24/11/2024 07:21Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Soạn bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận

Đoàn thuyền đánh cá

Đăng bởi Nguyễn Sơn vào 02/02/2015 20:43

 

Câu 1

a. Bố cục bài thơ: gồm 3 đoạn:
- Đoạn 1: Hai khổ thơ đầu là cảnh đoàn thuyền đánh cá lên đường và tâm trạng náo nức của con người.
- Đoạn 2: Bốn khổ thơ tiếp theo là cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển.
- Đoạn 3. Còn lại là cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bình minh.

b. Không gian và thời gian miêu tả trong bài thơ:
- Không gian là mặt biển bao la, rộng lớn với sự hiện diện của mặt trời, mặt biển, trăng sao, mây, gió.
- Thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ: Từ lúc hoàn hôn buông xuống, trời biển vào đêm đến lúc mặt trời đội biển nhô lên, một ngày mới bắt đầu. Nhịp tuần hoàn của vũ trụ điểm nhịp thời gian cho đoàn thuyền đánh cá làm việc.

Câu 2. Bài thơ là sự kết hợp hài hoà giữa cảm xúc về thiên nhiên vũ trụ và cảm xúc về lao động, người lao động

- Mở đầu bài thơ là cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Vũ tru đi vào trạng thái nghỉ ngơi theo nhịp tuần hoàn của thời gian: Mặt trời lặn, sóng cài chặt cánh cửa đêm đen. Con người bắt đầu một đêm lao động hào hứng phấn chấn:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
“Câu hát”, “Buồm”, “Gió khơi” vốn là ba sự vật rất khác nhau nay được nối kết lại trong một liên tưởng mới mẻ, tạo thành hình ảnh đẹp và lạ. Câu hát như thổi căng cánh buồm, đẩy con thuyền đi nhanh hơn. Câu hát như tràn ngập cả mặt biển. Ngay từ khổ thơ đầu ta đã thấy cảnh đoàn thuyền ra khơi trong một tâm trạng hứng khởi, hưa hẹn nhiều điều tốt đẹp.

- Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển:
Trong tưởng tượng, tác giả phát hiện ra vẻ đẹp hoà quyện của thiên nhiên, người lao đọng và công việc lao động.
Thuyền ta lái gió vơi buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng
Con thuyền đánh cá vốn gần gũi với chúng ta, nhỏ bé trước mặt biển bao la, giờ đây đã trở thành con thuyền khổng lồ, hoà nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên. Những hình ảnh “Lái gió”, “Buồm trăng”, “Mây cao”, “Biển bằng”… đã khiến con thuyền đánh cá hằng ngày trở thành con thuyền kỳ vĩ, lướt giữa cõi tiên, giữa mây cao cùng trăng gió. Trời biển giao hoà làm một. Giữa vũ trụ mênh mang là hình ảnh con thuyền đang “Dàn đan thế trận” vây đàn cá. Hình ảnh thơ mang đầy chất lãng mạn, khiến cho những con thuyền đánh cá và công việc đánh cá vất vả biến thành công việc thần tiên, đầy ắp nềm vui, chan chứa lòng yêu đời. Thiên nhiên tham gia vào công việc lao động. Song trên nền cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người vẫn hiện lên trong tư thế làm chủ, tư thế của người chiến sĩ “Dàn đan thế trận’ đánh bắt cá. Hình ảnh người lao động hiện lên thật đẹp, vẻ đẹp dũng mãnh trong công cuộc chinh phục thiên nhiên. Cảnh này là mình chứng cho thấy thơ Huy Cận là sự tiếp nối giao hoà giữa con người với vũ trụ cao rộng, vừa bí ẩn, vừa gần gũi.

Thiên nhiên không chỉ tham gia vào công việc của con người mà còn nâng đỡ con người, chia sẽ với con người.
Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào
Làm cho công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá trở thành bài ca lao động vui tươi nhịp nhàng cùng thiên nhiên.

Đàn cá trên biển cũng mang đến cho bức tranh thiên nhiên một vẻ đẹp rực rỡ, lỗng lẫy đến huyền hảo, đúng như một bức tranh sơn mài được sáng tạo bằng trí tượng tượng bay bổng của nhà thơ.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vào choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Trí tưởng tượng ấy đã nối dài, chắp cánh cho hiện thực trở nên kỳ ảo, làm giàu thêm cái đẹp vốn có của thiên nhiên.

Câu 3:

Bài thơ có bốn từ “Hát”. Cả bài như một khúc ca, ngợi ca lao động, với tinh thần làm chủ, với niềm vui phơi phới mà nhà thơ viết thay cho những người lao động. Lời thơ dõng dạc giọng điệu như khúc hát mê say hào hứng, cách gieo vần biến hoá linh hoạt. Vần trắc xen lẫn vần bằng, vần liền xen lẫn vần cách. Vần trắc tạo nên sức dội, sức mạnh. Vần bằng tạo nên sự vang xa, bay bổng… tất cả góp phần làm nên âm hưởng của bài thơ vừa khoẻ khoắn sôi nổi, vừa phơi phới bay bổng.

Câu 4. Phân tích một số hình ảnh đẹp tráng lệ:

Cảnh biển vào đêm vừa rộng lớn vừa gần gũi với con người:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Nhà thơ so sánh mặt trời như một hòn lửa đang từ từ lặn xuống biển. Trời biển có sự giao hoà trọn vẹn. Mặt biển mênh mông, mát mẻ kia sẽ làm cho “Hòn lửa” mặt trời dịu êm đi. Nhà thơ đã liên tưởng vũ trụ là một ngôi nhà lớn, có màn đêm là cánh cửa khổng lồ, những con sóng là then cửa cài chặt cánh cửa đêm đen. Vũ trụ đi vào trạng thái nghỉ ngơi theo nhịp tuần hoàn của thời gian.

Câu 5. Nhận xét về cái nhìn và cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên, đất nước và con người lao động

Nhà thơ Huy Cận có cái nhìn tươi mới và cảm xúc hào hứng, tràn đầy niềm vui về cuộc sống. Thiên nhiên tráng lệ, giàu có là nguồn tài nguyên vô tận luôn phục vụ con người, tham gia tích cực vào cuộc sống. Con người hăng hái say mê lao động làm chủ cuộc sống, xây dựng cuộc sống mới. Chính nhà thơ đã viết “Không khí lúc này thật vui, cuộc đời phấn khởi, nhà thơ cũng rất phấn khởi. Cả một vùng than, vùng biển đang hăng say lao động từ bình minh cho đến hoàng hôn và cả từ hoàng hôn cho đến bình minh”. Đây là một cái nhìn tin tưởng và phấn khởi của nhà thơ trước cuộc đời mới. Cái nhìn ấy, cảm xúc ấy là kết quả của quá trình đi thực tế dài ngày tại vùng mở Quảng Ninh. Bắt đầu từ đây hồn thơ Huy Cận này nở trở lại trong niềm vui say cuộc sống mới.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Huy Cận » Đoàn thuyền đánh cá » Soạn bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận