22/11/2024 21:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đọc lại bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ

Chợ Tết

Đăng bởi tôn tiền tử vào 22/11/2019 04:12

 

Làng Thơ Việt Nam lại vừa mất đi một hồn thơ lặng lẽ và khiêm nhường: nhà thơ Đoàn Văn Cừ (*). Phiên Chợ Tết bất hủ của ông đã đi vào tâm trí người đọc nhiều thế hệ; “chuỗi cười ngũ sắc” (Thi nhân Việt Nam) dạt dào sự sống, niềm yêu đời, cái nhìn bao dung, nhân ái đó đã đi vào tâm hồn ta.

“Tiếng cười ta còn nghe văng vẳng thì người đã biến đâu rồi và ta đành chờ mùa xuân khác”.
(Thi nhân Việt Nam)

Đọc lại bài thơ ta tưởng như còn nghe thấy tiếng cười khúc khích, hóm hỉnh, lại rất hiền lành của một nhà thơ thôn dã. Chép lại bài thơ và tìm hiểu nó, tôi coi như một niềm thành kính, một nén tâm hương tưởng nhớ đến con người của những vẻ đẹp Thôn ca bình dị. (Những con số đứng đầu dòng thơ là do tôi đánh để tiện phân tích).

                       *

Trong biểu tượng văn hoá thế giới: chợ, theo quan niệm của Trung Hoa cổ vừa là nơi trao đổi, mua bán, còn là địa điểm hẹn hò yêu đương, nơi diễn ra các nghi lễ cầu mưa, sản xuất dồi dào, cầu trời phù hộ… Từ điển còn cho biết điều này đúng đến mức nếu muốn trời thôi mưa phải cấm phụ nữ bước vào chợ. (Nói cho vui: Cấm chị em đi chợ thì chợ thiệt, đàn ông thiệt (vì bếp đói), chị em cũng chẳng vui vẻ gì: “Môn thể thao ưa thích nhất của phụ nữ là đi chợ”! Riêng với chợ trong những ngày Tết thì không chỉ có chị em). Thực ra, vẫn theo biểu tượng văn hoá thế giới, chợ còn là nơi giao hoà âm dương, là địa điểm thái bình.

Cấu trúc không gian của bài thơ hài hoà và tấp nập, đan xen thanh bình giữa thiên nhiên và con người. Bài thơ gồm ba khổ: khổ 1, 15 dòng; khổ 2, 23 dòng; khổ 3, 6 dòng được ngăn cách bởi các dấu sao. Khổ 1 và khổ 3 đều có thiên nhiên và con người. Riêng khổ 2, trung tâm của bài thơ, (lớn nhất), chỉ dành để quan sát, miêu tả con người trong những cử chỉ, dáng điệu, âm thanh (cười, nói) cùng những hoạt động của họ. Nếu như ở khổ 1, số dòng thơ tương đối cân bằng giữa thiên nhiên và con người (8/7) trên đường đến chợ; thì ở khổ 3 thiên nhiên lấn át con người (5/1): cảnh chợ vãn, (gợi nhớ đến Hai đứa trẻ của Thạch Lam).

Trong khổ 2, chợ xuất hiện thay chỗ cho thiên nhiên; “người kể chuyện” hướng cái nhìn đôn hậu của mình vào đối tượng là con người để “tự sự”. Không gian trong văn bản nghệ thuật là “tổng hợp của các đối tượng cùng loại” và “giữa chúng có các quan hệ giống các quan hệ không gian thông thường (tính liên tục, khoảng cách...)” (Yu. Lotman). Những từ ngữ chỉ quan hệ không gian (trên, dưới, trong, ngoài) trong thơ Đoàn Văn Cừ “chuyển kênh” rất từ tốn, nhẹ nhàng, chậm rãi cùng với một lễ hội của sắc màu tươi vui, rực rỡ:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp mái nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh.
Từ không gian tĩnh, khách quan được tiếp xúc từ xa này chúng ta chuyển sang không gian động, chủ quan được tiếp xúc thân mật, gần gũi qua những động từ có tính chất vận động:
Sương trắng dỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Trong cả hai cảnh trên không gian được xếp theo trục thẳng đứng trên - dưới: từ đỉnh núi xuống đến con đường; từ đầu cành đến trong ruộng lúa, từ núi xuống đồi. Khu vực tiếp xúc sáp lại dần cho đến không gian công cộng nơi sinh hoạt của con người.

Cùng với sự vận động của thiên nhiên, là con người “tưng bừng ra chợ Tết”: nam, phụ, lão, ấu và có lẽ người bán nhiều hơn cả người mua (chỉ đến cuối khổ 2 (dòng 38) mới thấy có: “Một người mua cầm cẳng dốc lên xem” một con gà. Ngoài ra, từ bán vẫn áp đảo: anh hàng tranh ngồi dở bán; bà cụ lão bán hàng; anh chàng bán pháo). Người ta đi xem Chợ Tết cùng với âm thanh nhiều cung bậc: cười lặng lẽ; nói bô bô; nhẩm đọc; cười rũ rợi...

