23/11/2024 06:44Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Văn bản Lục Vân Tiên, những đính chính từ góc độ ngôn ngữ và văn hoá

Lục Vân Tiên

Đăng bởi Vanachi vào 11/02/2006 20:34

 

Gắn liền với tên tuổi của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên ngay từ khi ra đời đã trở thành một phần của đời sống văn học, văn hoá của người dân Nam Bộ nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Làm sáng tỏ những “điểm mờ” trong văn bản do những khoảng cách về thời gian và điểm nhìn văn hoá gây ra không chỉ giúp người đọc hiểu thêm văn phong, tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu mà còn góp phần khẳng định giá trị của tiếng Việt trong tiến trình phát triển chung của văn hoá dân tộc. Trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, câu “Vợ Tiên là Trực chị dâu” là câu thơ bị dư luận phê bình nhiều nhất. Có người coi đó là một câu thơ “dễ dãi, chưa được trau chuốt”, có người chỉ giải thích đó là “tác giả theo cú pháp chữ Hán” nhưng có nhiều người đã cho câu thơ này chỉ là một câu vè, không xứng đáng với văn tài trác tuyệt của Nguyễn Đình Chiểu. Người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc phiên âm câu thơ này là Jan-nô (1867), người kế tiếp là A-ben đê Mi-sen (1883) sau đó là Trương Vĩnh Ký (1889), Văn Minh (1824), Phạm Văn Thình (1932), Đinh Xuân Hội (1943), Dương Quảng Hàm (1944). Đối với Jan-nô và A-ben đê Mi-sen là hai người nước ngoài, thì việc tìm hiểu câu thơ một cách chặt chẽ chưa phải là một điều bắt buộc, nhất là công việc làm của họ không thuần có tính chất văn hoá, không nhằm vào việc phục vụ quyền lợi của người Việt Nam.

Cách đặt bổ ngữ trước chủ ngữ là cách đặt câu quen thuộc của người Pháp; chắc hẳn Jan-nô và A-ben đê Mi-sen đã rất thích thú khi phát hiện được trong một tác phẩm nước ngoài, một câu như câu “Vợ Tiên là Trực chị dâu” mà cấu trúc phảng phất giống như trong các bản kịch nói hoặc thơ ngụ ngôn thế kỷ 17 của văn học nước họ. Văn cảnh do đoạn thơ từ câu 1231 đến 1233 cũng rất thuận lợi cho cách hiểu và cách đọc của họ; ngôn ngữ của Vương Tử Trực, cách chàng tự xưng hô bằng tên tục mà ta thấy trong đoạn thơ 383-385 cũng dễ dàng biện minh cho tổ hợp từ Trực chị dâu, do chính Vương Tử Trực dùng để nói chuyện với Võ Công. Như vậy cách đọc có vẻ Tây phương của hai ông Jan-nô và A-ben đê Mi-sen có thể giải thích được, và cũng chính vì thế mà nó được các nhà nghiên cứu Việt Nam chấp nhận một cách vô điều kiện.

Vì khâm phục lòng yêu nước và yêu tiếng mẹ đẻ của Nguyễn Đình Chiểu, mà tôi tự cho tôi có nhiệm vụ phải xem lại phương pháp khảo đính và chú thích Lục Vân Tiên. Tôi đã phát hiện hàng trăm trường hợp có vấn đề phải cân nhắc lại cách phiên âm chữ Nôm và cách hiểu các từ cổ trong Lục Vân Tiên.

Trong bài này, tôi chỉ nói đến hai trường hợp, đến câu thơ số 1233 và số 136. Để làm công việc này, tôi dùng bản Nôm Lục Vân Tiên Ca Diễn (LVTCD) của Trần Ngươn Mạnh làm bản gốc; bản này tuy không phải là nguyên bản - làm sao có thể có được nguyên bản Lục Vân Tiên một khi ta biết rằng chính tác giả cũng không hề viết nó, mà chỉ đọc cho người khác viết - nhưng có khả năng gần với nguyên bản nhất; chữ Nôm trong bản văn cũng chỉ được viết một cách rất tuỳ tiện, nhưng nói chung những khuyết điểm của nó về tự dạng có thể biện minh được một cách dễ dàng.

