18/12/2024 08:56Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đọc “Lưu Hương ký” của Hồ Xuân Hương do Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích phiên âm & chú thích

Lưu hương ký

Đăng bởi tôn tiền tử vào 04/01/2015 22:16

 

Giữa thời điểm các nhà sách hải ngoại thi nhau đóng cửa, người đọc tiếng Việt ngày càng thưa thớt, tác giả gửi sách đi cho các nhà sách, không hy vọng gì tiền gửi trả về. Tại Paris, nhà sách tiếng Việt hiếm hoi Khai Trí chỉ sống nhờ bán bánh mì thịt nguội. In ấn một quyển sách đẹp là một hy sinh to lớn, nhất là của các tác giả tuổi đã về hưu. Trong nước, quyển Hồ Xuân Hương của bà Hoàng Bích Ngọc chỉ in 300 quyển, nhiều sách giá trị chỉ in 500, 1000 quyển cho một dân tộc 90 triệu dân trong nước và 4 triệu người tại hải ngoại, có ký giả đi 3 tuần lễ trong thành phố mới tìm thấy một người cầm sách đọc, thì thảm trạng đọc sách người Việt Nam đã xuống tới mức độ nào?

Cầm quyển Lưu Hương ký trong tay, và xem hình ảnh trường thuật buổi ra mắt Lưu Hương ký tại quận Cam, California, Hoa Kỳ với 40 người phần lớn ông cụ bà cụ, có cả người từng là học trò cụ Cử Nguyễn Văn Tú, tôi thật cảm động. Hai trăm năm Hồ Xuân Hương, nằm dưới mộ trong lòng nước Hồ Tây chắc cũng mỉm cười. Nhất là GS Hoàng Xuân Hãn, người khao khát được đọc chữ Nôm, chữ Hán trong Lưu Hương ký và giải mã những ẩn số quan trọng cuộc đời thi hào hàng đầu của dân tộc, hẵn vui lòng. Mừng một bảo vật quốc gia mọi người được chiêm ngưỡng rộng rãi, được in kèm theo trong sách.

Viết bài này, tôi không dám gọi là phê bình, vì tôi biết bao công lao khổ cực hy sinh để làm ra quyển sách. Viết không khéo làm đau lòng tác giả, làm tàn rụi những ý chí nghiên cứu khảo cứu hiếm hoi, chẳng được lợi gì về vật chất. Sự ra đời một quyển sách, dù có nhiều sai lầm cũng là nguyên nhân thúc đẩy người khác viết hay hơn, sửa chữa những lầm lỗi khiến cho việc nghiên cứu ngày càng tiến bộ như thuyết tương sinh nhà Phật: “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Tôi rất trân trọng công việc làm của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, tạo ra một cơ hội cho mọi người từ bốn phương trời tiếp cận được di sản quý báo của dân tộc. Nó không còn cái độc quyền của riêng của ông Đào Thái Tôn cất dấu suốt hơn 40 năm. Sự độc quyền ấy chỉ làm chậm trể bước tiến của mọi công việc nghiên cứu. Tôi chỉ dám mong bổ túc những ý kiến để cho công trình nghiên cứu được hoàn hảo. Phần tôi, tôi sẽ hoàn thành Hồ Xuân Hương toàn tập trong một ngày gần đây. Tôi không dám mong cầu toàn, nhưng nếu nó có hay hơn cũng nhờ công lao những người đi trước, nhất là ước nguyện của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã trao cho tôi.

Bây giờ tôi xin góp với Giáo Sư vài ý kiến về quyển sách Lưu Hương ký: So với các thơ Lưu Hương ký tôi góp nhặt được từ sách ông Bùi Hạnh Cẩn, ông Đào Thái Tôn, ông Nguyễn Lộc thì chỉ thiếu bài số 36 là chưa thấy công bố, chứ không phải ¾ chưa công bố như Giáo Sư nói. Bài này tôi cho rằng Hồ Xuân Hương viết năm 1794 tả lòng mình lúc Nguyễn Du giả từ về Hồng Lĩnh vì có câu: “Ả Hằng biết có soi chăng nhé?” Hai người thường hẹn hò dưới trăng nên bài Nhân tặng.. Hồ Xuân Hương gửi Nguyễn Du có câu: “Cậy có vầng xanh tỏ tấm lòng”. Bài Ký hữu (Gửi bạn), trong Thanh Hiên thi tập Nguyễn Du trả lời có câu: “Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại” (Một vầng trăng sáng tình ta đó). Hẹn dưới trăng, thề thốt dưới trăng chỉ có nơi hai tình nhân, chứ không ở hai người bạn trai.

Nói chung ngoài những bài đã được học giả Trần Thanh Mại dịch và Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn đã sửa chữa, các bài còn lại trong Lưu Hương ký mới xuất bản, hoặc chép lại của ông Đào Thái Tôn, đọc và dịch, câu đọc chưa thông suốt, đôi khi chối tai, âm thanh, vần điệu cũng như niêm luật thơ Đường. Có thể làm người đọc hiểu lầm tài năng thi ca của Hồ Xuân Hương. Xuân Hương làm thơ “tầm thường và dở” đến mức này chăng?

- Trang 19: “Ông Bùi Hạnh Cẩn còn được thấy trong tủ sách gia đình ông Trần Văn Hảo một tài liệu mang tên Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập, ông cũng cho là của Hồ Xuân Hương trong đó có 9 bài thơ chữ Hán”. Tôi xin bổ túc cùng Giáo Sư:

Tạp chí Văn học tháng 3 năm 1974, ông Trần Tường trong quá trình đi tìm thơ văn Hồ Xuân Hương tại Nam Định ba tập thơ trong tủ sách cụ Trần Xuân Hảo, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà ba tập thơ: - Quốc âm thi tuyển khắc in năm Kỷ Dậu 1909 chủ yếu là Xuân Hương di cảo. (Văn bản này trước văn bản Nguyễn Ngọc Xuân in năm 1913) - Một tập thơ nôm khác mất tờ bìa và tờ đầu nhưng có nhiều bài thơ Hồ Xuân Hương hơn tập trước. Một tập thơ chữ Hán chép tay nhan đề Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập mất phần cuối chỉ còn 9 bài thơ Đường Luật và một bài thơ dài theo thể song thất lục bát. Ngoài ra ông còn tìm lại được bài văn Xuân Đường đàm thoại của Mai Nham, Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San viết năm 1869, và các tài liệu liên quan đến Phạm Viết Đại tri phủ Vĩnh Tường quê ở Trà Lũ.

Tin tức khám phá này rất quan trọng vì tôi cho rằng Hồ Xuân Hương những năm sống ở Yên Quảng (1816-1819) có tập hợp thơ mình thành một tập thơ thứ hai, gồm 9 bài thơ Hương Đình Cổ Nguyệt thi tập, 8 bài thơ Vịnh Hạ Long (nay còn 5 bài), 9 bài thơ Vịnh Cảnh Đồ Sơn, và những bài thơ khác vịnh cảnh quanh vùng Yên Quảng, như Vịnh Bãi Bình Than... Tập thơ vịnh cảnh này truyền đến kinh đô Phú Xuân cho nên tại Kinh đô các nhà thơ đương thời như Trương Đăng Quế, Tùng Thiện Vương, các nhà nho Trung Quốc như Trương Bỉnh Thuyên, Hoàng Diệu Khuê so sánh nữ sĩ Mai Am (tức Lại Đức công chúa tên Trinh Thận, tự Thúc Khanh, con gái thứ 28 của vua Minh Mạng, em cùng mẹ với Tùng Thiện Vương Miên Thẩm) với Hồ Xuân Hương và Phạm Lam Anh. Không ai đem so sánh công chúa với một nhà thơ dâm tục được.

