22/11/2024 09:07Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi tôn tiền tử vào 22/01/2015 23:17
Nếu Sông Lô của Văn Cao là một trường ca bằng nhạc về con sông miền quê Trung du thời chống Pháp thì Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm cũng được coi là trường ca bằng thơ về một con sông của miền quê Kinh Bắc. Viết tác phẩm này Hoàng Cầm muốn gửi gắm dồn trút tất cả cảm xúc mãnh liệt của mình. Đó vừa là niềm tự hào kiêu hãnh trước những vẻ đẹp của quê hương, vừa là nỗi xót xa căm giận trào sôi trước cảnh quê hương bị giặc tàn phá. Nhà thơ đã tái hiện lại chân thực sinh động bức tranh cuộc sống, thiên nhiên con người Kinh Bắc một thời máu lửa, một thời hoà bình. Đoạn thơ khép lại tác phẩm cho người đọc một hình ảnh đẹp về Kinh Bắc trong tương lai chiến thắng qua dự cảm đầy tin tưởng của Hoàng Cầm.
Vì được coi là một trường ca, cho nên Bên kia sông Đuống được tổ chức theo lối khúc thức gồm bốn chàng: dạo đầu, đau thương, vùng dậy và chiến thắng. Theo đó cảm xúc thơ có khi sâu lắng thiết tha những hoài niệm, có lúc cuộn trào sôi sục mạnh mẽ, lúc lại êm đềm lan toả. Sau khúc dạo đầu, Bên kia sông Đuống cuốn người đọc vào mạch cảm xúc căm giận trào sôi trước hiện thực quê hương Kinh Bắc tươi đẹp giàu có, bình yên chìm trong máu lửa để rồi bừng lên sức mạnh chiến đấu của những đoàn quân trở về giải phóng quê hương, chuẩn bị cho Kinh Bắc ca khúc khải hoàn. Thế nên, mở đầu đoạn thơ Hoàng Cầm mới viết:
“Bao giờ về Bên kia sông Đuống” - chữ “bao giờ” diễn tả thời gian trong tương lai, thòi gian trong tương lai, thời gian của mơ ước, của khát khao chứ không phải là thời gian của thực tại. Mặc dù được lặp lại đến lần thứ sáu với nhiều biến thể khác nhau nhưng ở đây, cụm từ “Bên kia sông Đuống” mới thật sự hàm chứa cái giọng của sự mong ngóng đến khắc khoải. Bởi vì bên kia sông Đuống là trở lại mái ấm, là tìm về mảnh đất thân thương máu thịt, nơi cất giữ mảnh hồn riêng của những con người Kinh Bắc. Và thế giới Kinh Bắc ấy hội tụ nơi em. Sự xuất hiện của từ “em” trong khổ thơ này một mặt tạo ra sự hồ ứng, nhất quán chặt chẽ trong cấu tứ hình tượng của toàn bài, một mặt gắn liền với lời động viên an ủi mở đầu thi phẩm:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Và lời hẹn ước nằm nhớ đang trở thành một thực hay chính lời thơ chứa đựng niềm tin của nhân vật trữ tình “anh” sẽ trở lại quê hương ngay khi thi sĩ đặt bút viết những dòng đầu tiên về Kinh Bắc ở cái thời điểm “giặc tràn lên đốt phá”. Đó là niềm tin lãng mạn mang tính cách mạng. Mặt khác, “em” chính là hình ảnh tiêu biểu hơn cả cho những vẻ đẹp Kinh Bắc. Dõi theo lời thơ, ta thấy “em” hiện ra với yếm thắm, “lụa hồng”, trang phục rực rỡ, với nụ cười “mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” trong không khí “trẩy hội non sông” tưng bừng của mùa xuân, mùa chiến thắng.
Để tái hiện chân dung những thiếu nữ Kinh Bắc, Hoàng Cầm vẫn tiếp tục sử dụng chất liệu đậm đà bản sắc dân tộc. Cách mô tả như vậy có nhiều điểm gặp gỡ với câu thơ Nguyễn Bính trong Chân quê, Chiều xuân của Anh Thơ. Vì thế con người Kinh Bắc hiện ra với những vẻ đẹp mang bản sắc văn hoá truyền thống vừa thân thuộc dung di, vừa duyên dáng tình tứ, vừa gợi nhớ gợi thương. Giữa không khí của lễ hội mùa xuân, “em” nổi bật nơi thế giới của những sắc màu toả sáng cùng nụ cười. Đây là lần thứ hai Hoàng Cầm đặc tả nụ cười thôn nữ, một nụ cười xuất hiện ở quá khứ thanh bình, một nụ cười xuất hiện trong tương lai chiến thắng. Song, cả hai đều chứa đựng vẻ đẹp của niềm hạnh phúc.
Cười như mùa thu toả nắng
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
Nhà thơ đã khẳng định tài năng miêu tả theo lối chấm phá của mình, vẫn là tái hiện vẻ đẹp con người qua ánh sáng mùa thu tình tứ, lại có nét cười trong ánh sáng mùa xuân trẻ trung tươi tắn, căng tròn sức sống. Nếu không phải là một hồn thơ đặc biệt nhạy cảm với vẻ đẹp cuộc sống, con người thì không thể nắm bắt được những vẻ đẹp ấy và miêu tả một cách tinh tế như vậy.
Ngôn ngữ thơ chưa hẳn đã mới lạ bởi người đọc đã từng gặp “mùa xuân xanh” trong câu thơ Nguyễn Bính, “mùa xuân chín” trong thơ Hàn Mặc Tử... Song sức hấp dẫn của câu thơ ở chỗ hai chữ “xuân xanh” khép lại thi phẩm gợi mở cho người đọc nhiều liên tưởng. Những ấn tượng đầu tiên thật bình yên, thanh thản và đầy tin tưởng. Bởi thế âm điệu thơ, nhịp điệu thơ không còn dồn bức, căng thẳng ngột ngạt như những đoạn thơ trước mà bỗng nhiên thư thái êm đềm, nhẹ nhàng lan toả. Đoạn thơ sau dòng thì bốn dòng thơ giữa rất ngắn, gợi được cái âm điệu tưng bừng náo nức trong bước chân, trong ánh mắt, trong nét cười của con người. Dòng đầu và dòng cuối kéo dài không ngắt nhịp như cảm giác hạnh phúc ngập tràn.
Với đoạn thơ cuối, Hoàng Cầm đã làm sống dậy một Kinh Bắc giàu đẹp đầy sức sống nhưng cũng không kém phần cổ kính, giàu truyền thống lịch sử văn hoá, nơi đó cất giữ tâm tình quê hương sâu nặng da diết của tác giả – một người con Kinh Bắc. Đoạn thơ còn lôi cuốn người đọc bởi những hình ảnh ngôn ngữ giàu chất nhạc, chất thơ, chất hoạ cũng như niềm tự hào về quê hương đất nước và sự ngưỡng mộ một hồn thơ tài hoa như Hoàng cầm.
(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)