Trong Lục Vân Tiên Ca Diễn, câu 1233 là Vợ Tiên là Trực chị dâu, chữ trực Hán - Việt đã được viết một cách rõ ràng không thể lộn với một chữ nào khác; Hán văn cũng chỉ có một từ trực cho nên chữ viết dễ dàng được đọc là trực, và chỉ có thể đọc là trực. Có lẽ vì lý do này mà các ông Jan-nô và A-ben đê Mi-sen đứng trước những bản Nôm mà các ông có trong tay, đã quyết định đọc là Trực, và hiểu là Vương Tử Trực.

Tôi cũng cho rằng, ta có thể đọc như thế nếu không vấp phải sự chặt chẽ của ngữ pháp tiếng Việt. Cú pháp Việt đôi khi cũng chấp nhận cho bổ ngữ đứng trước vị ngữ, tỉ dụ: Chàng đà lâm bịnh, huỳnh-tuyền- xa chơi (LVTCD, câu 1210), Ba tầng cửa Võ, một giờ nhảy qua (428). Những hình thức kiểu Trực chị dâu không phải là không có ngay trong Lục Vân Tiên, tỉ dụ: Chẳng hay quân tử quê hương nơi nào? (186), Song đường tuổi hạc đã cao (55), nhưng hai câu này là hai câu trọn vẹn, trong khi tổ hợp từ Trực chị dâu chỉ là một khóm từ.

Như vậy, câu “Vợ Tiên là Trực chị dâu” là một câu viết sai ngữ pháp. Cuối cùng, xét theo văn cảnh, đây là cuộc đối thoại giữa Vương Tử Trực và Võ Công; Trực đứng vào hàng con cháu của Võ Công, do đó, chàng không thể dùng tên tục mà xưng hô với Võ Công được. Có giận Võ Công lắm thì chàng cũng chỉ dám gọi ông là người và xưng trống không với ông, chứ tuyệt nhiên chàng không dám xưng là Trực. Dù câu Vợ Tiên là Trực chị dâu, có được kể là viết đúng ngữ pháp đi chăng nữa, phong tục cũng không cho phép tác giả viết một câu như thế. Một người vẫn tự coi là có nhiệm vụ làm bình phong cho phong tục như Nguyễn Đình Chiểu chắc chắn là không bao giờ có thể viết nên một câu có tính chất phản - phong - tục như vậy.

Như vậy, câu thơ “Vợ Tiên là Trực chị dâu” phải được hiểu theo cách khác, đó là: “Vợ Tiên là Trực chị dâu” - chữ trực trong trường hợp này không phải là một từ Hán - Việt nữa mà là một từ Nôm; nó cũng không phải là một danh từ riêng nữa mà là một danh từ chung mà bất cứ từ điển chữ Nôm nào cũng có. Taberd ghi: một trực: UNO TENORE (chỉ một mực, một thế); trực nầy: HAEC MENSURA, QUANTITAS (chừng nầy, số lượng nầy); trực ấy: ILLA MENSURA, QUANTITAS, QUALITAS (mực ấy, chừng ấy, phẩm chất ấy). Huỳnh Tịnh Của ghi: Cứ một trực: cứ một mực, một thế. Trực ấy: mực ấy.

Theo lời chua của Taberd về từ mực, thì mực có thể chỉ về người hay chỉ về sự vật, nghĩa là đồng nghĩa với bực hay bậc, chỉ một vị thứ cao (đấng bậc), một thân phận, một phẩm trật.

