22/11/2024 21:52Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Chỉ còn ngọn bút báo ơn suông

Độc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân trận tử quốc ngữ văn

Đăng bởi tôn tiền tử vào 10/04/2020 23:59

 

Có những bài thơ đọc rồi thì gần như không cần phải suy nghĩ gì nữa, vì ý tứ đã bộc lộ hết qua từ ngữ. Song trong một thời gian dài, ở Việt Nam loại thơ ấy đã chiếm lãnh thi đàn gần như tuyệt đối. Bất kể là đề tài gì, thể loại nào, chúng cũng phô bày hết tâm tình, cảm xúc của người viết qua chữ nghĩa, tóm lại rất giống những thiên phóng sự hay ký sự viết bằng thơ. Và như một đoàn diễu hành đi qua trước mặt người đọc, chúng chỉ để lại những ấn tượng chung chung mà mờ nhạt về một tác giả, một chủ đề hay một giai đoạn trong thơ ca nước Việt. Không phải ngẫu nhiên mà từ thời mở cửa, loại thơ ấy đã dần dần bị người đọc và cả người viết xa lánh. Nhưng một số người viết lại cực đoan trong việc sử dụng từ ngữ, nghĩa là cố lồng vào đó thật nhiều cấu trúc chìm tới mức trong nhiều trường hợp ngôn ngữ thơ ca lại trở thành một loại tiếng lóng, và bài thơ trở thành một câu đố thách thức lý trí cũng như cảm xúc của người đọc. Chính trên đường hướng cực đoan ấy mà nhiều bài thơ rằn ri đã xuất hiện với thứ ngôn ngữ lập dị quái đản hay thậm chí tục tĩu hạ cấp làm người đọc bất giác phải đặt dấu hỏi về con người tác giả trên cả hai phương diện nhân cách và thần kinh...

Cũng may là trong văn học Việt Nam có những bài thơ không thuộc hai loại nói trên, ở đây chĩ đơn cử bài Độc Nguyễn Đình Chiểu Điếu nghĩa dân trận tử quốc ngữ văn của Miên Thẩm làm ví dụ.

Nói theo ngôn ngữ hiện đại, bài thơ này của Miên Thẩm là viết về một đề tài thời sự văn học, một bài Đọc sách hay Điểm thơ viết về bài Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Cần nói thêm rằng chính nhan đề bài thơ này cho phép xác định rằng nguyên văn nhan đề bài văn tế nói trên không dùng từ nghĩa sĩ như đến nay người ta vẫn chép mà là nghĩa dân. Đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16.12.1861) nghĩa dân Cần Giuộc dưới sự chỉ huy của Cai tổng Bùi Quang Là tập kích quân Pháp ở chợ Trường Bình, đốt cháy đồn giặc và đâm bị thương tên Trung uý trưởng đồn, nhưng có 15 người (có tài liệu nói 27 người) hy sinh. Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang ra lệnh cho Bùi Quang Là tổ chức lễ tế truy điệu những người tử trận, Bùi Quang Là nhờ Nguyễn Đình Chiểu lúc ấy đang ở quê vợ là làng Thanh Ba (nay thuộc xã Mỹ Lộc huyện Cần Giuộc) viết bài văn tế này. Sau đó Đỗ Quang cho sao bài văn tế gởi kèm báo cáo về Huế, tương truyền Tự Đức cho sao ra gởi tới các tỉnh vùng Trung Bắc sai phổ biến rộng rãi để khích lệ quân đội và nhân dân. Có lẽ bài thơ của Miên Thẩm đã được sáng tác trong hoàn cảnh đó.

Độc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân trận tử quốc ngữ văn
Chiến trường hựu bả điếu văn khai,
Lạp đạp biên thanh nhất nhất lai.
Quốc ngữ danh tề Manh Tả sử,
Quỷ hùng ca đáo Khuất Bình ai.
Yết can trảm mộc kham thiên cổ,
Oán hạc đề viên tính kỷ hồi.
Chí cánh thư sinh không bút trận,
Báo quân chỉ thử diệc bi tai.

Đọc bài Văn tế nghĩa dân chết trận bằng chữ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu
Lại mở bài văn điếu ở chiến trường ra đọc,
Như nghe tiếng gió từ biên cương dồn dập đưa về.
Quốc ngữ nổi danh như bộ sử của họ Tả mù (1),
Lời ca “Quỷ hùng” bi ai ngang Khuất Bình (2).
Giương sào làm cờ, chặt gỗ làm giáo (3) có thể sánh với ngàn thuở,
Việc hạc oán vượn kêu (4) đã mấy phen rồi.
Tới mức thư sinh đánh giặc bằng ngòi bút suông,
Báo ơn vua chỉ có bấy nhiêu, cũng đau xót thay!

