25/11/2024 03:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 30/07/2005 00:12
Trong 254 bài thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, có một bài thơ chỉ 4 câu thôi mà tôi trải qua 24 năm, mới dám tự bảo mình rằng gọi là hiểu. Đó là bài Ba tiêu.
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem
Từ 1956, lúc bắt đầu phát hiện được trở lại Quốc âm thi tập, đọc bài Ức Trai tiên sinh viết về cây chuối này, tôi đã rất yêu thích. Tuy nhiên, sức đọc, trình độ của tôi cũng chỉ mới thấy được cái hay của hai câu 3, 4.
Người đời trước viết trên lụa: tàu lá chuối non kia màu xanh ngọc thạch, còn cuộn lại như lụa cuốn, như bức thư quý báu trang nhã viết trên lụa bạch, đó là một bức thư tình e ấp, vậy mời trang phong lưu là gió, hãy mở thư xem... Dẫn trong bài bình luận, hoặc đọc lên trong các cuộc nói chuyện, tôi đều chỉ nhấn mạnh vào hai câu dưới, coi hai câu trên hầu như là không có. Bởi theo tôi nhận thấy, hai câu dưới có hình tượng sáng tạo hơn cả, đập mạnh vào tâm trí hơn cả. Và bởi, tôi không hiểu hai câu trên, coi là những câu thơ thường. Mà thường tình, người ta không hiểu một điều gì, thì cứ lờ đi, là tiện nhất.
Câu thứ hai: Đầy buồng lạ mầu thâu đêm, ai có ngờ lại là câu khó hơn cả, mà cũng “diệu” hơn cả. Bản Trần Văn Giáp phiên âm là mầu và chú thích: - “Cứ theo chữ Nôm viết ở nguyên bản, cho nên phiên âm là Mầu, nhưng đáng lẽ là mùi mới đúng. Mùi thâu đêm là mùi hương suốt đêm, chú như vậy, thì “buồng lạ” tức là buồng chuối chín thơm ngào ngạt. Bản Đào Duy Anh chú: - “Buồng lạ”: chỉ buồng chuối, so với các quả cây khác thì cũng lạ. Mầu thâu đêm: chuối chín thơm ngát suốt cả đêm”. Hai lời chú thích đều hiểu buồng là buồng chuối. Và tôi cũng hiểu như thế, chứ không có cách nào khác.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi suy nghĩ lại, và bỗng nhận thấy một điều, nhưng tôi thấy không tiện nói ra. Vì không tiện nói ra, cho nên tôi không dám dây dưa đưa dẫn hai câu đầu. Bởi, nếu giới thiệu cả 4 câu, thì tôi bắt buộc phải góp ý kiến rằng: đây là hai bài thơ chồng lên nhau, chứ không phải một bài, bởi hai câu đầu nói tới “buồng lạ”, buồng chuối, hai câu sau thì nói tới lá chuối non. Mà khi cây chuối đã trổ ra buồng, thậm chí buồng chuối chín, thì nó không còn có thể ra lá non, thậm chí lá non cuốn lại, được nữa. Như vậy phải là hai cây chuối khác nhau ở trong bài thơ, như vậy là hai bài thơ chắp vào nhau trong 4 câu, chứ không phải một bài tứ tuyệt, nhất quán, nguyên khôi. Như vậy thì Ức Trai làm thơ như thế hay sao? Và tôi không dám “phát hiện” sự này, bởi tôi thấy sự này vượt quá sức suy nghĩ, quá khả năng hiểu của tôi, cho nên tôi đã không dẫn, không nói hết về hai câu thơ trên.
Đến hôm nay, tôi rất cảm ơn người bạn của tôi, vắng nhau mấy năm, mới đến chơi nhà tôi, và nhân trò chuyện về thơ Nguyễn Trãi, anh ấy bảo với tôi: Buồng chuối đâu. Anh lại mách cho tôi: Trong thơ chữ Hán của Ức Trai, có bài Lãnh noãn tịch, nghĩa là “Chiếu lạnh ấm” (được in trong phần “tồn nghi” của quyển Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, Nhà xuất bản Văn hoá, 1962, anh không tán thành quyển Nguyễn Trãi toàn tập in lần thứ II đã bỏ hẳn bài này), bài thơ nói về chiếu, về nệm, có hai câu 3, 4 (dịch nghĩa): Lông mềm, nệm êm, mùi thơm lọt vào xương - Da nhuyễn chiếu lạnh, hơi mát ngấm vào da thịt, tác giả của những câu này có chí khí anh hùng, có tài năng kinh bang tế thế, có tâm huyết, và còn có xương, có thịt, có da, có một sự xúc cảm rất da thịt, biết hưởng rất tinh vi bằng cái thân thể của mình, mùa đông khi nằm trên một tấm nệm lông êm thì “như hương thấm tận vô xương tuỷ”, mùa hè chỉ lăn mình trên một chiếc chiếu cói mát rượi, thì khoan khoái như tắm trong hồ ngọc ở cung tiên, sau khi câu 5 của bài thơ đã đến nói “Viện trúc ngày dài khi nắng đã lui”, thì tiếp đến câu 6:
Hồng lâu dạ vĩnh giác xuân tư
nghĩa là: “Lầu hồng đêm thâu cảm thấy có một mùa xuân riêng mình”, tức là thơ chữ Hán cùng với một tứ với thơ chữ nôm “Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm” đó.