Để cho ý nghĩa của từ trực được sáng tỏ hơn, và để tìm hiểu xem nó có họ hàng gì với những từ mực, bực, bậc không, có lẽ ta nên quay về phía từ cổ để tìm ra tung tích của nó. Từ điển A-léc-xăng đờ Rốt (viết tắt là ADR) cho ta có dịp nhận xét rằng các từ có tổ hợp phụ âm đầu bl/thường sản sinh ra những từ có tổ hợp phụ âm đầu tl/, hoặc những từ có phụ âm đầu môi, như b/v/m, tỉ dụ:
BL TL TR B
blật móng tlật móng trật móng bật móng
blây (tường) tlây trây (cái) bay
ngồi blệt ngồi tlệt ngồi trệt, lệt ngồi bệt
blan thờ tlan thờ tran thờ bàn thờ
blật tlật trật, trực bực, mực v.v....
Xét theo bảng trên thì từ trật Hán-Việt có âm cổ là blật, blật đẻ ra trật và trực, đồng thời còn đẻ ra bực, mực nếu người phát âm chỉ nhấn mạnh vào tiền tố b/ của tổ hợp phụ âm đầu bl/. Như vậy, xét về thời gian xuất hiện, từ trật đã chuyển ý nghĩa không gian sang ý nghĩa thời gian (một trật = một lúc), trong khi từ trực và bực vẫn giữ nguyên nghĩa của từ trật để chỉ về thứ bậc xã hội. Như vậy, trong câu thơ Vợ Tiên là trực chị dâu, từ trực có thể được thay thế bằng những từ tương đương như: mực, chừng, tư thế, tư cách, bực, thứ bực, hàng, lớp, đấng, v.v. Truyện Lục Vân Tiên không thiếu gì những hình thức tương tự như: bậc cố tri (1221), bậc tài năng (450), trang thục nữ (112), đấng anh hùng (216), dòng lâu la (144),v.v.

Đọc câu thơ 1253 là vợ tiên là trực chị dâu, ta vừa tôn trọng mặt chữ Nôm, vừa duy trì được một từ cổ, vừa tránh cho Nguyễn Đình Chiểu một lỗi ngữ pháp lớn, mà các nhà phiên âm ngoại quốc vì không hiểu thấu đáo tinh thần tiếng Việt đã gán một cách oan uổng cho nhà văn đáng kính.
Bị tin một gậy chàng rày mạng vong
Đây là câu 136 trong Lục Vân Tiên Ca Diễn. Chữ Tin được viết là tiên (bộ nhật + sơn) nên tất cả các bản Lục Vân Tiên đều ghi là: Bị Tiên một gậy, chàng rày mạng vong.

Người đầu tiên xướng lên cách đọc này vẫn là Jan-nô và A-ben đê Mi-sen, sau đó đến Trương Vĩnh Ký và tiếp tục cho đến ngày nay.

Thực ra, đọc là bị Tiên một gậy tuy không được ổn thoả nhưng cũng dễ hiểu; vấn đề cơ bản mà chúng ta cần phải đặt ra và giải quyết và viết như thế có đúng ngữ pháp không, có lột tả được tinh thần của tiếng Việt không?

Đứng về mặt ngữ pháp mà nói, câu đó không thể giải thích được về cách đặt từ, tại sao lại nói là bị Tiên một gậy? Dù ta có thể hiểu “bị Tiên một gậy” là “bị Tiên đập cho một gậy”, nhưng chính vì thiếu một động từ mà câu thơ đáng lẽ ra rất đẹp ấy lại bị què như câu thơ 123. Ta phải tìm ra động từ ấy, động từ mà tác giả của nó chắc chắn lựa chọn rất kỹ và đã đặt vào một chỗ rất thích đáng.

Quả thực, động từ ấy nằm trong từ tiên, đọc là tin, nghĩa là đánh nhằm, đánh trúng vào chỗ hiểm, chỗ trung tâm, chỗ quan trọng nhất. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã ghi được từ tin theo nghĩa này: Phỏng tin được một vài phần hay không (Truyện Kiều, 2194); Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau (Truyện Kiều, 2410).

Trong câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu: Bị tin một gậy, chàng rày mạng vong, tác giả làm nổi bật được một sự kiện quan trọng là uy vũ của Lục Vân Tiên: tác giả câu văn không nhắc đến tên của Lục Vân Tiên, không mô tả việc chàng múa gậy như thế nào; ta chỉ biết chàng bẻ cây làm gậy (câu 124); chàng xông vào bọn cướp (câu 131), thế là bọn cướp bị đập tan (câu 133), Phong Lai bị một gậy chết tốt (câu 136). Không ai thấy bóng dáng của Vân Tiên đâu cả; Tác giả có ý không nhắc đến tên Vân Tiên, muốn cho chàng trở thành vô hình như một ông thần, cốt để đề cao võ công của chàng. Ngay đến khi cuộc chiến đấu đã chấm dứt, tác giả vẫn còn muốn duy trì tính vô hình ấy của nhân vật. ở câu 137, tác giả chỉ viết: Dẹp rồi lũ kiến chòm ong; ở câu 138: Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe nầy”, tác giả chỉ cho Vân Tiên xuất hiện một cách bình thường từ câu 144: Vân Tiên nghe nói động lòng.

