23/11/2024 06:21Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vài cảm nhận về bài thơ “Tự hát” của nhà thơ Xuân Quỳnh

Tự hát

Đăng bởi Huy Tráng vào 11/07/2010 19:38

 

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ xuất sắc của những năm cuối thế kỉ XX, thơ của bà đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống bằng những trải nghiệm cá nhân rất riêng. Thơ tình của Xuân Quỳnh rất giàu nữ tính, đó là sự e ấp, nhẹ nhàng nhưng đầy những trăn trở về tình yêu, về hạnh phúc. Yêu như là lẽ sống và nhìn nhận tình yêu bằng cả trái tim mình.

Nếu như phần nhiều bài thơ tình của các tác giả khác chỉ dừng lại ở việc chinh phục tình yêu, ca ngợi tình yêu hoặc thể hiện tình yêu thì với Xuân Quỳnh, việc nuôi dưỡng, chăm chút cho tình yêu là vấn đề được nhà thơ quan tâm hơn cả. Tự hát là một bài thơ như thế.

Bài thơ được viết năm 1984, in trong tập thơ cùng tên do nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành.

Khổ thơ đầu tiên được bắt đầu bằng một sự cân nhắc như trước khi quyết định một vấn đề quan trọng:
Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay
Tác giả không mong muốn trái tim mình bằng vàng? Vì sao vậy? Người ta chả bảo “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” đó thôi? Nhưng đọc cả khổ thơ người đọc sẽ thấy, vàng mà tác giả nhắc đến ở đây là vàng kim loại- có giá trị cao về mặt kinh tế. Bởi vì anh là đàn ông, mà người đàn ông cụ thể là anh thì coi thường của cải. Vật chất dù có là quý giá thì cũng phải dùng đến khi cần. “Chả dại gì” là cách nói có tính nhấn mạnh, nhằm khẳng định một điều em không mơ ước trái tim mình như vàng thật. Còn “anh đã từng biết đấy” là cách nói nhằm tạo sự đồng tình, ủng hộ của người nghe đối với người nói. Khổ thơ vì thế mà sinh động hơn như là một đoạn đối thoại.

Không mơ ước trái tim mình bằng vàng, vậy thì so với Mặt trời thì sao?
Em cũng không mong nó giống mặt trời
Bởi sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em
Mặt trời thì rực rỡ thật đấy, chói sáng thật đấy, nóng bỏng thật đấy nhưng chỉ là ban ngày thôi, còn ban đêm bóng tối bao phủ, khi đó em cũng không thể có anh ở bên, một mình anh với sự im lặng, cô đơn em cũng không có anh ở bên. Cái mà em quan tâm, cái mà em cần đó là anh. Em muốn bên anh cả ban ngày, cả ban đêm, cả khi vui, cả những lúc buồn. Ánh hào quang của mặt trời có thể giúp anh chói sáng, nhưng cái chói sáng đó cũng không bền. Không ít những người đàn ông thành đạt là nhờ vợ, nhưng những thành quả đó người vợ có được hưởng không? Ít lắm.

Hai khổ thơ đầu đã làm rõ một mong muốn còn cao hơn, đó là em được ở bên anh thường xuyên trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Vàng tượng trưng cho vật chất, mặt trời tượng trưng cho danh vọng. Mang vật chất và danh vọng để đắp xây hạnh phúc đều là những phương án bất khả thi.

Không là vàng, cũng không là mặt trời, vậy thì tác giả xác định trái tim mình là gì?
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Nếu như trái tim được coi là biểu trưng của tình yêu thì chức năng của nó là duy trì sự sống. Trái tim không thể làm sống lại những hồng cầu đã chết xét về mặt khoa học, nhưng trái tim có khả năng làm cho sự sống sinh sôi, nảy nở, câu thơ “Biết làm sống những hồng cầu đã chết” hoàn toàn có lí. Người ta nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Một mái ấm gia đình hạnh phúc không thể thiếu bàn tay của người phụ nữ biết vun vén, đảm đang, lo lắng cho những người thân trong gia đình đặc biệt là người chồng.

Xin trở lại với học thuyết phân tâm của Sigmun Freud, lần thất bại thứ nhất trong hôn nhân đã khiến tác giả hoang mang lo sợ và mất định hướng khi tiếp tục yêu. Vẫn con người ấy, vẫn tính cách ấy, vẫn trái tim ấy nhưng đã không thể có một mái ấm hoàn hảo. Những vô thức cá nhân dù cố tránh cũng vẫn bộc lộ, tác giả luôn lo lắng, luôn canh cánh trong lòng chức năng của mình và mình phải làm gì để có hạnh phúc. Đúng, phải là một trái tim hoàn thiện mới mong có được một tình yêu thực sự. Gia đình bất hạnh cũng như một dòng máu thiếu hồng cầu khiến cơ thể xanh xao vàng vọt, hạnh phúc mất vì khoảng cách giữa em và anh quá xa. Cái làm nên sự xa cách đó chính là thiếu đi tình yêu thương, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.

