22/11/2024 21:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bình luận bài thơ “Tấu khúc tử thần”

Tấu khúc tử thần

Đăng bởi Vanachi vào 08/05/2018 00:15

 

Lời người dịch: Tẩu khúc tử thần, bài thơ nổi tiếng của Paul Celan, được kiến thiết như một thể thức tẩu khúc (Fuge/fugue) trong âm nhạc, ở đó hợp ca với mật ngữ mang tính nghịch lý “sữa đen của buổi ban mai” thế vào chỗ các nhạc cụ, giàn hợp xướng khác nhau trong nhạc, lặp lại cùng một tiết điệu với một chút biến thể gợi về những sự kiện đau thương, tuy không nêu lên một cách cụ thể. Câu then chốt: “Tử thần là lão trùm nghề người Đức” đã đi vào tiếng nói thông dụng như một thành ngữ trong tiếng Đức (chữ “Meister/master” có nghĩa là bậc thầy, thợ cả, trùm nghề, tuỳ theo ngữ cảnh). Triết gia Theodor W. Adorno (1) nói một câu gây chấn động: “Còn viết một bài thơ sau Auschwitz, là man rợ”. Trong bối cảnh của câu nói đó, nhiều nhà phê bình trách cứ Celan, rằng vẻ đẹp của tạo tác thi ca không tương xứng với chủ đề tàn sát người Do thái. Tuy nhiên với thời gian, bài thơ, trở thành một bài thơ quan trọng nhất của dòng thơ về cuộc Tận thiêu (Holocaust) tưởng niệm những nạn nhân của cuộc diệt chủng, đã được công nhận và có vị trí xứng đáng trong văn chương hiện đại và hậu hiện đại. (Phạm Kỳ Đăng).

Một vần duy nhất! Nó mắc lại trong bài thơ như viên đạn găm trong người bị bắn chết! Vần là viên đạn được nó nói tới, xoàng xĩnh vậy như cái vật bằng chì nhỏ xíu, nhưng cũng lại được chế tạo mới sao chuẩn xác. Nó cho sự phục vụ hoàn hảo. Nó kết vần, như giết hại, giết hại tới ngàn lần, như từng đã ngàn lần kết vần: thô tục, trơn truội, chính xác. Đồng thời từ mang vận nói về hành động của vần mà nó đang hoàn tất. “Mắt hắn màu xanh/ bắn trúng anh”. Một cách xám xịt, thường lệ của thơ tương giao với cái thường lệ của sự giết người.

Cái vần duy nhất này trong một bài thơ dài! Nó thuộc về những câu đố của văn bản, bên cạnh “sữa đen” và “trùm nghề đến từ nước Đức”. Điều gì đặng cắt nghĩa được cho vần này, tất phải làm mọi thứ khác rõ nghĩa hơn. Liệu nó có trình diện cái “vần thơ Đức” nọ được nói tới trong một bài thơ khác từ những năm tháng ấy. Có thể nghĩ như vậy, bởi “mắt xanh” hiện diện cho Đức cũng như “tóc tro” hiện diện cho người Do thái. Nếu vậy thì đồng thời ở đây có một lời phán xử được tuyên bố về bài thơ Đức. Rồi kế đó ở đây buông một lời khủng khiếp về tất cả những gì cho ta cảm nhận đó là lời nói Đức.

Chính những câu thơ khác nọ nói về cái vần thơ Đức (Gần những nấm mồ) (2) chỉ ra rằng không hề đơn giản như vậy. Đó là những câu thơ gửi người mẹ bị sát hại. Lặng lẽ và than khóc, chúng nói chuyện với người mẹ bị chôn ở vùng Bug sông nước xa xôi và kết đoạn: “Và mẹ ơi mẹ còn dung thứ/ như khi xưa, vâng, dạo ở nhà/ vần thơ Đức êm ru, đau đớn?“. Người mẹ của Celan yêu cuồng nhiệt những nhà thơ Đức, bà đã trao chuyển tiếp tình yêu này cho đứa con trai, và hồi xưa ấy cả hai mẹ con đã từng thi nhau xem ai trích ngâm những áng thơ đẹp. Bây giờ mẹ còn chịu đựng nổi nữa không, những câu thơ muốn hỏi, mẹ, người bị bắn chết rồi, giờ đây một trong cơ man người đã chết? Nhưng trong kiểu cách hỏi đã tiềm ẩn sẵn câu trả lời: cái vần thơ êm ru, đớn đau, cái vần Đức tự nó ở đây lại hoạ vần với cái “ở nhà” buồn rầu, như âm thanh và loan báo lại không là thành phần của cái rùng rợn và độc ác, mà là địa điểm của nơi trốn chạy cuối cùng. Trong điệu thức rợn hồn ma quỷ, vần trở thành một trường liên kết với người đã chết, và hồ như người ta có thể đọc lên câu hỏi như một lời cầu khẩn: Mẹ còn cam chịu vần thơ ấy nơi con trai, ơi mẹ.

