22/12/2024 16:36Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi tôn tiền tử vào 05/12/2024 14:58
“Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi” là một câu tục ngữ rất quen thuộc với người Việt Nam. Câu nói này không chỉ thể hiện rõ vai trò của người cha với con cái mà nó là một bài học, một lời răn dạy đối với mỗi người con trong gia đình.
Ý nghĩa câu tục ngữ
“Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi” là một câu tục ngữ lâu đời có ý nghĩa sâu sắc nói về vai trò, trách nhiệm của người cha đối với con cái. Chúng ta có thể thấy được điều này rõ hơn qua hình ảnh so sánh “nhà có nóc”. Tác giả dân gian đã dùng một hình ảnh vô cùng quen thuộc và chân thực để diễn tả rõ vai trò của người cha trong cuộc sống của con cái. Người cha được ví như mái nhà che chở cho cả căn nhà, che chở cho con cái tránh khỏi sóng gió ngoài kia.
Và ngược lại là hình ảnh “nòng nọc đứt đuôi” cũng là một hình ảnh chân thực diễn tả việc con cái không có cha. Khi không có cha bên cạnh, con cái cũng giống như những chú nòng nọc đứt đuôi vậy, phải sống một cuộc sống rất khó khăn và vất vả.
Cũng giống như mẹ, cha chính là người nuôi dưỡng và chăm lo cho chúng ta. Cha là một người vô cùng quan trọng trong suốt quá trình trưởng thành của con cái. Cha luôn giúp con, gánh chịu những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống cũng như luôn đem đến cho con những điều tốt đẹp nhất.
Câu tục ngữ “con có cha như nhà có nóc con không cha như nòng nọc đứt đuôi” đã miêu tả rất rõ tầm quan trọng và vai trò của người cha trong cuộc sống của con cái. Từ đó giúp mọi người ý thức được việc hiếu thảo và yêu thương cha mẹ của mình nhiều hơn.
Sự quan trọng của tình cảm cha con
Trong cuộc sống chúng ta có nhiều tình cảm thiêng liêng đáng trân trọng nhưng có lẽ tình cảm cao quý và đẹp đẽ nhất chính là tình phụ tử. Chính câu tục ngữ “con có cha như nhà có nóc con không cha như nòng nọc đứt đuôi” đã thể hiện rất rõ điều này.
Khi nhắc đến hai từ “phụ tử”, chúng ta cảm nhận được ngay sự gắn bó khắng khít, bao dung, yêu thương, bền chặt. Nếu như mẹ mang đến cho ta một sự nhẹ nhàng ấm áp, dịu êm… thì cha lại mang đến cho ta sự mạnh mẽ, đầy an tâm và tin tưởng.
Mỗi đứa bé sinh ra trên đời này đều có cha và mẹ, nhưng mỗi người cha, người mẹ của mỗi người sẽ khác nhau. Mẹ sinh thành ra ta, mang nặng đẻ đau rồi nuôi dạy ta nên người. Còn cha lại là người vất vả hy sinh công sức, thời gian để có thể lo cho gia đình từng miếng cơm manh áo.
So với mẹ, cha có phần nghiêm khắc hơn, bởi chính cuộc đời đã tôi luyện cho cha thành một người đàn ông cứng cỏi để bảo bọc gia đình, lo lắng, yêu thương, che chở đàn con nhỏ. Có lẽ vì thế mà khi nhắc đến câu “Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi” chúng ta càng thấm hơn ý nghĩa ẩn chứa đằng sau.
Có mẹ cha trên đời là niềm hạnh phúc lớn lao. Có mẹ, ta được nhận những lời khuyên bảo, nhẹ nhàng răn dạy có được một hướng đi đúng đắn. Có cha, ta được chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục bằng sự nghiêm khắc, có khi là nhận trận đòn roi,… Nhưng cha mẹ nào mà chẳng thương con, bằng cách này hay cách khác, ước mong duy nhất của những người làm cha mẹ vẫn chỉ là mong con cái có thể trở thành người tài đức sau này.
Không gì có thể quý giá hơn tình cha, tình mẹ, là một người con thì nhất định phải giữ tròn đạo hiếu, yêu thương và báo đáp cha mẹ của mình. Sự hiếu thảo ấy không nhất thiết phải là tiền bạc hay thứ gì quá cao sang mà nó chỉ đơn giản là những hành động, lời nói kề cận bên cha mẹ lúc già.
Hiếu thảo không chỉ được thể hiện qua tình yêu thương với cha mẹ mà nó còn là điều kiện để chúng ta được cảm thấy mình nhỏ bé và được yêu thương khi về với gia đình. Con cái hiếu thảo với cha mẹ luôn được xem là chuẩn mực đạo đức hàng đầu khi đánh giá phẩm chất đạo đức của một con người.
Để có thể trở thành một người hiếu thảo thì con cái cần phải được giáo dục và cách thể hiện điều bản thân muốn. Hiếu thảo chính là bổn phận, là cách sống của một người bình thường. Chúng ta có thể thấy được sự hiếu thảo từ chính cha mẹ của chúng ta đối với ông bà. Nó được xem là nền tảng để nuôi dưỡng và sáng tạo nên cách ứng xử sau của con cái với cha mẹ.
Nói tóm lại, sự hiếu thảo với cha mẹ ngày nay chính là ươm mầm cho sự kính trọng của con cái chúng ta sau này.