Và đây nữa, tác giả tiếp tuc khẳng định:
Em trở về đúng nghĩa trái-tim
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu
Đọc khổ thơ, ta thấy hiện lên chân dung một người phụ nữ cổ điển với nhiệm vụ là “nâng khăn, sửa túi cho chồng”. Nếu như trong gia đình hiện đại, vợ chồng có nhiệm vụ kiếm tiền và nuôi con bình đẳng thì với quan niệm gia đình truyền thống, người vợ có nhiệm vụ chăm lo cho chồng con, phục vụ gia đình.

Trở về đúng nghĩa trái tim nghĩa là chăm lo cho chồng, cho những ước mơ của anh. “Đằng sau một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ đảm đang” là như thế. Em mong muốn anh hạnh phúc, vậy thì những gì anh mơ ước em cũng quan tâm và mong nó thành công. Đó là điều cốt yếu của một lứa đôi hạnh phúc, biết quan tâm, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Qua những gì em nhận thức được làm cho trái tim em cảm động, đó là khi em nhận biết được những gì anh đã làm em hạnh phúc hơn. Sự tương tác qua lại, giúp đỡ lẫn nhau được thể hiện qua những câu thơ đó. Rồi “Biết yêu anh và biết được anh yêu”. Yêu và biết yêu là hoàn toàn khác nhau. Có người không biết thể hiện tình yêu của mình bằng những hành động cụ thể thì cũng không thể gọi là biết yêu. Có người được yêu nhưng không cảm nhận được, không biết đón nhận, như thế tình yêu cũng không thể gọi là trọn vẹn. Khổ thơ cho thấy một triết lí: Trong tình yêu, trong gia đình, vợ chồng phải biết quan tâm, chia sẻ với nhau, phải biết thể hiện tình yêu và đón nhận tình yêu.

Hai khổ thơ ở trên có 8 câu thì có đến 6 câu được bắt đầu bằng “biết”. Đó là những hành động cụ thể có ý nghĩa thiết thực để có một tình yêu bền vững. Nhưng đạt được như vậy phải đâu dễ dàng thực hiện được, bởi vì thế giới khách quan và cuộc sống luôn tồn tại những rủi ro, những khó khăn không lường hết được:
Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh
Bão giông thường xảy ra vào mùa hè. Bây giờ đã là mùa thu mà giông bão chưa yên. Hình ảnh “Những cửa sổ con tàu chẳng đóng” là điều kiện bất lợi khi giông bão đến. Ngoài kia “Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm” càng làm cho người khách đi tàu thêm lo lắng. Tác giả so sánh mình với một hành khách đi tàu, con tàu sẽ tới ga cuối cùng có tên là “Hạnh Phúc”. Nhưng trên hành trình của nó thì khó khăn quá, mong manh quá, nếu có xảy ra vấn đề gì thì ở bên ngoài cũng chỉ là dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm ấy sẽ không có người đến giúp đỡ. Một mình trước nguy cơ phong ba bão tố, biết tính sao đây. Tất cả để chỉ sự cô đơn, sự lạc loài khi em dấn thân vào cuộc đời anh. Anh cũng khó lường như đại dương, bình yên đó mà bão tố đó. Đàn ông là một thế giới bí hiểm khôn lường. Vì vậy mà em hoang mang lo lắng khả năng và sức mạnh của mình có vượt qua được hay không. Khổ thơ này khác với hai khổ thơ đầu. Nếu như hai khổ thơ đầu là sự cân nhắc, đắn đo khi lựa chọn cách thức để đi tìm hạnh phúc thì trong khổ thơ này, những khó khăn, thử thách được đặt liên tục, hết lớp này đến lớp khác, sự khó khăn càng cao hơn, càng chồng chất lên. Đúng vậy, cuộc sống là như thế, có khi nào bình yên.
Em lo âu trước xa tắp đời mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn
Cuộc đời thì dài, những lo toan không khi nào hết. Làm thế nào để giải quyết được hết những khó khăn đó? Trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc đó, em không có bạn đồng hành. Có cách nào giúp em vượt qua những khó khăn đó không? “Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn” phản ánh cái tâm trạng hoang mang đến vô cùng, lo lắng đến vô cùng. Lo lắng chứ không lo sợ, em vẫn tìm cách vượt lên mà không hề có ý định quay lại hay chối bỏ. Em dám đương đầu với mọi hiểm nguy. “Trái tim đập cồn cào cơn đói”. Một sự thúc giục từ bên trong để thoả mãn nhu cầu của mình. Cái đói cũng là cái thiếu, là cái mình cần. Em cần có hạnh phúc, em cần có anh.

