25/11/2024 19:02Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Những tư liệu mới về sự tích chùa Khánh Linh (Hà Nam)

Bích Trì cung tự (Vũ Duy Tuân)

Đăng bởi tôn tiền tử vào 26/01/2020 23:31

 

Được tin từ chùa Khánh Linh, ngày 2-12-1997 chúng tôi đã về chùa, ở thôn Khê Lôi, xã Liêm Tiết tỉnh Hà Nam. Do mái chùa bị hư hỏng nên nhà chùa đã tiến hành tu sửa lại và phát hiện ra một văn bản chữ Hán dấu trên sà dọc của chùa. Văn bản có tên Khánh Linh cổ tự bản mạt khảo, tức là Sự tích chùa cổ Khánh Linh.

Theo văn bản này thì sau khi Ngô Vương qua đời (944), Lê Huy Tâm vốn là tả hữu cho nhà vua, từ Nghi Tàm đã đưa 40 người trong họ về đây cư trú. Đến thời Tiền Lê (khoảng 980) Nguyễn Duy Hiền lại cùng gia đình từ Mai Sơn (Hoà Bình) về đây lập nghiệp. Ông xuất tiền của lập miếu thờ Lê Huy Tâm và dựng chùa thờ Phật. Ông đặt tên cho nơi mình ở là trang Bích Trì.

Ngày 3 tháng 5 năm Tân Dậu (1801) Nguyễn Ánh đánh thành Phú Xuân (Thuận Hoá). Con trai của Nguyễn Huệ là Nguyễn Quang Toản cùng 56.000 quân lính rút về Nghệ An, tu bổ thành luỹ để cố thủ, đồng thời đưa 30.000 quân giúp Trần Quang Diệu tấn công phủ Hà Trung mở đường cho Ngô Thì Nhậm đem 40.000 quân chiếm giữ thành Thăng Long.

Tháng 6 năm Tân Dậu (1801), công chúa Ngọc Hân và con là hoàng tử Nguyễn Quang Đức, được Phan Huy Ích đưa xuống thuyền trốn về quê mẹ ở Bắc Ninh. Khi qua Bích Trì lúc đó thuộc huyện Thanh Liêm phủ Lị Nhân, công chúa bị cảm bèn cắt tóc ở lại chùa Khánh Linh. Lúc đó lão thần Tô Đức Vinh vốn là quan Trấn thủ hiến dinh thời Tây Sơn đã đến thăm hỏi, hai mẹ con công chúa Ngọc Hân. Vài tháng sau công chúa trở về Bắc Ninh. Cũng chỉ được vài tháng, thấy tình hình biến chuyển xấu, Ngọc Hân và hoàng tử Quang Đức phải đóng giả làm người đi buôn, nhờ sự giúp đỡ của Tô Đức Vinh để trở lại ngôi chùa cổ. Bà lấy pháp danh là Tế Thành còn Hoàng tử là Phục An. Lúc này quân Tây Sơn liên tiếp bị thất bại, khiến cả hai mẹ con đau buồn mà lâm bệnh. Ngày 2-6-1802 nghe tin Thăng Long có cơ thất thủ bà sai Đức Vinh chuẩn bị một chiếc thuyền và ngược dòng sông Nhị. Đến bãi Tự Nhiên, Ngọc Hân cùng con tự vẫn. Tô Đức Vinh thấy vậy bèn cùng người trở thuyền dùi thủng thuyền để tự trầm. Đó là ngày 6-6-1802.

Con cả của Tô Đức Vinh là Tô Duy Thức đi thuyền đến sau thì sự việc đã rồi bèn trở về báo với mẹ. Bà cho con gái út của mình là Ngọc Vân, cất tóc đối pháp danh là Trung Tâm đến ở tại chùa Khánh Linh lo hương khói. Cô trở thành vị tổ thứ 11 của chùa này.

Trước cảnh biển dâu, chìm nổi đổi dời, Tô Duy Thức cảm xúc làm một bài thơ:
Người ta nên giữ trước sau như
Khí tiết tôi trung tiếng chẳng hư
Nhị thuỷ có trời hay việc gấp
Bính Trì không đất bước chân thư
Nêu ba, sắp giỗ chia hai lễ
Cùng sáu, tháng ngày tiền định ư?
Gió thổi sen hè xa vẫn nức
Khánh Linh chùa cổ đẹp muôn thu.
Tư liệu về chùa Khánh Linh này do hậu duệ của Tô Đức Vinh là Tô Xuân Phương ghi tại bái đường của chùa vào ngày 2 tháng 6 niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1893)

Như vậy, tư liệu này có cách nay trên trăm năm, nó chẳng những cho ta biết sự tích của chùa Khánh Linh mà còn cho ta nguồn tư liệu quý về các tướng lĩnh Tây Sơn.

