23/11/2024 04:25Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cảm nhận về bài thơ “Bài ca ngất ngưởng”

Bài ca ngất ngưởng

Đăng bởi tôn tiền tử vào 06/10/2017 09:32

 

Nói đến những nhà thơ nửa đầu thế kỷ XIX không thể không nhắc đến nhà thơ – ông quan thị lang triều Nguyễn: Nguyễn Công Trứ. Đây là mọt nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, một phần nhân vật hăm hở lập công, hết sức đề cao chí làm trai và cách sống rất độc đáo, luôn tự do, phóng túng.

Nguyễn Công Trứ được coi là một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất đương thời, ông có công lớn trong việc nâng thể hát nói thành thể thi ca có khả năng biểu hiện những tình cảm phong phú và tinh tế.

Trong số những bài thơ của Nguyễn Công Trứ sáng tác theo thể hát nói, nức danh hơn cả là bài thơ Bài ca ngất ngưởng. Đây là một tác phẩm được sáng tác sau khi tác giả rời bỏ chốn quan trường về quê nhà sống cuộc đời ẩn dật. Đây cũng là lúc chất ngạo nghễ, ngất ngưởng vốn có của cụ Thượng Trứ được bộc lộ một cách đầy đủ nhất. Dẫu sao, tuy là một nhân vật có bản lĩnh, giàu cá tính, nhưng khi còn đang làm quan, Nguyễn Công Trứ cũng không thể sống một cách tự do, ông vẫn phải tuân thủ những luật lệ của triều đình. Và như lịch sử đã ghi lại, trong nhiều triều đại phong kiến thì triều đại Nguyễn vẫn được coi là một triều đại có những thiết chế hết sức gò bó, phi lí, phi nhân đạo nhất.

Bằng Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ đã trình bày một cách thật sinh động, độc đáo bản sơ yếu lí lịch của mình và bao trùm bài thơ, người đọc có thể cảm nhận một lối sống khác người, khác đời của tác giả. Lối sống của ông đối lập với lối sống của tập đoàn, đối lập với những quan niệm chính thống lúc bấy giờ.

Trước hết, ngay tiêu đề của bài thơ đã khiến người đọc phải chú ý, phải suy nghĩ. Cái độc đáo của Nguyễn Công Trứ phải chăng được thể hiện ngay trong cách ông đặt tiêu đề của bài thơ: Bài ca ngất ngưởng. Theo cách hiểu thông dụng, ngất ngưởng chỉ thế cao mà không vững, dễ đổ vỡ. Thí dụ: Bình hoa để ngất ngưởng. Ngoài ra, ngất ngưởng còn có nghĩa là chỉ người đi thẳng, không vững, lúc tiến lên phía trước, lúc thì ngả sang phải, lúc ngả sang trái…Đọc kỹ bài thơ, chúng ta có thể nhận thấy tiêu đề của bài thơ này góp phần quan trọng trong việc diễn tả thái độ, tư thế của nhân vật trữ tình – tác giả luôn vươn lên trên thói tục, sống giữa tập đoàn, giữa mọi người mà khác đời, khác người, bất chấp mọi người.

Nguyễn Công Trứ thường nói đến chí nam nhi theo tinh thần nho giáo. Trong bài Chí làm trai, nhà thơ khẳng định:
Chí làm trai nam, bắc, đông, tây
Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể
Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ cũng mở đầu bằng một câu chữ Hán có tính chất tuyên ngôn thể hiện cái chí làm trai nói trên: mọi việc trong trời đất chẳng có việc nào không là phận sự của ta:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Đây chính là điều mà Nguyễn Công Trứ tâm niệm. Chẳng thế mà luôn được ông nhắc đến trong rất nhiều bài thơ trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, vũ trụ chức phận nội (việc vũ trụ là phận sự của ta – Gánh trung hiếu), vũ trụ ngã phận sự (Những việc trong vũ trụ là phận sự của ta – luận kẻ sĩ). Theo quan niệm của Nguyễn Công Trứ, đã sinh ra làm đấng tu mi, thì nhất thiết phải có danh gì với núi sông, phải làm những việc lớn lao, phải được ghi vào sử sách. Cái hay của câu thơ mở đầu chính là triết lí sống đúng đắn và tình cảm chân thành của tác giả. Muốn xã hội tiến bộ, mỗi con người phải tự khẳng định mình, phải cố gắng cao nhất làm được một việc gì đó có ích cho đời để có thể tự hào với mọi người. Khát vọng đó, quyết tâm đó là chính đáng, là rất đáng trân trọng; nhất là một khi nó được thể hiện một cách trực tiếp với một thái độ chan thành của nhà thơ.

