta là ai trong bài thơ “Việt Bắc”

Việt Bắc (Tố Hữu)

Đăng bởi Minh Trúc vào 28/05/2014 23:28

 

Mình và ta là cách xưng hô thân mật của người Việt được sử dụng khá uyển chuyển trong đời sống. Mình với ta tuy hai mà một, Ta với mình tuy một mà hai. Như vậy mình và ta trong một số trường hợp là một mà thôi. Vì sao có thể như vậy? Vì bản thân đại từ mình là để người nói tự xưng, nhưng mình cũng còn là từ người nói gọi người bạn đối thoại thân thiết. Ta là đại từ để người nói tự xưng, nhưng ta lại cùng bao hàm cả người đối thoại để chỉ người chung một phía, một chí hướng, một mục đích.

Vận dụng cách xưng hô thân thiết của dân gian đó, nhà thơ Tố Hữu tạo ra hai nhân vật trữ tình người đi, người ở với cách gọi mình và ta, tạo ra một cuộc đối đáp đầy tình cảm lưu luyến, bịn rịn.
Mình về mình có nhớ ta.
Mình (người về, người đi) có nhớ ta (người ở lại)?
Ta về, mình có nhớ ta.
Ta (người về, người đi) không rõ mình (người ở lại) có nhớ người đi hay không?

Như vậy là hai nhân vật trữ tình hoán đổi cho nhau cách xưng hô. Ta là người ở lại, ta cũng là người ra đi. Mình là người ra đi, mình cũng là người ở lại. Vì thế mà mình vói ta như hình với bóng, như bóng với hình. Hơn thế nữa, mình không chỉ là người đi, hoặc người ở mà mình còn bao gồm cả hai: Mình đi mình có nhớ mình. Ta cũng không chỉ là người đi, hoặc người ở mà ta cũng bao gồm cả hai:
Rừng cây núi đá to cùng đánh
Tày, Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
Ngoài cách xưng hô mình ta thắm thiết uyển chuyển, nhà thơ còn rất thành công khi sử dụng đại từ ai. Ai để chỉ người ở lại: Tiếng ai tha thiết bên cồn. Ai để chỉ người ra đi: Ai về ai có nhớ không. Và ai là để chỉ một bộ phận người ra đi của ta: Ai về ai có nhớ không, Ta về ta nhớ Phủ Thông đèo Giàng. Ai còn để chỉ một người không rõ tên giữa mình và ta: Rừng thu trăng rọi hoà bình, Nhớ ai tiếng hất ân tình thuỷ chung. Và ai cùng là để chỉ chung tất cả mọi người, cả mình, cả ta: Mười lăm năm ấy ai quên, Quê hương cách mạng dựng nên cộng hoà.

Tóm lại, mình, ta, ai những từ xưng hô đã được Tố Hữu sử dụng linh hoạt tạo nên sự gắn bó rất thú vị giữa người ở, người đi, tạo ra sự bâng khuâng, bịn rịn, tưởng như không thể tách rời giữa Việt Bắc và những người đã gắn bó với quê hương cách mạng, thủ đô gió ngàn.
(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tố Hữu » Việt Bắc » Mình và ta là ai trong bài thơ “Việt Bắc”