Văn bản này và các văn bản khác được biết đều chép đến đây là hết. Năm 1961, ông Cầm Biêu - một nhà thơ Thái am hiểu vốn cũ dân tộc - có nói chuyện rằng ông được nghe một người bạn ở Sông Mã, tỉnh Sơn La kể lại là
Tiễn dặn người yêu còn có thêm một đoạn nữa, nói riêng về người chồng thứ nhất của chị. Anh này nghèo khó, cũng bất đắc dĩ phải đến nhà chị xin thóc ăn. Vợ chồng chị cho anh ta một gánh thóc nặng mang về. Khi qua cầu, chẳng may anh ta đánh tuột một bên gánh xuống suối. Về nhà bà con chế giễu anh ta rằng “vợ cũ mà chỉ cho một bên gánh thôi ư?” Anh ta rất xấu hổ. Sau khi chết, anh ta biến thành con chim từ quy kêu cả đêm “háp háp... khon khon...” (háp là gánh, khon là một bên gánh). Theo chúng tôi và theo cả ông Cầm Biêu thì đoạn thêm vào này có vẻ lạc lõng. Cho đến nay, theo chỗ chúng tôi biết, cũng chưa phát hiện được văn bản nào có chép đoạn kết ấy.
[1] Ý nói lấy việc trước làm kinh nghiệm, soi sáng (bù đắp) cho việc tương lai.
[2] Từ xưa nhiều người tin rằng hễ cái thai nằm bên phải sẽ sinh con trai, nằm bên trái sinh con gái. Truyện bắt đầu kể từ lúc đôi bạn còn là hai cái bào thai.
[3] Cá ướp chua, một món ăn quý, có thể ăn không cần nấu chín.
[4] Một loại cá ngon, thường thấy nhiều ở sông Đà, sông Mã.
[5] Cũng như cá giếc (câu 11) không phải là thứ cá để ăn gỏi. Nói như thế cốt để nhấn mạnh cái ý thèm ăn của chua.
[6] Từ xưa có tập quán đẻ ngồi. Người ta cho rằng hễ là con trai thì đứa bé rơi sấp, là con gái thì đứa bé rơi ngửa.
[7] Dây buộc trâu tròng sẵn ở cột gầm sàn, chỗ nhốt trâu.
[8] Gian đầu giành riêng để tiếp khách đàn ông.
[9] Từ bếp chỗ nấu nướng, vào buồng, buồng thờ cúng, tức là cuối nhà đến đầu nhà.
[10] Ý nói đã hết tuổi chơi nghịch, bắt đầu có ý thức đỡ đần cha mẹ.
[11] Người Thái đen có tục nhuộm răng đen cho đẹp khi vừa đến tuổi thành gái, thành trai.
[12] Phong tục Thái đen, khi có chồng thì búi tóc ngược lên đỉnh đầu. Muốn búi tóc được to, đẹp phải dùng độn tóc, ý nói đã biết lo tính đến chuyện gia đình, hạnh phúc mai sau.
[13] Sàn khuống.
[14] Đàn nhỏ làm bằng một miếng đồng lá dài như chiếc lá tre; ngậm đàn trong miệng, tay gảy cho miếng đồng rung, dùng hơi tạo nên những bồi âm để diễn tả tình cảm. Đàn môi là đàn của tình yêu, của lòng trong trắng. Tục lệ cũ, con trai đến thăm bạn gái đêm khuya, trước hết phải gẩy đàn môi đánh tiếng, nếu không sẽ bị nghi ngờ là có dụng tâm xấu.
[15] Ý nói đang thời niên thiếu khoẻ mạnh, xinh đẹp; lại hàm ý cả hai đều là những người bình thường. (Tàu cải và lá dong là thức ăn, thức dùng bình thường hàng ngày).
[16] Áo mới, áo đẹp thường trùm lên đầu thay khăn hoặc vắt lên vai, đến nơi mới mặc vào người.
[17] Rào cao bao quanh nhà để đề phòng thú dữ.
[18] Sàn khuống đẹp.
[19] Bếp lửa trên hạn khuống dùng để soi sáng, sưởi ấm.
[20] Hạn khuống, sàn nửa lộ thiên dựng ở một địa điểm trung tâm bản. Sàn hình vuông cao khoảng một mét rưỡi, rộng khoảng 20, 30 mét vuông, xung quanh rào chấn song hoặc phên mắt cáo, để một cửa lên xuống có bắc một chiếc thang ba bậc, giữa sàn đặt một bếp lửa sưởi. Mùa đông xuân khô ráo, trăng sáng, trai gái trong bản tụ tập lên hạn khuống đốt lửa, quay xa, ca hát, thổi sáo.... vừa học hỏi, vui chơi, vừa tìm hiểu nhau. Phong trào hạn khuống trước kia rất thịnh, đặc biệt trong đồng bào Thái đen, từ 1919 trở lại đây do bị đế quốc Pháp xâm phạm, nhũng nhiễu mới tiêu điều dần.
[21] Tình yêu khăng khít gắn bó như những hạt xôi trong một nắm xôi bóp nhuyễn.
[22] Vua, chúa trên “cõi trời”.
[23] Then và trời theo quan niệm thông thường của nhân dân Thái, không có sự phân biệt, đều cùng một lực lượng huyền bí siêu tự nhiên, có sức mạnh vô hạn. Câu thơ ý nhấn mạnh nỗi lo sợ, Then hoặc trời đã thương lại sợ thương không trót, đã giúp lại sợ không vượt qua được ý muốn của cha mẹ, một nỗi lo sợ loanh quanh, bề nào cũng vẫn thấp thỏm.
[24] Một giống chim xanh trên rừng, kêu về mùa hạ.
[25] Từ xưa có tục bói áo khi ốm đau và để xem đường hậu vận hay dở. Hai bốn một năm: tên gọi quẻ của ông thầy, hai bốn là hai lần được quẻ hay, một năm là một lần gặp quẻ dở. Câu thơ nói hay nhiều hơn dở.
[26] Nguyên văn là chài ba khuỷ tay, cũng như lưỡi muôn mắt ở câu dưới chỉ là cách nói cho đẹp lời chứ không có ý chỉ thuộc tính của từng cái.
[27] Lưới bện bằng sợi tơ tằm. Ngày xưa, chài lưới đều bện bằng tơ tằm, không dùng gai như ngày nay, song thường gọi là chài tơ, lưới sợi (he lải, mõng may) chứ không gọi đích hẳn chài tơ, lưới tơ.
[28] Phong tục cưới hỏi cũ: cá chua đựng trong ống, cá sấy dựng vào sọt, nhà dân thường cũng phải từ 12 ống, 12 sọt trở lên để làm đồ sinh lễ, nhà quan từ 120 ống, 120 sọt trở lên.
[29] Chỉ cá đã sấy khô trên giang bếp.
[30] Bến sông Đà, thuộc xã Mường Bú, huyện Mường La tỉnh Sơn La, khu tự trị Tây Bắc ngày nay. Tà Bú cũng như Tà Hè, Tà Sại (câu 141. 142) trước kia là bến buôn bán sầm uất có tiếng. Theo gia phả họ Cầm (Thuận Châu) Mường Bú bắt đầu thành mường từ khi tướng Song Khuôn về chiếm cứ, dưới thời chúa Ta Ngần, khoảng thế kỷ XV sau công nguyên.
