03/01/2025 07:27Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phân tích khí phách anh hùng trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Đập đá ở Côn Lôn (Phan Châu Trinh)

Đăng bởi tôn tiền tử vào 23/01/2015 00:20

 

Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh là bản hùng ca lẫm liệt về khí phách người anh hùng cách mạng Việt Nam trong những năm đầu thế kỉ XX: vừa ngang tàng, ngạo nghễ; vừa uy nghi, dũng mãnh, vừa kiên cường bất khuất, vừa sắt son ý chí.

Văn chương kim cổ, đông tây đã có không ít những trang viết bất hủ về khí phách người anh hùng. Từ những bậc anh hùng hảo hán trong Thuỷ hử, Tam Quốc diễn nghĩa của Trung Quốc đến người anh hùng Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tất cả họ đều ngang tàng dũng mãnh:
Chọc trời, khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Nhưng, người anh hùng Từ Hải của Nguyễn Du khi đã sa cơ thì:
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.
Còn người anh hùng trong bài thơ: Đập đá ở Côn Lôn chẳng những khi đã sa cơ, không hèn mà càng thêm khí phách. Khí phách ấy trước hết thể hiện ở việc khẳng định mình:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Phan Châu Trinh nhắc đến chí làm trai, một chí lớn của các bậc nam nhi quân tử xưa nay: “Đã sinh làm trai thì cũng phải khác đời” (Phan Bội Châu), hay “Chí làm trai Nam, Bắc, Tây, Đông – Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể” (Nguyễn Công Trứ). Chí làm trai là lòng kiêu hãnh của những con người dám tự khẳng định mình, có khát vọng hành động xông pha với đời. 

Làm trai – khái niệm vừa bao hàm được quan niệm nhân sinh cao đẹp, vừa diễn tả được tư thế hiên ngang lẫm liệt của người tù cách mạng – người anh hùng giữa đất trời Côn Lôn, đầu đội trời, chân đạp đất.

Khí phách của người anh hùng không chỉ thể hiện ở việc tự khẳng định mình trong hoàn cảnh sa cơ, lỡ bước mà còn thể hiện ở tư thế của con người đứng cao hơn gông cùm, xiềng xích, ngang tầm với trời đất:
Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Công việc đập đá nặng nhọc của cảnh lao động khổ sai dường như là cơ hội để người anh hùng tôi luyện, một dịp để người anh hùng thử thách khí phách của mình. Và họ đã thành công. Họ đã làm chủ hoàn cảnh, chiến thắng hoàn cảnh. Khối đá lớn đang đè nặng trên đôi vai của họ hay chính gông cùm đang đè nặng lên cuộc đời họ, bỗng chốc tan ra, bể nát. Thật đáng kiêu hãnh và tự hào!

Trong niềm kiêu hãnh và tự hào ấy, người anh hùng tiếp tục bộc lộ khí phách ngang tàng của mình:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Ở đây, khí phách của người anh hùng chính là việc khẳng định ý chí chiến đấu sắt son của mình.

Vốn quan niệm nhà tù chỉ là nơi thử thách chí làm trai, người anh hùng coi những tháng ngày gian khổ là thời gian tôi luyện thêm sức chịu đựng dẻo dai: (thân sành sỏi), tôi luyện thêm ý chí chiến đấu (dạ sắt son).

Bọn thực dân Pháp đày những chí sĩ yêu nước ra Côn Đảo, đày đoạ họ về thể chất nhằm bóp chết tinh thần cách mạng của họ, nhưng chúng đã thất bại. Đối với người anh hùng trong bài thơ, không một chút nao núng tinh thần, thậm chí không hề có chút băn khoăn lo nghĩ cho bản thân, quên đi cảnh tù đày, một lòng, một dạ tin vào cuộc chiến đấu của mình và của dân tộc. Đó chính là khí phách của một bậc trượng phu!

Và, vẫn với khí phách ấy, người anh hùng hun đúc thêm cái chí lớn của mình:
Những kè vả trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con.
Thật đáng cảm phục! Trong hoàn cảnh lao tù, chịu bao sự đày đoạ cực nhọc, tính mạng còn bị de doạ (trước đó Phan Châu Trinh đã bị kết án tử hình vắng mặt), người anh hùng vẫn theo đuổi đến cùng sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Sự nghiệp thiêng liêng và cao cả ấy là lẽ sống của người anh hùng. Và để đạt được lí tưởng của mình, người anh hùng sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, kể cả hi sinh tính mạng của mình. Thế nên Phan Châu Trinh mới cho rằng, cảnh lao tù khổ sai và cái bản án tử hình kia nào có thấm gì, chỉ là những việc con con, không đáng phải bận tâm. Đó là một khí phách ngang tàng và lẫm liệt!

Có thể nói, toàn bộ bài thơ đã tập trung diễn tả khí phách của người anh hùng trong hoàn cảnh lao tù nghiệt ngã. Khí phách ấy mãi là tấm gương để ngàn đời sau soi vào.
(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Châu Trinh » Đập đá ở Côn Lôn » Phân tích khí phách anh hùng trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn