22/12/2024 15:29Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phân tích bài thơ “Nạn hữu xuy dịch”

Nạn hữu xuy địch (Hồ Chí Minh)

Đăng bởi Người Bảo Hộ Mai Sau vào 18/12/2019 20:37

 

Tố Hữu trong hai bài thơ viết về Hồ Chủ tịch, khi chưa được gặp Bác và khi Bác đã khuất, đều nói đến hai nét cốt cách vĩ đại của Người: “Lòng yêu nước và lòng thương người”.

Trăm thế kỉ trong tên Người: Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương
(Hồ Chí Minh)
Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế
Ỏm cả non sông mọi kiếp người
(Bác ơi!)
Trong tập thơ Nhật kí trong tù, hai dòng tình cảm lớn đó, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo Cộng sản như hai giai điệu chính vọng suốt tập thơ và có lúc đã hoà điệu thành một cộng hưởng nghệ thuật độc đáo. Bài thơ Người bạn tù thổi sáo là nơi gặp gỡ cảm động giữa hai dòng tình cảm lớn đó. Vì vậy, chỉ là một bài thơ tứ tuyệt mà có cái bát ngát của một ngã ba sông:

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;
Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
Bắt đầu là một tiếng sáo, tiếng sáo của một bạn tù. Người nghe sáo xúc động có lẽ vì trong tiếng sáo có một tâm trạng thương nhớ quê hương. Hồ Chủ tịch cũng là người cùng cảnh ngộ, bị tù lâu ngày, lòng thương nhớ quê hương da diết, sợi dây tình cảm căng đến mức sắp đứt, chỉ cần một sự lay động nhẹ cũng đủ làm cho nó rung lên.

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;
(Ngục trung hốt thính tư hương khúc
Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu)
Trong hoàn cảnh bị đày đoạ về thể xác, căng thẳng về tinh thần, Bác vẫn để lòng rung lên với tiếng sáo, “vật chất tuy đau khổ, không nao núng tinh thần”. Tâm hồn của người chiến sĩ vẫn bay vút lên trên những chấn song sắt nhà tù, “xà lim không khoá được hồn Người”. Tâm hồn Người vẫn thong dong chốn thiên nhiên và âm nhạc. Trong Nhật kí trong tù chúng ta vẫn bắt gặp một ánh trăng nhòm qua khe cửa tù, một ánh lửa hồng bên ngoài nhà tù tôi mịt, một chiếc “thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”, tiếng đàn tiếng hát tưng bừng chẳng khác gì một nhạc viện làm rung chuyển cả nhà lao... Một tâm hồn như vậy làm sao nghe tiếng sáo vút lên trong tù không cảm thấy xao xuyến. Tiếc là câu thơ dịch: “Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu” chưa lột tả được tinh thần của câu thơ nguyên tác (Tôi nghĩ, những người dịch thơ Bác rất thông thái, họ không bất lực trước chữ nghĩa mà đôi lúc họ bất lực trước “nàng thơ” thôi). “Ngục trung hốt thính” là người trong ngục nghe tiếng sáo của người trong ngục, dịch “Bỗng nghe trong ngục”, khiến cho người đọc có cảm giác xa xôi, cách trở như người ngoài nghe tiếng sáo của người trong ngục. “Sáo vi vu” là dịch thoát, thiên về tả. “Tư hương khúc” là khúc nhạc nhớ quê hương, gợi chứ không tả, không vi vu gì cả. Thơ thiên về tả thì tầm thường, nông cạn. Thơ gợi mới hay, mới mênh mông, vô cùng. Thơ Người nói ít mà gợi nhiều. Câu thơ nguyên tác gợi bằng lời và bằng nhạc. A.France có nói: “Nghệ thuật bị hai điều kinh khủng này đe doạ: Một là nghệ sĩ nhưng không bao giờ nắm vững nghề nghiệp, hai là người tinh thông nghề nghiệp nhưng không bao giờ là nghệ sĩ”. Hồ Chủ tịch đã vượt lên trên hai điều đó. Người có một tâm hồn nghệ sĩ dạt dào, Người cũng tường tận những gì trào dâng dưới ngòi bút của mình. Người am hiểu nghệ thuật, nhạy cảm với âm nhạc.

Ngục trung hốt thính tư hương khúc
Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu
Nhịp thơ cổ điển 4/3 không có gì đặc biệt, nhưng âm điệu thì lạ. Câu thơ gieo vần trắc (khúc) dịch ra thành bằng (vu), với bốn thanh trắc “ngục”, “hốt”, “thính”, “khúc” nghe réo rắt diễn tả tâm trạng nhớ quê hương một cách da diết xốn xang của người bạn tù thổi sáo và của người tù nghe sáo. Câu thơ thứ hai, trong nguyên văn có “thanh” và “điệu” và có sự biến hoá của thanh và điệu.

Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu
(Khúc nhạc tình què chuyển điệu sầu)
Dịch được chữ “điệu” mà không dịch được chữ “thanh”. Hai chất liệu quan trọng của âm nhạc đế phản ánh hiện thực và phô diễn tâm trạng là thanh và điệu. Thanh là cao, thấp, trầm, bổng, trong, đục; điệu là nhanh, chậm. “Trong như tiếng hạc bay qua, đục như nước suối mới sa nửa vời” là thanh. “Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” là điệu. Cái tinh tế của cách miêu tả còn thể hiện ở hai từ điệp “chuyển”. “Thanh chuyển thê lương”, nghĩa là âm thanh trở nên lạnh lẽo như khúc nhạc chuyển gam (như majeur sang mineur chẳng hạn). “Điệu chuyển sầu” nghĩa là điệu nhạc trở nên buồn bã. Bằng sự biến hoá của âm thanh, nỗi nhớ quê hương trăn trở, day dứt không nguôi trong tiếng sáo của người bạn tù. Tiếng sáo gợi nhớ thương cho người xa cách, tứ thơ dạt dào như sóng toả:

Muôn dặm quan hà, khôn xiết nồi,
Lèn lầu ai đó ngóng trông nhau.
(Thiên lí quan hà vô hạn cảm
Khuê nhân cánh thướng nhất tằng lâu)
Bác thông cảm với nỗi lòng của người bạn tù, chạnh lòng thương cho vợ người bạn tù ở nơi quê nhà xa xôi, mòn mỏi trông đợi mà tưởng tượng thấy người vợ bước lên thêm một tầng lầu như để đón lấy tiếng sáo của người chồng nơi tù ngục. Mối đồng cảm đối với những con người bị áp bức, cùng khổ thật là lớn lao. Tinh thần nhân đạo cộng sản của Hồ Chủ tịch thật là cao quý. Cái cao quý còn nằm ở phần “vô ngôn” của bài thơ, phần “không nói” (chữ của Chế Lan Viên) của thơ Đường, của thơ tứ tuyệt. Trong khi thương vợ chồng người bạn tù, Bác cũng đang bị đày đoạ đau khổ và có lẽ Hồ Chủ tịch là người tù nhân đáng thương nhất trong cái nhà tù tàn bạo đó. Đêm, Người nằm trên sàn đá lạnh “không đệm, cũng không chăn, gốỉ quắp lưng còng ngủ chẳng an”. Có những ngày phải đi bộ “năm mươi ba cây số một ngày, áo mũ dầm mưa rách hết giày”. Bác bị giải đi bất kế’ ngày, đêm, khuya, sớm “tay bị giật cánh khuỷu, cổ bị mang vòng xích, Cụ Hồ Chí Minh đi mãi, đi mãi...” (Trần Dân Tiên). Còn biết bao nhiêu chuyện đáng nói trong cái nhà tù “rệp bò lổm ngổm như xe cóc, muỗi lượn nghênh ngang tựa máy bay”. Nhưng Bác đã không nói, Bác đã quên đi nỗi đau khổ của riêng mình mà đem lòng thương yêu những người bất hạnh “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.