[31] Bến sông Đà, thuộc xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La ngày nay.
[32] Bến sông Đà thuộc xã Mường Sại, huyện Ouỳnh Nhai tỉnh Sơn La ngày nay.
[33] Ý nói xin được kết tình thông gia.
[34] Nhà sàn, đầu nhà gọi là quản, cuối nhà gọi là sàn sau hoặc gọi tắt là sàn (chãn). Thang lên chính ở quản, thang lên phụ ở sàn sau. Thang quản và gian quản dành riêng cho khách đàn ông, thang sàn và gian cuối. gian bếp nấu ăn. dành cho khách đàn bà. Tục lệ chia hai loại khách này, trước kia rất được tôn trọng, nay đã dần dần bãi bỏ.
[35] Có lẽ đã có một thời kỳ thịnh hành tục lạy chào người sống phải cởi búi tóc. Khoảng 50 năm trở lại đây, người ta chỉ cởi búi tóc khi làm lễ vĩnh biệt người chết.
[36] Gà gô, cun cút đều giỏi luồn lách, trốn lẩn, ý nói xin làm một chàng rể ngoan ngoãn, chịu khó, biết khiêm nhường, nhẵn nhục, không xấc lấc, ương bướng.
[37] Nằm riêng ở gian ngoài, gian nhà khách. Tục ở rể trước khi cưới vợ về nhà, người con trai phải ở rể từ 6 đến 12 năm. Thời gian ở rể đầu tiên (từ 3 tháng đến 3 năm) gọi là ở rể quản không được tính vào công ở rể chính thức. Người rể quản ăn riêng một mâm ở gian ngoài, ngủ riêng một màn ở gian ngoài, coi như khách ở chơi. Sau thời gian thử thách này mới được làm lễ chung chăn, chính thức thành rể. Cũng lúc đó, người con gái mới búi tóc ngược thành gái có chồng.
[38] Phản gỗ hẹp kê trước bếp tiếp khách, phía chỗ ngủ, dành riêng cho chủ nhà ngồi chơi, tiếp chuyện.
[39] Khoảng tre đặt sát mặt sàn, cạnh bếp, ngay phía cửa vào, nơi để tiếp khách; khi khách tới chơi thì trải chiếu cót lên trên để khách ngồi sưởi.
[40] Chỉ miền xuôi, người Kinh. Nón giấy Mường Púa có lẽ là loại nón bài thơ, mỏng và đẹp, mang từ dưới xuôi lên. Từ đây trở xuống, chúng tôi sẽ dịch là nón đẹp cho thoát nghĩa theo cách hiểu chủ quan của chúng tôi. Cả câu thơ ý nói không đáng được hưởng sự phú quý nhàn nhã, đội nón đẹp đi dạo chơi ven sông.
[41] Theo quan niệm cũ, con rể có ba nhiệm vụ: làm ruộng, đánh cá và đi săn. Đánh cá (đan chài) là nhiệm vụ thứ hai, sau việc làm ruộng.
[42] Theo tục cũ, ướp cá chua nhất là cá chua để đi hỏi vợ là công việc trang trọng không thể dối trá, cẩu thả. So sánh từ đây xuống, ta thấy rõ hai thái độ hỏi vợ trái ngược hẳn nhau.
[43] Xã Mường Sại, thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La ngày nay.
[44] Xã Mường Trai, thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La ngày nay.
[45] Gừng là món gia vị thường dùng cũng nằm trong các khoảng sinh lễ cần thiết.
[46] Một thứ lá dày, thường dùng để lót sọt mạ, sọt muối. Lá tạu chỉ dùng để gói trong tang lễ.
[47] Khi còn tục búi tóc, tóc dài mượt là là một trong những tiêu chuẩn đẹp. “Con người” nói ở đây phải đội tóc giả, khi quỳ lạy đứng lên thì tóc tuột, lộ ra một cái đầu trọc, không có tóc.
[48] Thành tấm chiên, to, sợi bện vào nhau bền chắc.
[49] Thành chiếc chiếu, cói, xe đan nhau nối liền; lời nói trao qua trao lại cũng chắc cũng liền như thế.
[50] Dao sắc chặt dong: một nhát là đứt băng, lời hẹn ước cũng chỉ một câu là thành, không thay đổi được nữa.
[51] Mương dẫn nước về ruộng.
[52] Củi gỗ dâu. Củi dâu không phải là thứ củi tốt nhưng có lẽ vì cây dâu gắn liền với nghề tằm tang, dệt cửi nên ở đây cho củi dâu một vị trí gần như đặc biệt.
[53] Sào bằng cây lăn, một thứ cây thuộc loại trúc, nhỏ và dẻo hơn trúc.
[54] Từ đây trở lên đến câu 245 là người con gái tự gọi vía mình, trở xuống câu 255 là gọi vía người yêu. Quan niệm mê tín xưa cho rằng mỗi một con người có năm chục vía đằng trước và ba chục vía đằng sau. Vía đằng sau thường hay bị lạc, nếu đã có người yêu thì vía thường hay tìm đến, phiêu du cùng vía bạn.
[55] Thang sàn thường làm bằng gỗ lát. Chỉ khác nhà quan thì làm thang hòm, nhà dân làm thang bậc, trống giữa.
[56] Khăn trùm đầu của phụ nữ, mầu chàm sẵm, hai đầu khăn piêu thêu xanh đỏ, đính hạt vải tròn.
[57] Ống tre bương dùng để múc nước, đựng nước. có đục lỗ để tra đòn gánh.
[58] Đá nháp, đá kỳ dùng để kỳ cọ cho chân tay sạch sẽ. Hai câu thơ ý nói không tìm được cách nào để gọt rửa nỗi lo lắng, vướng vít trong lòng.
[59] Hai câu thơ ý nói băn khoăn, thắc mắc không còn có thể để tâm trí vào việc mình làm.
[60] Giàn tre nhỏ có dây treo dùng để cất thức ăn.
[61] Giỏ đựng cơm xôi, có nắp đậy và dây treo, đan bằng mây hoặc mạy ỏ (một loại sậy mọc ở ven sông, ven ao).
[62] Móc bằng chạc cây vót nhẵn, dùng riêng để treo giỏ cơm.
[63] Danh từ riêng, chỉ một chi Xá ở vùng núi cao phía bắc khu tự trị Tây Bắc ngày nay.
[64] Người Xá xưa có tục xăm cằm. Tục xăm cằm dần dần mất. Danh từ xăm cằm thành danh từ riêng chỉ một chi người Xá Cẩu ở vùng Mường Tè (tỉnh Lai châu, khu tự trị Tây Bắc) vần còn giữ lại tục cũ.
[65] Ràng buộc, cuốn leo.
[66] Vịt không biết ấp trứng nên nghe lời vịt mất trứng; gà không tha bới vườn nên nghe lời gà mất vườn.
[67] Làn tre nhỏ, như chiếc cơi trầu dưới xuôi, phụ nữ Thái thường dùng để đựng con chỉ, suốt sợi. Làn là đồ dùng tuỳ thân của phụ nữ. Câu thơ ý nói người ngoài không khuyên bảo chuyện làm ăn chăm chỉ.