- Trang 20. 31 bài thơ đi với bài tựa Lưu Hương ký, tôi dịch và xét kỷ, tất cả đều là thơ Tốn Phong viết tặng Hồ Xuân Hương, và đều ca tụng tài sắc Xuân Hương, chẳng lẽ Xuân Hương lại làm thơ tự ca tụng tài sắc mình?, không có bài nào ý tứ do Xuân Hương viết.. (xin xem bài Chân dung Hồ Xuân Hương qua 31 bài thơ tình Tốn Phong đăng trên, Khoahocnet, vanhoanghean, langhue và được đang lại trên nhiều site khác)

- Trang 29-36. Bài 1. Thuật ý kiêm trình giản hữu nhân Mai Sơn Phủ. Giáo sư sử dụng lại bản dịch ông Đào Thái Tôn. Bản dịch có nhiều câu thật ngớ ngẩn và buồn cười:

+ “Lộc ao ao, nhạn ngao ngao” (Nai xôn xao, nhạn lao chao) dịch thành: “Hươu ao ao, Nhạn ngao ngao”. Con hươu và chim én sao kêu giống mèo thế!

+ “Giang bát bát, Thuỷ hoạt hoạt, Ngã tư quân hoài tương khế khoát, Lệ ngân chiêm hạ sát” (Sông bát ngát, nước chảy xiết. Lòng ta cùng lòng chàng khắn khít, Lệ rơi trên áo thấm ướt) dịch thành: “Sông bát ngát, nước ào ạt, Ý thiếp lòng chàng cùng vu khoát. Lệ rơi thêm mặn chát”. Chao ôi, có ông Cao Bá Quát ở đây chắc ông sẽ bịt mũi: “câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An”, mắm Nghệ An còn thơm, chỉ có mắm làm dỡ hôi thối mới mặn chát, chớ nước mắt làm gì mặn chát.

+ “Minh tần phi, Bút tần huy. Nhất trường đô bút thiệt: Hà xứ thị tình nhi?” (Trà thường pha, bút nở hoa. Đâu chẳng ngâm chẳng uống, Mà chàng ở đâu xa?) dịch thành: “Trà mà chi? Bút mà chi? Cũng là thiên lý cả. Ai là kẻ tình nhi?” Đoạn trên Hồ Xuân Hương mời Mai Sơn Phủ: Dã ưng quân bút phát (chàng ơi cất bút viết) thế mà đoạn dưới lại bảo chàng: “Viết mà chi?” Đến hai câu: “Cũng là thiên lý cả. Ai là kẻ tình nhi?” thì thật là ngớ ngẫn, chẳng hiểu thiên lý ở đâu ra. Viết thơ cho chàng mà còn hỏi: “Ai là kẻ tình nhi?” thì chàng chắc ghen mà nổi trận tam bành chàng lên.

Dịch như thế mà ông Đào Thái Tôn giữ Lưu Hương ký làm con tin hơn 40 năm, đòi nhà nước trả tiền cho 300 triệu thì thật là quá đáng. Chắc là ông phải chỉa súng Hội đồng Xét duyệt mới cấp tiền cho ông!

- Trang 39, 40 bài 3. Giáo sư sử dụng lại bản dịch ông Đào Thái Tôn: “Nhất viên hồng hạnh bích thanh song, Phồn hoa tích dĩ không. Kim triêu hựu kiến sổ chi hồng. Oanh nhi mạc đái xuân phong khứ, Chỉ khủng đào yêu vô lực tiếu đông phong”.(Một vườn hồng hạnh biếc xanh xanh, Mơ hoa tỉnh giấc nồng. Oanh ơi đừng rủ xuân đi nhé. Ta sợ đào hoa không đủ sức cười với gió đông!) Những câu thơ tuyệt tác hay vô cùng thế mà qua tay ông Đào Thái Tôn: “Một vườn hồng hạnh biếc xanh thông. Phồn hoa tưởng đã không. Sớm nay bỗng nở mấy nhành hồng. Chim quyên chớ quyến xuân đi nhé. Ta sợ “đào hoa vô lực tiếu đông phong”. Cây thông ở đâu vào, hồng hạnh mà trồng chung với thông, lá thông có chất át xít, rụng đầy thì hồng hạnh chẳng sống nỗi. Chim quyên ở đâu vào?, người ta thường lầm chim uyên với chim cuốc (uyên là vịt Nhật bản con trống đủ màu thường đi với con mái tên là chim ương) cuốc gọi mùa hè, mà rũ mùa xuân đi sao?. Các câu chữ “phồn hoa”, “đào hoa vô lực tiếu đông phong” ông dịch mà để nguyên đọc nghe như ăn cơm gặp viên sỏi lớn, gảy răng!

- Trang 43 bài 4 Thu dạ hữu hoài. “Dạ thâm nhân tỉnh độc trù trừ. Vân lâu tửu lãnh ngân hoàn bán. Thuỷ khoát, phong trường ngọc lậu cô. Hoa hoa nguyệt nguyệt chủ nhân ngô. Xuân tịch tịch. Xuân hứng bất đa hồ? Nhạn ảnh hà quy vân tự trụ, Trùng thanh như khóc thuỷ không lưu. Tuế án tu liên.(Đêm tàn người thức lòng ngơ ngẫn. Rượu lạnh lầu mây bạc ánh tà. Nước chảy gió đùa trơ giọt ngọc. Hoa hoa nguyệt nguyệt nỗi lòng ta. Xuân vắng vẻ. Xuân hứng chẳng nhiều ư? Bóng nhạn về đâu mây ở lại. Dế trùng như khóc nước trôi hoài. Năm tàn thêm lo!)

