24/11/2024 19:55Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phân tích lòng yêu nước trong bài thơ Bên kia sông Đuống

Bên kia sông Đuống

Đăng bởi tôn tiền tử vào 22/01/2015 23:14

 

Sau mười câu thơ đầu thể hiện cái nhìn toàn cảnh bên kia sông Đuống từ bên này sông Đuống là đoạn thơ tiếp theo có ý nghĩa “chép tội giặc”. Trong những vần thơ chép tội giặc thì không những chỉ có nỗi xót đau căm giận mà còn có cả sự hồi tưởng về vẻ đẹp của quê hương Kinh Bắc để nói lên niềm yêu mến tự hào. Chính vì vậy trong đoạn thơ chép tội giặc có hai thế giới Kinh Bắc một Kinh Bắc bình yên trước đây và một Kinh Bắc khi giặc tới. Cả hai hình ảnh Kinh Bắc ấy đều thể hiện lòng yêu quê hương đất nước của nhà thơ.

Lòng yêu nước trước hết thể hiện niềm yêu mến tự hào trước con người và mảnh đất quê hương Kinh Bắc giàu truyền thống văn hoá.
Nhà thơ tự hào trước miền quê Kinh Bắc, một miền quê trù phú, một miền quê văn hoá.

Khi nhớ về quê hương ấn tượng sâu đậm đầu tiên là hương vị của lúa nếp thơm nồng. Hương nếp thơm là dấu hiệu về một miền quê nông nghiệp với đời sống vật chất ấm no. Kinh Bắc những ngày bình yên trước đây là mảnh đất trù phú với cảnh làm ăn đông vui tấp nập.
Chợ Hồ chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chi người dăng tơ nghẽn lối
Kinh Bắc còn mang vẻ đẹp của miền quê văn hoá.
Đây là chiếc nôi của văn hoá dân gian với những lễ hội đầu xuân nổi tiếng như hội Lim đây còn là quê hương của những làn điệu dân ca không chỉ phổ biến vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn nổi tiếng trong cả nước như hát quan họ, hát trống quân.

Trên mảnh đất Kinh Bắc còn có những công trình kiến trúc nổi tiếng mang bản sắc nghệ thuật dân tộc với những chùa Bút Tháp những núi Thiên Thai.

Đặc biệt Kinh Bắc là quê hương của tranh Đông Hồ:
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Chỉ bằng hai câu thơ với vài nét gợi mà Hoàng cầm đã nói rất đúng về tranh Đông Hồ từ đề tài đến chất liệu, đến tâm hồn dân tộc, nghệ thuật dân tộc trong tranh.

Đề tài tranh Đông Hồ thường giản dị dân dã gắn bó với cuộc sống hằng ngày. Tranh vẽ về những cảnh sinh hoạt gần gũi đời thường: hứng dừa, đánh ghen, đấu vật, chăn trâu, thầy đồ cá dạy học, đám cưới chuột. Tranh vẽ về các loài vật như lợn, gà, mèo, chuột. Hồn quê dân dã như thấm vào cả đề tài về tranh Đông Hồ.

Chất liệu của tranh Đông Hồ làm từ đất cát cây cỏ quê hương tranh “tươi” bởi màu và “trang” bởi giấy. Màu tranh Đông Hồ thường có sắc tươi nguyên không pha tạp. Màu đỏ lấy từ sả son, màu vàng từ hoa hoè, màu đen từ than tre. Màu sắc tươi nguyên ấy được vẽ trên nền giấy trắng, trong. Giấy tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp. Giấy được phủ bởi một lớp bột vỏ sò nên có màu sắc trắng tinh óng ánh như ngân nhũ.