[68] Câu thơ ý ví người con gái khôn lớn, xinh đẹp trong sự chăm sóc, trìu mến của cha mẹ và của bản mường.
[69] Câu thơ ý nói con gái khôn lớn phải chọn chỗ nương tựa ví như đàn bươm bướm ra khỏi kén là phải bay tìm chỗ đậu.
[70] Câu thơ ý nói cha mẹ chỉ còn biết trông nhờ vào con cái khôn lớn, không thể nào khác. Những câu thơ dưới nói rõ thêm ý này.
[71] Rể yêu, rể quý. Tiếng út (lả, lũn) cũng như tiếng nhỏ (nọi) trong ngôn ngữ Thái, thường dùng để tỏ sự yêu thương, trìu mến.
[72] Ngày xưa, người ta thắp sáng bằng nến. Người ta lấy sáp ong hơ dẻo, bọc ruột sợi vào giữa rồi nặn, chuốt cho tròn, thẳng. Nặn nến sáp phải khéo léo, kiên nhẵn. Câu thơ ý nói nóng lòng sốt ruột, rối trí, luống cuống chân tay.
[73] Chim cu bay từng đôi, khi kiếm ăn luôn luôn gọi nhau. Câu thơ ý nói thấy cảnh hạnh phúc êm ấm diễn ra chung quanh cũng đừng nên chạnh lòng tủi phận.
[74] Ngày xưa, người ta làm giấy để dùng trong gia đình, nguyên liệu chính là tre và dướng, thường gọi là giấy vỏ dướng (chỉa năng xa) hoặc giấy dướng.
[75] Nguyên văn: mạy hịa xuấn pên tĩnh. Tĩnh một thứ ống múc nước, đựng nước dài vác trên vai, khác với bẳng cũng là ống múc nước, đựng nước, nhưng nhỏ và ngắn, có khoét lỗ để đòn gánh, một người có thể gánh tới tám bẳng. Người Thái đen thường hay dùng bẳng, người Thái trắng thường hay dùng tĩnh.
[76] Cành giang vừa thấp vừa ít lá, không phải chỗ trú tốt cùa gà cỏ. Gà cỏ đậu cành giang là tự phơi mình hứng lấy mũi tên của người đi săn.
[77] Đồng nghĩa với chồng hèn, chồng đần. Theo gia phả các tạo Thái và theo kết quả nghiên cứu của một số nhà sử học phương tây và Trung Quốc như Máparo, Pontalis, Aymonie... và Giang Ưng Lương thì dân tộc Thái từ vùng Síp Song Păn Na ở Vân Nam (Trung Quốc) di cư vào Tây Bắc Việt Nam từ thế kỷ thứ VII, thứ VIII sau công nguyên. Họ chiến thắng người Xá, nguyên ở Tây Bắc từ trước, và trở thành chủ nhân vùng đất đai rộng lớn. Người Xá ở địa vị kẻ chiến bại, bị khinh rẻ, áp bức, hắt hủi tù đầy. Cách chia người Xá theo quan điểm của giai cấp thống trị Thái có ảnh hưởng khá sâu tới các tầng lớp nhân dân lao động Thái. Tác phẩm cũng chịu ảnh hưởng ấy. Sự so sánh trong câu thơ này, ngày nay là sai lầm có hại.
[78] Câu thơ ý nói nên từ từ, bình tĩnh mà suy nghĩ, như nước máng rỏ từng giọt, như đường lỡ đổ, dù có tiếc mấy cũng phải kiên nhẵn, nhẹ nhàng vun vén, may ra còn lấy được chút ít, nếu vội vã thì đất cát sẽ lẫn hết vào đường
[79] Tên gọi theo tiếng kêu của chim. Giống chim này thường được gọi là chim bắt cô chói cột. Câu thơ ý nói đừng đợi hết mùa hè rồi mới chuẩn bị làm ruộng mùa, đừng để qua thời thanh xuân mới tính liệu đến chuyện gia đình.
[80] Câu thơ ý nói tạm cứ để người đến ở rể một thời gian để đỡ đần cha mẹ.
[81] Một loại sáo nổi tiếng ở Tây Bắc làm bằng ống nứa nhỏ có đóng lưỡi đồng; người thổi, đặc biệt chỉ dùng bồi âm diễn tả. Pí pặp là ống sáo riêng của tình yêu. Có truyền thuyết: Ngày xưa, có một đôi trai gái rất yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Họ đau đớn, khóc than với nhau bên một khóm nứa; khóm nứa đang xanh tốt bỗng héo khô vì thương cảm cho cảnh ngộ họ. Họ liền lấy khóm nứa nhân ái ấy làm thành ống sáo, đó là ống pí pặp.
[82] Một loại sáo cũng làm bằng ống nứa nhỏ, giống pí pặp, nhưng đóng lưỡi nứa. Người thổi làm một lúc hàng chục chiếc, luôn luôn thay đổi ống sáo mới, đôi khi gặp được chiếc hay, vừa ý, người ta cũng cất giữ khoảng một hai tháng, khoảng thời gian ống sáo chưa héo.
[83] Một loại kèn miệng loa bằng gỗ hoặc bằng đồng, hình dáng phảng phất như kèn bầu dưới xuôi, kèn la đặc biệt được dùng nhiều ở vùng Thái trắng phía bắc, nhất là huyện Phong Thổ (Lai Châu) tiếp giáp Trung Quốc. Tiếng pí pặp dịu dàng tha thiết, tiếng kèn la thì hùng tráng, sôi nổi.
[84] Một thứ lá độc, màu xanh bóng, vị rất đắng.
[85] Xôi nóng bỏng chưa quạt cho bay bớt hơi. Lá tươi giữ sức nóng được lâu. Lá tươi bọc xôi bỏng, xôi càng nóng lâu, càng dính. Lá tươi bọc lá tươi ở câu dưới cũng cùng ý ấy (xôi nóng bọc nhiều lượt lá tươi).
[86] Ví với người con gái, ngụ ý trách móc, nghĩa giống như thành ngữ Việt “một gái hai chồng”.
[87] Rất nhiều đêm, đêm đêm.
[88] Tục ngữ: “Muốn ăn gạo, chữa bịch; muốn ăn dưa, chữa rào”, ý muốn nói làm việc gì cho có kết quả thì phải vun vén, chuẩn bị, tính liệu kỹ càng.
[89] Đáng lẽ phải là tay dài như tay vượn, tay ngắn như tay cóc. Hai câu thơ ví trái ngược để ngụ ý chua chát, tự mai mỉa.
[90] Theo quan niệm xưa của người Thái, rồng là một loại vật truyền thuyết thời cổ đại, tượng trưng cho mọi sự linh thiêng, tài giỏi, đẹp đẽ... Dân ca:
Mặt em như cô gái Kinh,
Lưng mình như cô gái Lự,
Điểm trang dáng đẹp như rồng.
Thành ngữ nói: “giỏi bằng rồng”, “sướng bằng rồng”. Trong tác phẩm này, câu 113. 114. cũng nhắc tới rồng với ý trên.