Giáo sư NNB dịch thành: “Đêm khuya người lặng, mình bơ thờ; Lầu mây rượu lạnh nửa vầng thơ. Nước rộng, gió dài, đồng hồ tịch; Hoa hoa, nguyệt nguyệt chủ nhân cô!. Xuân tịch lặng, lòng xuân chan chứa! Bóng nhạn về đâu? Mây đứng yên! Bọ lúa như kêu nước mãi trôi. Năm muộn than ôi!” Lưu ý giáo sư: “ngân hoàn bán” là ánh sáng trăng nửa đêm đã bạc, thời Hồ Xuân Hương chưa có nhập cảng đồng hồ quả lắc của Thuỵ Sĩ, theo Lê Quý Đôn thì cả nước có ông Nguyễn Văn Tú qua Hoà Lan học nghề và chế được một cái đồng hồ quả lắc, nhưng dân chúng nhà khá giả thì dùng hồ đồng là hồ bằng đồng nước nhỏ giọt ở giữa, có một cây sắt khắc từ 1 đến 100, đầu hôm người ta đổ nước đầy cho nước giọt xuống, tuỳ mức nước người ta đoán giờ. Thời gian như nước chảy gió đùa chỉ nghe tiếng nước hồ đồng như giọt ngọc rơi đều. Chủ nhân ngô là cõi lòng ta, chứ không phải là chủ nhân cô hay cô chủ nhân. Trùng thanh là tiếng côn trùng, dế trùng, tiếng dế, tiếng ểnh ương, còn con bọ lúa là con gì, có ai thấy nó bao giờ đâu?. Bài thơ này Xuân Hương làm gửi Nguyễn Du. Chàng là chim hồng nhạn bay đi, em là mây ở lại, nghe tiếng dế trùng than khóc trong ngày tháng như nước trôi. Trong bài Thu dạ I, Nguyễn Du đã đáp lại: Anh cũng thấy đêm bạc màu sương, tiếng dế lạnh than khóc nơi tường đông. Vạn dậm (chim hồng bay) chỉ nghe tiếng thu rung lá rụng. Vì mây ở lại bên em nên trời Hồng Lĩnh chỉ có khí lạnh không một vầng mây.. Cuối năm anh nằm bệnh bên bờ sông Quế Giang (sông Lam).

- Trang 44 bài Thu tứ ca. Bài này theo tôi là của Mai Sơn Phủ, vì Hồ Xuân Hương là người đẹp rồi, thì có thể nào “Hoài giai nhân hề bất năng vương” (Nhớ người đẹp chừ lòng không quên) GS dùng lại bản dịch ông Bùi Hạnh Cẩn: Nhớ người đẹp chừ không sao “guơn”. Guơn nghĩa là gì tôi tra tự điển không thấy, có lẽ vì túng vận ông Cẩn đặt ra! Mai Sơn Phủ dùng lại bốn câu thơ nổi tiếng của vua Hán Vũ Đế Lưu Triệt (156 trước CN-87 sau CN). Thường trong Hát Nói người ta hay hát hai câu nổi tiếng của một tác giả cổ điển để làm đề tài hay lấy đà nói tiếp, chẳng cần trích dẫn là của ai, Mai Sơn Phủ ăn gian, lấy đà hát đến 4 câu rồi nói, xổ nho thay vì tiếng nôm để trả lời bài Kể ý mình trình bạn Mai Sơn Phủ của Hồ Xuân Hương: “Thơ cùng ngâm, rượu cùng châm. Tự lúc buồn ly biệt. Nửa lòng ai ấm chăn? Chớ đàn ly khúc oán tri âm”. Mai Sơn Phủ nói: “Ta có rượu chừ không bạn uống, Ta có đàn chừ không tri âm. Không chuốc rượu chừ không gảy đàn, mà chỉ uống chè xanh thôi để nhớ nàng”.

- Trang 47, 48 bài Nguyệt dạ ca. Bài I là của Mai Sơn Phủ đi về Vinh và viết thơ về, vì có câu: Uyển cố nhân hề thiên nhai,(Người yêu dịu dàng ơi giờ nơi phương trời). Hồ Xuân Hương không thể gọi Mai Sơn Phủ là Uyển cố nhân được. Bài II là bài trả lời của Hồ Xuân Hương. “Câu thúc vãng lai hề chiếu dư hoài”(Sáng lấp lánh chừ chiếu lòng ta) ông Đào Thái Tôn dịch: “Vụt qua lại chừ soi chiếu lòng ta”, thì ngây ngô chẳng thành thơ tí nào! Câu: Tình chi sở chung (Nơi nào gặp lại) thật đơn giản ông dịch thành: “Nơi tình hội tụ”, tiếng Việt chẳng ai nói thế bao giờ!

- Trang 51 bài 8 Ngư ông khúc hành. Câu: “Dã ông đạm bạc diệc phồn hoa, Thác nhận đào yên thị hệ la” (GS đọc nhầm đào yêu thị tệ la) có nghĩa là: Ông già quê xa lánh chốn phồn hoa, tự nhận mình cùng họ hàng (họ Ngư) với anh chài đánh cá Vũ Lăng đã đi đến chốn đào nguyên, trong Đào Nguyên Ký của Đào Tiềm. GS dịch thành “Ông dù đạm bạc vẫn phồn hoa, Lầm tưởng đào non giăng lưới ra”, thì ngược ngạo chẳng ai hiểu gì cả?. Người nào vừa đạm bạc vừa phồn hoa? ông giăng lưới đánh cá để hái đào non chăng? Câu “Hàn sơn thảo sắc thong thong, Tô giang ký đáo thanh phong tự nhàn.” (Non hàn mái cỏ tranh buông, Sông Tô đến đấy thong dong gió nhàn) dịch thành: “Cỏ bời núi lạnh xanh xanh. Sông Tô hằng đến hưởng thanh phong nhàn”. Về mái nhà tranh, câu cá nơi sông Tô mới thong dong hưởng gió mát nhàn hạ chứ nơi “cỏ bời núi lạnh” thì hưởng thanh phong nhàn nỗi gì?

- Trang 55 bài số 10 Hoài cựu theo tôi là bài thơ là bài thơ Hồ Xuân Hương làm sau khi gặp Nguyễn Du làm Chánh Sứ năm 1813 tại Thạch Đình bên sông Vị Hoàng, nàng không gặp được mà chỉ nhìn Nguyễn Du từ xa vì quan trên trông xuống, người ta dòm vào, lính lệ chặn đường quan khắp nơi (không có chuyện quan lớn đi bắt tay từng người dân như ngày nay). Sau cuộc gặp gỡ này Hồ Xuân Hương viết hai bài: Hoàng Giang ngộ hỷ phú (Mừng gặp bạn trên sông Vị Hoàng) và bài Hoài Cựu.

Bài này có vài chữ cần đọc lại cho đúng: Câu 3, chữ “con”, đọc là “còn”, câu 5 chữ “chuộc” đọc thành “trả”. Vay trả câu thơ nhẹ nhàng hơn vay chuộc. Chữ “đưa đẩy” thì thật là hay. Nàng đến nơi sông Hoàng Giang nhớ lại kỷ niệm, ngày xưa từng giả từ Nguyễn Du, nhìn phong cảnh nàng có vui đâu vì nơi này gửi tâm sự cả nàng rất nhiều, (cả tiễn đưa Mai Sơn Phủ cũng nơi này!). Nàng đón người yêu xưa Nguyễn Du, nhưng bị lính lệ đẩy ra dẹp đường cho quan Chánh Sứ đi, thế mới biết ông Trời (tay đại tạo) đã sắp xếp cho mình như thế nào, mình chỉ là cánh hoa trôi theo nước thuỷ triều lên xuống, nàng bị đám đông chen lấn đẩy nàng ra xa. Các cụ ngày xưa đọc hai câu này chắc vỗ đùi khoái khẩu. Tóm lại bài Hoài cựu:

Chữ tình ngang ngữa biết bao nhiêu,
Một chút duyên xưa dở lắm điều.
Bèo lạc không kinh còn trẻ lại,
Hoa trăng thêm tủi cái già theo.
Tài tình nợ ấy vay nên trả,
Phong cảnh vui đâu gửi đã nhiều.
Đưa đẩy biết tường tay đại tạo,
Cánh hoa trên nước thấm tin triều.
- Trang 56 bài 11 Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn phủ ký: Câu 1 chữ “ru” có người đọc là “du”. Câu: Lá ngọc chiều thu giận hẳn ru, nếu hiểu “Chắc hẳn anh giận tôi rồi hay không?” có gì chưa ổn. Xuân Hương làm gì mà Mai Sơn Phủ giận?. Tôi nghĩ nên hiểu: Mùa thu lá vàng rơi, những chiếc lá xanh như ngọc giận mùa thu vì khí lạnh trở nên vàng không còn ở trên cành. Câu hai chữ “thâu” đọc thành “thu”. Câu 3, Hồ Xuân Hương gọi chùa một cột trên hồ sen là am thì thật là chính xác, vì nó quá bé nhỏ, đúng là cái am. Câu 4: Ngọn nước Tam kỳ chảy lại đâu, tôi hiểu là ba con sông Nghĩa Trụ, Kim Ngưu và Đại Bi hợp lại thành sông Nhĩ Hà rồi chảy về đâu?, Hà Nội và làng Nghi Tàm có sông Tô Lịch, nhưng có giòng nước nào ngày xưa có tên Tam Kỳ?. Câu 7 Trăm năm có biết duyên thừa nữa. Hồ Xuân Hương trao thân cho Mai Sơn Phủ rồi mà vẫn thắc mắc chàng đã có vợ hay chưa. Phong tục kết dây tơ đỏ trên tay khi chia tay có nơi người Mường, người Lào, thời Hồ Xuân Hương người Việt có làm thế không?

- Trang 59 bài 12 Cảm cựu tống tân xuân chi tác. Đây là hai bài thơ Đường Luật rõ ràng vì có từng cặp 3,4 và 5,6 đối nhau. Bài II, câu đầu có thể vận trắc chữ “ngọt”, là bình thường trong thơ Đường, chỉ cần “nhị tứ lục phân minh”, chữ 2,4,6 đúng niêm luật. Nên chia lại làm hai bài. 16 câu mà gọi là trường thi thì không đúng. Như thế thì giải quyết được một bài đếm thiếu của ông Trần Thanh Mại. Câu 3: chữ “Cửa động” thay vì chữ “Cửa đông”. Chú thích: Xuân phải hiểu là “đông quân” là mùa xuân vừa người yêu. “Tân Xuân” phải hiểu là “người yêu mới” thì chẳng hiểu gì cả về bài này.

Hai bài thơ này có điểm lạ là người ta thường nói “Tống cựu nghinh tân”, tiễn năm cũ mừng năm mới, ở đây “nhớ chuyện cũ, tiễn xuân mới”. Tại sao như thế?

Theo tôi Hồ Xuân Hương viết năm 1814, trước khi gặp Tốn Phong để đưa chàng viết tựa: thời điểm năm 1804 với ý nghĩa như sau:

Bài I. Hết cơn bỉ cực đến hồn thái lai, mùa xuân này không còn như những mùa xuân xưa, mười năm lận đận, nhìn những ngày khổ cực, nàng chua chát cho những mối tình đến muộn màng, lúc này Xuân Hương đã trải qua nhìều kinh nghiệm nhân sinh, nhất là về tình ái, trước mắt nàng là bình hương nguội, tựa như lòng đã tưởng không còn yêu ai được nữa, đã lạnh với phong lưu. Gặp một người đúng như mình mơ ước thật khó, đời như chiếc gối mơ (tích Du tiên chẩm). Ở tuổi tưởng như đã muộn màng bổng dưng treo giá ngàn vàng, nhiều mối duyên quá khiến cho nàng ngơ ngẩn.

Bài II. Cuộc đời suy nghiệm nàng thấy: có vị chua lẫn vị ngọt, như trời đất có nắng thì có mưa. Dù chưa phải là tri âm hoàn toàn như mình mong muốn. Những lời chê bai tiếng thì thầm nay đã thưa dần. Nàng đã tìm ra người tâm đầu ý hợp, quan Tham Hiệp Yên Quảng, như vụ “mía tháng ba ngọt ra đầu ngọn”. So với ngày xưa đời vắng lặng soi gương lạnh ngắt một mình. Còn mối tình nào hơn thế nữa, nàng tự hỏi từ nay đã phải như thế chưa.

- Trang 65 bài 15 Hoạ nhân không phải là Hoạ bài người khác. Nhân có người vào Hồng Lĩnh, Hồ Xuân Hương gửi thơ cho Nguyễn Du khoảng năm 1796 báo tin: Vài hàng viết gửi thơ thăm anh mà nước mắt rơi lai láng. Nghĩ tưởng rằng em có thể chờ đợi được anh lâu. Lá đã nhuộm màu sương lam, lòng em càng thêm thẹn. Nhìn sương pha màu khói biếc mà rộn thêm cơn sầu. (Mẹ đã nhận trầu cau ăn hỏi, gia đình anh Lang xóm Tây làng Nghi Tàm, nhà cửa đang sửa soạn chưng diện.) Em thẩn thơ trước nhà đang sửa soạn “khoe với gió”. Bên tai em (những lời tán tỉnh anh Lang) như tiếng địch thổi chói tai. Muốn hỏi với trăng già sao khe khắc với tình duyên ta, trêu nhau chi mà xe những mối tơ không trọn vẹn để đôi ta khổ sở với nhau.

- Trang 67 bài 16 Tặng Tốn Phong tử. Có câu thơ 7, 8, 9, 10 quan trọng: Tấm lòng tôi ngay thẳng tỏ rõ với chàng. Ông tơ bà nguyệt có thể xe được ba mối: chàng, vợ chàng và tôi vào một. Chàng là khách đa tình có hay rằng (tôi đã có kinh nghiệm làm lẽ với Tổng Cóc) nên năm canh nghĩ đến rất sợ hải tình như thế này. Do đó chữ bơ bải có nghĩa là hơ hải hay bơ phờ, bải hoải. Tóm lại bốn câu này đã nói ngược lại sáu câu trước là từ chối lời cầu hôn của chàng.

Xuân Hương cám ơn Tốn Phong lâu nay đã thường đến chơi. Xa nhau nhớ viết thơ cho nhau. Lòng tôi dám đâu như mưa gió mà ăn nói như trở bàn tay. Những lời đàm tiếu của người đời như sóng nước. Rồi đây anh về Nghệ Tĩnh, Nam Bắc xa nhau bao dậm. Tưởng là những thề non hẹn biển để lại cho đời sau... nhưng mà: nói thẳng với chàng, ông tơ bà nguyệt có thể nào xe được ba mối tơ, chàng là khách đa tình có biết rằng tôi sợ lắm. Nhưng thật ra Xuân Hương từ chối Tốn Phong vì làm lẽ một anh đồ nghèo, chẳng danh phận, chạy ra Bắc vào Nam dạy học kiếm ăn. Giàu như Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà nàng còn khổ sở với bà lớn. Nhưng Xuân Hương nhận lời quan Tham Hiệp Yên Quảng vì bà lớn thường ở lại cai quản gia trang tại quê quán, chỉ có bà bé theo chồng nơi trấn nhậm.