Tâm hồn dân tộc và nghệ thuật dân tộc của tranh Đông Hồ được thể hiện qua cách viết độc đáo: “màu dân tộc”. Thông thường chữ màu thường hay kết hợp với những từ cụ thể để chỉ màu sắc nhưng ở đây chữ màu lại kết hợp với một danh từ trừu tượng: “màu dân tộc”. Biện pháp nghệ thuật này vừa nói đúng cả nghĩa đen (tranh làm bằng màu sắc chất liêu dân tộc) vừa diễn tả cả nghĩa bóng (màu sắc của tranh mang tâm hồn dân tộc, bản sắc nghệ thuật dân tộc.

Phải là người thật sự am hiểu thật sự gắn bó và rất tự hào về truyền thống quê hương Hoàng cầm mới chỉ bằng vài nét gợi bằng hai câu thơ mà giúp người đọc thưởng thức được một đặc sản văn hoá của quê hương Kinh Bắc là tranh Đông Hồ.

Làm nên vẻ đẹp của miền quê văn hoá Kinh Bắc là những con người Kinh Bắc. Chính vì vậy Hoàng cầm cũng giành những câu thơ hay nhất tự hào nhất để nói lên vẻ đẹp của người Kinh Bắc một vẻ đẹp thanh lịch một vẻ đẹp nõn nà dân tộc:
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng.
Khuôn mặt búp sen gợi nhiều liên tưởng có gương mặt xinh xắn thanh tú. Có màu phớt hồng trẻ trung. Có hương thơm thanh quý, hàm răng đen mang vẻ đẹp truyền thống rất nền nã, rất dân tộc. Nụ cười như mùa thu toả nắng thì vừa bừng sáng rạng rỡ như lan toả niềm vui ra chung quanh nhưng vẫn mang vẻ đẹp dịu dàng kín đáo.

Hình ảnh thơ Hoàng cầm rất hiện thực mà lãng mạn. Cội nguồn sâu xa cũng chính là niềm yêu mến tự hào về con người mảnh đất quê hương.
Càng yêu mến tự hào về quê hương Kinh Bắc thì nhà thơ càng đau xót tiếc thương căm giận khi kẻ thù kéo đến tàn phá quê hương.
Kinh Bắc đang thanh bình với nếp thơm nồng với tranh Đông Hồ gà, lợn nét tươi trong bỗng trở nên hoang tàn đổ nát:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Ba chữ quê hương được nhắc lại lời thơ da diết nó vừa gợi về hoài niệm, gợi lên có nỗi đau trước mắt với sự đối lập tương phản. Cũng “quê hương ta” ấy mà giờ đây bị tàn phá đã rơi vào tình cảnh khủng khiếp. Những hình ảnh ngắn gọn cô đọng “ruộng khô”, “nhà cháy” nói lên sự tàn khốc của chiến tranh, thiêu huỷ tất cả trong giây lát. Hình ảnh vừa cụ thể vừa có tầm khái quát nó khắc hoạ tội ác giặc ở miền quê Kinh Bắc nhưng lại cũng có thể để khắc bia căm thù ở bất cứ nơi nào có quân xâm lược.

Hình ảnh có sự kết hợp giữa nghĩa thực và nghĩa ẩn dụ để nói lên tâm trạng: “chó ngộ một đàn, lưỡi dài lê sắc máu”. Với ý nghĩa thực hình ảnh này gợi lên sự tàn khốc đến ghê rợn của chiến tranh khi tất cả đã hoang tàn đổ nát thì những con chó nhà đá thành chó dại chạy khắp đường thôn ngõ xóm. Với ý nghĩa ẩn dụ hình ảnh chó ngộ nói về giặc Pháp đã lột tả được bản chất tàn bạo đến mất hết tính người của giặc. Hình ảnh cùng nói lên được thái độ của tác giả: Một nỗi uất hận trào sôi và cả sự khinh bỉ đến tột cùng đối với quân xâm lược.

Trong sự đau xót tiếc thương Hoàng cầm còn viết những câu thơ có sự quyện hoà giữa thực và ảo:
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
Tác giả đã mượn cảnh trong tranh để nói cảnh thực ngoài đời. Mẹ con đàn lợn chia lìa hay bao tổ ấm gia đình chia lìa tan tác. Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã là thế mà tan tác về đâu hay là bao hạnh phúc lứa đôi đổ vỡ. Đâu chỉ là những bức tranh Đông Hồ bị thiêu cháy mà còn là cuộc sống của người dân bị huỷ diệt.