[91] Mạnh Tông hoặc Chàng Tông, nhân vật chính trong một truyện thần thoại. Mạnh Tông, cùng với Tử Vi, Tử Tư, Minh Hối là học trò của đạo sỹ Lâm Khan. Mạnh Tông học được nhiều phép giỏi, có thể biến cây thành người, gọi gió, gọi mưa, làm ra sông cạn, nước lụt. Đã có lần Mạnh Tông cưỡi mây lên che mặt trời. Sau Mạnh Tông cậy giỏi, làm hại bản mường nhiều quá nên bị thầy Lâm Khan thu phép về.
[92] Ngọn cây thiêng quý, khác những ngọn cây thường.
[93] Theo quan niệm mê tín xưa, người ta cho rằng mỗi người sinh ra đời đều do then đúc nên, có sẵn một sợi dây hoặc một cái móc, móc số mệnh treo trên trời. Chung liền một mệnh thì sẽ lấy được nhau, hoà hợp đến già. Con người ở dưới đất, bao nhiêu may rủi, hoạ phúc, đều do mệnh của người ấy treo trên mường trời quyết định trước. Mệnh không thể thay đổi, xê dịch, chỉ khi chết mệnh đứt.
[94] Me dại, quả tròn, khi chín vỏ ngoài vẫn xanh, lấy ăn thường bị quá nẫu.
[95] Me trồng ở cạnh nhà, cạnh bản, quả dài, khi chín vỏ màu nâu sẫm, dùng làm thức ăn chua.
[96] Câu thơ ý nói cây nọ ganh với cây kia, mọc cao, mọc cao mãi, cây cứ cao mà rễ không đủ bền thì tất sẽ bị gió đánh gẫy.
[97] Dưới chế độ phong kiến chúa đất, của cải đều là của phìa, của tạo, nên phải ngắt trộm, tranh nhau.
[98] Cầm sào đẩy thuyền. Trước kia phương tiện thông thương giữa các vùng chủ yếu là bằng đường thuỷ dọc theo sông Đà, sông Mã, sông Nặm Mức.
[99] Một vùng mỏ sắt thuộc Thượng Lào, có thể là ở khoảng gần Mường Sinh ngày nay.
[100] Một kiểu mai Lào, lòng mai hơi uấn theo hình lòng máng, ngậm rất chắc lưỡi gỗ.
[101] Ý chỉ những nơi xa lạ tận chân trời, cuối mây. Trong quãm tỗ mưỡng, đoạn kể về chúa Ta Ngần mở rộng đất đai có nhắc đến Mường Tênh: “thời gian sau, có hai chúa đất tên là An Nha, An Păn ở Mường Tênh, Mường Khem đã mang quân đến đánh phá đất Mường Lay, Pét Lam So mơi sợ hãi, phải chạy trốn về Mường Muổi” và “Cầm Len Sa làm sứ giả Mường Tênh...” và “Tạo Dẻ ở Mường Huốt, Chiềng giao thu được vật lễ của Mường Tang, Mường Luông”. Những tên đất kể trên nay chưa rõ thuộc về đâu.
[102] Danh hiệu chỉ ngày. Lịch Thái cũng theo can, chi, có mười danh hiệu thuộc về trời và mười danh hiệu thuộc về đất, hợp lại với nhau để chỉ ngày, giờ, năm, tháng. Mười danh hiệu thuộc về trời là: cáp, hặp, hãi, mỡng, pớk, cắt, khốt, huộng, tấu, cá, tương đương với thập can: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý. Ý nói các câu thơ từ 503 đến 511 nói về việc đi phải chọn ngày, chọn mãi mới được ngày cáp là ngày tốt.
[103] Một giống cày hương, lông mặt sắc trắng bạc, đêm đi ăn, ngày ngồi nhắm mắt ngủ gật.
[104] Bìm bịp không bao giờ đứng im, mình đu đưa, nhún nhảy như người giã gạo.
[105] Một giống chim rừng, tên gọi theo tiếng kêu của chim.
[106] Một giống chim tiếng kêu vang xa, có nhiều về mùa hạ, đi đâu cũng thường nghe thấy tiếng chót bóp. Do đấy, có quan niệm chót bóp thích gần người, biết theo người.
[107] Khóm gừng và khóm nghệ trông giống nhau, dễ bị lầm. Câu thơ ý nói đã tưởng bị lầm trong việc chọn bạn, người yêu đã thay lòng đổi dạ, không phải con người thuỷ chung đáng quý như mình vần nghĩ.
[108] Loại cây sậy, có thể dùng để đan chiếu nằm.
[109] Câu thơ ý nói đừng ăn ở như con người tàn nhẵn, phũ phàng.
[110] Nơi sản xuất ra nhiều tơ, nơi đời sông yên vui thịnh vượng.
[111] So: Mường So, tên địa phương của huyện Phong Thổ, thuộc tỉnh Lai Châu ngày nay. Là: Mường Là, một Mường Thái thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Xưa ở phía nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cũng có một nơi gọi là Chi phủ So Là, nay không rõ ở đâu.
[112] Vải năm trăm chầu, mỗi chầu dài 4 sải (khoảng 3000 thước).
[113] Một thứ hoa vàng thắm rất đẹp, nổi tiếng sau hoa ban, thường được dùng để ví với sự cao quý, đẹp đẽ, đôi khi cũng dùng để ví với một nhan sắc lộng lẫy. Truyền thuyết về hoa mạ: Ngày xưa tướng Khun Chương đánh giặc, chết trên lưng ngựa, thân hình nát tan thành đất. Ngựa của ông cũng nát tan theo. Riêng bờm ngựa và hàm ngựa hoá thành hoa mạ (mạ: ngựa). Tới mùa hoa mạ nở lại có riêng một giống ve kêu, tiếng ròn rã như nhạc rung người ta thường bảo đó là ve nhạc ngựa Khun Chương (mãnh mák hính mạ Khun Chương).
[114] Khăn màu hoa đào, cũng có thể “đào” chỉ là một tiếng làm đẹp thêm lời thơ như “chài ba sải, lưới muôn mắt”.
[115] Danh từ gọi chung giai cấp phong kiến thống trị. Mười chín đời tạo quan: mười chín đời quan thế tập, mười chín đời người (ngụ ý dài lâu không kể xiết).
[116] Nguyên văn là ngựa có cánh. Khi có người chết, người ta đẽo ngựa gỗ có cánh, trang trí xanh đỏ, treo trên cây tang (co heo) cạnh mộ để ngựa đưa hồn người chết về trời. Trên cổ ngựa gỗ, đeo những kỷ vật mà lúc sinh thời người chết quý nhất.
[117] Một loại ve rừng tiếng kêu rất hay, người ta thường ví với người tài hoa, có giọng tốt.
[118] Lúa đồ (khẩu hãng): lúa non nhưng đã quá độ làm cốm, lấy về đồ lên sau đó mới đem phơi, giã; khi ăn cũng ngâm và đồ chín như những thứ gạo khác. Tục ăn lúa đồ cũng tương tự như tục ăn cơm mới dưới xuôi.
[119] Tên những trái núi lớn thuộc các huyện Than Uyên, Mường La, miền nam khu tự trị Tây Bắc ngày nay, phía tả ngạn sông Đà.
[120] Bói cây. Có nhiều cách bói, hoặc bẻ một nắm cây nhỏ, tách ra từng bó đan vào giữa các kẽ tay, vừa cầu nguyện vừa thu may rủi, hoặc chọn một gióng cây có đốt, bẻ gập khúc rồi đo xem có thuận ý cầu nguyện không.