Từ đây mới có một lối tiếp cận cái nghịch lý làm nền tảng của bài thơ, khiến nó bung ra một ma lực ngôn ngữ ngấu nghiến, cuồng điên để nói về tội ác tột cùng nhất. Ở đây những âm thanh mê luyến nhất của thơ ca Đức đan quyện vào nhau, ca hát mê hoặc của Lorelei (3), sự yểu điệu gây nghiện trong khúc ca nơi viên hạ sĩ cầm cờ của Rilke (4), sự vĩ đại hai mặt tối sáng của George (5), nhưng rồi tất cả biến nhập vào một bài hát không hồi kết, cứ như có một người chơi vĩ cầm điên loạn luôn luôn tấu lên trước, thường xuyên một chùm âm giống nhau đan xen và kế tiếp theo nhau, một người chơi vĩ cầm như thời Chagall (6) xưa: Ahasver (7) như là kẻ đàn rong.

Rằng bài thơ ban đầu tên là Khúc tăng gô của thần chết, kể cũng dễ hiểu. Thậm chí nó có thể tên là Bolero (8) cũng được. Cấu trúc của một bản tẩu khúc cho phép minh chứng một cách chuẩn xác như thế, thì hiệu tác Bolero ở đây rõ rệt hơn – vâng cũng như ở các vũ điệu gọi hồn người chết thời cổ, được âm hao từ “tăng gô thần chết” gợi nhớ, tử thần hình như không tấu lên hợp xướng, mà chơi những khúc vĩ cầm nhớp nhúa rợn nổi da gà.

Từ “trùm nghề” ám chỉ tất cả những gì nền nghệ thuật xưa từng ngự trên nước Đức và ngọt ngào và sinh ra đẹp như trong mộng. Và trong nhịp điệu tương tự điều đó hướng chỉ vào cuộc diệt chủng, sự giết hại kê đơn. Cả hai thứ nhập vào nhau, không thể tách: “hãy tấu ngọt ngào hơn khúc thần chết...vuốt dây tối âm hơn ở cây vĩ cầm”. Tuy vậy bài thơ không buông lời phán xử về cái vẻ đẹp nọ. Nó làm điều khó hơn, nó chịu đựng qua cái nghịch lý – người ta có thể gọi đó là điên rồ hay là thơ. Trong cái nghịch lý thô thiển của hai chữ đầu hiển lộ những gì làm nên thể trạng của cái toàn thể. Người mẹ và tiếng Đức và cái vần thơ Đức là một thứ - thức ăn của buổi ban mai. Bây giờ cái đó đã chết hẳn và tuy nhiên hoàn toàn sinh động: chết như người đàn bà bị bắn chết, như vần thơ duy nhất khủng khiếp, sống như tình yêu của đứa con trai, như sự làm thơ bị chốt khoá của cậu - dòng sữa đen.
Peter von Matt

Peter von Matt (sinh năm 1937): Nhà ngữ văn Đức và nhà văn người Thuỵ Sĩ. Là giáo sư ngành Văn chương Đức thời mới, ông giảng dậy từ 1976-2002 tại trường Tổng hợp Zürich. Năm 1980 ông làm giáo sư thỉnh giảng tại Stanfort University, 1992/ 1993 được bầu làm thành viên của Viện nghiên cứu liên ngành Berlin (Wissenschaftskolleg Berlin). Peter von Matt là viện sĩ của ba viện hàn lâm.

(1) Theodor W. Adornor (1903-1969): Nhà triết học, xã hội học, nhà lý thuyết âm nhạc và soạn nhạc. Adorno gây ảnh hưởng bởi tư duy phê phán xã hội. Cùng với Max Horkheimer, Adornor thuộc về các đại diện chính của Trường phái Frankfurt và Lý thuyết phê phán.
(2) Tên một bài thơ của Paul Celan (Nähe der Gräber- Gần những nấm mồ), nhắc tới vùng Bug, con sông biên giới chảy giữa Ba lan, Bạch Nga và Ukraine, với hai câu kết được trích trong bài.
(3) Nàng Lorelei: Tên một bài thơ của thi hào Đức Heinrich Heine (1797-1856).
(4) Điệu ca về tình yêu và cái chết của người lính cầm cờ Christoph Rilke (Die Weise von Liebe und Tod des Cornets Christoph Rilke): Tên một truyện ngắn của Rainer Maria Rilke (1875-1926) - nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.
(5) Stefan George(1868-1933): Nhà thơ lớn người Đức, ban đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, sau chủ trường dòng thơ thuần mỹ “nghệ thuật vị nghệ thuật” quảng bá trong Tờ Nghệ thuật, rồi sau dần xa lánh, cuối cùng bản thân ông trở thành tâm điểm của một nhóm thơ có quan niệm thẩm mĩ- triết học riêng mang tên mình, “Nhóm George”.
(6) Marc Chagall (1887-1985): Hoạ sĩ Nga-Xô viết lưu vong gốc Do thái, một trong những hoạ sĩ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Có tác phẩm được xếp vào chủ nghĩa biểu hiện, ông đi vào lịch sử hội hoạ như một nhà thơ - hoạ sĩ.
(7) Ám chỉ người Do thái tha hương. Cuốn sách Truyền thuyết dân gian về người Do thái vĩnh viễn in năm 1602 đề cập tới một người Do thái và cấp cho nhân vật cái tên Ahasveros
(8) Khởi đầu là một điệu nhảy dân tộc của Tây Ban Nha, sau lan khắp châu Mỹ La Tinh, Bolero cũng là tên tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Pháp Maurice Ravel.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Paul Celan » Tấu khúc tử thần » Bình luận bài thơ “Tấu khúc tử thần”