Tuy nhiên về năm và nơi mất của công chúa Ngọc Hân thì cần phải cân nhắc. Theo ý kiến của chúng tôi, văn bản nay là không chính xác ở chỗ cho rằng Ngọc Hân và con trai là hoàng tử Quang Đức tự vẫn năm 1802 và mất ở bãi Tự Nhiên.

Từ trước tới nay có nhiều bài viết cho rằng Ngọc Hân bị Gia Long giết khi ông ta lấy lại được kinh đô Phú Xuân năm 1801. Doãn Kế Thiện trong cuốn Di tích và thắng cảnh Hà Nội, xuất bản năm 1959 đã viết: “…Sau khi Quang Trung mất, con là Nguyễn Quang Toản lên thay. Vì còn trẻ dại, lại bị bọn quyền thần làm bậy, cơ đồ dần dần sụp đổ, Gia Long thừa thế chiếm hết đất đai của Tây Sơn. Cuối cùng là năm Tân Dậu (1802). Quang Toản phải chạy ra Bắc Thành (Bắc Bộ) rồi bị tiêu diệt. Khi ấy công chúa Ngọc Hân cùng một con trai 7 tuổi, một con gái 5 tuổi, lẩn trốn ở Quảng Nam nhưng rồi cùng bị bắt.

Sau đó Gia Long sai giải về Phú Xuân, dùng lối tam ban triều điển giết chết cả 3 mẹ con…”

Thi văn bình chú của Ngô Tất Tố cũng viết “Khi nhà Tây Sơn mất nước, bà (Ngọc Hân) và các con đổi tên họ lẩn vào ẩn ở một làng trong tỉnh Quảng Nam. Nhưng không bao lâu có kẻ phát giác, bà phải uống thuốc độc tự tử, hai con (của bà) đều phải thắt cổ…”. Nhưng chính xác hơn cả có lẽ là ý kiến của nhà nghiên cứu đã quá cố Lê Thước đăng trong Nghiên cứu lịch sử số 34 năm 1962. Ông dựa vào 2 bằng chứng:

- Tập Phả ký của họ Nguyễn Ngọc ở làng Phù Ninh (nơi bà chúa Nành, mẹ của Ngọc Hân sinh sống), huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Phả ký ghi: “…Công chúa mất ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Vị (triều Cảnh Hưng tức dương lịch ngày 14-12-1799).

- Trong Dụ am văn tập của Phan Huy Ích có 5 bài văn tế Ngọc Hân. Ở bài đầu có ghi “mùa đông năm Kỉ Vị” (tức dương lịch 1799). Từ ngày bà mất cho đến khi Gia Long lấy lại thành Phú Xuân có gần 2 năm, vậy nói rằng bà bị Gia Long giết là hoàn toàn trái sự thực. Theo cụ Lê Thước, Gia Long chỉ giết được 2 con của công chúa Ngọc Hân. Theo 2 ông Ngô Tât Tố và Doãn Kế Thiện là chúa Nành (Tức Từ cung Nhiêu nghi Hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền) đã thuê người vào Huế lấy hài cốt ba mẹ con đem về mai táng tại một cánh đồng ở Phù Ninh. Cạnh đó, bà có lập một cái miếu như để thờ. Thời Thiệu Trị miếu ấy đổ nát, một ông tú tài người họ Nguyễn Ngọc đứng lên quyên tiền người làng để sửa sang lại. Về sau bị tố giác nên có lệnh truyền quan quật mả mẹ con Ngọc Hân, lấy hài cốt đem quẳng xuống sông. Về sau gần chỗ quẳng xuống người ta có dựng một ngôi đền để thờ Ngọc Hân. Đền ấy gọi là Đền Ghềnh ở thôn Ái Mộ, tả ngạn sông Hồng.

Trong dịp về chùa chúng tôi cũng được biết tại đây hiện còn một bia đá tượng dựng thời Tự Đức mô tả cảnh chùa, và 2 ngôi mộ tương truyền là của 2 mẹ con Ngọc Hân và Tô Đức Vinh.

Bát hương đặt trên 2 ngôi mộ này đã bị vỡ nhưng cũng có thể nhận biết đó là gốm Phù Lãng, thế kỷ XVIII.
Nguyễn Lân Cường, Viện Khảo cổ học

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Vũ Duy Tuân » Bích Trì cung tự » Những tư liệu mới về sự tích chùa Khánh Linh (Hà Nam)