[121] Huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu.
[122] Một loại măng đắng rất được ưa chuộng.
[123] Theo tục ở rể, phải qua thời kỳ rể ngoài (nằm quản), bố mẹ vợ thử thách đã vừa ý mới cho nhập phòng, làm lễ chung chăn (sú phả). Tới lúc đó, bố mẹ vợ mới chia chỗ nằm cho đôi vợ chồng.
[124] Nhà nghèo không có bông mới phải góp nhặt lông vịt làm chăn. Nhồi lông vịt thêm chăn: nhồi lông vịt thêm vào chiếc chăn cũ thành chiếc chăn mới.
[125] Cỏ gianh già cũng mọc hoa như hoa lâu, làm đệm hoa gianh cũng là cảnh của người nghèo.
[126] Ý câu thơ nói thành của hồi môn dành sẵn khi chồng hết hạn ở rể thì về nhà chồng.
[127] Ba ngày rất xấu. Theo phép bói ngày, ngày cẩu cong là ngày thất đức, trúng ngày này, cha mẹ hoặc những người thân yêu nhất sẽ chết; ngày hõng phữm là ngày thất tài, làm ăn không việc gì nên; ngày hặp xảy, hặp tai còn xấu hơn nữa, đó là ngày thất lộc, chính bản thân sẽ gặp tai hoạ không tránh thoát.
[128] Theo tục ở rể, nếu lấy con gái nhà thường dân thì phải ở rể từ sáu đến tám năm, nếu lấy con gái nhà quý tộc thì phải ở rể từ mười hai đến mười ba năm. Thời hạn ở rể của chàng rể này là vào khoảng từ sáu đến bảy năm.
[129] Lời nói tôn lên cho sang trọng cũng như “sàn hoa” trong câu 115.
[130] Vịt lông biếc tía, vừa tầm béo ngon.
[131] Nguyên văn cũng viết là phủ, tên chỉ một đơn vị hành chính trên huyện hoặc châu. Danh từ chi phủ có thể bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XV thời Lê Quang Thuận (1460-1470) sau việc triều Lê đổi châu Phục Lễ thành phủ Yên Tây và Lộ Gia Hưng thành phủ Gia Hưng lệ vào thừa tuyên Hưng Hoá. Từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ XIX, phủ vẫn giữ nguyên chỉ thêm bớt một số châu bên dưới. Năm Thiệu Trị thứ nhất truyền Nguyễn (1841) lại đặt thêm phủ Điện Biên, cắt các châu Tuần Giáo, Lai Châu vào. Sau năm 1895, giặc Pháp hoàn thành việc xâm lược Tây Bắc, phủ bị bãi bỏ, các châu Thái trực thuộc vào hai tỉnh Sơn La, Lai Châu. Ngày nay danh từ phủ vẫn còn hoạ hoằn thấy dùng với ý nghĩa là một nơi cửa quyền uy nghiêm lộng lẫy.
[132] Từ đây trở đi, so tháng kể với những đoạn tả thời tiết và công việc làm trong tháng, thấy không thật chính xác và có khi trái ngược. Có lẽ tháng ở đây tính lẫn lộn, khi theo âm dương lịch (lịch Tây) khi theo lịch Thái chăng? Dù sao chúng tôi cũng thấy không quan hệ lắm. Người đọc vẫn hiểu rằng người con gái đã khôn khéo thoái thác, lẩn lừa, chưa muốn về nhà chồng vội, cố đợi người yêu về kịp để giải phóng cho mình. Lịch Thái đại khái cũng tính một năm là 12 tháng, nhưng chệch với âm dương lịch khoảng 6 tháng, ví dụ tháng 12 lịch Thái là tương đương với tháng 6 âm dương lịch. Trừ tháng giêng lịch Thái cũng gọi là tháng giêng (bươn chiêng), các tháng Thái đều gọi theo số cho đến tháng 12; ở đây chúng tôi dịch tháng mười một, mười hai là tháng một tháng chạp cho tiện.
[133] Theo quan niệm mê tín xưa, mỗi người sinh ra đời đều do then đúc nên; con người ta quý tiện, khoẻ yếu khác nhau là do mỗi người đã được rập theo một khuôn đúc khác nhau. Khuôn đúc lưu lại trên trời, có ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh con người nó đã đúc ra.
[134] Thiên đường.
[135] Lẵng đan bằng tre có dây đeo qua vai, phụ nữ bước ra khỏi nhà là đều đeo lếp theo.
[136] Đoạn thơ nói:sợ gặp rủi ro chồng chết sớm, phải chịu cành goá bụa, quay về ở với cha mẹ đẻ.
[137] Hai câu thơ ý nói: sẽ gặp cảnh bản mường điêu tàn; đến nỗi bật cả tiếng chiêng, tiếng trống, mất cả tục lệ cầu cúng, lễ bái.
[138] Ý nói gặp điều rủi ro, bất trắc giữa đường.
[139] Nước trên núi chảy xuống, dồn từng bậc ruộng này xuống bậc ruộng khác, hợp thành hình ảnh trăm ngọn thác nhỏ reo vang.
[140] Ý nói tháng chín trời giông bão, nhiều tai hoạ động rừng động bản.
[141] Hai câu thơ nói bố mẹ chồng sẽ đón tiếp dâu con một cách mừng rỡ, quý trọng đặc biệt. Tục lệ cũ, các bậc già cả chỉ ngừng tay chài, tay cửi khi có khách quý tới nhà.
[142] Tây Bắc trước đây vần có tiếng đồn là sản xuất nhiều bạc tốt.
[143] Ngày huộng và ngày hài cách nhau 5 ngày.
[144] Ý nói nay đã trở nên giàu có, phong lưu.
[145] Hai câu thơ ý nói đường đi ròng rã gian khổ, tối đâu ngủ đấy, đói đâu ăn đấy.
[146] Đồi nương mới đốt, trên mặt đất còn nhiều dấu tro than.
[147] Theo truyền thuyết lịch sử Thái: Vào buổi khai thiên lập địa, trên trần gian muôn vật đều biết nói. Rái cá biết trả lời, Nai, hoẵng biết kêu than. Cú vọ, chim ưng biết kể chuyện. Lợn chó biết cáo xin. (
Quãm tỗ mưỡng bản dịch của Cầm Trọng, Cầm Quynh, nhà xuất bản Sử Học, Hà Nội, 1960). Truyền thuyết này được phát triển trong nhiều truyện cổ tích và nhiều tác phẩm văn học cổ điển khác.
[148] Hai câu thơ cố ý tạo nên một hình ảnh trái lẽ. Theo Điêu Chính Ngâu thì đó là tỏ ý gặp điểm gở, xấu (
Xống chụ xon xao, Điêu Chính Ngâu sưu tầm và dịch, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1957, trang 40, dòng chú thích).
[149] Lúa gặt xong, chưa mang về nhà ngay, đánh đống ở giữa ruộng.
[150] Một loại sóc nhanh và tài nhảy cao, người Thái Tây Bắc gọi là hon, người Tày Việt Bắc gọi don, trong kháng chiến, người Kinh cũng gọi theo người Tày là don.
[151] Ý khinh bỉ, chê bai. thành ngữ “xấu như ma”, “bẩn như ma”. Lại có ý là tai quái, bịp bợm, thành ngữ “gian ác như ma”.
[152] Chỉ những chị em nhà chồng tới đón dâu.
[153] Máng gỗ dài khoét bằng nguyên một khúc gỗ dùng để giã gạo bằng tay. Nay ở một số vùng Thái trắng và vùng Mường, huyện Phù Yên (Sơn La) vần còn thấy dùng xen với cối giã bằng chân để tuốt lúa, giã cốm, hoặc khua vui ngày tết, ngày cúng. Hai câu thơ ý nói: người ta đang chuẩn bị tiệc tùng, ăn uống.
[154] Cải reo vừa mọc, nảy hai lá non xoè hai bên như hai cánh bướm. ý nói: khi ra đi mọi việc còn đang êm đẹp, đầy hy vọng.
[155] Một thứ hòm đan bằng mây hoặc dang, hình bầu dục. Khi người thiếu phụ về nhà chồng, trừ rượn là dùng dậu, sọt để gánh còn quần áo, chăn đệm, của hồi môn đều xếp vào trong bem hoặc đặt lên nắp bem gánh đi.
[156] Sàn khuống quen thuộc thân yêu. Nhỏ có nghĩa trìu mến, yêu thương, không có nghĩa đối lại với to.
[157] Thông thường khi con gái đến thời, có nhiều nỗi riêng tây thầm kín, đều được cha mẹ cho đắp “chăn riêng”, nghĩa là ngủ riêng một màn một đệm. ở đây. câu thơ nói lên một sự trái lẽ thường với với một giọng như là thuận lẽ, hợp với câu sau hàm một ý chua chát, cay đắng.
[158] Ý nói nhiều ngày, ngày ngày.
[159] Cột cái, cột con đẽo thon bên trên thành hình đuôi cá, đuôi nhạn.
[160] Sọt nhỏ đan bằng mây hoặc dang, dùng để đựng thóc, có hai quai đan liền để tra đòn gánh.
[161] Một thứ giàn hình ống, cao, dùng đặt chậu gạo nếp ngâm lên trên để súc vật khỏi ăn vụng.
[162] Một thứ giàn tre hình mặt phẳng, treo bên trên bếp lửa để dặt các thứ lặt vặt và để sấy khô thức ăn.
[163] Ổ hình tròn hoặc bầu dục, nhỏ, tết bằng lạt, để tằm bám vào đấy dăng tơ làm kén.
[164] Nùi lạt buộc khéo, hai đầu lạt gài tách ra như hai cánh bướm.
[165] Người Trung Quốc.
[166] Kho muối và nhà buôn tượng trưng cho sự sung túc, giàu có.
[167] Ta ơi, ta hỡi: tự mình gọi mình, một cách nói tự ý than thở đau đớn.
[168] Chỉ nhà họ hàng bên chồng. Phong tục cũ, người thiếu phụ về nhà chồng phải đi lạy chào suốt lượt họ hàng nhà chồng, chú chồng, bác chồng... để nhận lời chúc và đồ mừng. Cuyộc lễ ra mắt ấy nhiều khi kéo dài hàng tháng nhất là các dòng họ giàu, họ đông.
[169] Tục lệ, phép và luật cản trở, sừng sững như gốc tùng, uy nghiêm như gốc quế. Dù vậy, cả đến phép tắc trong gia đình (phép của mẹ hiền) được coi là phép lớn giữ liền trong tim cũng vẫn vì tình yêu mà gác bỏ ra ngoài. Phép lớn chỉ phép tắc trong gia đình. Phép cả, phép thiêng chỉ luật pháp, lệ tục ngoài xã hội.
[170] Ý nói hãy còn sống đây, còn đủ mưu trí, dũng cảm.
[171] Thép do người Kinh đúc.
[172] Ý nói dù có bị lệ làng, phép quan phạt vạ nặng nề bao nhiêu cũng không coi ra gì.
[173] Một giống chuột rừng nhỏ, lông xám nâu, có một sọc vàng giữa mình.
[174] Nai quý. Phải chăng câu này có ý tự ty, ví mình như bò vừa gặm bị kẻ tình địch như nai vàng đến phá.
[175] Người Thái đen có tục hoả táng (thiêu xác). Muốn xác cháy đượm, cần có hơi hương của người thân yêu nhất. Người ta đốt cùng với xác chết khăn, vải, áo lót hoặc hai ba sợi tóc của người thân, coi như thêm dầu cho giàn hoả. Người ta tin rằng kẻ cô đơn, không người thân thiết, xác thiêu không cháy hết, còng quèo, dang dở, vong hồn không siêu thoát. Câu thơ ý nói không lấy được nhau coi như suốt đời không còn có ai thân yêu, đành mượn hơi hương da thịt người yêu ngay từ lúc này để mai sau có chết cũng không đến nỗi thành kẻ cô quạnh, lửa xác được nhờ hơi hương ngày nay mà cháy đượm, vong hồn được siêu thoát.
[176] Vòng nặng một nén, cũng có thể có ý nói vòng đúc bằng bạc nguyên nên, bằng bạc tinh, không lẫn tạp chất.
[177] Ba nhánh của một dòng suối. Câu thơ ngụ ý nói tình thế đã trở nên tuyệt vọng.
[178] Do tích truyện cổ Khun Lù, Nàng Ủa (
Chàng Lù, Nàng Ủa) của dân tộc Xá. Chàng Lù và Nàng ủa yêu nhau tha thiết từ nhỏ, lớn lên nàng ủa bị mẹ cha cưỡng gả cho một tù trưởng có thế lực.Cả hai cùng tự vấn, kiện lên trời. Nhưng chính trời lại là kẻ chủ mưu trong câu truyện oan trái này. Họ bị đầy thành hai ngôi sao, mỗi ngôi sao đứng ở một góc trời, mãi mãi trông đợi nhau mà không được gần nhau. Một ngôi sao là sao Khun Lù, một ngôi sao là sao Nàng ủa. Hai ngôi sao này người Kinh cũng thường quen gọi là sao Hôm, sao Mai nhưng thực ra chỉ là một hành tinh (Vệ Nữ) trông thấy vào lúc đầu đêm, cuối đêm (hành tinh Vệ Nữ còn được gọi là sao Kim).
[179] Mùa nước lũ.
[180] Tên gọi theo tiếng kêu của chim, một thứ chim đẹp lông màu xanh, hót vào mùa hạ, tiếng hót cao và buồm.
[181] Tạm dịch theo nghĩa chữ “tổn khương cẵm”, một thứ cây leo hay mọc ở gần bản, thân vàng óng đỏ, rất đẹp.
[182] Một loại cây to, có quả vị chua,ăn được, thường mọc ở ven đường, ven suối.
[183] Một thứ hoa nhẹ như hoa lâu, nở và rụng khoảng đầu mùa đông, lúc nhiều gió mạnh.
[184] Một trong hai con sông lớn ở Tây Bắc, phát nguyên từ vùng Bản Xẻ, Mường Lói huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên, chảy dọc huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) qua một phần đất thượng Lào, rồi qua Hồi Xuân, Thanh Hoá ra biển. Câu thơ ý nói hoa nhẹ nổi trên mặt nước trôi xuôi theo dòng nhưng lại nổi một trận gió to đưa hoa trôi ngang qua sông rộng lớn; ngụ ý dầu khó khăn nhưng không phải là đã tuyệt vọng, vần có thể xảy ra những chuyện may mắn đặc biệt. ý này được tỏ rõ thêm ở hai câu liên tiếp (1198-1199).
