22/11/2024 18:13Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Chị Sáu hoá thiên thần”

Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn

Đăng bởi hảo liễu vào 12/07/2015 22:42

 

Gọi điện cho nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, hỏi bà về bài thơ Võ Thị Sáu (SGK Tiếng Việt lớp 1, tập hai) thấy bà dừng giây lát rồi hỏi lại: Bài Võ Thị Sáu nào nhỉ? Tưởng bà quên, tôi đọc lại: Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười… thì bà mới “à” lên một tiếng rồi bảo: “Đó là một phần trong bài thơ Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn của tôi”.

Tưởng gặp lại em trai đã mất trên Côn Đảo

Sau giải phóng Sài Gòn (30/4/ 1975), nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, khi đó là phóng viên báo Hà Nội mới được cử vào miền Nam công tác 4 tháng. Trong vệt dài Nam tiến ấy, bà đi qua nhiều miền quê mà đến tận bây giờ những hình ảnh về những người bà đã gặp vẫn còn nguyên trong ký ức. Đặc biệt là những hình ảnh, con người ở Côn Đảo.

Nhà thơ kể: Khi vào đến Sài Gòn, nhiều người lo không muốn để tôi đi Côn Đảo. Thế rồi, nhà văn Mai Vui và một người bạn của ông rủ tôi và nhà thơ Anh Thơ cùng đi, thế là chúng tôi đi không hề đắn đo gì cả. Khi tàu cập Côn Đảo, hình ảnh đầu tiên làm tôi phát khóc chính là khi bắt gặp khuôn mặt một người lính giống hệt em trai tôi đã hy sinh ở chiến trường. Cảm động hơn nữa là chú lính này quan tâm, săn sóc tôi rất chu đáo.

Sự gần gũi làm tôi cứ tưởng như đang được sống cạnh người em trai rất đỗi ngoãn ngoãn, siêng năng đã hy sinh vì nền độc lập thống nhất của đất nước. Đặc biệt, tôi đã khóc rất nhiều, khóc liên tục khi Việt (tên người lính) kể về giây phút thanh niên Hà Nội tiến vào Sài Gòn trong ngày giải phóng, khoác vai nhau đi không biết chán trên những con đường Sài Gòn và thậm chí mệt quá có thể nằm lăn ra ngủ. Anh ta kể: Khi tỉnh giấc, giật mình cứ ngỡ đang còn chiến tranh nhưng sau đó nhận ra đất nước đã thống nhất và đó là giấc ngủ thời bình, giấc ngủ của sự tự do đầu tiên nên làm tôi càng nhớ, càng thương em trai của mình hơn... Quả thực, tôi cứ nghĩ em trai tôi chưa mất mà thậm chí đang ở rất gần tôi khi đó.

Đến bây giờ, lứa thanh niên Hà Nội trên Côn Đảo ngày ấy vẫn còn sống mấy người và chúng tôi thi thoảng vẫn hay gặp nhau. Tuy nhiên, chỉ họ là nhận ra tôi, còn tôi thì chỉ nhớ mỗi khuôn mặt của chú Việt - người lính giống em tôi như hai giọt nước!

Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn

Buổi sáng. Chúng tôi cùng nhau ra nghĩa địa Hàng Dương. Tôi nhớ, nghĩa địa Hàng Dương khi ấy còn xơ xác lắm chứ không được như bây giờ. Những ngôi mộ cao thấp, nhấp nhô nhìn rất thương.

Mộ chị Sáu dưới chân một cây dương cụt ngọn, chỉ còn lại một nhành rất tươi hướng về phía Bắc. Mộ chị Sáu không có bia khắc tên, tuổi, quê quán như bây giờ mà chỉ có một tấm tôn gỉ ghi số tù. Hàng ngày, những người sống trên đảo, không người này thì người khác đều đến trước mộ chị Sáu thắp hương, dâng hoa, quả. Thậm chí tôi còn nghe người trên Côn Đảo kể lại rằng sau ngày chị Sáu bị xử bắn, chị thiêng lắm nên tụi lính tráng cũng thường xuyên ra sám hối trước mộ chị, thắp hương khấn vái nhiều lắm...

Đêm, tôi cộng hưởng tất cả những giai thoại, những cảm nhận, những suy nghĩ, hình ảnh về chị Sáu viết thành bài Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn. Bài thơ được in trên báo Văn nghệ số 43 năm 1976. Khi may mắn được chọn in vào SGK cho các em học sinh học, ban tuyển chọn chỉ lấy 10 câu đầu bài thơ và đặt tên là Võ Thị Sáu.

Chị Sáu đã trở thành một huyền thoại, ăn sâu vào ký ức mỗi người. Chạm đến ký ức ấy là chạm đến những câu chuyện đẹp, hình ảnh đẹp và con người ta cũng thấy mình đẹp lên. Với học trò cũng vậy, nhất là đối với trẻ em mới bắt đầu đi học. Nếu “dệt vào ký ức” các em những bài học tốt, những hình ảnh đẹp... có giá trị, tôi tin các em sẽ mang theo suốt cuộc đời!
(Báo Thể thao & Văn hoá, 17/01/2010)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Thị Thanh Nhàn » Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn » Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Chị Sáu hoá thiên thần”