22/11/2024 07:45Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi DungKD vào 14/09/2009 09:24
Hai tiếng quê hương cất lên trong cõi sâu kín nhất của tâm linh Hoàng Cầm không chỉ gọi dậy một nỗi nhớ thương mênh mang, thổn thức, một tình yêu sâu nặng, khôn cùng mà còn vang động một nỗi niềm tự hào, say đắm. Bởi đó là miền quê của những tiếng hát lời hò ngọt ngào, mê mải, của những nét vẽ trong sáng, rạng ngời, của những con người hồn hậu, thân thương. Bức tranh Kinh Bắc trải ra trước mắt người đọc theo từng lời thơ, con chữ, tất cả hiện về thật tươi mới, sống động, tưởng như Hoàng cầm đang sống giữa quê hương, cũng náo nức đợi chờ, cũng đắm say, mê mải trước “truyền thống nghệ thuật lâu đời, trước vẻ đẹp cổ kính” ấy.
Bên kia sông ĐuốngHoàng Cầm như đưa người ta trở về một không gian ngập ánh sáng, tràn sắc màu, quấn quện, phảng phất hương vị nồng nàn của lúa nếp, nét tươi trong của tranh Đông Hồ, sắc sáng bùng lên của màu dân tộc. Chọn những nét đẹp tinh tuý, chắt lọc của đất trời Kinh Bắc, Hoàng cầm đã khơi dậy trong lòng người một nỗi niềm quê hương da diết. Nét vẽ bình dị mà rất mực tài hoa, không tả mà chỉ gợi nhưng cũng đủ để thế giới Kinh Bắc hiện về sống động, tươi mới. Hai từ “sáng bừng” như một điểm nhấn đẹp đẽ của câu thơ, không chỉ gọi nét tươi tốt, trong trẻo của tranh Đông Hồ mà còn dựng dậy sức sống rạng ngời của dân tộc. Câu thơ như được thắp sáng trong niềm tự hào, kiêu hãnh hết mực của Hoàng Cầm. Đọc thơ Hoàng cầm không chi nghe được hương lúa nồng nàn lặn sâu vào tâm thức, mê mải, cuốn hút với những nét vẽ trong trẻo, hồn nhiên mà còn gọi dậy một niềm tự hào mạnh mẽ về sức sống dân tộc. Bao trùm không gian Kinh Bắc là một tình yêu sâu nặng, một nỗi nhớ thiết tha của Hoàng Cầm. Tình yêu ấy thổi hồn cho sắc màu trong thơ, khơi dậy ánh sáng trong thơ để rồi những câu thơ viết về quê hương cứ ngân vang một nỗi niềm tự hào sâu thẳm:
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trèn giấy điệp.
Ai về Bên kia sông ĐuốngThế giới Kinh Bắc mở ra trước mắt người đọc từ những ấn tương đầu tiên những sắc màu, ánh sáng tươi tắn đầu tiên để rồi cứ mở ra mãi một không gian Kinh Bắc theo lời mời gọi “Ai về Bên kia sông Đuống?” Đại từ phiếm chi “ai”, tạo ra độ ngân vang trong cảm xúc của tác giả. Hoàng Cầm gọi ai? mời ai? Gọi người đến hay nhắc trở về hay nhủ chính lòng mình đây? Những câu thơ thao thức, gióng giả một nỗi niềm, uẩn ức cứ vời vợi chảy trôi theo lời thơ, phong tục tập quán ngàn đời đẹp đẽ của quê hương hiện về thật sống động, vẻ đẹp cổ kính trầm mặc của không gian lễ hội, sự ân tình chất chứa trong hình ảnh “tấm the đen”, “mộng bình yên” gửi gắm trong cảnh vật thơ mộng, thấp thoáng, tất cả làm nên bản sắc văn hoá lâu đời của quê hương Kinh Bắc. Những câu thơ của Hoàng cầm như còn nguyên vẹn cái âm hưởng thanh bình, yên ả của nó. Người ta như cảm thấy mắt nhìn Hoàng Cầm muốn bao chiếm, ôm trọn không gian thân thương của quê hương yêu dấu, từ “trên” đến “trông” vào “giữa”, những địa danh của Kinh Bắc, núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, huyện Lang Tài cứ hiển hiện như đang ở trước mắt người đọc. Từ “tấm the đen”, Hoàng Cầm chất chứa, nén dồn bao yêu thuơng, ấp ủ từ những hình ảnh bình dị, Hoàng Cầm gửi gắm những ước vọng bình yên lớn lao, từ câu chuyện về Kinh Bắc, nhà thơ đưa người ta trở về chốn cũ, người xưa trong không gian đẹp đẽ, thanh bình:
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
Những nàng môi cắn chỉ quết trầuKhông gian, thế giới Kinh Bắc không chỉ đẹp trong nét vẽ cổ kính trầm mặc, mà còn sống động với hình ảnh đẹp đẽ của những con người hồn hậu, thân thương. Nhớ về Kinh Bắc, hình ảnh con người gợi dậy trong Hoàng cầm bao yêu thương trìu mến. Chỉ phác hoạ bằng vài nét, Hoàng cầm cũng giúp người ta hình dung đầy đủ về họ. Những thiếu nữ duyên dáng, những cụ già hồn hậu, những em bé ngây thơ, tinh nghịch. Một làn môi cắn chỉ, một mái tóc trắng phơ phơ, một hình ảnh sột soạt quần nâu,... cũng đủ để tưởng tượng về những con người không tên, không tuổi, lạ kì. Hoàng cầm đặc biệt dành nỗi nhớ niềm thương cho hình ảnh người con gái Kinh Bắc, những câu thơ viết về vẻ đẹp quyến rũ, hồn hậu của họ trở thành những lối đẹp nhất của bài thơ. Câu thơ bắt đầu bằng từ để hỏi “Có nhớ” đánh thức tình yêu, gọi dậy nỗi nhớ ám ảnh, thổn thức. Hình ảnh cô hàng xén răng đen với nụ cười tươi tắn, với khuôn mặt búp sen gọi ra một vẻ đẹp tươi tắn, sáng trong, đặc trưng cho vẻ đẹp con người Kinh Bắc. Vẻ đẹp con người hoà quyện với vẻ đẹp của đất trời thiên nhiên, nụ cười của cô gái như thu nhận ánh sáng của không gian.
Nhũng cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu về đâu.
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng.
Chợ Hồ, Chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người dăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa màu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đầu về đâu
In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hoàng Cầm » Bên kia sông Đuống » Phân tích truyền thống văn hoá nghệ thuật và thiên nhiên con người Kinh Bắc qua bài thơ Bên kia sông Đuống