- Trang 69 bài 17 Thạch Đình tặng. Bài này ông Trần Thanh Mại, Đào Thái Tôn đều lầm tưởng của một người tên là Thạch Đình như Cư Đình, Thực Đình người đương thời. Nhưng không phải, thạch đình chỉ là cái đình đá, nơi bến sông Vị Hoàng, Nam Định vì đó là bến cảng lớn của ngày xưa, vì cạnh biển, mưa gió, bão táp nên đình được xây kiên cố bằng đá. Từ đây đi vào Nghệ Tĩnh, Phú Xuân tiện lợi nhanh chóng vì không leo núi đèo Tam Điệp hay truông nhà Hồ, phá Tam giang. Làng Tiên Điền có Giang Đình là cái đình bên sông, một trong tám thắng cảnh Hồng Lĩnh. Hồ Xuân Hương tiễn Nguyễn Du năm 1794, tiễn Mai Sơn Phủ năm 1801 và đón quan Chánh Sứ Nguyễn Du năm 1813 nơi này.

Bài này theo tôi là của Nguyễn Du. Bài này GS đọc chữ nôm có nhiều chữ không ổn: câu 1, chữ “vẽ vời “thay vì “vả vê” (chữ Nôm, chữ quốc ngữ không thấy có chữ vả vê, ngày xưa chữ Nôm vần ời, ề,i là thông vận không bị xem là thất vận). Câu 2: chữ “luống” thay vì chữ “lúc”. Câu 3: chữ “Cung Hoàng” thay vì “Cung vàng”. Là khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng của Tư Mã Tương Như. Chữ “đường” đọc là “dường”. Câu 4 “Đường nguyệt” thay vì “Điếm nguyệt” nhà Xuân Hương là Cổ Nguyệt Đường, là một ngôi nhà lớn Tốn Phong gọi là đình, Mai đình, hay viện. là một học đường, không phải là ngôi nhà nhỏ, tạm bợ như điếm canh hay lữ điếm. Câu 6 chữ “quyến” thay vì chữ “thấy”. Câu 7 chữ “phụ” thay vì chữ “rất”. Câu 8, chữ “Tròn trặn” thay vì “Tròn trăng”, bị thất niêm, chữ “gương tình” thay vì “gương tạnh”. Bài thơ không ổn nên đọc không hiểu gì cả.

Bài thơ Nguyễn Du tặng (Hồ Xuân Hương) nơi Thạch Đình:
Đường nghĩa bấy nay trót vẽ vời,
Nước non sầu nặng luống đi về.
Cung Hoàng dịu vợi dường khôn lọt,
Đường Nguyệt mơ màng giấc hãy mê.
Đã chắc hương đâu cho lửa bén,
Lệ mà hoa lại quyến xuân đi.
Xanh vàng chẳng phụ lòng ân ái,
Tròn trặn gương tình cũng có khi.
Bài thơ ý nói: Bấy lâu nay ta quen biết nhau, nay nặng lòng vì nước non anh phải về quê (để xây dựng lại từ đường họ Nguyễn Tiên Điền) Khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng, lời tỏ tình anh chưa nói cùng em, nơi Cổ Nguyệt Đường em hãy còn mơ màng giấc chiêm bao. Chúng ta có thật yêu nhau không cho lửa tình cháy bén, hay em chỉ khóc vì hoa rụng quyến theo mùa xuân đi. Trời xanh, trăng vàng nếu chẳng phụ lòng ân ái, thì có khi chúng ta sẽ thành vợ chồng với nhau.

Bài thơ này chứng tỏ Nguyễn Du còn rất lừng khừng trong tình yêu với Hồ Xuân Hương vì chàng chưa có công danh, không muốn ra làm quan với Tây Sơn như anh Nguyễn Nể, như Đoàn Nguyễn Tuấn. Nguyễn Du phục Nguyễn Quýnh khởi nghĩa chống Tây Sơn nhưng không thể lập lại như Nguyễn Quýnh vì làng Tiên Điền sau trận làm cỏ của tướng Tây Sơn Lê Văn Dụ, người sống sót chẳng còn ai theo và Nguyễn Du đã có ý muốn vào Nam theo Nguyễn Ánh. Tương lai không rõ ràng, nên không cưới Hồ Xuân Hương để đem nàng về Tiên Điền, vì làng chỉ còn một bãi chiến trường nhà cháy, đồng ruộng hoang phế và vì Nguyễn Du còn sẽ ra đi, Nguyễn Du cũng không ở lại Thăng Long vì chỗ dựa là anh Nguyễn Nể phải về Phú Xuân được phong chức Đông Các bên cạnh Vua Cảnh Thịnh, khi Vua Quang Trung mất năm 1892 mới lên 10. Anh Nguyễn Nể giao tiền bạc cho hai em cùng cha cùng mẹ là Nguyễn Du và Nguyễn Ức nhiệm vụ xây dựng lại từ đường và làng Tiên Điền. Nguyễn Nể không thể trực tiếp trông coi và cũng không thể giao ai khác.

- Trang 71 bài 18 là thơ Hồ Xuân Hương gửi Hiệp Trấn Trần Ngọc Quán, để báo cáo tình hình mời các danh sĩ Hoan châu tham gia tao đàn Cổ Nguyệt Đường, và mách: có người đặt cho nàng là thèo đảnh (lắm chuyện, tào lao). Bài 19 là thơ Trần Ngọc Quán gửi Hồ Xuân Hương trêu chọc và tỏ tình với nàng. Nàng đã khoe tài lạ trước, thì tôi như Lưu Nguyễn theo lối quen xưa mà vào chốn đào nguyên. Bao nhiêu tài tử giai nhân đó, riêng tôi có nợ bình sinh phải trả cho nàng.

- Trang 75 bài 20 Hoạ Mai Sơn phủ chi tác. Bài thơ này trả lời bài Thu Tứ ca của Mai Sơn Phủ. Mai Sơn Phủ thề thốt không uống rượu, không gảy đàn vì thiếu nàng là tri âm. Thề chỉ uống trà xanh thôi để chung tình với nàng. Hồ Xuân Hương nhắc lại: chúng ta là kẻ chung tình biết với nhau và nhắc lại kỷ niệm.Tiễn nhau đi ba bước đã nên câu thơ. Nàng chờ đợi thơ nên cứ mở thơ cũ ra đọc, đọc xong khép lại, rồi lại mở ra đọc.. Ngày tháng đi về nhanh như vó câu, ban ngày đi trên lối cũ nước mắt ướt cả hoa, đêm ngủ thao thức nhớ mùi hương chàng trên nệm. Vắng nhau mới biết rõ tình nhau. Chỉ hai ta là kẻ chung tình biết với nhau. Bài thơ này là một bài thơ tình tuyệt tác của thi ca Việt Nam thế kỷ 18, 19.