Tiếp đó, Nguyễn Công Trứ tự xưng tên mình, tự khẳng định tài năng của mình:
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Lâu nay, câu thơ này ít nhất đã có hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất cho rằng: ông Hi Văn, một con người tài giỏi đã vào vòng cương toả của triều đình (như con chim yêu tự do, thích bay trên bầu trời cao rộng, nay bị nhốt vào lồng), và do đó, ông không thể sống ngất ngưởng như mình muốn. Cách hiểu thứ hai: ông Hi Văn là người toàn tài, có thể sánh ngang với trời đất; lồng ở đây được hiểu là trời đất, là vũ trụ, trong quan niệm của người xưa thì đất có hình vuông và trời có hình tròn. Có lẽ cách hiểu thứ hai thuyết phục hơn, nhất quán hơn so với cách hiểu thứ nhất; đặc biệt nếu đặt trong cảm hứng bao trùm bài thơ, cách hiểu này có văn cứ hơn. Vả chăng, nội dung hai câu đầu thường sẽ chi phối toàn bộ bài thơ, mà cảm hứng chủ đạo trong bài thơ này chính là cảm hứng ngạo nghễ, ngất ngưởng chứ không phải là nỗi niềm oán thán về việc mất tự do..Hi Văn là biệt hiệu của Nguyễn Công Trứ. Nói trực tiếp về mình, gọi hiệu mình ra mà nói là cách diễn đạt rất Nguyễn Công Trứ. Trước cụ Thượng Trứ, bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng có lần xưng danh:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
(Mời trầu)
Và tác giả truyện Kiều cũng đã từng xưng hiệu trong một câu thơ ai oán của Độc Tiểu Thanh kí:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Không biết ba trăm năm sau nữa
Thiên hạ ai người khóc Tố Như)
Nhưng quả thật chưa ai xưng danh rồi sau đó lại dám khẳng định luôn mình là người có tài năng như Nguyễn Công Trứ. Có điều, câu thơ tác giả nói về mình nhưng tựa như nói về người khác, nói một cách tự nhiên, hồn nhiên.
Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng,
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đoạn thơ trên bộc lộ sự tự khẳng định niềm tự hào về tài năng văn võ song toàn của mình. Tuy vậy, cái hay của đoạn thơ trên trước hết xuất phát từ thái độ chân thành, hồn nhiên và sự trung thực của tác giả. Tiểu sử Nguyễn Công Trứ quả đã có ghi: Vào năm 1819, ông đã đỗ thủ khoa kì thi Hương; 7 năm sau, Nguyễn Công Trứ làm tham tán công vụ, đến năm 1831 ông làm Tổng đốc tỉnh Đông (Hải An). Lúc 62 tuổi, ông được cử đi đánh thành Trấn Tây…Tuy là một người xuất thân quan văn, nhưng Nguyễn Công Trứ đã từng chỉ huy đánh tiểu phỉ ở biên giới phía Bắc, đánh giặc ở biên giới Tây Nam, rồi đàn áp các cuộc nổi loạn của nông dân.

Sau câu thơ đầu vừa phân tích trên đây là hết sức quan trọng trong tạo nên cái cần thiết để tác giả tự bộc lộ một lối sống ngất ngưởng ở những câu thơ tiếp theo bằng giọng tự trào nhưng rất có duyên thông qua việc ông tự mô tả mình và lối sống của mình:
Đô môn giải tổ chi niên.
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Đối với những nhà giàu sang quyền quí khi xưa, ngựa là phương tiện giao thông chủ yếu. Đi ngựa là thể hiện sự sang trọng và quyền lực. Nhưng cụ Thượng Trứ lại khác đời: cụ không đi ngựa mà lại đi xe do con bò cái lông vàng kéo, rong chơi khắp chốn. Đã thế, trước cửa xe, cụ để bôn câu thơ trên một tấm mo cau:
Xuống ngựa, lên xe, nọ tưởng phàm
Lợm mùi giáng chức với thăng quan
Điền viên dạo chiếc xe bò cái
Sẵn tấm mo che miệng thế gian
Quả thật, ở con người Nguyễn Công Trứ có sự tương phản gay gắt. Sự tương phản này tạo nên nét hấp dẫn của tác giả, một tay ngất ngưởng: bò vàng lại đeo đạc ngựa, vôn tay kiếm cung mà lại từ bi, đi chùa mà lại mang theo cả…một đôi dì. Điều ấy khiến cho kẻ hiền lành, thoát bụt cũng cảm thấy nực cười.

Vậy, vì sao Nguyễn Công Trứ sống giữa chốn danh lợi bon chen như thế mà vẫn bình thản, thoát khỏi lẽ thường ở đời, nhất là đối với một quan lại triều đình trong chốn hoan lộ vốn bất bằng? Có lẽ vì một lẽ đơn giản ngay trong tiềm thức, trong ý thức sâu xa của mình, ông đã không quan tâm đến cái được, cái mất ở đời. Ta còn nhớ trong ngót ba mươi năm chốn quan trường, có lúc Nguyễn Công Trứ làm đại tướng,có khi chỉ là một anh lính thú ở chốn biên ải. Tuy thế, lúc nào ông cũng bình thản như ngọn gió xuân, mặc cho thiên hạ khen hay chê:
Được mất dương dương người tái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Và nguyên nhân cốt lõi của thái độ sống này, của cái ngất ngưởng này chính là sự ý thức đầy đủ về cái tôi cá nhân, cá thể của mình, cũng như ý thức về tài năng và phẩm hạnh cùa mình.

Câu kết bài thơ, Nguyễn Công Trứ nhấn mạnh thêm một lần nữa cảm hứng ngất ngưởng bằng câu: Trong triều ai ngất ngưởng như ông? Câu nghi vấn nhưng lại chính là câu khẳng định: trên đời này không ai độc đáo, ngạo nghễ, ngất ngưởng bằng thi sĩ Nguyễn Công Trứ.

Đặt trong chế độ phong kiến, Bài ca ngất ngưởng có ý nghĩa về nhiều phương diện. Nó ít nhiều báo hiệu sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, cá thể trong hoàn cảnh cái tôi không được thừa nhận. Nó ghi nhận một bước tiến đáng kể trong lịch sử dân tộc theo hướng dân chủ hoá.

Ngày nay, lối sống và cách sống ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ có thể cần được tiếp thu một cách cân nhắc. Tuy nhiên, bài thơ Bài ca ngất ngưởng vẫn có ý nghĩa, trước hết trong việc khích lệ người đọc hãy sống mạnh mẽ, hãy sống có ích để cuộc đời mình ngày một có ý nghĩa, không chấp nhận một cuộc sống tẻ nhật, vô nghĩa.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Công Trứ » Bài ca ngất ngưởng » Cảm nhận về bài thơ “Bài ca ngất ngưởng”