22/12/2024 19:19Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Nguyễn Đông Ngạn vào 26/08/2010 19:24
Bao Chửng 包拯 (999 - 1062), tự Hy Nhân 希仁, người Hợp Phì 合肥, Lư Châu 廬州 (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy 安徽, Trung Quốc), đậu tiến sĩ xuất thân 進士出身năm 1027, đã từng giữ những chức vụ quan trọng như Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long Đồ các, phủ doãn Khai Phong, Khu mật phó sứ, trong dân gian và trong các vở kịch, tiểu thuyết thường được gọi một cách thân mật là Bao Công 包公, Bao Long Đồ 包龍圖, Hắc lão Bao,… Là một vị quan thanh liêm có tiếng, ông chấp pháp rất nghiêm, không bao giờ khiếp sợ quyền uy, vị nể tư tình. Là một người có học vị cao và sống ở một thời đại văn thơ nở rộ, chắc ông cũng sáng tác không ít song đáng tiếc là cho đến nay chỉ còn lại một bài ông làm lúc mới bước vào đường hoạn lộ là Thư Đoan Châu quận trai bích 書端州郡齋壁 (Đề lên tường thư trai ở quận Đoan Châu).
Đoan Châu nay thuộc thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông. Bài thơ có tính chất nghị luận này đã được Bao Chửng ghi lên tường lúc ông còn làm tri phủ Đoan Châu, chủ yếu là để tự răn mình.
Hai câu đề đề xuất chuẩn tắc xử thế: làm quan thì phải thanh liêm, làm người thì phải ngay thẳng. Hai cặp thực – luận, từ hai phía chính diện và phản diện, dùng tỉ dụ để biện giải: thực đề xuất yêu cầu đối với bản thân, luận phê phán bọn tham quan ô lại, đồng thời nêu bài học tự cảnh giới. Bao Chửng đã chỉ ra một cách chí lí, muốn diệt trừ bọn tham nhũng thì phải diệt tận gốc điều kiện tạo cho chúng hoạt động: những kho đụn béo bở, những đồng cỏ màu mỡ… kết rút ra bài học lịch sử và hàm ý gửi gắm lời nhắn nhủ tâm huyết tới mọi người.
Bao chửng nói vậy và đã làm vậy, không phải mãi sau này khi giữ chức phủ doãn Khai Phong mà ngay từ lúc làm bài thơ này. Đoan Châu là vùng đất có đặc sản nổi tiếng: Đoan nghiên – thứ nghiên mực làm bằng loại đá quý chỉ có ở địa phương này, là đồ dùng rất được vua quan đời Tống hâm mộ, là một “mặt hàng” đem lại lãi lớn. Các ông quan trước Bao Công thường cho khai thác nhiều gấp mấy chục lần định ngạch, số dư phần thì đem bán song phần chính dùng cống nạp, biếu xén bề trên để tạo điều kiện thăng quan tiến chức. Bao Công tuyệt không làm thế và khi rời Đoan Châu, ông không hề đem theo một chiếc Đoan nghiên nào…
Tác phẩm nghệ thuật quý ở chất lượng. Phim về Bao Công quả đã đem lại nhiều điều bổ ích và thú vị song đôi lúc xem quá nhiều, dồn dập, dường như có người đã cảm thấy loãng, trùng lặp. Thơ của chính Bao Công chỉ còn lại một bài, song vì thế nó lại càng quý và có ý nghĩa: Bài thơ như những lời thề sắt son, như những châm ngôn chắc nịch tạc sâu vào bia đá khiến cho tấm gương cuộc đời Bao Công, vốn đã sáng đẹp, lại càng thêm sức hấp dẫn, thuyết phục đối với hậu thế.
Nguyễn Khắc Phi