Nhưng tứ thơ đâu chỉ có thế. Tứ thơ còn chứa đựng một tình cảm sâu sắc nữa của Hồ Chủ tịch: Tình yêu nước. Tâm trạng thương nhớ quê hương xứ sở của Người như lẩn quát trong tiếng sáo, thấm trong thanh điệu và trào dâng lên thống thiết:

Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi
Nỗi xa cách “muôn dặm quan hà” kia còn là nỗi cách xa giữa nhà thơ với quê hương đất nước của mình. Đất nước thì xa nghìn dặm, nhân dân thì đang lầm than, tráng sĩ đang đua nhau ra mặt trận mà Bác kính yêu của chúng ta thì lại bị trói chân tay trong tù, làm sao nói hết nỗi thương nhớ quê hương đất nước. Chúng ta còn bắt gặp tâm sự “Thiên lí quan hà vô hạn cảm” này của Bác trong nhiều bài thơ khác của tập Nhật kí trong tù.

Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ
Muôn thơ vương vắn mộng sầu nay
Ớ tù năm trọn thân vô tội
Hoà lệ thành thơ tả nỗi này.
(Đêm thu)
Hay là:

Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng
Tin tức bên nhà bữa bữa trông.
(Tức cảnh)
Song về đề tài này, không có câu thơ nào có dung lượng lớn như câu thơ “Thiên lí quan hà vô hạn cảm”, là bởi câu thơ đã kết đọng hai dòng tình cảm lớn: Lòng yêu thương con người và lòng yêu nước trong trái tim yêu thương mênh mông của Hồ Chủ tịch.

“Chỉ bốn câu thôi. Nhưng thật sự là một vở kịch, một vở kịch một màn. Một anh tù chơi sáo. Âm điệu: Véo von, sầu não. Một thính giả, người cùng hội cùng thuyền. Hiểu nhau nhiều, cám cảnh vô vàn, vì nỗi nhớ nhung đất nước “muôn dặm quan hà”, và cách tường, một người “khuê phụ” đang dạo bước lên tầng lầu trên để nghe cho thấu triệt hơn. Một ống sáo, một bản nhạc. Ba nhân vật xa lạ, ở ba vị trí, ba cảnh ngộ, trong ba tư thế. Tuy vậy giờ này, một tiếng tre đã tập hợp họ lại trong một niềm đồng cảm, véo von, da diết.” (Đặng Thai Mai).

Đó là nhận xét của một nhà phê bình. Ý kiến bàn luận đã hay, chỉ còn một chi tiết này xin được bàn lại: “Cách tường, một người “khuê phụ” đang dạo bước lên tầng lầu...”. “Cách tường” thì còn gì là “thiên lí quan hà” nữa và như thế sẽ thu hẹp không gian của bài thơ lại. Trong một số bài thơ của Hồ Chủ tịch, hình tượng không gian đầy kí thác. Hãy nghe một khúc của bài thơ “Vợ người bạn tù đến thăm chồng”:

Anh đứng trong cửa sắt
Em đứng ngoài cửa sắt
Gần nhau trong tấc gang
Mà biển trời cách mặt.
Cái cửa sắt đáng nguyền rủa kia đã ngăn cách hai vợ chồng đáng thương nọ nhưng dẫu sao họ cũng được an ủi. Hồ Chí Minh mới thật là cô đơn. Song kì lạ thay, con người cô đơn này lại thương yêu đôi lứa cách trở kia. Cho nên, có thể nói “biển trời cách mặt” kia là biển của tình thương bao la của Hồ Chủ tịch. Không gian trong bài Người bạn tù thổi sáo hay một cách khác. Có lẽ, cái tuyệt diệu của bài thơ này là khoảng cách không gian “muôn dặm quan hà”. Trong cái không gian “Thiên lí quan hà” đầy cảm động đó đã chập diện và bài thơ phát sáng.

Phêlít Pita Rôdrighêt có một nhận xét sâu sắc về tập thơ Nhật kí trong tù, tôi muôn mượn lời nhận xét này kết thúc mấy dòng cảm nghĩ của tôi về một bài thơ trong tập thơ đó: “Đi vào Nhật kí trong tù, cái toà nhà bằng ngôn ngữ vững chắc và đẹp, người ta có cảm giác như mỗi bước đi đều chạm vào gốc rễ sâu xa của một trong những con người kì diệu ít có, những con người như những tảng đá lớn làm nền cho nhân loại, những con người qua cuộc đời mình đã dạy cho mọi người hiếu rằng: đối với con người, không có đỉnh cao nào là không thể đạt tới”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hồ Chí Minh » Nạn hữu xuy địch » Phân tích bài thơ “Nạn hữu xuy dịch”