18/12/2024 03:59Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi tôn tiền tử vào 18/12/2015 11:59
Nguyễn Tử Mẫn (1816 - 1901) quê ở thôn Đống Cao, xã Gía Hộ, tổng Kỳ Vĩ (Nay là làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình), đỗ cử nhân ân khoa kỳ thi Hương năm Tân Sửu (1841) ở trường thi Nam Định. Đời vua Thiệu Trị, triều Nguyễn Ông được bổ làm Tri huyện Kim Anh (Vĩnh Phúc), Hiệp Hoà (Bắc Giang), rồi quyền Tri huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Năm 1849, ông tham gia trong đoàn nghi lễ đón tiếp sứ Tàu ở phía Nam thành Lạng Sơn. Sau đó, vì lý do “Thuỷ thổ bất phục” sức khoẻ giảm sút, ông đã cáo quan về quê dạy học, viết sách, làm thơ, vui thú điền viên...
Sinh thời Nguyễn Tử Mẫn là người ham đọc và viết sách. Nhưng rất tiếc qua các thời kỳ loạn lạc chạy càn, bom đạn... tác phẩm của ông đã bị thất lạc rất nhiều. Hiện ở Viện Hán - Nôm và Thư viện Quốc gia Hà Nội còn lưu giữ các tác phẩm chữ Hán của ông sau: Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên (Ký hiệu A922); Ám thất đăng diễn ca (Ký hiệu AB113, đã được Tích Thiên Đường xuất bản, năm 1875); Sơ kính tân trang của Phạm Thái (Nguyễn Tử Mẫn chép lại, Ký hiệu A1390). Đồng thời, trong cuốn Giai thoại làng nho của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, do Nam Chi tùng thư xuất bản năm 1964 ở Sài Gòn có chép 2 bài thơ Tự vịnh, Sáng ngủ dậy muộn và một số câu đối của ông. Và trong Phụ lục gia phả họ Nguyễn Tử do Nguyễn Tử Chuấn (đời thứ mười, chi Cả, hệ ba của dòng họ Nguyễn Tử) chủ biên đã sưu tầm một số bài thơ ngắn và 24 bài diễn ca chữ Quốc âm với nội dung khuyên răn người đời và con cháu trong dòng họ sống phải tôn trọng thuần phong mỹ tục, lệ làng phép nước (Phụ lục gia phả họ Nguyễn Tử, lưu hành nội bộ, in tháng 12 năm 2004, Tr.54 - 61). Tác phẩm của Nguyễn Tử Mẫn còn lưu lại không nhiều, nhưng thật sự có giá trị về mặt tư liệu cổ, nhất là về địa chí học đối với vùng đất và người Ninh Bình.
Đọc Danh nhân đất Ninh Bình, đoạn nói về tác phẩm văn học của Nguyễn Tử Mẫn, sách đã viết “Nguyễn Tử Mẫn còn viết một số bài thơ văn Quốc âm. Ông không sáng tác thơ chữ Hán” (Danh nhân đất Ninh Bình của Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam - HN. 2000, Tr.246) và tác giả Lã Đăng Bật trong bài viết “Đôi điều về Nguyễn Tử Mẫn tác giả cuốn sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên” (NBTTĐCKB) cũng đã khẳng định “Ông (Nguyễn Tử Mẫn) không sáng tác thơ chữ Hán” (NBTTĐCKB, Nxb Chính trị Quốc gia - HN, 2001, Tr. 293). Đồng thời, trong bài viết “Một thoáng về danh nho Nguyễn Tử Mẫn” của tác giả Nguyễn Văn Huyền cũng khẳng định “Không thấy ông còn thơ văn chữ Hán. Sinh thời, có lẽ ông thích sáng tác bằng Quốc âm hơn, một hiện tượng hơi hiếm trong số các nhà khoa cử đương thời” (Sđd, Tr. 286). Như vậy đến nay, các học giả viết về danh nho Nguyễn Tử Mẫn, tài liệu về Gia phả và phụ lục Gia phả họ Nguyễn Tử đều cho rằng ông không viết thơ chữ Hán.
Trong quá trình khảo sát những bài thơ xưa khắc đá trên địa bàn vùng cố đô Hoa Lư, đặc biệt là đi tìm phần chữ Hán bài thơ khắc đá Vịnh động Thiên Tôn của Tuần phủ Phan Đình Hoè do Thi Nham Đinh Gia Thuyết dịch và nguồn tài liệu Văn bia Ninh Bình thời phong kiến, chúng tôi đã phát hiện một bài thơ chữ Hán của danh nho Nguyễn Tử Mẫn.
Bài thơ của Nguyễn Tử Mẫn có tiêu đề Phụ lặc tri phủ Nguyễn Đức Thiếp hoạ thi (Phụ khắc bài hoạ thơ tri phủ Nguyễn Đức Thiếp) được khắc trên một phiến đá rời mặt bên bia khắc bài thơ Vịnh động Thiên Tôn của Phan Đình Hoè, cùng bài ký La Dũng sơn động từ ký (Bài ký động núi La Dũng). Bia có hình chữ nhật đứng, với kích thước cao 131cm, rộng 71cm, đặt trên bệ cao 28 cm, diềm không chạm khắc hoa văn. Trên mặt bia tất cả có 23 dòng, trong đó bài thơ thất ngôn bát cú và dòng lạc khoản được khắc ở 3 dòng cuối cùng của bia đá sau lời đề tựa. Hiện bia còn nguyên vẹn, hầu hết các chữ Hán còn rõ nét, đang dựng bên phải cửa động Thiên Tôn (TT. Thiên Tôn, huyện Hoa Lư). Căn cứ nguyên bia đang hiện hữu ở cửa động, chúng tôi chép phần chữ Hán và phiên âm theo thực bia như sau:
[...]
Đến thời điểm này, đây là bài thơ chữ Hán duy nhất của Nguyễn Tử Mẫn. Với việc tìm thấy bài thơ Đường luật chữ Hán viết theo thể thất ngôn bát cú của ông khắc trên bia đá, hiện đang toạ lạc tại động Thiên Tôn sẽ là một tư liệu quý, giúp ta hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của một viên quan Tri phủ yêu nước, của một danh nho quê hương.
Trần Lâm Bình