- Trang 76 bài 21 Tốn Phong đắc mộng. Tốn Phong nằm mơ thấy mộng: Sông Tô tuy hẹp ấy Ngân Hà. Mộng thấy qua cầu giấc tối qua (Thơ Tốn Phong bài 16). Tốn Phong muốn cưới nàng để đôi bên không còn là Ngưu Lang, Chức Nữ. Trái với lời bàn trang 76. Bài này Xuân Hương đã từ chối khéo léo: “Tâm sự em đây, nói ra chàng có hiểu chăng? Chúng ta đồng tâm sự hợp nhau lắm, nhưng chúng ta bạn với nhau thế này là đủ, cưới nhau vì nhục dục (hoa liễu) có vui đâu, chàng còn phải lo học hành thi cử để lập công danh trả nợ với non sông. Tình ái lâu ngày nồng nàn sẽ nhạt. Lời thề dù nặng biết đâu rồi sẽ phai. Còn em xin chịu duyên phận hẩm hiu số kiếp đã định. Sau này có nhớ nhau xin nghĩ đến chuyện Xương Giang: Xương Giang một giải nông sờ, bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”.

- Trang 81 bài 23. Mừng gặp bạn trên sông Hoàng Giang. Bài này Hồ Xuân Hương đón và gặp Nguyễn Du trên đường đi sứ tháng hai năm Quý Dậu (1813). Từ Phú Xuân, đoàn cống sứ gồm 27 người, đi thuyền đến Thạch Đình, bến sông Vị Hoàng. Từ Vị Hoàng được Tổng Trấn Nguyễn Huỳnh Đức tiếp đón đưa về Nha Tuyên Vũ (Chùa Quán Sứ) nghỉ ngơi. Sau đó đi đường bộ, mỗi địa phương đều có quan Tri huyện, quan Hiệp Trấn đón rước lên đến tận Lạng Sơn. Từ ải Nam Quan các quan địa phương Trung Quốc tiếp rước chu cấp cho sứ đoàn đến Bắc Kinh. Bài thơ có ý như sau: Từ lúc em biết yêu lần đầu, thời gian tình nghĩa yêu đương em xem trọng như mấy cân vàng. Một lần hẹn nhau em nhớ cả kiếp, tình cảm nặng nề em không quên dù có đến trăm thân. Cạn dòng sông Tô Lịch vẫn còn duyên nợ đôi ta. Đầy sông Hoàng Giang những giọt nước mắt ái ân em tiễn chàng. Hai câu cuối: “Nồng nhạt mặc dù đâu nhẽ dám; Tấc son này vẫn thắm mười phân”. Dù chàng có nồng nàn hay lạnh nhạt em đâu dám gặp chàng, vì chàng đường đường là một vị Chánh Sứ, quan trên trông xuống, muôn cặp mắt lính tráng, dân chúng nhìn vào. Riêng lòng son em vẫn yêu chàng trọn vẹn như ngày nào.

- Trang 83 bài 24 Thệ viết hữu cảm. Bài này Hồ Xuân Hương làm năm 1801, sau khi thề với Mai Sơn Phủ. Từ lúc yêu Nguyễn Du năm 1790 đến năm 1801, mười mấy năm sau Hồ Xuân Hương mới biết có người tỏ tình với nàng. Duyên tơ này có lẽ ông tơ bà nguyệt đã sắp sẳn. Buổi lễ ăn thề thường cử hành lúc canh khuya có ba sao giữa trời chứng giám, lấy tích trong Kinh Thi thuộc Đường phong có câu Tam tinh tại thiên (Sam Sung, công ty Đại Hàn lấy tích này) ba sao giữa trời, ý nói vợ chồng gặp nhau lúc canh khuya. Mỗi người cắt một đoạn tóc, (đàn ông ngày xưa tóc dài búi tóc) trộn vào nhau, sau đó lấy dao cắt làm hai chia mỗi người phân nửa (Tóc mây một mái dao vàng chia đôi. Kiều) Lấy kim trích máu từ ngón tay hoà trong hai chén chung rượu, một chén tử và một chén sinh. Sau đó hai người cùng đọc lời thề: (Có chép mẫu trong nguyên tác Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân do Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch; Sàigon 1957. Phạm Đan Quế. Truyện Kiều đối chiếu. nxb Hà Nội 1991 tr 100): Chúng tôi hai kẻ đồng tâm là Mai Sơn Phủ và Xuân Hương Hồ Phi Mai. Mai Sơn sinh năm.. tháng... ngày... giờ... Phi Mai sanh năm... tháng... ngày... giờ... Nay kính cần đốt nén hương lòng, dâng ly rượu tịnh, thề trước hoàng thiên hậu thổ linh thiêng. Chúng tôi trộm nghĩ: Vợ chồng trọng nghĩa, nghĩa phải thuỷ chung không rời. Nhi nữ đa tình, tình dẫu tử sinh không phụ. Trước đây Phi Mai muốn lấy chồng. Mai Sơn mong có vợ, thương mộ tài sắc đã nguyền đôi chữ đồng tâm. Ngày nay Mai Sơn lo buổi mới Phi Mai sợ về sau, tạc dạ ghi lòng, cùng thề đến khi mãn kiếp. Sau giờ minh thệ, ví thử chẳng may gặp cảnh bất thường, quyết không thay đổi. Ai mà phản bội lời ước “sẽ bị dao búa phanh thây xẻ thịt”.? Cứu xin thần thánh xét soi. Sau đó hai người quỳ lạy thiên địa quay vào chén thù chén tạc... và động phòng. Có lẽ Mai Sơn Phủ đã bội bạc nên chết trong chiến tranh, “bị dao búa phanh thây xẻ thịt”, không thấy chàng trở về.

- Trang 85 hai bài Tự Thán số 25, 26. Hồ Xuân Hương viết năm 1801 sau khi Mai Sơn Phủ đi về Vinh. Câu “Nghĩ cùng thế sự lòng như đốt” cho ta thấy tâm sự Hồ Xuân Hương trước tình trạng khẩn trương của chiến tranh. Từ tháng ba năm 1801 Nguyễn Ánh đánh chiếm doanh Quảng Nam, sau đó thừa thắng đánh Đà Nẵng. Tháng 5 năm Nhâm Tuất lại đánh Phú Xuân, Vua Quang Toản bỏ chạy ra Bắc. Nguyễn Ánh Lên ngôi xưng danh hiệu Gia Long, và tiến quân ra Bắc, trận chiến tiếp diễn. Có nguy cơ Thăng Long và làng Nghi Tàm sẽ trở thành nơi đóng quân và bãi chiến trường đẩm máu. Người người thúc dục nhau tản cư. Câu 2 bài II “Vi đâu đeo đẳng với nơi này? (chữ “này” thay vì chữ “vầy”). Hồ Xuân Hương vẫn ở lại để đợi tin Mai Sơn Phủ, nhưng vẫn bặt tin, miệng lưỡi người trong làng nói ra nói vào những tiếng chua cay, nàng không nói được với ai. Nàng uống trà tiêu khát để nghe mình còn giọng nói không, uống chén rưọu mừng xuân đã thấy say. Tình cảm chàng phải chăng chỉ là một sự lường gạt của người thích sắc dục. Càng nghĩ càng thương chính mình. Tại sao nợ hay duyên mà ra thế này?

