04/12/2024 15:49Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bình luận về bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi

Ba tiêu (Cây chuối) (Nguyễn Trãi)

Đăng bởi quynhsp vào 11/09/2010 22:50

 

Trong cả tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, nhiều bài ông viết về cây, hoa với sự miêu tả hết sức tinh tế. Tất cả các bài thơ ấy được gọi chung lại là Môn hoa mộc gồm các loài hoa tao nhã như: đào, mẫu đơn, nhài, sen…với các loại cây như tùng, trúc, cúc, mai, đa… ngoài các loại cây cao sang, quý phái ấy, còn có một loại cây rất dân dã, bình dị đi vào thơ ông mang một nét thanh tao và mộc mạc đó là cây chuối. Cây chuối được quan sát rất chân thực trong bài thơ Cây chuối:
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Là một vị anh hùng, một nhà thơ lỗi lạc, thơ Nguyễn Trãi chứa đựng một triết lý nhân sinh với những trăn trở về cuộc đời. Và trong ông một tình yêu thiên nhiên không kém phần in ỏi. Theo tư tưởng của người Phương Đông thì các cây tùng, trúc, bách… được dùng để chỉ người quân tử. Ở đây với Nguyễn Trãi cây chuối cũng được xem là một quân tử. Cây chuối cũng như một nhành sen dù sống trong bùn nhơ, trong đầm lầy thì nó vẫn vươn lên tươi tốt dâng cho đời những đoá hoa thơm ngát.
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Cây chuối thì không hề kém đất, dù đất khô cằn chai sạn cây vẫn xanh tốt. Vốn dĩ cây đã xanh tươi nay gặp ngọn gió xuân trong không khí trong lành cây lại tốt thêm bội phần như người anh hùng đã tìm được mảnh đất để dụng võ... Khi lá khô héo vẫn giữ cốt cách của người trung nghĩa vẫn bám chật lấy thân không hề rời, như một lớp bọc bảo vệ thân cây, che chắn cây khỏi những va chạm bên ngoài.
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Từ “buồng” ở đây ó thể hiểu theo hai cách hiểu. “Buồng” là chỉ buồng chuối khi tất cả hoa chuối đã đậu thành trái. Còn có thể hiểu “buồng” là nơi buồng ở của các thiếu nữ, một nơi kín đáo người lạ khó lòng đột nhập vào. “Buồng lạ” so với các loài cây khác cây chuối đã cho ra đời thứ trái lạ, không là chùm, mà là buống rất độc đáo. “Màu” là chỉ mùi, ở đây nói lên mùi toả ngát của quả chuối chín.
Tình thư một bức phong còn kín
Khi thư giãn trong vườn, quan sát cây chuối, nhìn đọt chuối non cuộn tròn, ông liên tưởng nó như một bức phong thư kín đáo, thư càng kín, càng e ấp lại càng khơi gợi tính tò mò cho mọi người, và chính thế đã gợi sự tò mò cơn gió đã đến “gượng” mở xem.
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Cơn gió này thật đúng lúc, sự xuất hiện của nó đã làm nên một tiếng động cho bài thơ, phá tan cái tĩnh lặng của bước tranh thiên nhiên ấy. Nếu không có gió thì bước tranh phong cảnh Nguyễn Trãi vừa tả là một bước tranh chết, hoàn toàn tĩnh, và thậm chí không có gió thì làm sao có hương thơm. Và ngọn gió kia cũng chẳng phải là ngọn gió vô tình, nó đến với cử chỉ nhẹ nhàng, thái độ lịch sự tế nhị. Ở đây thoáng hiện lên một tình yêu mới “bén”, đang e ấp, mà thanh cao. Trạng từ “nơi đâu” được dùng ở đây thật tài tình, vì không thể xác định được vị trí phương hướng của cơn gió ta thấy cơn gió nhẹ nhàng. Không rõ là Bắc hay Đông thì đó là ngọn gió xuân. Từ “gượng” là một hành động vừa hồi họp vừa như rụt rè lại vừa có mãnh lực gì đó thúc dục đến mở bức thư tình còn kín phong đó. Khi tưởng tượng đọt chuối là bức thư tình ta thấy đó là sự liên tưởng độc đáo và gây bất ngờ cho người đọc, với hành động “gượng mở xem” thể hiện một khao khát niềm hạnh phúc và một tình yêu mãnh liệt.

Cây chuối là một loại cây dân dã bình dị, nhưng đã được Nguyễn Trãi thổi vào đó một linh hồn để thể hiện một cảm xúc sâu sắc, kín đáo về một tâm hồn cháy bỏng. Điều này cũng là một điều thật bình thường, bởi vì Nguyễn Trãi là một vị tướng nhưng ông cũng là một con người bằng xương bằng thịt, một người thường với những cảm xúc dào dạt, cũng không tránh khỏi sự e ấp, ngại ngùng khi nhắc đến tình cảm riêng, và đặc biệt lại là tình yêu trong thời phong kiến đầy khuôn sáo nên sự thể hiện càng kín đáo. Nguyễn Trãi không những là nhân chứng của những biến động bão táp mà ông còn là người tướng trực tiếp tham gia vào những biến động ấy. Và ngay cả cuộc đời ông cũng là một cuộc đời đầy biến cố thăng trầm. Chính thế mà thơ ông thể hiện những vốn sống, những suy nghĩ sâu sắc với tình yêu thiên nhiên, con người đầy hồn hậu.

Cây chuối đón xuân đến để thêm tươi tốt, thêm ngát hương, ngoài việc mượn hình ảnh cây chuối để thể hiện một tình yêu tuổi trẻ mãnh liệt, Nguyễn Trãi còn gửi vào đây một nổi niềm, một tấm lòng sâu lắng trước thời cuộc. Trong lúc rời triều đình về quê ở ẩn, lòng ông không lúc nào yên, cứ nao nao “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” ông chỉ mong được lệnh vua cho vời về kinh. Cây chuối đang đón đợi xuân hay chính bản thân ông đợi xuân. Với Nguyễn Trãi mùa xuân của ông là chính là tin vui từ nhà vua truyền về kinh được thoả lòng dũng tướng. Một tâm hồn cao cả, suốt cuộc đời vì dân vì nước, luôn trăn trở suy tư trước thời cuộc. Trong đời tư ông luôn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, một đời thanh cao. Ông như một tấm gương chói ngời về sự ngiệp, tài năng và đức độ.Bài thơ có một giá trị đáng quý, nói tới bài thơ Cây chuối ta sẽ nhớ ngay một ý xuân tình e ấp, một tâm hồn cuộn sóng vì dân, vì mệnh nước. Qua đó ta thấy rõ phần tâm hồn phong phú và nghệ thuật tài hoa của Nguyễn Trãi.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Ba tiêu (Cây chuối) » Bình luận về bài thơ Cây chuối của Nguyễn Trãi