(1) Bộ sử của họ Tả mù: họ Tả mù tức Tả Khâu Minh thời Xuân thu soạn bộ Tả thị Xuân thu.
(2) Khuất Bình: Khuất Bình tức Khuất Nguyên, người nước Sở thời Chiến quốc, làm thơ Ly tao, Quốc thương có câu “Hồn phách nghị hề vi quỷ hùng” (Hồn phách mạnh chừ làm ma hùng).
(3) Giương sào làm cờ, chặt gỗ làm giáo: nguyên văn là “Yết can trảm mộc” tức “Yết can vi kỳ trảm mộc vi qua”, chữ trong Sử ký, Trần Thắng Ngô Quảng liệt truyện, chỉ việc Trần Thắng lãnh đạo nông dân khởi nghĩa chống nhà Tần, quân lính đều dựng tre làm cờ, chặt gỗ làm giáo, đây chỉ vũ khí thô sơ của nghĩa dân Cần Giuộc.
(4) Hạc oán, vượn kêu: lấy tích Mục vương nhà Chu đem quân đi đánh giặc, quân và tướng đều biến hình, tướng hoá thành vượn và hạc, binh lính hoá thành cát và sâu, đây chỉ việc thua trận.
Từ quan điểm thẩm mỹ phổ biến đương thời mà nhìn thì đây quả là một bài thơ hay, có điều tập quán ngôn ngữ quy đồng tất cả hiện thực lịch sử Việt Nam về mẫu số văn hoá Trung Hoa của ông hoàng hay chữ Miên Thẩm cũng làm bài thơ nói trên khó tới được với người đọc như ông mong muốn. Vì một mặt ông đề cao Nguyễn Đình Chiểu ngang Tả Khâu Minh và Khuất Nguyên, nhưng mặt khác lại vô tình làm méo mó cách hiểu của nhiều người biết chữ Hán về bài Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc. Thật ra điển “Yết can trảm mộc” trong câu 5 bài thơ đã được sử dụng để dịch lại mấy câu “Ngoài cật một manh áo vải..., Trong tay một ngọn tầm vông” trong bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu, nhưng cái hình thức Trung Quốc của nó đã đánh lừa người đọc, nên có người dịch câu ấy là “Gươm gỗ giáo sào gương dũng cảm”, vì không để ý đó là một “trích đoạn tóm tắt” bài văn tế chữ Nôm qua hình thức Hán văn. Chính vì vậy nên khi tôi đưa bản dịch có hậu giải (bốn câu sau) là “Tầm vông áo vải danh còn mãi, Binh bại thân vong chuyện đã thường. Canh cánh nghĩ thương lòng kẻ sĩ, Chỉ còn ngọn bút báo ơn suông” vào quyển Việt Nam bách gia thi thì có rất nhiều người ủng hộ, bởi vì cách dịch hai câu 5, 6 như thế đã tạo ra được sự kết nối minh bạch giữa bài văn tế - chủ thể được cảm nhận với Miên Thẩm - chủ thể cảm nhận, giúp người đọc ngày nay thấy rõ hơn về một phân cảnh tinh thần trong hiện thực chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX ở Việt Nam.

Nhưng tới hai câu 7, 8 thì vấn đề có khác. Nếu theo cái lối phê bình văn học săm soi chữ nghĩa từng một thời làm mưa làm gió ở Việt Nam thì ba chữ “không bút trận” (đánh giặc bằng ngòi bút suông) có thể đã khiến Miên Thẩm bị phê phán là hạ thấp vai trò võ khí của văn học nghệ thuật trong cuộc chiến tranh cứu nước của dân tộc. Nhưng triều đình nhà Nguyễn cũng như trí thức Việt Nam đương thời không ai phê phán ông cả, vì họ hiểu ông đã chia sẻ sự day dứt của Nguyễn Đình Chiểu, sự day dứt của người trí thức thấy mình bất lực trước nạn nước, và hơn thế nữa, họ hiểu ông đã chia sẻ sự day dứt ấy trước hết ấy bằng sự day dứt của chính mình. Có điều bài thơ này Miên Thẩm viết trước Hoà ước Nhâm Tuất tháng 6.1862, nên rõ ràng ở đây ông còn bày tỏ dự cảm của cả một tầng lớp trí thức bất lực không phải vì thiếu lòng yêu nước hay tài năng, mà vì bị lịch sử đặt vào tấn bi kịch chung của cả một dân tộc bị chính quyền phản bội. Cho nên loại thơ lời cạn ý sâu này thật cũng rất đáng cho các nhà thơ loại Mở miệng hay Ngựa trời học tập, bởi vì đáng lẽ dùng ngôn ngữ thơ ca để khạc nhổ vào sự phi lý và bẩn thỉu của thế giới, họ lại khạc nhổ thứ ngôn ngữ phi lý và bẩn thỉu của thế giới vào thơ ca.

Tào lao thêm một chút. Từ 1982 tôi đã muốn dịch bài thơ này để đề xuất cách hiểu rõ ràng hơn về hai câu 5-6, nhưng cảm thấy chưa hiểu về hai câu 7-8 nên đến 1997 mới dịch xong. Sau đó có lần nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng rủ đi Đồng Nai, trên đường ghé vào quán ăn sáng, nói chuyện nhắc tới bài thơ này, tôi vừa đọc xong bản dịch nói trên thì y vỗ đùi la lên “Mày giỏi lắm, tâm sự đó không phải chỉ thời Miên Thẩm mới có đâu”.

Tôi cười cười “Thì cho dù tao dịch được câu ấy đúng ý Miên Thẩm thì cũng là Chỉ còn ngọn bút báo ơn suông thôi, có gì mà giỏi”.
Tháng 4.2008
Cao Tự Thanh

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tùng Thiện Vương » Độc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân trận tử quốc ngữ văn » Chỉ còn ngọn bút báo ơn suông