Anh bạn tôi mách cho tôi như vậy, thì tôi bỗng “ồ” lên một tiếng và thấy mình bừng sáng hiểu vào sự huyền diệu của cả bài thơ. Tôi không cần phải “phát hiện” hai bài thơ nào mâu thuẫn nhau hết, mà đây chính là một bài thơ nguyên khôi, nhất quán, của Nguyễn Trãi làm, tại vì tôi chưa hiểu nổi, nên mới thắc mắc. Trước hết, trong câu mở đầu:
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
ta hẵng để ý: tại sao Nguyễn Trãi không viết “lại tốt thêm”? Lại tốt thêm thì có vẻ dung tục, không đủ trân trọng đối với chủ từ của câu chẳng qua theo đà, theo thế, theo thời, mà thêm tốt, còn “tốt lại thêm” tức là: Vốn cái tốt đã là bản chất rồi. Nay từ lúc bén hơi xuân thì tốt thêm. Sau khi tôi hiểu được toàn diện, đúng đắn rồi, thì hoá ra cái thần của bài thơ không ở hai câu 3, 4, một hình tượng, mà ở câu 2, một xúc cảm:
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Đầy phòng, đầy buồng khuê, là một sự “lạ”, mầu đây, theo ý tôi, là nhiệm mầu, mầu nhiệm thâu đêm, đồng thời và cũng cần hiểu mầu như ở trong “đất mầu”. Ôi! Nếu là thơ Ức Trai nói về sự rung động đầu tiên của giai nhân vào buổi đương thời thì việc ấy có giảm gì uy tín của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi? Bao nhiêu nhà thơ lớn trước Nguyễn Trãi ở á Đông, ở trên thế giới đã nói và nói một cách trang nhã, sao lại muốn rằng Nguyễn Trãi đừng nói, dù là nói một cách trang nhã? Sự thật, là Nguyễn Trãi đã nói rồi, câu thơ chữ Hãn dạ vĩnh giác xuân tư, “đêm thâu cảm thấy một xuân riêng” bênh vực cho câu thơ chữ nôm “đầy buồng lạ mầu thâu đêm”, và chữ “lạ” với chữ “mầu” làm cho câu thơ chữ Nôm còn dào dạt ngạt ngào hơn câu thơ chữ Hán, đến nỗi đầy cả một buồng. Hơn năm trăm năm sau, hàng cháu chắt của nhà thơ Ức Trai là nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) cũng có một tứ thơ gần với Ức Trai, và đã gộp cả chữ “lạ” trong thơ chữ Nôm và chữ “xuân” trong thơ chữ Hán của Ức Trai: “Chàng ơi, chàng ơi, sự lạ đêm qua - Mùa xuân tới, mà không ai biết cả”.
Nếu hiểu buồng là buồng chuối như tôi đã hiểu, và như hai nhà phiên âm Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh đã hiểu, thì bài thơ lại tách ra làm hai bài mâu thuẫn nhau một cách vô lý - điều mà nhà thơ Ức Trai quyết không làm.
Và khi đã vào được chữ “diệu” của bài thơ, khi đã hiểu đây là mùa xuân riêng xuất hiện, thì hai câu cuối đến dính liền một cách thoải mái vào hai câu trên. Hiểu là một ngôi thứ ba, một “nhà văn” nào đó nói hộ tâm sự cho giai nhân, và mời hộ gió mở bức thư lá chuối non thì cũng được, tuy nhiên, tưởng tượng một người thứ ba ở bên ngoài đến làm mối lái trung gian mời hộ gió mở thư tình của lá, thì vai trò của người mời hộ này cũng khá vô duyên, đã là thư tình thì chính người viết, người cuộn người gửi lấy bằng cách này hay cách khác cho đối tượng của mình đọc, cho nên tôi muốn hiểu cả bài tứ tuyệt là một ngôi thứ nhất, phía sau cây ba tiêu là một giai nhân tự nói lấy cho mình, đầy phòng ngào ngạt thâu đêm, chẳng lẽ lại người nào cũng ngoài phòng nói điều ấy, phải là người ở trong phòng tự nói:
Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
bức thư tình của lá: em còn e ấp cuộn lại, còn kín, một cái ghen tuông phóng nhuỵ, ngôi thứ hai là “gió”, là đối tượng: anh, người mà ta mong mỏi đang ở nơi đâu? Gượng đây không phải là gượng gạo, mà gượng nhẹ, khẽ khàng:
Gió nơi đâu gượng mở xem
Từ lúc Quốc âm thi tập được phát hiện lại (1956) đến nay, một bài thơ như Ba tiêu của Nguyễn Trãi đã trải 24 năm mới chịu gửi cái bí mật thân tình mình cho người bạn đọc.
Xuân Diệu (trích: Kỷ niệm sáu trăm năm ngày sinh Nguyễn Trãi)