22/12/2024 10:29Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 19/02/2006 18:06
Mũi đòng vác[1] đòi lần hăm hở,
Đã lòng trời gìn giữ người trung.
Hộ chàng trăm trận nên công,
380. Buông tên ải bắc treo cung non đoài.
Bóng cờ xí giã ngoài quan ải,
Tiếng khải ca trở lại thần kinh.
Non Yên[2] tạc đá đề danh,
Triều thiên[3] vào trước cung đình[4] dâng công.
385. Nước duềnh Hán vác đòng rửa sạch,
Khúc nhạc từ réo rắt ngợi khen.
Tài so Tần, Hoắc vẹn tuyền,
Tên ghi gác Khói[5] tượng truyền đài Lân[6]
Nền huân tướng[7] đai cân rạng vẻ,
390. Chữ đồng hưu[8] bia để nghìn đông.
Ơn trên tử ấm thê phong,
Hiển vinh thiếp cũng đượm chung hương trời.
Thiếp chẳng dại như người Tô phụ[9],
Chàng hẳn không như lũ Lạc Dương[10].
395. Khi về đeo quả ẩn vàng,
Trên khung cửi dám rẫy ruồng làm cao.
Xin vì chàng xếp bào cởi giáp,
Xin vì chàng rũ lớp phong sương.
Vì chàng tay chuốc chén vàng,
400. Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.
Giở khăn lệ chàng trông từng tấm,
Đọc thơ sầu chàng thẩm từng câu.
Câu vui đổi với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.
405. Sẽ rót vơi lần lần từng chén,
Sẽ ca dần ren rén từng thiên.
Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.
Cho bõ lúc sầu xa cách nhớ,
410. Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.
Ngâm nga mong gửi chữ tình,
412. Dường này âu hẳn tài lành trượng phu.
[1] Gươm giáo.
[2] Núi Yên Nhiên ở đất ngoại Mông Cổ. Đời Hậu Hán, Đậu Hiến đánh đuổi rợ Hung Nô đến đấy, lên núi khắc công huân vào đá, rồi về.
[3] Thiên triều, triều (đình) vua.
[4] Nguyên văn là “Vị Ương cung”: cung điện nhà Hán, chu vi rộng lớn, xây dựng luôn, hết cung này đến điện nọ không bao giờ rồi, cho nên đặt tên “Vị Ương” (chưa hết); cũng như: dạ vị ương (đêm chưa sáng).
[5] Lăng Yên các (lăng yên: cao vượt trên tầng mây khói), vua Đường Thái Tông cho dựng để vẽ hình 24 công thần.
[6] Kì Lân đài, Vua Hán Tuyên đế cho vẽ tượng 10 công thần ở đấy.
[7] Mao tư khoán (mao: cỏ tranh; tư: cỏ gai; khoán: văn tự để làm tin): đời xưa phong hầu, vua ban cho đất ngũ sắc có bọc mao tư, hoặc cho tấm thiết khoán (tấm sắt ghi công trạng). Dịch giả dùng “nền huân tướng” dịch từ ngữ này (huân công, huân nghiệp: công nghiệp to lớn).
[8] Bởi câu “dữ quốc đồng hưu thích” (cùng lo cùng vui với nước nhà).
[9] Vợ Tô Tần. Khi còn hàn vi, Tô Tần về nhà, người vợ cứ ngồi trên khung cửi, không thèm đứng dậy.
[10] Chỉ Tô Tần, người Lạc Dương.