24/11/2024 17:02Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

“Dáng đứng Việt Nam” đi vào bất tử

Dáng đứng Việt Nam

Đăng bởi tôn tiền tử vào 19/12/2023 12:54

 

Tôi đã đọc và nghe bài thơ Dáng đứng Việt Nam tới trăm lần. Mỗi lần nghe tôi lại có một cảm xúc riêng. Hơn 40 năm qua, bài thơ đọng lại trong lòng tôi cùng với những kỷ niệm về bước đi của đất nước, của thời đại và của thế hệ mình. Sau 40 năm những suy nghĩ, liên tưởng và cách hiểu của tôi về bài thơ mỗi lần một khác.

Lần thứ nhất, tôi đọc bài thơ trên đường vào chiến dịch Quảng Trị. Tôi mơ ước sẽ viết được một bài thơ như của Lê Anh Xuân, mơ ước thành thi sỹ một bài – một tác phẩm để đời là mãn nguyện. Nhưng rồi tôi lại phân vân khi nhớ câu tuyên ngôn nghệ thuật của Platon. Nhà triết học cổ Hy Lạp cho rằng: thà làm người anh hùng cho nhà thơ ca ngợi, chứ không làm nhà thơ đi ca ngợi các anh hùng. Mỗi khi không gieo được vần thơ nào, mỗi khi cắn bút, bỏ trang bản thảo đứng dậy, tôi lại lẩm bẩm câu châm ngôn hành động của Platon. Tôi tìm được ở Platon sự vỗ về, an ủi. Mãi sau này tôi mới vỡ lẽ ra rằng, thơ trong quan niệm của Platon chỉ là sự mô phỏng một cách thụ động cuộc sống, chỉ là cái bóng nhợt nhạt của cuộc đời, rất cách xa thế giới ý niệm. Thời của Platon chưa xuất hiện mô hình nhà thơ chiến trận – “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”, “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ”. Đọc bài thơ Dáng đứng Việt Nam ta có thể đồng nhất dáng đứng của người chiến sỹ với dáng đứng của nhà thơ. Nhân vật trữ tình với chủ thể trữ tình gần như thống nhất.

Lần thứ 2, tôi đọc bài thơ theo kiểu nghiên cứu văn học sử. Tôi nhớ tới nhận định của nhà phê bình Hoài Thanh. Ông cho rằng thơ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) không có đoạn nào đạt tới độ toàn bích, vì có thể thay chữ này, câu nọ, nhưng cái quý nhất trong thơ anh là tình cảm dạt dào, da diết, thơ anh viết trong sáng, mượt mà, viết khá tự nhiên nhưng không rơi vào thô mộc.
Em ơi sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng

Khen phụ nữ, tôi nghĩ ít ai khen kiểu ấy. Sau ngẫm lại, đọc lại, mới biết anh không nói về phụ nữ, về tình yêu mà đang nói về quê hương. Phụ nữ ở đây không mấy quan trọng. Mùi sầu riêng ở đây là mùi quê hương.

Đọc một số bài thơ anh, tôi cảm thấy thơ anh như dấu nối của hai thời kỳ sáng tác: thời thơ ca đấu tranh thống nhất đất nước với nguồn cảm xúc “hướng về Nam” và thời thơ chống Mỹ. Chính việc anh từ giã giảng đường đại học, lên đường vượt Trường Sơn trở về quê hương cũng là một dấu nối - dấu nối vật chất, làm tiền đề cho dấu nối của hai thời thơ Việt Nam.

Ngay trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam chúng ta cũng nhận ra hơi thở nóng của hiện thực chiến trận – một đặc điểm cơ bản của thơ chống Mỹ mà Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật ngay sau anh đã đẩy lên thành ưu điểm vượt trội.

Lần thứ 3 tôi đọc Dáng đứng Việt Nam là vào thời kỳ trước đổi mới, thời “thóc cao gạo kém”, các nhà giáo của Trường đH Tổng hợp HN phải bán nước ngọt, làm kem bản để sống lần hồi qua ngày tục gọi là kế hoạch 3. Tôi rất băn khoăn trước tiêu đề bài thơ. Tại sao lại đặt tên là Dáng đứng Việt Nam. Rõ ràng đồng nhất dáng đứng của người chiến sỹ hy sinh trong thơ với dáng hình tổ quốc Việt nam là có gì đó bất ổn. Vì rõ ràng là nhìn xuyên qua cái ánh sáng thi vị, lý tưởng hoá, đây vẫn là thi thể của một liệt sỹ. Tôi nghi nhà sử học Ca Lê Hiến không đặt tên bài thơ theo kiểu đó. Quả nhiên sau này tôi được biết, bài thơ đó Lê Anh Xuân đặt là Anh giải phóng quân. Bài thơ được anh gửi lại cho Ban biên tập tạp chí “Văn nghệ giải phóng” trước khi đi vào tham gia tổng tiến công đợt 2. Khi in, nhà văn Anh đức đã đổi tên bài thành Dáng đứng Việt Nam. Ở đây nảy sinh vấn đề bản quyền tác giả. Nhưng tôi nghĩ, nếu có biết điều đó, trên chốn cao xanh thăm thẳm kia Lê Anh Xuân hài lòng mỉm cười. Vì đó là cách đặt tên tuân thủ theo thi pháp thơ cách mạng, đặc biệt là thơ cách mạng Việt Nam. Khi Chế Lan Viên viết:
Ở đâu, ở đâu có sự diệu kỳ
Ta xé vải chôn ta - để may cờ chiến thắng
Ta phá xích xiềng ta làm súng đạn
Những vết thương đỏ chói sắc quân kỳ
mà độc giả vẫn không hề thắc mắc trước cái tinh thần quyết tử một cách đáng ngờ này. (Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ ra trận trong tuyệt vọng, chưa bao giờ chuẩn bị vải liệm trước khi giao tranh).