Nếu đọc câu thơ 136 là: Bị Tiên một gậy, chàng rày mạng vong, ta sẽ làm đổ vỡ cấu trúc toàn bộ đoạn văn, hiểu sai lạc ý của tác giả.

Xét về mặt chữ Nôm, các nhà phiên âm Lục Vân Tiên đã có lý khi họ phiên âm chữ tiên (bộ nhân + sơn) là Tiên tức Lục Vân Tiên, nhưng chữ tiên (bộ nhân + sơn) rất giống với chữ tín (bộ nhân + ngôn) khi chữ sơn và chữ ngôn được viết rẻ. Khi Trần Ngươn Mạnh hoà đúc các bản Nôm mà ông có trong tay để viết lại thành tập Lục Vân Tiên Ca Diễn, rất có thể đã gặp một chữ hán có bộ nhân, ở trong đó có nhấp nháy một hai nét giống như bộ băng, bộ thuỷ, hay bộ tâm, cho nên đã đọc chữ ấy thành chữ tiên, chỉ vì ông có định kiến cho rằng, chiếc gậy đã đập chết Phong Lai chỉ có thể là của Vân Tiên, nên ông đọc ngay là Bị Tiên một gậy, cho đó là rõ ràng và hợp lý, trong khi trong một bối cảnh khác, với một cách hiểu có tính ngữ pháp hơn, nghĩa là khoa học hơn, một người khác sẽ đọc chữ đó là chữ tin Hán - Việt, là chữ tin nôm. Muốn biết cách đọc nào đúng, chỉ có một cách là xem lại những bản Nôm mà Trần Ngươn Mạnh và A-ben đê Mi-sen đã sưu tầm được, và một khi nắm được những tư liệu đó trong tay, ta mới quả quyết được một cách chính xác.

Trong tình trạng nghiên cứu hiện nay, ta chỉ nên bằng lòng với một vài dự đoán, một vài nghi ngờ có tính phương pháp (doute métthodique), có căn cứ khách quan, và chỉ với một vài cứ liệu khiêm tốn đó, ta cũng có thể tái lập được nguyên bản một cách tương đối.

Như vậy, câu 136 mà ta thường đọc theo các nhà nghiên cứu phương Tây là Bị Tiên một gậy, chàng rày mạng vong nên đọc lại là: Bị tin một gậy, chàng rày mạng vong, hiểu tin là trúng, đúng như định nghĩa của Việt Nam từ điển và Từ điển tiếng Việt.

*

Tôi vừa xét cách đọc hai câu thơ 136 và 1233 trong Lục Vân Tiên Ca Diễn, tôi sẽ có dịp bàn lại cách đọc của 98 câu thơ khác, tỉ dụ như câu 126: Chớ quen làm thói mồ hồ hại dân, tôi đề nghị đọc mồ hồ (hay hồ đồ) là nhung hồ (thói nhung hồ là thói ăn cướp của rợ Nhung, rợ Hồ ở phía bắc Trung Quốc).

Câu 128: Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây, tới chính thực là tế;

Câu 221: Vân Tiên xem thấy ngạt ngào là Vân Tiên xem, thấy ngạt ngào, hiểu thấy là tự cảm thấy, ngạt ngào là ngạc nhiên đến nỗi như bị nghẹn hơi;

Câu 303: Kề nơi võ miếu cũng gần, từ võ miếu phải được đọc là dõ điếm, tức điếm canh đêm;

Câu 393: Gọi là chút nghĩa tống tình, chính là chuốt ngãi tống tình;

Câu 640: Mình đi đã mệt, dòng châu thêm nhuần, ta không nói châu nhuần mà châu nhừng;

Câu 82: Đồng rằng: Trong túi vắng hoe, vắng hoe phải được đọc đúng mặt chữ Nôm là xáp ve, tức xóp ve, xép ve, giẹp lép, lép kẹp;

Câu 1000: Nắng dùn chóp nón, mưa dầm áo tơi là: Nắng rong giúp nón, mưa dầm giúp tơi;

Câu 1492: Bóng trăng vặc vặc, bóng sao mờ mờ là bóng trăng vẩn vẩn, bóng sao mờ mờ;

