18/12/2024 19:12Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bài ca Giáng Sinh - Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên

Bài ca Giáng Sinh (Joseph Brodsky)

Đăng bởi thanhbinh82_tp vào 21/10/2007 15:04

 

Thân gửi Evgenii Rein

Bơi trong nỗi buồn khó hiểu
Qua một đường nứt của tường gạch
Con tàu để sáng đèn trong đêm
Đến từ công viên Alexandre.
Ngọn đèn đêm rụt rè,
Giống như một đoá hồng vàng
Phía trên đầu đôi tình nhân
Chạm chân những khách tản bộ.[1]

Bơi trong nỗi buồn khó hiểu
Dàn đồng ca vo ve những kẻ mộng du và
say rượu,
Giữa thủ đô đêm một người lạ
Buồn bã chụp ảnh những tường thành,
Rồi bỏ đi về hướng phố Odinka[2]
Chiếc taxi chở những ông già bệnh hoạn,
Và những kẻ chết đứng ôm chặt nhau
Những khách sạn sang giàu.

Bơi trong nỗi buồn khó hiểu
Lòng muộn phiền một người lội khắp thủ đô,
Cạnh chiếc băng xanh người gác cổng
Khuôn mặt tròn buồn bã đang mơ,
Lão nịnh đầm si tình hối hả
đi qua quãng đường loang lở,
Chuyến xe lửa của đôi tân hôn giữa khuya
Bơi trong nỗi buồn khó hiểu.

Bơi bên kia những phố Moscou sương mù
người bơi không dưng nặng trĩu nỗi buồn,
Một phát âm Do-thái nghe thoảng
Qua một cầu thang màu vàng buồn bã
Và từ tình yêu qua nỗi sầu
Trong đêm Giáng Sinh và Năm Mới
Một người đẹp say đắm vẫn bơi
Không sao hiểu được nỗi buồn của mình.

Bơi trong đôi mắt ta chiều hôm giá lạnh,
Những bông tuyết run rẩy trên toa xe,
Gió lạnh băng, gió tiêu hoang
Làm tê cứng lòng bàn tay ta,
Những ngọn đèn chiều hôm tràn mật ngọt,
Và toả niềm vui ngào ngạt không gian,
Đêm Giáng Sinh ôm cái bánh nướng đêm lễ
Trên đầu mình.

Ngày Năm Mới của em trên con sóng
Màu xanh thẫm bềnh bồng qua biển phố
Bơi trong nỗi buồn khó hiểu
Tựa như đời sống sắp sửa bắt đầu trở lại
Gợi ra ánh sáng và vinh quang
Ngày may mắn và khẩu phần bánh gấp đôi,
Tựa như đời sống một thời lảo đảo sắp đứng
dậy để lên đường.[3]
1. Công viên Alexandre nằm sát điện Kremlin, đối diện với Lăng Lênin. Do mặt đất bọc quanh công viên thấp hơn mặt đường, nên những ngọn đèn chạy dọc theo mép công viên này (có hình dáng tương tự như những ngọn đèn trên tàu thuỷ), mặc dù cao hơn đầu của những người đi dạo trong công viên, vẫn hơi thấp so với chân những người bộ hành bước trên lối đi bên ngoài công viên.

2. Theo một trong số những dịch giả đầu tiên của Brodsky là George L. Kline, những lần thăm và lưu lại lâu ngày ở Moscou, nhà thơ nữ Anna Akhmatova ngụ trên phố Odinka, là nơi Brodsky thường lui tới viếng thăm bà. Giống như phố Arbat ngày xưa, đây là nơi có nhiều nhà nhỏ thuộc tư nhân, tiếng Nga gọi là osobnyaki.

3. Sau này, bản tiếng Pháp của Léon Robel [Poèmes 1961-1987 (Paris: Gallimard, 1987)] cũng như bản tiếng Anh của G.L. Kline [Selected Poems (New York: Harper & Row Publishers, 1973)] và một bản dịch mới hơn của Glyn Maxwell [có tham khảo ý kiến của Catherine Clepela và Tatyana Balyonyshev — đã được sưu tập và xuất bản trong Joseph Brodsky, Nativity Poems (New York: Farrar, Straus and Giroux, 2001) đều dịch sát nghĩa nguyên bản của Brodsky:... “tựa như, lắc lư về bên trái, / đời sống sẽ quay vòng qua bên phải” (Kline, với chú thích “trái, phải” ở đây không có nghĩa chính trị)) và... “tựa như mọi thứ chuyển hướng qua bên phải / sau khi đã hướng qua bên trái” (Robel). Cả hai bản nói trên đều có đề “Thân gửi Evgenii Rein”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hoàng Ngọc Biên » Thơ dịch tác giả khác » Bài ca Giáng Sinh