Hình ảnh thơ khắc hoạ nỗi đau trước mắt và cả nỗi đau lâu dài mang ý nghĩa triết lý. Đàn lợn âm dương kia, đám cưới chuột kia đâu chi đơn thuần là đàn lợn và đám cưới. Đó còn là nguồn gốc sự sống, cội nguồn hạnh phúc trong quan niệm bình dị mà sâu sắc từ bao đời của cha ông. Giặc tiêu diệt cái đó cũng có nghĩa là xoá chân đi sự sống, chúng đâu chỉ thiêu huỷ một dòng tranh Đông Hồ, một nền nghệ thuật dân tộc mà còn huỷ diệt cả sự sống trên mảnh đất này hỏi có tội ác nào lớn hơn.

Dưới gót giày của quân xâm lược đâu chỉ mảnh đất bị giày xéo mà con người còn tang tóc thê lương.

Nạn nhân đau khổ nhất trong chiến tranh là người lính vô tội. Thương biết mấy những mẹ già và những em thơ, những con người thòi bình đang cần sự cưu mang che chở thì thời chiến lại thêm nỗi hoảng sợ chiến tranh.

Hình ảnh người mẹ già luôn trở đi trở lại trong thơ Hoàng cầm. Đó là người mẹ của chính nhà thơ hay người mẹ của vùng quê Kinh Bắc nói chung. Dù là ai đi nữa thì hình ảnh mẹ hiện lên cũng thật xót xa tội nghiệp:
Bên kia sống Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy đầm hoen sương sớm
Mẹ còm cõi lam lũ vất vả, mẹ già nua cần đi nghỉ ngơi thì vẫn phải tất bật lo toan với cuộc sống. Gánh hàng rong của mẹ có nhiều nhặn gì đâu: Dăm miếng cau, mấy lọ phẩm, vài thếp giấy. Gánh hàng rong càng nhẹ về hàng thì gánh nặng cuộc sống càng đè lên đôi vai gầy của mẹ. Những số tử phiếm chỉ nói lên sự ít ỏi: “Dăm, mấy, vài” gợi sự lam lũ, sự nghèo khó, mẹ phải tỉ mẩn chắt chiu từng xu. Vậy mà kẻ thù nào có buông tha chúng kéo đến chúng cướp đi tất cả:
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giày đinh đạp gãy quán gày teo
Xì xồ cướp bóc Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu bang chiều mùa đông
Kẻ thù đến thật bất ngờ gây nên nỗi kinh hoàng, chúng hiện nguyên hình là lũ quỷ âm ti mang theo chết chóc gieo bao tai hoạ.

Để tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù nhà thơ đã sử dụng liên tiếp những động từ: Trừng trợn, khua giày đinh, đạp gãy, xì xồ cướp bóc. Bên cạnh đó là nghệ thuật đối lập tương phản:
Mẹ già nua / quỷ mắt xanh trừng trợn.
Giày đinh đạp gẫy / quán gày teo.
Cướp bóc / phiên chợ nghèo.
Biện pháp nghệ thuật này không những tố cáo tội ác kẻ thù mà còn diễn tả nỗi đau thê thảm của những người dân vô tội. Khi nói lên tình cảm đau thương của mẹ và tội ác của kẻ thù những câu thơ cũng có sự quyện hoà giữa thực và ảo. Cái thực như bị nhoè đi bởi những dòng nước mắt: “Lá đa lác đác trước lều, vài ba vết máu loang chiều mùa đông”. Hình ảnh lá đa lác đác trước lều gọi liên tưởng đến số phận của mẹ, của bao sinh linh vô tội đang rụng rơi trước mũi súng, lưỡi gươm đầm máu của quân thù. Nỗi đau cua người dân vô tội và cũng là của chính tác giả, cứ như vết máu loang ra mãi thấm cả vào trời chiều mùa đông lạnh giá.