- Trang 93 bài 29 - 30 hai bài Chí Hiên tặng. Theo tôi Chí Hiên là một bút hiệu khác của Nguyễn Du sử dụng từ năm 1786 đến 1896, do sự kiện sau khi nhà Trịnh sụp đổ Nguyễn Du chạy sang Vân Nam cùng với Nguyễn Đại Lang tức Cai Gia và Nguyễn Sĩ Hữu tức Nguyễn Quýnh vì Nguyễn Khản làm Thượng Thư Bộ Lại kiêm cả binh quyền Thái Nguyên, Hưng Yên, Sơn Tây. (Hưng Yên do con rễ Nguyễn Huy Tự làm Trấn Thủ cùng hai em Nguyễn Trứ và Nguyễn Nghi. Sơn Tây Nguyễn Điều làm Trấn Thủ, Nguyễn Nể phụ tá). Tại Thái Nguyên, Nguyễn Du nắm giữ đội quân hùng hậu nhất,: Chánh Thủ Hiệu quân Hùng hậu hiệu, Nguyễn Quýnh, chức Trấn Tả Đội với sự cố vấn quân sư của Cai Gia, là một tay giặc già Trung Quốc, phản Thanh phục Minh, sang đầu quân dưới trướng Nguyễn Khản, Nguyễn Du có kết nghĩa sinh tử với Cai Gia nên gọi là anh cả. Trong thơ chữ Hán Thanh Hiên thi tập ông cho biết ông ở vùng núi có tuyết, dân cư trưởng giả ăn mặc theo nhà Hán, và không theo lịch nhà Tần. Đến Vân Nam ông bị bệnh ba tháng nên chia tay cùng Nguyễn Đại Lang hẹn gặp lại ba năm sau ở Hàng Châu, chia tay với Nguyễn Sĩ Hữu trở về làm chủ Hồng Lĩnh khởi nghĩa chống Tây Sơn. Hết bệnh Nguyễn Du không đến Nam Ninh với Vua Lê Chiêu Thống mà đi chu du lên Trường An, và xuống Hàng Châu (Nguyễn Du có các bài thơ làm năm 1787-1790 Dương Quý Phi cố lý, Bùi Tấn Công mộ, Phân Kinh thạch đài và 5 bài thơ bên miếu Nhạc Phi không nằm trên đường đi sứ năm 1813) “Giang Bắc Giang Nam cái túi không”, không tiền nhưng muốn theo gương Lý Bạch, tuổi trẻ đi chu du khắp Trung Quốc.

Nguyễn Du đã trở thành một nhà sư đội mũ vàng “Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế” (đi bộ khoảng 5000 km). Nguyễn Du đi giang hồ trong 3 năm, (thơ Nguyễn Hành có nhắc chuyện này) bằng cách tụng kinh Kim Cương làm công quả tại các chùa trên đường đi để kiếm ăn. “Tôi đọc kinh Kim Cương nghìn lượt”, (365 ngày X 3,tức ba năm, bài Phân Kinh Thạch Đài). Hành trang bên mình Nguyễn Du là quyển “Kinh Kim Cương chú giải” của Lê Quý Đôn, một quyển sách yêu chuộng của giới trí thức Bắc Hà thời bấy giờ. Nguyễn Du xưng danh hiệu là Chí Hiên. Chí lấy từ danh Chí Thiện Thiền Sư, chưởng môn danh tiếng phái Thiếu Lâm thời Vua Càn Long trở thành đề tài nhiều bộ sách, và Hiên của gia đình, cha là Nghị Hiên, anh là Quế Hiên. Đến Hàng Châu điểm hẹn với Nguyễn Đại Lang là miếu Nhạc Phi, nơi đây Nguyễn Du dừng khá lâu nên làm 5 bài thơ về Nhạc Phi, Tần Cối và Vương Thị và ở gần đó, ngôi chùa Hổ Pháo nơi Từ Hải từng tu hành, nơi đây Nguyễn Du tiếp xúc với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đang bán và nổi tiếng tại Hàng Châu, và từ đó trở thành quyển sách bên mình Nguyễn Du. Sau đó nhờ Cai Gia chu cấp Nguyễn Du đi xe song mã lên Yên Kinh và trở về đến Hoàng Châu (Hà Bắc) thì gặp Đoàn Nguyễn Tuấn và anh Nguyễn Nể trong sứ đoàn Tây Sơn. Đoàn Nguyễn Tuấn có hai bài thơ bàn luận sôi nổi với văn nhân họ Nguyễn tại Hoàng Châu, và viết bài về Hồng nhan đa truân trên đường đi sứ (Hải Ông thi tập). Sau đó Nguyễn Du trở về Long Châu, Nam Đài chờ đợi và về Thăng Long mùa xuân năm 1790 cùng sứ đoàn của anh.(Xem Phạm Trọng Chánh. Nguyễn Du, mười năm gió bụi. Khuê Văn Paris xb 2011)

Bài thơ Chí Hiên tặng, Nguyễn Du viết năm 1796 sau khi Hồ Xuân Hương bị mẹ ép gả cho Thầy Lang xóm Tây làng Nghi Tàm. Nguyễn Du sau khi ra khỏi tù ở Hà Tĩnh, ban đêm trốn ra Thăng Long. Viết bài Chí Hiên tặng

Bài I. Bài thơ có nhiều chổ đọc sai, nên ý tứ không thông. Xin sửa lại. Đã giao du nguyền ước đã mấy năm tròn(Chữ giao nguyền với mấy năm tròn) Buổi sơ giao làm lễ kết nghĩa có lời thề xe nón: Người cỡi xe người đội nón, khi gặp nhau người sẽ xuống xe vái chào nhau (Xe nón tình kia mãi mãi còn). Tôi chẳng biết dạ nàng tệ bạc (Chẳng biết dạ người đen tựa mực) Lòng tôi vẫn yêu nàng (Sao hay lòng khách đỏ như son) Tai tôi chưa quên lời hứa hẹn của nàng (Tai còn chửa lãng lời vàng ngọc) Nàng có mắt nàng hãy xem tôi làm nên sự nghiệp với nước non (Có mắt càng xem mặt nước non) Chớ bảo rằng nàng chờ đợi tuổi xuân đã mỏi mệt (Chớ trách chúa xuân lòng mỏi mệt). Tình nàng sớm mận tối đào như thế có xứng đáng với dòng dõi con nhà không? (Mận đào được thế tiếng công môn).

