22/11/2024 19:46Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hành trình của bầy ong: Chuyến đi chứa điều ẩn sâu và hàm súc

Hành trình của bầy ong

Đăng bởi tôn tiền tử vào 19/12/2023 02:04

 

Từ người lính làm thơ trở thành nhà thơ khoác áo lính, Nguyễn Đức Mậu có lẽ là một trong những tác giả viết nhiều nhất về chiến tranh. Vần thơ ông ngày ấy an ủi nhiều tâm hồn đau thương mất mát, đồng thời làm thức dậy hàng nghìn trái tim yêu nước. Dẫu gây ấn tượng mạnh mẽ bằng những trang thơ kể về chiến trường, ông vẫn giữ được trái tim trong sáng và viết nên con chữ vui tươi đầy sức sống. Tiêu biểu phải nhắc đến bài thơ quen thuộc của bao thế hệ, Hành trình của bầy ong.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và xúc cảm mãnh liệt với thơ văn

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 và là người con của đất Nam Định. Thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông cũng lên đường nhập ngũ khi vừa tròn mười tám như bao trai tráng thời ấy. Ông từng bộc bạch “Tôi là người lính nên có nhiều thơ viết về chiến tranh, viết về những điều mình quen thuộc nhất”. Thế nên, ngay tại nơi bom rơi đạn lạc, người chiến sĩ trẻ bắt đầu những trang thơ đầu tiên về đồng đội, về quê nhà.

Nguyễn Đức Mậu lúc ấy tự cho mình “non nớt, vụng về” nhưng có sự say mê mỗi khi cầm bút. Đôi mắt trầm của nhà thơ chứng kiến mọi tàn khốc của chiến tranh, xương máu từ những người đồng đội và tiếng khóc rũ rượi nơi hậu phương. Ông mang một tâm hồn lắng đọng những tình cảm sâu sắc và viết nên lời thơ bằng sự chân thật, không cầu kỳ tô vẽ. Từng con chữ viết ra đều khiến công chúng phải chiêm nghiệm, đơn cử như bài Nấm mộ và cây trầm.
Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng
Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước
Những đoàn quân đi đánh giặc
Có hoa rừng mang đến từ xa.
Nhờ những tác phẩm tiêu biểu về chiến tranh như Thơ người ra trận, Áo trận hay Trường ca sư đoàn, Nguyễn Đức Mậu sớm có chỗ đứng cho bản thân trên thi đàn Việt Nam. Dù vậy, tác giả vẫn không ngừng trau dồi niềm ham đọc, ham viết và đi tìm tình yêu cho cuộc sống. Ông viết thơ bằng xúc cảm mãnh liệt, tươi vui dẫu đã trải qua nhiều thăng trầm trên quãng đời dài.

Đôi nét về bài thơ Hành trình của bầy ong

Hành trình của bầy ong quen mặt nhiều thế hệ người dân Việt Nam vì được in trong sách giáo khoa. Bài thơ này kể lại công việc lấy mật hàng ngày của bầy ong, đồng thời đưa ra những triết lý và quan điểm đáng suy ngẫm. Tác phẩm được viết theo thể lục bát và nhịp ngắt chẵn nên dễ đọc, dễ nhớ. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã thể hiện một bản thân rất mới mẻ trong thơ ca bằng việc tạo ra những từ ngữ trong sáng cùng cách miêu tả đầy sống động về bầy ong. Ở nhan đề bài thơ cũng ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa. Thay vì dùng “chuyến đi”, tác giả chọn từ “hành trình” để chỉ chặng đường dài hơn cùng nhiều bài học vô giá ở phía trước.