Trong một đoạn thơ khác hình ảnh người mẹ Kinh Bắc cũng gợi trong ta bao niềm thương cảm:
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ.
Hình ảnh thơ thật gợi cảm có bóng mẹ bước thấp bước cao trên đường trơn mưa lạnh, mái đầu bạc phơ in lên nền trời chiều giá buốt, có hình ảnh cánh cò vút bay ngang qua dòng sông Đuống. Đây không phải là cánh cò bay lả bay la trong câu ca dao thời bình mà là cánh cò hốt hoảng trong thời chiến. Cánh cò bay về đâu, người mẹ đi về đâu khi tất cả đã hoang tàn đổ nát.

Cùng với những mẹ già là những em thơ, những đứa trẻ quá hồn nhiên nên cũng quá tội nghiệp. Chúng đâu đã biết lo toan trong cảnh đói nghèo: “Ngày tranh nhau một bát cháo ngô” chúng còn chưa biết sợ trước chiến tranh.
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Các em hồn nhiên ngây thơ như bầy chim non trong tổ ấm. Các em đâu biết lửa hái của tử thần đang treo lơ lửng ở trên đầu. Chúng chui gầm giường tránh đạn nhưng làm sao tránh nổi khi giặc bắn cả vào giấc mơ trẻ nhỏ:
Trong giấc thơ ngày tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn thon thót giật mình
Bóng giặc giày vò những nét môi xinh
Nghệ thuật đối lập những câu thơ trên lại một lần nữa khắc hoạ bằng tội ác của kẻ thù và cảnh tình thê thảm của những sinh linh vô tội. Từ nỗi đau thương uất hận câu thơ Hoàng Cầm vươn tới sự lên án tố cáo:
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Về mặt nghệ thuật đoạn thơ chép tội giặc được triển khai trên sự đối lập tương phản giữa hình ảnh Kinh Bắc thanh bình trước đây và Kinh Bắc bị tàn phá khi giặc tới. Về nhịp điệu có sự đan xen giữa câu thơ ngắn và câu thơ dài. Những câu thơ ngắn loang loáng vun vút diễn tả sự tàn bạo thiêu huỷ trong chốc lát của chiến tranh. Những câu thơ ngắn không liền mạch đọc lên nghe như tiếng nấc uất nghẹn. Bên cạnh đó là những câu thơ dài buông xuống như lời than tiếc nuối, như dòng lệ khôn ngăn.

Cứ sau một đoạn thơ nói về Kinh Bắc bình yên thì Kinh Bắc khi giặc tới lại là một câu hỏi tu từ như xoáy sâu vào lòng người đọc: “Bây giờ tan tác về đâu, bây giờ đi đâu về đâu...” Những câu hỏi ấy vang lên như một điệp khúc, điệp khúc đau thương, điệp khúc căm hờn, điệp khúc tố cáo.

Trong sự gắn bó sâu sắc với quê hương Hoàng Cầm mang niềm mơ ước, niềm hy vọng của người dân quê hương. Kết thúc bài Bên kia sông Đuống là niềm tin tưởng cuộc sống thanh bình sẽ trở lại quê hương Kinh Bắc:
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
Nếu bài thơ mở đầu bằng những câu vùa xót xa vừa an ủi vỗ về: “Em ơi buồn làm chi thì kết thúc lại là hình ảnh ngày hội non sông, ngày chiến thắng. Niềm mơ ước, niềm hy vọng, niềm tin tưởng ấy đã đem đến vẻ đẹp cho câu thơ của Hoàng Cầm những hình ảnh thực mà cũng lung linh huyền ảo, hiện thực mà siêu thực.
(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hoàng Cầm » Bên kia sông Đuống » Phân tích lòng yêu nước trong bài thơ Bên kia sông Đuống