[185] Hai câu thơ ý nói về xuôi, tiếng đồn lớn như thuyền; lên ngược tiếng đồn lớn như voi. Dân ca cũng có hai câu cùng một ý ấy: Đồn về xuôi tiếng đồn bằng thuyền; đồn lên ngược tiếng đồn bằng em (Tản chụ xiết xương).
[186] Hai miếng gỗ bắt chéo, đẽo thành cành hoa, sơn trắng, cắm ở hai đầu nóc nhà. Tục truyền khi người Thái ở phương bắc di cư xuống, họ đi vào lúc trăng khuyết. Để sau này còn tập hợp nhau được, họ hẹn nhau rằng hễ đi đâu, ở đâu thì đẽo hình trăng khuyết cắm chéo trên nóc nhà và sơn trắng để làm dấu hiệu, đêm trăng tờ mờ vẫn dễ tìm và nhận ra nhau. Người Thái trổ cửa sổ theo hình cong lưỡi liềm cũng là trên ý nghĩa ấy.
[187] Chỉ có những nhà thuộc dòng tạo (quý tộc) mới được ngăn riêng một gian đầu quản để làm buồng thờ. Nhà thường dân giành một khoảng hẹp cạnh chỗ ngủ của chủ nhà để làm chỗ thờ, không dược phép ngăn riêng thành một gian.
[188] Nhà giang, nứa buộc bằng lạt. Bao nhiêu lạt buộc trong nhà đều vót kỹ cho trơn nhẵn phải là giàu sang, thừa thãi công sức lao động.
[189] Khung đất nện bốn xung quanh đóng khung gỗ đặt lên sàn, trên khung đất trải tro bắc kiềng đun nấu.
[190] Một cách nói mỉa.
[191] Hai câu thơ có thể có ý khinh miệt, nhà rách mới chặt hẹp chỉ đáng cho chuột rúc, chim chui, không đáng để người bước vào. Nhưng việc anh ở lại với chị một thời gian sau khi chị đã về nhà chồng là một việc được chứng thực trong những đoạn tới. Ở đây, không thể hình dung rõ việc anh lên nhà chồng chị như thế nào, bằng cách nào?
[192] Tục lệ cũ con dâu con rể làm điều gì phạm đến các phép kiêng kỵ hoặc phong tục tập quán, nhà chồng, nhà vợ phải soạn lễ cúng để xin lỗi, đền tội. Cúng to, cúng nhỏ tuỳ lượng cha mẹ và một phần tuỳ theo tội lỗi. Cả đoạn, từ câu 1260 xuống đến 1282, anh dặn dò chị trong cách ăn ở phải giữ gìn đúng với lệ tục để tránh bị vạ phạt, chỉ riêng “trái tim” thì “đừng quên tình cũ”.
[193] Chỗ đầu cánh nhọn ngoài cùng.
[194] Chỗ móng chân gà.
[195] Ý nói canh để phần ít quá, chấm không được, chan không được.
[196] Hai câu thơ ý nói không ăn thì đói, ăn thì tủi thẹn nuốt xuống không trôi. Nhà quan và khách ở đây chỉ có ý chỉ chung quanh người ngoài, hàng xóm.
[197] Thành ngữ Thái: “nuôi con bằng nhện” có nghĩa là không có gì để nuôi con cả.
[198] Đun sôi hoặc nấu chín không dùng bằng nồi bằng siêu mà dùng bằng gióng tre, gióng nứa tươi. Cơm lam: cơm nấu chín bằng gióng tre nứa (đúc gạo nếp ngâm sẵn vào gióng nứa, đổ nước xâm xấp, nút chặt, đốt ống nứa tươi đến khi cháy hết lượt vỏ dày bên ngoài thì cơm chín).
[199] Câu này, hình ảnh nguyên văn là chết thành cây ấu, dây ấu bồng bềnh trong nước, cùng chung một ao. Xét không hại đến ý câu thơ, thay bằng hình ảnh bèo trôi nổi ao chung.
[200] Xem lại chú thích sao Khun Lù ở trước.
[201] Bán xong không thu lại được.
[202] Sau khi thu về không còn biết đám nào gặt ở ruộng nào.
[203] Suốt từ lúc gió nổi đến lúc gió lặng là một đời gió (trận gió). Tàn đời gió tức hết một trận gió. Cũng có ý là gió thổi mãi mãi vẫn không rung chuyển, bao giờ hết gió, không có gió nữa mới là tàn đời gió.
[204] Ngày sinh nhật, chỉ tính theo ngày mà không kể tháng. Tính ngày như cách tính theo thập can, chưa hết một vòng lại quay lại danh hiệu cũ tức là cứ hết mười ngày lại tới ngày sinh một lần. Trong ngày sinh chỉ kiêng những việc đặc biệt quan trọng như đi chơi xa, bắt đầu xuống cày, xuống cấy, bắt đầu gieo nương, hoặc đi vay mượn tiền bạc. Đi rừng hái củi và mọi việc hàng ngày thì không kiêng. Tục kiêng này cũng chỉ áp dụng vào ngày sinh của những người đứng đầu gia đình mà thôi (xem lại chú thích trên).
[205] Theo tục lệ, tới ngày kỵ giỗ tổ tiên, con cái trong nhà phải chia nhau lên rừng, xuống suối kiếm cá, kiếm măng về góp cúng. Con dâu phải đi kiếm cá mới là dâu hiền.
[206] Bắt đầu từ hai câu này trở xuống, anh lại dặn chị ngược lại với những lời dặn trong đoạn trên. Đã giữ gìn mà vẫn cứ bị hành hạ, đánh đập thì hãy làm tất cả mọi điều mà người ta cho là “chướng tai gai mắt”, những điều từ xưa vẫn phải kiêng tránh.
[207] (Sau hóng) cột sàn chỗ dành làm buồng thờ.
[208] Có hai nghĩa: (1) đã lâu lắm rồi, đã tới lúc đáng phải quên đi; (2) lúc sắp hấp hối, trí nhớ lẫn lộn, sắp sửa quên hết mọi sự, mọi việc ở đời.
[209] Một thứ hoa rừng đẹp, màu đỏ, trẻ con thường hay ngắt chơi. Ngụ ý đừng quên thời thơ ấu.
[210] Một giống gừng dại, củ nhỏ, ít vị thơm cay. Ngụ ý đừng quên khi hèn khó.
[211] Từ câu này trở xuống tới câu 1476 nêu lên những chuyện chưa từng có, nếu những việc không xảy ra được mà vẫn xảy ra thì cũng đừng quên. Chớ quên, hoặc đợi đến khi xảy ra chuyện lạ chưa từng có thì hãy quên (hai cách nói).
[212] Rừng nhỏ, rừng thưa, gà rừng không ở.
[213] Mùa bông nương tháng chín, tháng mười (mùa thu. đông) cuốc không thể gọi hè vào mùa thu đông được.
[214] Một loại cây có củ ăn được, cũng giống với khoai sọ.