Lời mở đầu đầy sức gợi cho câu chuyện về loài ong

Nguyễn Đức Mậu đã tận dụng tốt bốn câu thơ đầu tiên để vẽ nên khung cảnh đầy ấn tượng và giới thiệu đến bạn đọc về cuộc sống của loài “làm mật ong nuôi đời”:
Với đôi cánh đẫm nắng trời
Bầy ong bay đến trọn đời tìm hoa
Không gian là nẻo đường xa
Thời gian vô tận mở ra sắc màu.
Hành trình của bầy ong bắt đầu bằng cách tập trung vào hình ảnh đôi cánh, món hành trang đáng tin cậy nhất của “người thợ tí hon”. Tính từ “đẫm” rất có sức gợi hình, khiến thứ nhỏ bé ấy như được “rót vào” những tia nắng vàng ươm, lấp lánh. Việc đặc tả bầu trời đầy nắng vừa ca ngợi vẻ đẹp tạo hoá, vừa giúp hình tượng loài ong tràn đầy sức sống, có sự vui vẻ, tuy nhiên cũng cho thấy công việc vất vả của chúng. Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam cũng có những câu rất hay kể về ngọn nắng:
Trưa vắt vẻo cơn mơ nghiêng cánh võng
Nép mành tre tia sáng óng lung linh
Hôn má em ru nắng nhẹ bên mình
Vàng da sạm thân ôm tình non nước.
(Nắng xưa, Phan Quỳnh Như)
Độc giả sau đó được theo chân chú ong bắt đầu chuyến hành trình tìm hoa rót mật. Những từ ngữ “nẻo đường xa”, “vô tận” thật vô định, tác giả cho thấy loài ong phải bay khắp nơi, không ngừng tìm kiếm những nhuỵ ngọt ngoài thiên nhiên vô tận. So sánh với sự bao la rộng lớn của tự nhiên thì ong thật quá nhỏ bé nhưng vẫn tận hưởng hành trình đầy màu sắc. Loài động vật ấy biết bản thân sẽ cống hiến “trọn đời” cho sứ mệnh đi tìm hoa. Tác giả đã thành công tô lên những gam màu trong sáng, rực rỡ cho bức tranh về bầy ong. Cũng nhờ vào cách thể hiện độc đáo của khổ thơ đầu mà sự hăng hái, chăm chỉ của chúng đã được nêu bật trong những vần thơ tiếp theo.

Đích đến của hành trình tìm mật là thiên nhiên vô tận

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thông qua góc nhìn của loài ong kể lại những gì chúng nhìn thấy trên chuyến hành trình, và vẻ đẹp của tạo hoá cứ như thế dần dần hiện lên:
Tìm nơi thăm thẳm rừng sâu
Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban.
Tìm nơi bờ biển sóng tràn
Hàng cây chắn bão dịu dàng mùa hoa.
Tìm nơi quần đảo khơi xa
Có loài hoa nở như là không tên…
Bầy ong rong ruổi trăm miền
Rù rì đôi cánh nối liền mùa hoa
Nối rừng hoang với biển xa
Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào.
(Nếu hoa có ở trời cao
Thì bầy ong cũng mang vào mật thơm)
Đàn ong săn mật muôn nơi, chúng luôn tìm kiếm cơ hội để hứng nhuỵ ngọt dù nơi đấy có trắc trở, xa xôi hay nguy hiểm đến đâu. Nhờ sự dũng cảm này mà bầy ong đã được nhìn ngắm những vẻ đẹp tuyệt diệu nơi thế gian. Khi ong bay vào cánh rừng xanh mướt, từ láy “thăm thẳm” thể hiện sự nguy hiểm của chuyến hành trình. Loài ong tựa những nhà thám hiểm đang chinh phục đích đến đầy bí ẩn.

Dẫu vậy, trong khu rừng đáng sợ cũng ẩn chứa nhiều kho báu lấp lánh làm món quà cho những kẻ gan dạ. “Bập bùng” vốn là từ láy dùng để đặc tả sức cháy của lửa, thế nhưng tác giả đã sử dụng để nói về đoá hoa chuối rực rỡ. Loài hoa chuối mang sắc đỏ rực tựa đốm lửa mãnh liệt, hệt những ngọn đèn của tự nhiên được thắp lên để soi đường cho bầy ong đi tìm nhuỵ. Bên trong khu rừng ấy cũng nổi bật lên màu trắng hoa ban. Sự kết hợp hai màu đỏ và trắng luôn là cảm hứng của nhiều thi sĩ. Không chỉ đạt độ tương phản một cách hài hoà, mềm mại mà chúng còn tôn lên nét thi vị của khu rừng. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng tô hai thứ màu này cho bức tranh Việt Bắc:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
(Việt Bắc, Tố Hữu)
Sau khi chinh phục rừng sâu, đàn ong tiếp tục bay đến bờ biển. Biển xanh cát vàng cùng từng đợt bọt sóng trắng tràn vào như đang tả lại âm thanh rù rì, ào ạt của đại dương. Tại đó, những hàng cây khi đến mùa hoa nở đều thật xinh đẹp và dịu dàng. Vậy mà khi bão giông ập đến, chúng bỗng hoá thành người lính uy nghiêm, hiên ngang sừng sững để bảo vệ bờ cõi.

