22/11/2024 10:41Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lời bình của Quách Tấn

Á Tế Á ca

Đăng bởi tôn tiền tử vào 01/01/2019 09:37

 

Nhưng lối văn biền ngẫu này không có tánh cách bình dân, chỉ để cổ động trong hàng trí thức. Phổ biến trong dân chúng, là lối lục bát, song thất lục bát, vè, thơ Đường luật.

Như những bức thư máu của cụ Phan Sào Nam ở hải ngoại gởi về, như bài Đề tỉnh quốc dân của cụ Tăng Bạt Hổ ở Nhật Bản, v.v… Những áng văn này đã gây một ảnh hưởng lớn trong nước. Thật chẳng khác những tiếng chuông khua, tiếng trống gióng, vang dội lúc canh khuya, khiến quốc dân đương bị bọn Thực Dân Phong Kiến ru ngủ say mê, vùng tỉnh dậy…

Đây thử trích đôi đoạn trong bài Đề tỉnh quốc dân của cụ Tằng Bạt Hổ:
Á Tế Á năm châu là bậc nhất,
Người đã nhiều, đất đai lại rộng hơn.
Cuộc đời mở hội doanh hoàn,
Anh hùng bốn bể giang san một nhà.
Gẫm từ thuở Âu Ba tìm đến,
Việc chiến tranh qua Nhật đến Triều Tiên
Xiêm La Diến Điện gần liên,
An Nam, Chân Lạp thẳng miền Ai Lao.
Thịt một tấm trăm dao cắt xé,
Chiếc Kim âu chẳng mẻ cũng không lành
Tôi con Pháp, tớ thầy Anh,
Nín hơi Đại Đức, nép mình Cường Nga!
Gương Ấn Độ có xa chi đó,
Chẳng máu đào cũng họ da vàng.
Mênh mông một giải Đông Dương,
Nước non quanh quất trông càng thêm đau.
Đó là khúc đầu nói đại lược về cảnh sống chung hoà bình của dân tộc cõi Á Đông trước khi người  La Ba, tức người Âu Châu đến, và cảnh chiến tranh do người Âu gieo vào Đông Á.

Đoạn thứ hai, nói đến nước Nhật đứng dậy đánh Nga và thắng một cách vẻ vang. Trong đoạn này có nhiều câu rất hay. Như:
Trận thứ nhất Cao Ly lừng tiếng,
Khắp hoàn cầu muôn miệng đều khen.
Sa trường xung đột mấy phen,
Ngọn cờ Áp Lục tiếng kèn Liêu Đông.
Cửa Lữ Thuận trập trùng sóng bạc,
Thành Phụng Tiên ngơ ngác khói xanh.
Hải quân một trận tan tành,
Thái Hoà cắt nẻo, Đông Kinh rẽ đường.
vân vân…

Sau khi ca tụng chí quật cường và tinh thần chiến đấu của người Nhật Bản, tác giả ngoảnh lại cảnh đất nước Việt Nam:
Càng nghĩ lại thấm lâu càng tủi,
Nước Nam nhà gặp buổi truân chuyên.
Trăm quan quen thói ngu hèn,
Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu…
Đó là người nước… Vì người nước như thế nên việc nước đều ở trong tay Thực Dân Pháp. Chúng muốn làm gì thì làm. Từ vua quan chí dân đều là đầy tớ của chúng, “Kẻ chức Bồi, người chức cu ly”. Chúng lại đánh nhiều thứ thuế lạ lùng:
Nhiều hạng thuế kể sao cho xiết,
Thuế “xi” kia mới thiệt lạ lùng!
Thuế xi là thuế nhà xí! Không món gì sản xuất ra mà không đánh thuế, không việc gì làm ra mà không chịu thuế! Cho đến cái thứ hôi thúi kia mà cũng đánh thuế. Chánh sách của Thực Dân cay nghiệt biết bao nhiêu!

Bởi vậy tác giả mới kêu gọi đồng bào mau tỉnh dậy:
Thật lắm lúc bầm gan tím ruột,
Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra.
Cũng xương cũng thịt cũng da,
Cũng hòn máu đỏ, con nhà Lạc Long.
Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
Mấy mươi năm nhơ nhuốc lầm than
Than ôi! Bách Việt hà san
Thông minh đã sẵn khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mộng tỉnh chưa? Chưa tỉnh!
Anh em mình phải tính sao đây?
Tác giả khuyên phải học cái hay cái giỏi của nước ngoài, phải chú trọng kỹ nghệ, thương mãi…, phải lập liên đoàn để bênh vực quyền lợi cho nhau…, phải mở mang việc học hành, lấy Nhật Bản và Lang Sa làm gương, chớ không cần tìm kiếm đâu xa. Nếu chúng ta kết một lòng lo với nhau, thì:
Đường học thức dân đà mở rộng,
Người Lang Sa rồi cũng nể nang.
May ra được chữ bình hàng,
Trời Nam đứng vững phương đông một mình.
Bài văn kết thúc bằng mấy câu nói qua thân thế tác giả từ lúc xa quê hương, và nỗi lòng lúc được vua Nhật thưởng công đã giúp Nhật Bổn đánh Nga:
Thân phiêu bạt đã đành vô lại,
Mấy năm nay Thượng Hải Hoành Tân.
Chinh Nga những lúc tùng quân,
Chút thân bồ bá theo chân khải hoàn.
Nâng chén rượu ơn ban hạ thiệp,
Gạt hàng châu khép nép quì tâu:
Trời Nam mù mịt ngàn dâu
Gió thu như thổi dạ sầu năm canh!
Biết bao nỗi bất bình chứa mãi,
Mượn bút hoa mà giải quốc âm,
Tấm thân bao quản cát lầm,
Khuyên ai đúc chữ đồng tâm sau này…
Đoạn kết văn chương cảm động nhất, và dư vị làm cho những ý tứ ở các đoạn trên thêm thấm thía vào lòng người.

Như trên đã nói, bài này cũng như những bài Hải ngoại huyết thư của cụ Phan Sào Nam đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong đám sỹ phu và một số đông công dân, nông dân. Lòng yêu nước yêu nòi bị khích động, và bầu không khí Cách Mạng lần lần lan rộng từ Bắc vào Nam…

Gây được ảnh hưởng lớn như vậy là nhờ văn chương một phần. Một phần nữa, có lẽ là phần lớn hơn, là do người viết ra những áng văn chương ấy. Người viết vốn là người có thành tâm nhiệt huyết. Nguồn nhiệt thành của tác giả trào sang văn chương, tạo nên những lời nồng nàn thành thật, đủ sức truyền cảm, rung cảm người đọc người nghe. Phan Sào Nam, Nguyễn Thiện Thuật… là những bậc chí sỹ suốt đời hy sinh cho dân cho nước, một lời nói ra là xuất tự đáy lòng, mang từng giọt lệ, từng giọt máu, chớ đâu phải lời nói đầu môi. Bởi vậy những lời các cụ nói ra thường thường được đại đa số đồng bào hưởng ứng.

Chứ những lời nói của những kẻ chứa đầy tham vọng cá nhân, đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi Tổ Quốc, vì một chút hư danh một chút quyền lợi, có thể bán cả Dân Tộc cho kẻ thù…, thì dù có hay đến đâu, có khéo đến đâu, cũng không làm cho người tin tưởng được.

Cho nên văn chương tuyên truyền, muốn gây được ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, thì trước hết phải chân thật. Nghĩa là không có ý phỉnh phờ lừa dối, và nhất là người viết ra nói ra phải là người có đạo đức để khỏi bị phạm điều “xảo ngôn lịnh sắc” làm giảm hiệu lực của văn chương.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tăng Bạt Hổ » Á Tế Á ca » Lời bình của Quách Tấn