Câu 1565: Đêm đêm trằn trọc phòng hoa mấy lần, trằn trọc không có nghĩa, phải đọc là rần rục, nghĩa là khuấy phá, làm huyên náo trước cửa phòng Nguyệt Nga;

Câu 1648: Có bầy đôm đốm sáng nhờ đi theo, sáng nhờ chính là nháng nhờ, sáng lên một chút rồi tắt, đồng nghĩa với nhấp nháy, lập loè;

Câu 1784: Thấy chàng hoá phép dùng mình trở lui, dùng mình theo mặt chữ Nôm phải được đọc là dún mình, biểu dương khinh công trác tuyệt của Hớn Minh;

Câu 1788: Thấy ngươi Cốt Đột biến đồ yêu ma, chữ đồ còn có thể đọc là trò;

Câu 1830: Đêm khuya, lạ mặt, có vào nhà ta, chữ có còn đọc là rố nghĩa là xông xáo một cách bừa bãi;

Câu 1948: Cũng vì thuở trước tại ta lỗi dùng, chữ lỗi còn đọc là rủi, tức là lỡ.

Ngoài ra, tôi đề nghị phải định nghĩa tất cả mọi từ cổ, vạch rõ sự khác biệt giữa những từ cổ này và các từ đồng âm hiện đại, tỉ dụ từ hãy (các câu 47, 50, 257) phải được giải thích là còn, còn đang, từ tốt (106, 1386) là đẹp;

Duông nhan lạnh lùng (110) là đẹp (duông nhan hay hồng nhan đều nghĩa là có sắc đẹp) một cách vô cùng quyến rũ (lạnh lùng là một từ chỉ tính cách tuyệt đối);

Phui pha hay phôi pha ngoài nghĩa thông thường là phai nhạt, tàn tạ (1628), còn có nghĩa là khoả lấp, lấp liếm, bỏ qua không ngó tới (186,946);

Phai, ngoài nghĩa thông thường ở câu 276, còn có nghĩa cổ là quên ở câu 204: Một lời cũng phải, ngàn vàng cũng phai, đổi cũng phai thành chẳng phai là không hiểu nghĩa cổ của từ phai, và hiểu ngược ý muốn của tác giả; những từ: một khi, một giờ, chạy ngay, xúi thầy, dẫy xe, tếch dặm, chịu lấy, làm khuấy, với với, thiên oan, làu làu, toan việc, hản dạ, v.v.. phải được chú thích kỹ lưỡng nếu không, câu thơ sẽ bị hiểu sai (hiểu theo nghĩa hiện đại) và trở thành những câu thơ dở, tỷ dụ tổ hợp từ một giờ, ít người hiểu ý nghĩa đen của nó là liền, ngay, tức thì, cho nên khi đọc câu “Phút thơ Tiên, Trực một giờ đều xong” (464) họ không hiểu vì sao Tiên Trực làm thơ chậm chạp như thế, một giờ mới làm xong một bài thơ, 56 chữ, mà lại được “Kiệm, Hâm khiếp phục”.

Cũng vì không hiểu thiên oan (776) là thiên uyên, nên Trương Vĩnh Ký đã đọc là thiên hoang, và cách đọc sai này vẫn được nhiều người theo.

Vẫn biết rằng những từ này, dù đã bị lâu năm đọc sai và hiểu sai, vẫn không có tác dụng làm suy giảm tài năng của Nguyễn Đình Chiểu cũng như chính những từ này, dù có được điều chỉnh lại một cách đúng đắn đi chăng nữa, chưa chắc đã có ảnh hưởng gì đến giá trị tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu mà thực chất đã vượt lên trên khuôn khổ của từ ngữ.

Sở dĩ chúng ta muốn uốn nắn lại đôi chút cách đọc một số từ trong Lục Vân Tiên là vì chúng ta chỉ muốn hợp lý với chính ta, và nhất là để đính chính những chữ mà các nhà nghiên cứu nước ngoài đã đọc một cách quá tuỳ tiện.

Tôi hy vọng rằng thiện chí của tôi sẽ được dư luận và các nhà nghiên cứu văn học chú ý.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Đình Chiểu» Lục Vân Tiên » Văn bản Lục Vân Tiên, những đính chính từ góc độ ngôn ngữ và văn hoá