Sau khi khám phá xong đất liền quen thuộc, loài ong lựa chọn nơi đảo xa để tiếp tục hành trình. Chúng vượt qua biển khơi để đi đến vùng đất xa lạ mà không biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước. Bất ngờ thay, nơi này có những loài hoa chưa bao giờ nhìn thấy mà cũng chẳng rõ cách gọi tên. Điều này cho thấy loài vật tuy nhỏ bé nhưng dám thoát ra khỏi chốn thân thuộc và chinh phục thêm nhiều điều mới mẻ. Sự chăm chỉ, nhẫn nại của loài ong dành cho công việc là lý do mà chúng được mệnh danh “loài động vật cần cù nhất”. “Rong ruổi” là từ láy mà tác giả dùng để miêu tả việc đàn ong di chuyển không ngừng trên hành trình chinh phục giọt mật.

Hết nơi này đến nơi khác, chúng bay liên tục đến mọi miền để tìm ra bông hoa ngon ngọt nhất. “Rù rì” là động từ cũng là tính từ ám chỉ cách bay chậm, có phần nặng nề của những chú ong khi phải vận chuyển từng đợt mật hoa. Thế nhưng, chúng không ngần ngại trước gian khổ mà vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Từng chuyến bay không chỉ đem mật về tổ mà còn mang sứ mệnh “nối liền mùa hoa”.

Ở mỗi nơi bầy ong đi qua, chúng đều mang theo những giọt mật thơm ngọt mà gửi trao đến mọi nơi trên thế gian. Đặc biệt hơn khi không chỉ gắn kết mùa hoa nở, ong còn “nối rừng hoang với biển xa”. Hiếm có loài vật nào được trải nghiệm hết thảy như chú ong nhỏ bé, chúng hệt sợi chỉ gắn kết mọi miền đất nước với nhau. Tựa lời khẳng định rằng dù nơi đâu, trong hoàn cảnh thế nào thì ong cũng sẽ “tìm ra ngọt ngào”.

Nhà thơ còn nhấn mạnh thêm sự gan dạ và sẵn sàng thách thức khó khăn của bầy ong qua hai câu thơ để trong dấu ngoặc. Ông đã đưa ra một tình huống khó vì mọi người chẳng bao giờ tìm thấy một bông hoa nào nằm tít trên những tầng mây cao. Điều vô lý đến thế, nhưng chỉ cần nơi ấy có hoa thì bầy ong vẫn sẽ vút lên và đem về nhuỵ ngọt. Qua hai khổ thơ trên, sự chăm chỉ, tài giỏi của sinh vật nhỏ bé ấy đã được Nguyễn Đức Mậu khắc hoạ vô cùng rõ nét.

Mật ngọt là lời hồi đáp sau chặng hành trình của bầy ong

Sau một chuyến đường dài đầy gian khổ, bầy ong cuối cùng đã tạo được thứ mật đong đầy thơm ngọt xứng đáng với những sự hy sinh và chăm chỉ của chúng.
Chắt trong vị ngọt mùi hương
Lặng thầm thay những con đường ong bay.
Trải qua mưa nắng vơi đầy
Men trời đất đủ làm say đất trời.
Bầy ong giữ hộ cho người
Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.
Mặt trăng dâng đĩa mật đầy
Trời sao mở cánh ong bay ngang trời.
Đêm nay như thức cùng tôi
Bầy ong – con chữ nối lời bài thơ.
Thông qua hai khổ thơ cuối, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đang miêu tả lại mùi vị của những giọt mật. Thế nhưng, độc giả cũng phát hiện đó chính là công sức từ nỗ lực miệt mài của bầy ong và là lời tôn vinh từ tác giả dành cho thành quả lao động ấy.