[215] Một giống chim rừng mình nâu, đầu trắng không hay đậu, bay luôn, kêu thì kêu cả đàn, tiếng to vang động như tiếng loài thú. Dưới xuôi, có nơi gọi là chim láo đáo hoặc liếu điếu.
[216] Cá sấy khô trên gác bếp.
[217] Quả núc nác, một thứ quả bao giờ cũng rủ xuống cũng như hoa chuối rừng bao giờ cũng mọc dựng ngược.
[218] Phụ nữ Thái đen có tục lấy chồng thì búi tóc ngược lên trtên đỉnh đầu. Khi đã có chồng cho đến lúc chết, không ai có thể quên búi tóc ngược lên đỉnh đầu vì không thể quên rằng mình đã có chồng.
[219] Chỉ lưu hữu ngạn của sông Hồng, phát nguyên từ huyện Cảnh Đông, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Việt Nam qua Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình rồi chảy vào sông Hồng, khúc sông ở Trung Quốc gọi là Bả Biên Giang.
[220] Ý nói từ xưa chưa hề có lỗi lầm gì với nhau, dù là rất nhỏ.
[221] Sông Thao, sông Đà. Sông Thao là tên gọi một đoạn sông Hồng từ Việt Trì lên phía trên.
[222] Ngọn cây ngọc của “nhà trời”, ví với người yêu, tỏ ý yêu quý.
[223] Giàn treo trên gác bếp nấu, không được khói lửa sưởi ấm, chỉ cảnh nghèo hèn và cảnh cô đơn lạnh lẽo.
[224] Loại cây thuốc họ dâu tằm, vỏ dùng làm giấy, làm thừng, nhựa cây rất dính, trẻ em thường dùng nhựa dướng để bẫy chuòn chuồn.
[225] Con mắt liếc ngang thấy qua đầu vai, đuôi mắt như quyện, như gắn vào đầu vai vậy. Ý nói sắp chán nhau lại yêu nhau thắm thiết trở lại. Cũng có thể có ý vì đôi tình nhân như đuôi mắt với đầu vai gắn với nhau.
[226] Voi quý, ngà bọc vàng, bọc bạc! Truyền thuyết lich sử Thái có ghi: “Hơn nữa, họ (vua Lào ở Luông Pha Bang) lại muốn hoà hoãn để bản mường yên ổn nên phải mang voi có ngà bọc bạc, bọc vàng đến biếu Ta Ngần. Con voi ấy, Chúa đã mang xuống xuôi để tiến vua Kinh nhưng voi đến giữa đường cứ quay về chủ cũ” (Quãm tỗ mương). Câu thơ có ý nghĩa ước như voi quý xưa lại được quay về quấn quýt với người cũ.
[227] Áo nhuộm màu chàm biếc, nắng chiếu lấp loá đẹp như màu cánh con cánh cam.
[228] Một loại lá dong xấu.
[229] Hai câu thơ ý nói dù có phép lạ lùng biến cái nọ thành cái kia.
[230] Ý nói đã mất thời cơ, việc đã lỡ rồi.
[231] Người con trai tự chỉ mình, ngụ ý đâu xót, đã thành một gã trai buôn, đã phong lưu nhưng vẫn mất người yêu.
[232] Đắp suối (chắn suối) để bắt cá kiếm thức ăn trên dọc đường về nhà; suối ba dòng: ba nhánh của một con suối.
[233] Câu thơ chỉ có thể hiểu theo nghĩa than thở, trách móc người yêu.
[234] Lều dựng tạm, lợp bằng lá chuối rừng, khi lá úa vàng lại thay lá mới.
[235] Tức là nằm giữa cánh đồng.
[236] Miếng cơm nhỏ bằng đầu tên, bằng đầu chiếc đũa.
[237] Vải hẹp khổ, dệt thưa, bằng loại sợi xấu. Khổ vải trung bình là vải khổ tám.
[238] Phong tục cũ, ngoài công ở rể và tiền sinh lễ, người chồng còn phải nộp cho cha mẹ vợ một món tiền đền công sinh dưỡng gọi là giá người (“ca hua” hoặc “ca cỗn”). Món tiền này có thể trả dần. Chưa trả được giá người thì chưa có đủ toàn quyền về sinh mệnh người vợ, không thể đem bán hoặc đem đổi, chỉ có một cách là đuổi về nhà ngoại. Đó chính là trường hợp trong chuyện này.
[239] Đủ chảy tràn theo năm máng nước lần (lần là máng dẫn nước).
[240] Cây sung ít khi nở hoa, mùa hoa sung nở là một điểm may mắn hiếm thấy. Câu thơ ý nói đã hết thời may mắn, sung sướng.
[241] Nhà quan, tiếng gọi tôn kính.
[242] Tục lệ cũ, lấy người đã qua một đời chồng thì được cưới về nhà ngay, không phải ở rể trong trường hợp người chồng trước đã đủ hạn ở rể rồi.
[243] Theo tục Thái, đó là điều kỵ nhất.
[244] Ở đây người chồng mới. người chồng thứ hai. đã trả đủ “giá người” nên có toàn quyền về sinh mệnh người vợ.
[245] Chỉ người chồng thứ ba túc người tình nhân cũ.
[246] Đoạn thơ từ câu 1726 đến câu này là nói người yêu cũ khoán giao mọi việc to nhỏ trong nhà bắt làm, không nên lầm với ý phó mặc, tin cậy.
[247] Gỗ cặt, gỗ mữ là hai thứ gỗ chắc và nhẹ.
[248] Tên một thứ hoa được nói tới nhiều trong dân ca nhưng trong đời thực rất ít người thấy. Theo nghĩa chữ thì đó là thứ hoa muôn màu, muôn sắc.
[249] Con gái đến tuổi dạy thì thường thu góp chỉ màu, vải đẹp để thêu thùa, may mặc, chuẩn bị cho ngày lấy chồng. Câu thơ ý nói lại sống lại những ngày vui sướng,rạo tực của thời thanh xuân.
[250] Ý nói đừng làm cái gì thái quá, làm thái quá có hại.
[251] Con dúi và con tê tê chạy trốn, đào lỗ sâu vào trong đất rồi cuối cùng cũng vẫn phải chui ra. Ý nói cứ từ từ, bình tĩnh, rồi cũng sẽ được như nguyện.
[252] Đổi tay cầm chầy, ý nói xin giã gạo đỡ.
[253] Ý nói xin hầu hạ, phục dịch. Đỡ đầu roi, chuôi kiếm: thành ngữ tượng tự như thành ngữ Việt “nâng khăn sửa túi”.
[254] Măng nhỏ, măng vụn, lẫn nhiều rác.
[255] Hoa nhỏ lấm tấm. Cây bợ mọc bò ở những chỗ ẩm, lá gồm bốn lá kép xếp thành hình chữ thập, dùng làm rau ăn được. Tục ngữ Việt: rau bợ là vợ canh cua.
[256] Áo dài của phụ nữ Thái đen màu chàm sẵm, gấu áo bên trong và các đường viền tả bên trong đính vải xanh, đỏ, vàng... khi lật tà áo buộc ngang thắt lưng trông như dải nhiều màu.
[257] Ý chỉ người chồng thứ nhất của chị.
[258] Ý nói hãy biến tình duyên không may mắn (phải bỏ vợ) thành tình duyên may mắn.