Khi Lê Anh Xuân viết “Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất / Tổ quốc bay lên mãi mãi mùa xuân” thì cũng là chung lối viết với Nguyễn đình Thi “Nước Việt Nam từ trong máu lửa / Rũ bùn đứng dậy chói loà”.

Lần thứ 4 tôi đọc bài thơ khi viếng nghĩa trang đường 9, nơi có rất nhiều sinh viên trong đại đội tôi yên nghỉ. Tôi chợt nhớ tới 2 cách ví von trái chiều nhau. Một triết gia thông thái nào đó ở phương Tây gọi thư viện sách là nơi lưu giữ hài cốt của trí tuệ. Còn người Việt Nam, nhà thơ Diệp Minh Tuyền trong bài thơ Tản mạn trong nghĩa trang chiều lại ví nghĩa trang như một thư viện lớn, mỗi tấm bia là một cuốn sách dày, mỗi cuốn sách đều đang viết giở. Cách nhìn cuộc đời của nhà thơ Việt Nam ở đây có chiều sâu nhân văn hơn. Sau mỗi tấm bia hồi hộp những linh hồn. Tôi nghĩ, bài thơ Dáng đứng Việt Nam cũng là một tấm bia, cũng là một nén hương thắp cho người chiến sỹ vô danh hy sinh trong trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Khi viết bài thơ này, Lê Anh Xuân và các chiến sỹ trong hậu cứ chưa hề xác định được danh tính liệt sỹ đó. Chính vì vậy mới có câu hỏi vừa có chức năng tu từ vừa phản ánh đúng sự thật: “Anh tên gì hỡi anh yêu quý?”.

Chuyện kể rằng, năm 1966, không quân Mỹ ném bom miền Bắc, tàn sát nhiều người dân vô tội. để trả thù cho đồng bào Hà Nội, có hai đơn vị quân giải phóng được lệnh đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trận đánh thắng lợi, ta phá huỷ hàng trăm máy bay các loại trên các đường băng. Nhưng trên đường rút lui, có một chiến sỹ bị kẹt lại giữa vòng vây địch. Anh bị thương nhưng vẫn gượng đứng lên nổ súng. Bọn giặc gọi hàng, anh trả lời: “Quân giải phóng không biết đầu hàng” và tiếp tục chiến đấu. Tư thế chết đứng của anh làm quân thù kinh sợ. Khi khám tử thi, bọn giặc không thấy trong anh có một mảnh giấy nào để xác minh họ tên, đơn vị… Nghe câu chuyện kể lại, ngay đêm ấy Lê Anh Xuân viết xong bài thơ cho kịp ngày hôm sau lên đường. đoạn đầu của bài thơ đậm tính tự sự, miêu tả một câu chuyện có thật về người chiến sỹ vô danh. Hình tượng thơ vận động từ cụ thể tới khái quát, từ hiện thực tới lãng mạn. Cuối bài thơ, không gian nghệ thuật mở rộng thành một không gian sử thi hoành tráng. Câu chuyện riêng của một người đã thành câu chuyện chung của đất nước. Trong một chừng mực nhất định, có thể gọi đây như là bài thơ “tượng táng”. Nhà thơ đã tượng táng chiến sỹ vô danh đó bằng ngôn ngữ thi ca. Hôm nay, người chiến sỹ của Lê Anh Xuân không còn vô danh nữa. Theo nhà văn đinh Phong, anh giải phóng quân đó chính là Nguyễn Văn Mao, quê ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh, khi ở lại yểm hộ, chặn đường cho đồng đội rút ra khỏi sân bay, rồi hy sinh là Trung đội phó trung đội trinh sát thuộc tiểu đoàn 6 - Bình Tiên, tiểu đoàn từng 3 lần nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Liệt sỹ Nguyễn Văn Mao cũng đã được hoàn thiện hồ sơ để truy tặng danh hiệu Anh hùng. Cả hai - nhân vật trữ tình và thi sỹ, đều đang “thành tên đất nước”.
PGS.TS Phạm Thành Hưng, Bản tin ĐHQGHN số 243, tháng 5/2011

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lê Anh Xuân » Dáng đứng Việt Nam » “Dáng đứng Việt Nam” đi vào bất tử