24/11/2024 01:14Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bình luận của Quách Tấn về bài thơ “Vịnh Triệu Ẩu” của Dương Bá Trạc

Vịnh Triệu Ẩu

Đăng bởi tôn tiền tử vào 12/12/2018 22:04

 

Bài Vịnh Triệu Ẩu cũng có nhiều điểm đáng chỉ trích.

Trước hết là đầu đề. Triệu ẩu là mụ Triệu. Đó là tiếng kẻ thù dùng để gọi bà Triệu, một tiếng ngậm ý kỳ thị khinh khi. Kẻ thù gọi kẻ thù thì gọi chi cũng được. Cớ sao chúng ta cũng bắt chước kẻ thù như thế? Đến cụ Dương mà còn sơ xuất thế ấy huống hồ các em học sinh. Cho nên phải vạch rõ thị phi.

Không khỏi có người thắc mắc:
- Thế thì gọi thế nào cho phải?

Xin thưa:
- Một là gọi tên thật của bà Triệu Thị Trinh. Hai là gọi danh xưng của bà Nhuỵ Kiều Tướng Quân. Ba là gọi theo tiếng tôn xưng của ông cha chúng ta ngày trước Triệu Bà Vương.

Còn về mặt văn chương thì bài này chỉ hay có cặp trạng. Đọc lên thấy được khí tượng anh hùng của bà Triệu. Nhưng nhiều người chê ba chữ “ba thước vú” đặt không đúng chỗ, bởi ba thước vú có liên quan chi đến việc vùng vẫy non sông. Đánh như thế kể cũng phải nhưng quá nghiêm khắc. “Ba thước vú” là người có ba thước vú. Tác giả cùng một đặc điểm để “đại diện” cho toàn thể con người đó thôi, chớ không phải ý muốn nói rằng “với ba thước vú, bà Triệu vẫy vùng non sông”. Có người nghĩ như thế nên đã đề nghị cùng tác giả sửa “ba thước vú” ra “ba thước kiếm”.
Vùng vẫy non sông ba thước kiếm
Xông pha tên đạn một đầu voi.
Văn thông ý thuận. Song không có gì đặc biệt về bà Triệu. Câu thơ có thể dùng để vịnh Trưng Vương, hoặc bà Bùi Thị Xuân, hoặc vua Quang Trung…, vì các vị đều vung kiếm diệt thù, cỡi voi ra trận.

Cặp luận:
Thằng Ngô gan thỏ kinh gần rụng
Cửa tướng con dòng đích chẳng sai.
Vế trên văn non, ý cạn. Chữ “Thằng Ngô” quê quá! Và mặc dù gọi quân nhà Ngô bằng thằng để tỏ ý khinh khi, cũng không làm tăng nổi giá trị của bà Triệu là vì gan chúng là gan thỏ chớ nào phải vì tài sức của bà. Nói vậy thì ra nếu giặc không “đeo thỏ bên lưng” thì tình thế lật ngược ư? Rõ khen mà thành chê vậy!

Vế dưới ba chữ “đích chẳng sai” có vẻ ba lơn quá! Bà Triệu là em ông Triệu Quốc Đạt, người đã cùng bà khởi nghĩa đánh giặc Ngô. Điều ấy có ai chối cãi đâu mà phải nói “đích chẳng sai”. Đọc câu này tôi liên tưởng đến bài thơ hài hước Mừng sanh con trai của người xưa:
Đích thị của mình chẳng của ai
Mừng nay anh chị đẻ con trai…
Còn khởi thừa chuyển kết chỉ là lời nói thông thường chớ không có gì đặc sắc.

Bài này Tản Đà tiên sinh đã phê bình ở An Nam tạp chí. Sau khi nêu những khuyết điểm của nguyên tác, Tiên sinh sửa lại rằng:
Mê Linh khuất bóng gái còn ai?
Bà Triệu nhà ta cũng tướng tài
Vùng vẫy non sông ba thước vú
Xông pha tên đạn một đầu voi
Duyên trần chẳng chút tơ vương mối
Nợ nước riêng mình gánh nặng vai
Thua được cũng cho Ngô biết mặt
Lam Sơn còn có kẻ tài trai.
Ban đầu tiên sinh khen cặp trạng là hay nên để y. Nhưng rồi sau có người gởi thư đến chỉ trích, nên tiên sinh sửa lại là:
Chiên đỏ quấn ngang ba thước vú
Rừng xanh nhô dọc một đầu voi.
Câu này chỉ tả được hình trạng chớ không nói được khí tượng anh hùng. Thà để như cũ còn hơn.

Bài thơ của Tản Đà tiên sinh hơn bài của Dương Bá Trạc, song chưa phải là một bài xuất sắc trong môn vịnh sử: Khí tượng anh hùng của Triệu Bà Vương không bừng dậy trong thơ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Dương Bá Trạc » Vịnh Triệu Ẩu » Bình luận của Quách Tấn về bài thơ “Vịnh Triệu Ẩu” của Dương Bá Trạc