Có hai câu đứng độc lập một cách độc đáo: không liên hệ với trước nó và cũng không liên hệ với sau nó. Mở đầu khổ 2: “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ” (16) và mở đầu khổ 3: “Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm” (39). Cả hai câu đều đứng ở đầu mỗi khổ để thông báo ngắn gọn về cái sắp diễn ra và cái sẽ kết thúc. Sau câu 16 trở đi, thì gần như cứ luân phiên một dòng có dấu phảy đến một dòng có dấu chấm thành một cặp câu đủ tạo nên một bức tranh:
Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô-bô.
Rồi:
Anh hàng tranh kĩu-kịt quảy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán…
Cứ như thế, cả khổ 2 người đọc sẽ được thưởng thức 10 cảnh rất vui về hoạt động của con người với những âm thanh, cử chỉ cùng sắc màu. Cũng với dấu chấm câu rất cẩn thận như vậy: 4 câu đầu và 4 câu cuối của khổ 1 là những bức tranh hoàn chỉnh về thiên nhiên “nằm dưới ánh bình minh” mà ở giữa đó là con người.

Cặp câu kết của bài thơ vẫn có màu sắc nhưng đã bớt nhiều tươi vui:
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê-thê,
Lá đa rụng tơi-bời quanh quán chợ.
Những từ láy lê-thê, tơi-bời vần bằng có chút gì đó của thê lương, ảm đạm đối lập hẳn với không khí náo nhiệt bên trên.

Nhận xét về câu kết trong thơ Đoàn Văn Cừ, các tác giả của Thi nhân Việt Nam đã viết: “Những câu ấy đều khép lại một thế-giới và mở ra một thế-giới: khép một thế-giới thực, mở một thế-giới mộng. Cảnh vừa tan thì trong lòng cũng vừa nhóm. Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bỗng bâng-khuâng”.

Cái “thế giới mộng” ấy có lẽ còn nằm ở nguyên tắc phối màu của bài thơ. Chúng tạo thành những bức tranh được “lắp ghép” liền kề nhau, “độc lập” bên nhau, hối hả, náo nhiệt. Một khu triển lãm trưng bày sắc màu mà gam chủ đạo là màu nóng ấm: màu đỏ. (Màu đỏ trong biểu tượng văn hoá thế giới được coi là “biểu tượng cơ bản của bản nguyên sống”, là “màu của ngày, của dương tính”, của sự sống, của thiên ân, thông điệp của hy vọng, “phát tiết từ mặt trời và đó là màu siêu việt nhất”… cũng là màu của tình cảm). Màu đỏ cùng với “họ hàng” đậm nhạt của nó (hồng, son, thắm, tía) trở đi trở lại đến 9 lần, gần như rải suốt chiều dài bức tranh Chợ Tết ít hơn một chút so với tổng các màu còn lại: 4 từ trắng; 4 từ xanh, biếc, lam; 3 từ vàng; 1 từ nâu. Riêng đối với từ vàng thì con bò vàng (11) và đống vàng (28) chỉ vật chất đối lập với ánh dương vàng (43) chỉ tinh thần, hướng nội. Cũng tương tự như vậy với từ trắng: 3 lần đầu mây trắng (1); con đường viền trắng (3); sương trắng (12) chỉ vật chất; 1 lần cuối vừa chỉ vật chất tóc trắng (26) vừa chỉ thời gian.

Các tác giả của Thi nhân Việt Nam đã nhận xét rất tinh tế về hai câu thơ này: “Thỉnh thoảng giữa những câu tả chân chặt chẽ, chen vào một câu bất ngờ, vụt ngời lên như một luồng sáng giữa bức tranh:
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Giờ đây khi nhìn vào cấu trúc bài thơ thấy trên hai câu này là 24 dòng và dưới nó là 18 dòng, cũng coi như nằm “giữa bức tranh” đúng như nhận định bên trên. Đây là hai câu tuyệt bút hiếm hoi về thời gian và đậm đặc tính thời gian: bà cụ lão; miếu cổ; nước thời gian; tóc trắng in dấu vết thời gian đều đứng án ngữ ở hai đầu hai câu thơ tạo nên một bức tranh vừa im lìm vừa chuyển động của thời gian.

                                *

Đọc lại Chợ Tết ta bỗng thấy hân hoan, vui thích bởi sự chuyển động của không gian, sắc màu và con người. Nhà hoạ sĩ “ngây thơ” Đoàn Văn Cừ đã trình bày cho ta biết một “bản nguyên sống” trong sự tồn tại hồn nhiên, bề bộn mà lại nhịp nhàng của đời sống. Trong đời sống đó, con người là trung tâm trong cái nhìn và sáng tạo nghệ thuật của ông: Con người là trung tâm trong mỗi khổ thơ; con người lại là trung tâm (khổ 2) của toàn phiên Chợ Tết mà ở giữa trung tâm đó lại là thời gian. Cái thời gian sẽ chia cách hai thế giới đối với mỗi số phận; nhưng cũng cái thời gian đó sẽ làm bền vững hơn cho những tác phẩm nghệ thuật đích thực, cho nền tảng văn hoá sâu xa của mỗi cộng đồng người mà Chợ Tết là muôn một.
* Đoàn Văn Cừ mất ngày 27/6/2004, thọ 92 tuổi

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2004
Đào Duy Hiệp

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đoàn Văn Cừ » Chợ Tết » Đọc lại bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