24/11/2024 20:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi tôn tiền tử vào 17/11/2021 08:20
Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu bàn luận rằng liệu Bùi Giáng có dịch sai chữ “bruyère” trong bài L’adieu của G.Apollinaire mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Mùa thu chết rất nổi tiếng. Thực hư ra sao?
Năm 1913, thi hào Pháp gốc Ba Lan Guillaume Apollinaire (1880-1918) xuất bản tập thơ Alcools (Rượu), trong đó có bài L’adieu rất nổi tiếng ở Việt Nam qua bản dịch Lời vĩnh biệt của Bùi Giáng. Bài này càng nổi tiếng hơn khi Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Mùa thu chết.
L’adieu là bài thơ Apollinaire viết về tình yêu đã mất của mình đối với Annie Playden, một nữ gia sư người Anh, trong đó có từ “bruyère” (hoa thạch thảo) mà Apollinaire đã mượn từ bài thơ tuyệt vời nhất của văn hào Victor Hugo, đó là bài Demain, dès l’aube (Ngày mai, vào lúc bình minh) trong tuyển tập Les contemplations (Chiêm nghiệm, 1856).
Ngày 16.9.1913, Apollinaire đến nghĩa trang Villequier để viếng mộ Léopoldine Hugo - ái nữ của văn hào Victor Hugo. Ông đã dâng tặng nàng bài Demain, dès l’aube của cha nàng, một bài mà Victor Hugo đã viết tặng Léopoldine khi viếng mộ con, trong đó có câu: “Et, quand j’arriverai, je mettrai sur ta tombe; Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur” (Và khi đến nơi, cha sẽ đặt lên mộ con một bó thục quỳ xanh và hoa thạch thảo).
Cái từ “bruyère” đã khiến nhiều người thắc mắc, tranh luận suốt nhiều năm qua. Câu đầu tiên trong bài L’adieu của Apollinaire đã được Bùi Giáng dịch là: “Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo” (J’ai cueilli ce brin de bruyère), song có người cho rằng Bùi Giáng đã dịch sai, vì bruyère có nghĩa là cây thạch nam chứ không phải thạch thảo. Cái từ ‘thạch thảo’ là do Bùi Giáng chế ra, nhiều nhà biên soạn từ điển Pháp Việt đã căn cứ vào cách dịch của Bùi Giáng để chú giải thích từ “bruyère” trong từ điển của mình.
Thật ra không phải vậy. Trước khi Bùi Giáng dịch bài L’adieu của Apollinaire, cách đây hơn một thế kỷ, quyển Dictionnaire Franco-Tonkinois: illustré (1898) của P. G. Vallot đã từng chú giải “bruyère” là “thạch thảo” (tr.38); Từ điển Pháp Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB TP.HCM, 2000) cũng ghi nhận như vậy (tr.226).
Nhìn chung, từ “bruyère” trong tiếng Pháp dùng để chỉ hơn 800 loài thực vật 2 lá mầm, có hoa thuộc họ Éricacées (họ Thạch nam hay họ Đỗ quyên), một họ có khoảng 124-135 chi và 4.250 loài. Do đó không ngạc nhiên khi từ này có nhiều tên gọi trong những ngôn ngữ khác nhau.
Tương ứng với “bruyère” là từ “heather” trong tiếng Anh, có nghĩa là cây thạch thảo, thạch nam (cây có hoa tím, hồng và trắng) - trích Từ điển Anh Việt của Bùi Phụng (NXB Thế giới 2001, tr.726). Như vậy đã rõ, cách gọi cây thạch thảo hay thạch nam không có gì khác biệt nghĩa trong tiếng Việt.
“Bruyère” trong thơ của Victor Hugo và Apollinaire kể trên gồm có 2 loài chính: Erica arborea (thạch thảo trắng), thuộc chi Erica, hoa nở vào mùa đông hoặc mùa xuân và Calluna vulgaris (thạch thảo tím), thuộc chi Calluna, hoa nở vào mùa hạ hoặc thu.
Có người cho rằng “bruyère” trong thơ Victor Hugo và Apollinaire là thạch thảo trắng (Erica arborea), một loài mà người Trung Quốc gọi là Bạch âu thạch nam (白歐石楠, bái ōu shínán). Tuy nhiên, chúng tôi lại cho rằng đó là thạch thảo tím (Calluna vulgaris), tức Tử âu thạch nam (紫欧石楠, zǐ ōu shínán), bởi vì cả Victor Hugo và Apollinaire đều đến viếng mộ Léopoldine Hugo vào tháng 9 trong năm, tức vào mùa thu, mùa mà thạch thảo tím nở hoa.
Tuy nhiên cần lưu ý, ở Việt Nam, thạch thảo còn là tên của loài hoa khác, không đồng nghĩa với từ “bruyère” trong tiếng Pháp. Thạch thảo còn được gọi là cúc cánh mối, cúc Nhật hay cúc thạch thảo…, tên khoa học là Aster amellus, thuộc chi Aster, họ Cúc (Asteraceae).
Và dĩ nhiên loài thạch thảo này chẳng dính dáng gì tới chữ “bruyère” trong bài L’Adieu của Apollinaire, một loài mà người Trung Quốc gọi là Nhã mỹ tử uyển (雅美紫菀, yǎměi zǐwǎn).
Tóm lại, Bùi Giáng không dịch sai từ “bruyère”. Ông dịch cây thạch thảo là chính xác, bởi vì thạch thảo và thạch nam là hai từ đồng nghĩa.
Vương Trung Hiếu