Trở lại với hai khổ thơ đầu, nếu trái tim em là vàng, là mặt trời thì biết đâu có thể giải quyết được. Những lo toan vật chất đã có vàng thay thế, khi chỉ cần một ngọn lửa le lói thì đã có hẳn một vầng mặt trời rực rỡ? Nhưng không, tác giả có lí do của mình:
Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Dù thế nào em cũng chỉ cần trái tim mình theo đúng nghĩa. Xét về mặt sinh học nó cũng là máu thịt, nếu trái tim ấy ngừng lại thì có nghĩa là cơ thể sẽ chết. Ba câu thơ ấy hàm chứa một sự so sánh. Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, họ cũng có trái tim bằng máu thịt, họ cũng phải trải qua những khó khăn thử thách khắc nghiệt rồi họ cũng đến được bến bờ hạnh phúc. Vậy tại sao ta lại không làm được?

Nếu như hai câu đầu trong khổ thơ thứ ba và thứ tư được nhấn mạnh “Em trở về đúng nghĩa trái tim” thì ở khổ thơ này, câu thơ ấy có sự phát triển “Em trở về đúng nghĩa trái tim – em”. Ở hai câu trên là trái tim chung chung còn ở câu thơ đầu trong khổ thơ này, tác giả chỉ rõ “trái tim em”. Trái tim em khác với những trái tim khác ở chỗ “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.

Vàng không mua chuộc được, danh vọng không làm mờ mắt, khó khăn vất vả không làm em chùn bước, kể cả khi em không còn sống nữa thì tình yêu yêu em vẫn dành cho anh. Chao ôi! Một trái tim yêu đến như thế chắc chắn là mức độ yêu tuyệt đối, không thể còn có ai yêu mãnh liệt hơn thế. Yêu anh cả khi đã về thế giới bên kia. Một tình yêu sắt son chung thuỷ, yêu như một con chiên ngoan đạo yêu chúa, yêu như là tình yêu máu thịt. Câu thơ đọc lên mà thấy rưng rưng.

Nhà thơ Rasul Gamzatov (РАСУЛ ГАМЗАТОВ 1923-2003) đã viết:
Tình yêu tôi như cây tiêu huyền hai nhánh
Một nhánh vừa khô thì một nhánh đâm chồi
Tình yêu tôi như chim đại bàng hai cánh
Một cánh sải dài khi một cánh khép hờ thôi!

Trong ngực tôi, hai vết thương nhức nhối
Một vết còn đau khi một vết liền da
Và cứ thế, suốt cuộc đời bất tận
Niềm vui với nỗi buồn, từng phút nối nhau qua!

Đaghextan của tôi
Tình yêu mà Rasul Gamzatov nói tới là thứ tình yêu liên tục gặp những đớn đau, những khó khăn, thử thách. Như một cái cây, khô nhánh này lại mọc ra nhánh khác, như đại bàng không ngừng đập cánh dù những vết thương cứ liên tục hành hạ. Cứ thế cuộc đời trôi qua. Niềm vui và nỗi buồn đi qua cuộc đời có tính quy luật và tác giả thụ động tiếp nhận không có tác động nào để chống chọi lại. Còn tình yêu của Xuân Quỳnh là quyết tâm vượt qua những thách thức, vượt qua những khó khăn kể cả tình huống xấu nhất xảy ra, một thứ tình yêu chân thành, nồng nhiệt mà đầy nghị lực, yêu đến quên cả bản thân mình. Đó mới chính là sự hy sinh trong tình yêu.

Bài thơ khá dài được kết cấu thành các khổ thơ, mỗi dòng thơ thường có 8 chữ và cách gieo vần có sự biến hoá linh hoạt, mang âm hưởng của thơ Đường càng làm cho cái tình, cái ý thơ thêm sâu sắc.

Tự hát, tự mình hát lên bài ca về tình yêu, tự mình nói nên nỗi lòng mình, những phút trải lòng của một người đàn bà đã qua những thăng trầm trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Hạnh phúc không thể dùng vàng mà mua, không thể dùng hào quang mà chiếm đoạt, hạnh phúc không thể trông chờ vào may rủi, hạnh phúc là chia sẻ, là gánh vác, là trách nhiệm, là một hành trình phải vượt qua những thử thách cam go và yêu cả khi chết đi rồi. Đó chính là tình yêu của Xuân Quỳnh và chính là triết lí về yêu của Xuân Quỳnh.

K.G. Paustopski, nhà thơ Nga đã nói: “Hạnh phúc sẽ tự mất đi khi nào người ta tự thoả mãn về nó. Hạnh phúc sẽ chỉ bền vững khi người ta luôn luôn vươn tới và hoàn toàn khát vọng.” Hãy khát vọng và tìm cách đạt được bằng chính trái tim mình, đó là cách để người ta yêu. Tình yêu làm cho cuộc sống đẹp hơn và đáng sống hơn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Xuân Quỳnh » Tự hát » Vài cảm nhận về bài thơ “Tự hát” của nhà thơ Xuân Quỳnh