Từ “chắt” được nhà thơ sử dụng rất hay để tả cảm nhận vị giác. Mật ong chảy thành từng dòng sáng vàng óng ánh và tinh tế thay khi trong từng giọt nhỏ đều chứa trọn sự ngọt ngào, thơm ngát. Thứ “chắt” trong sự thơm ngon ấy là bao cố gắng của bầy ong. Chúng lao động một cách lặng thầm, đi qua từng con đường để tạo nên điều đẹp đẽ cho đời, một kết quả ngọt ngào sau hành trình dài vất vả.

Qua hai khổ thơ này, tác giả cũng nêu bật lên thông điệp rằng thành công sáng chói là kết quả sau tháng ngày bước đi trong bóng tối. Ca dao Việt Nam cũng không bỏ quên điều này và đã từng nhấn mạnh như sau:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Chuyến đi của bầy ong cũng đã trải qua nhiều thử thách khi phải đương đầu với tiết trời. Cụm “mưa nắng vơi đầy” cho thấy hết sự vất vả và thời tiết khắc nghiệt mà loài vật nhỏ bé phải chịu đựng mỗi ngày. Câu thơ “men trời đất đủ làm say đất trời” vô cùng thú vị khi Nguyễn Đức Mậu sử dụng phép lặp từ. Sau một khoảng thời gian dài ấp ủ, những giọt mật đã lên chất men chứa đựng tinh hoa trời đất ban tặng và đạt đến độ “chín muồi”.

Cũng không ngoa khi cho rằng vì vạn vật không thể bơi ngược dòng chảy thời gian nên loài ong được sinh ra để làm nhiệm vụ này. Dẫu qua bao mùa hoa nở, những giọt mật vẫn sẽ còn đấy. Mật ong được tạo nên từ vô vàn đoá hoa và ong “giữ hộ” cho người những tinh hoa ấy. Không chỉ tạo nên được thức quà đầy giá trị, bầy ong còn góp phần làm đẹp cho tinh thần con người, cất giữ món quà của tạo hoá.

Ngay cả khi màn đêm buông xuống, những chú ong vẫn miệt mài làm công việc của mình. Không còn đoá hoa chuối mà giờ đây là ánh trăng và sao đêm sáng rọi đã soi đường cho ong bay. Tựa lời kể lại của người thi sĩ còn chưa ngủ, trời đêm đang đồng hành cùng lũ ong trên chuyến hành trình lặng thầm ấy. Cứ tự nhiên như thế, những chú ong đã “bay” vào trang thơ người nghệ sĩ.

Cuộc sống cũng giống như hành trình của bầy ong

Chưa vội bàn đến những ước mơ to lớn, những kỳ vọng lớn lao. Đàn ong luôn luôn chăm chỉ và kiên định với công việc hái mật của mình và xem đó như một thói quen quan trọng trong vòng đời. Ở cuộc sống cũng vậy, khi một người kiên trì với công việc thì sẽ nhận lại thành quả tương xứng. Trong quá trình không ngừng phấn đấu, chúng ta có thể từng bước học hỏi và nhìn ngắm được nhiều vẻ đẹp của thế gian.

Dẫu chưa thu được mật ngọt thì loài ong vẫn nhận được những phong cảnh đẹp đẽ, những màu sắc rực rỡ trên chuyến hành trình đầy nỗ lực. Do đó, chúng ta hiểu kết quả cuối cùng không phải là tất cả, điều học được trên đoạn đường ấy mới là thứ quý giá nhất: “Sự xuất sắc hay hoàn hảo không phải là đích đến; đó là cuộc hành trình không ngừng nghỉ” (Brian Tracy). Sẽ thật tuyệt nếu mỗi cá nhân đều có thể trau dồi sự dũng cảm và luôn hướng về phía trước, không ngại tìm kiếm cơ hội. Cũng như đàn ong nhỏ bay đến muôn nơi và “dù nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Đức Mậu » Hành trình của bầy ong » Hành trình của bầy ong: Chuyến đi chứa điều ẩn sâu và hàm súc