23/11/2024 06:20Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ai đạo thơ ai: Bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh và bài thơ “Thượng đế sinh ra mặt trời” của Christa Reinig

Hỏi

Đăng bởi ba chi vào 08/09/2009 11:32

 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã từng khen bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh: “đọc Hữu Thỉnh, dễ nhận thấy anh thường chặt ở câu mà lỏng ở bài. Có người bảo anh là “nhà thơ nhiều câu ít bài”, kể cũng có lý của họ… (Nhưng trong tập “Thư mùa đông” - TN) hiệu quả lập tứ hiện rõ ở các bài Người ấy, Chạm cốc với Xa-in, và đặc biệt là bài Hỏi (…) Đấy là một nghệ thuật cô đúc, tinh vi chặt chẽ đến nỗi, ít mà không thiếu, nhiều mà chẳng thừa. Tác giả hoàn toàn làm chủ những con chữ của mình, mà người đọc vẫn cảm thấy như tự bài thơ nó vốn thế, nó là một khối vẹn toàn, lấp lánh tâm hồn và trí tuệ. Những bài thơ như thế làm mới Hữu Thỉnh…” (VĂN CHƯƠNG CẢM VÀ LUẬN – nxb VHTT 1999).

Nhận xét như thế là rất đúng với bài thơ “Hỏi”. Nhưng lúc đó, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không hề biết là trước Hữu Thỉnh, đã có bài thơ “Thượng đế sinh ra mặt trời” của nữ thi sĩ Đức Christa Reinig (sinh năm 1926), trong một tập thơ của bà đoạt giải thưởng Văn chương Bremen 1964. Bài thơ đã được dịch ra tiếng Việt:

THƯỢNG ĐẾ SINH RA MẶT TRỜI

Tôi hỏi gió
Gió với em thế nào?
- Gió luôn ở bên em.

Tôi hỏi mặt trời
Mặt trời với em thế nào?
- Mặt trời luôn ở bên em.

Tôi hỏi các vì sao
Các vì sao với em thế nào?
- Các vì sao luôn ở bên em.

Tôi hỏi con người
Con người với em thế nào?
- Con người im lặng không ai trả lời tôi.
Bài thơ này còn có một bản dịch khác, của Quang Chiến, in trên tạp chí “Văn Học Nước Ngoài” của HộI Nhà Văn VN số 6 – 2002.

Còn bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh đã in ở nhiều sách, nó còn là bài đọc thêm trong sách giáo khoa phổ thông (chắc các nhà biên soạn sách giáo khoa cũng chưa hề biết bài thơ trên của Christa Reinig). Nguyên văn như sau:

HỎI

Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào?
-Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?
-Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?
-Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người:
-Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
-Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
-Người sống với người như thế nào?

Đặt 2 bài thơ của 2 tác giả một Đức một Việt cạnh nhau sao nó giống nhau đến thế. Giống nhau về lập tứ, giống nhau về tinh thần, giống nhau về tư tưởng, giống nhau về cả cách hỏi, cách lập ngôn. Nó như là thơ “phỏng dịch” của nhau vậy. Christa chọn 4 đối tượng để hỏi: Gió, mặt trời, sao, người. Hữu Thỉnh cũng chọn 4 đối tượng để hỏi: Đất, nước, cỏ, người. Ba đối tượng trên có thể thay đổi thế nào cũng được, ví dụ có thể hỏi bò, lợn, chó xem nó sống với nhau thế nào, chắc cũng sẽ có những câu trả lời hay. Ví dụ:

Tôi hỏi bò: Bò sống với bò thế nào?
- Chúng tôi nhường cỏ cho nhau.

Tôi hỏi lợn: Lợn sống với lợn thế nào?
- Chúng tôi ủn ỉn cùng nhau.

Tôi hỏi chó: Chó sống với chó thế nào?
- Chúng tôi sủa cùng nhau.

Nhưng muốn bài thơ có tứ hay, nhất thiết là phải giữ nguyên đối tượng thứ tư, đấy là con người, thì bài thơ mới trở nên hoàn chỉnh. Với bài thơ “Bò lợn chó” trên đây, chỉ cần ghép thêm vào đoạn kết của Christa hoặc của Hữu Thỉnh là không chê vào đâu được.

Vậy thì nhà thơ cần sáng tác ra bài thơ, hay chỉ cần đi sửa lại đôi chút thơ người khác? Tất nhiên đã là nhà thơ thì phải tự mình làm ra ý, ra tứ, ra lời, tức là làm ra “bài thơ của mình”. Việc cóp nhặt thơ, ăn cắp thơ, đạo thơ… những tưởng chỉ có những người mới tập làm thơ, hay những kẻ hám danh “trẻ người non dạ” mới phạm tội. Vậy mà câu chuyện đạo thơ ấy nó lại rơi đúng vào ông Chủ tịch Hội Nhà Văn - người đã từng đoạt một bồ giải thưởng về thơ của Hội Nhà Văn. Liệu người ta có tin được những giải thưởng ấy nữa hay không? Biêt nó là giải thật hay giải dổm?

Nghe nói Hữu Thỉnh là nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu sắc ca dao tục ngữ. Nhưng ông đâu chỉ ảnh hưởng ca dao tục ngữ - thơ ca khuyết danh, có cóp cũng chẳng sao. Tỷ như Hữu Thỉnh đã “sửa” hai câu thơ của Tự Đức (vì tưởng là của Khuyết Danh?): “Đập cổ kính ra tìm thấy bóng - Xếp tàn y lại để dành hơi” thành ra thơ của mình: “Mở trăng ra tìm – Trăng còn in bóng - Mở cỏ ra xem - Cỏ còn hơi ấm”. Nhưng cứ như bài thơ “Hỏi” thì ông còn “ảnh hưởng” cả thơ hữu danh của Tây Đức. Nếu mà ông không biết chuyện này, sang làm việc với các nhà văn Đức, lại đem bài thơ “Hỏi” ra đọc, và người ta dịch lại tiếng Đức bằng chính bài thơ của Christa, chắc sẽ được vỗ tay đến không về nước được.

Văn nghệ Việt Nam gần đây kể cũng hơi bị buồn. Chưa xong câu chuyện “tự nguyện” rút khỏi giải thưởng khi bị các nhạc sĩ tố giác “đạo nhạc” của nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc, đã đến chuyện “đạo thơ” và tự trao giải thưởng cho mình của ông Chủ tịch Hội Văn. Âu cũng là câu chuyện có vay có trả vậy. Thôi thì người của công chúng cũng “nhân bất thập toàn” mà. Tôi đưa ra cái chuyện “Ai đạo ai” này chẳng qua tôi cũng là kẻ muốn trị bệnh cứu người, và muốn những nhà soạn sách giáo khoa cũng nên xem kỹ lại bài thơ “Hỏi” mà thôi.
Nguyễn Trọng Tạo

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hữu Thỉnh » Hỏi » Ai đạo thơ ai: Bài thơ “Hỏi” của Hữu Thỉnh và bài thơ “Thượng đế sinh ra mặt trời” của Christa Reinig