Bài II. Rủi may nào xá gì, theo Kinh Dịch cùng tắc thông (Rủi may nào sá nghĩ cùng thông) Chưa dễ tri âm có thể biết nỗi lòng (Chưa dễ tri âm tỏ nỗi lòng). Ra Bắc phen này mong làm được việc (Ra Bắc phen này mong nổi việc) Vào Nam lúc trước, tính tìm cứ địa, tìm bạn cùng chí hướng ở Hà Tỉnh không ai hưởng ứng, muốn vào Nam theo Nguyễn Ánh cũng bị bắt tù (Vào Nam ngẫm trước cũng hoài công) Đến nhà bạn thơ, cuối năm cũng chỉ đãi mâm trà pha nhạt.(Bạn tao năm hết mâm trà nhạt) Ở quán khách chờ đêm chóng qua vì lạnh áo quá mong manh (Quán khách canh chày mảnh áo mong). Trông ra chỉ thấy mịt mù khói biển (Gớm nhẽ trông ra mù khói bể) Người yêu trong sáng nơi Cổ Nguyệt Đường nào thấy (Nguyệt Đường bao nả thấy gương trong)

- Trang 95 bài 31 Hoạ Thanh Liên nguyên vận. Bài này Hồ Xuân Hương hoạ bài Thạch Đình tặng của Nguyễn Du. Câu 1 Chữ “dạy” thay chữ “đây”. Câu 2 chữ “chi” thay chữ “gì”. Câu 3 chữ “xem” thay chữ “hay”. Câu 5 chữ “Thử” thay chữ “Thức”, chữ “tầng” hay “từng” thay chữ “tăng”. Câu 7 chữ “thắm” thay chữ “đỏ”. Tuy nhiên Thanh Liên là bút hiệu thi hào Lý Bạch. Có thể nào có người lấy bút hiệu Lý Bạch làm bút hiệu mình chăng?. Tôi cho rằng đây là một lầm lẫn. Có thể là Chí Hiên hay Thanh Hiên. Bài thơ chữa lại như sau:

Hoạ Chí Hiên nguyên vận

Khúc Hoàng tay Nguyệt còn chờ dạy,
Cánh phượng đường mây đã vội chi.
Chua xót lòng xem lời để lại,
Hững hờ duyên bấy bước ra đi,
Thử vàng đá nọ treo tầng giá,
Phong gấm hoa kia nở có thì,
Đào thắm mận xanh còn thú lắm,
Xuân ơi đành nỡ dứt ra về.
Hồ Xuân Hương có học đàn Nguyệt cầm với Nguyễn Du, một cây đàn được yêu chuộng thời bấy giờ (Thơ Tốn Phong, thơ Phạm Đình Hổ có nói đến nàng gảy đàn), nàng chờ Nguyễn Du dạy khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng, lời tỏ tình của Tư Mã Tương Như với Trác Văn Quân. Chàng như cánh chim phượng hoàng đường công danh như mây thênh thang, đã vội chi. Chua xót đọc lời thơ Thạch Đình chàng tặng em. Vì sao chàng hững hờ với duyên em mà nỡ ra đi. Đá thử vàng, lòng em treo giá ngọc đợi anh. Hoa dù đẹp như phong gấm hoa còn nở có thì. Lòng đôi ta còn nhiều niềm vui như đào đang nở sắc thắm, mận còn xanh, chàng ơi, sao chàng nỡ dứt ra đi. Bài này cho ta thấy cái tài tình đối đáp xướng hoạ của Hồ Xuân Hương. Bài thơ tuyệt tác, sai một chữ là mất hay ngay.

- Trang 96 bài 32 Nhân tặng. Bài này có lẽ có một tựa đề dài dòng: “Nhân có ông.. về Hồng Lĩnh gửi tặng Nguyễn Tiên Điền bài thơ” bài này theo tôi được Hồ Xuân Hương viết khoảng năm 1795 lúc Nguyễn Du đã về Hồng Lĩnh. Nguyễn Du đã trả lời lại bài thơ này bằng bài Ký Hữu (gửi bạn) trong Thanh Hiên thi tập. Hồ Xuân Hương viết: “Cậy đã vầng xanh tỏ tấm lòng”. Nguyễn Du đáp lại: “Một vầng trăng sáng tình ta đó” (Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại)

- Trang 99 bài 33 Tưởng đáo nhân tình minh nhiên hạ lệ nhân nhi tẩu bút phụng trình (Nghĩ tới tình đời sũt sùi rơi lệ, nhân đó cầm bút viết thư gửi trình.) Theo tôi bài thơ Hồ Xuân Hương viết năm 1793, khi nghe tin Nguyễn Du sửa soạn về Hồng Lĩnh để xây dựng lại từ đường, nhiệm vụ do anh Nguyễn Nể giao phó và trao tiền bạc, Nguyễn Nể cũng về Phú Xuân nhận chức vụ mới Đông Các học sĩ, thầy dạy bên cạnh Vua Quang Toản. Bài thơ có chép chữ Tốn Phong tác bút không đúng. Vì đối với Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương có thái độ rất kính cẩn: chờ dạy, phụng trình, kiêm trình. Đối với Tốn Phong thì nàng nghi ngờ: không biết là duyên hay nợ, Xuân Hương có cảm tình, nhưng nhìn với nửa con mắt. Bài thơ có nhiều chữ sai: Câu 2 chữ “ngỡ”thay chữ “khéo”. Câu 5 Chữ “chuông chắn” thay chữ “buông chặn”. Theo tôi chuông chắn là một chữ cổ thời Lê Trịnh, câu thơ có nghĩa lời nguyền không gì có thể ngăn cản được. Vần chắn câu thơ thích hợp hơn.

- Trang 100 bài 34 Theo tôi đây là bức thơ mời các bạn tham gia tao đàn Cổ Nguyệt Đường.

- Trang 100 bài 35. Theo tôi bài này Hồ Xuân Hương ghi lại tình cảm mình sau khi gặp Tri Phủ Tam Đái Trần Phúc Hiển khoảng năm 1811. Trần Phúc Hiển trấn nhậm tại Tam Đái (tên cũ phủ Vĩnh Tường) trong ba năm. Đến tháng 12 năm Gia Long thứ 12 (1813) mới được thăng chức Tham Hiệp Trấn Yên Quảng. Bài thơ có hai địa danh Sông Bắc và Lầu Nam. Sông Bắc là Tam Đái giang, phía Bắc Thăng Long. Lầu Nam, phố Nam thành Thăng Long, lúc này Hồ Xuân Hương còn ở hiệu sách phố Nam thành Thăng Long. Thời gian này Hồ Xuân Hương “mẹ già, nhà túng” nên đi buôn khắp nơi, nghề buôn bán sách, giấy, bút là nghề của vợ và con gái các ông đồ; thường họ mở kế bên một trường học, Hồ Xuân Hương mở ở phố Nam, kế bên trường ông Nghè Phạm Quý Thích gần đền Lý Quốc Sư, có khi đem sách, bút, giấy đi bán cho các hội làng, cho các phú hộ, các quan các nơi, nhân đó mà quen biết với Trần Phúc Hiển, Trần Quang Tĩnh.

- Trang 103 bài 37. Bài này Xuân Hương trả lời cho bài 19 của Trần Ngọc Quán (trang 71) Trận bút xông pha quyết giật cờ. Đáp lời tán tỉnh Trần Ngọc Quán, Hồ Xuân Hương cho biết nàng đã nhận lễ hỏi Quan Tham Hiệp Yên Quảng sẽ về Vịnh Hạ Long (Non cao bể rộng vâng lời cả). Còn việc xướng hoạ sinh hoạt hội tao đàn vẫn tiếp tục như xưa (Nước chảy hoa trôi vẫn ý xưa).

- Trang 104 bài 38. Bài này của Tham Hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển. Bài này cho thấy Trần Phúc Hiển đến rước Hồ Xuân Hương vào tháng 12 năm 1813 tại Cổ Nguyệt Đường (Người đẹp nhà hoa lại gặp cùng). Nhà Xuân Hương trồng rất nhiều mai, bóng mai lạnh đã nở buổi đầu đông dịp tết (Non mai bóng lạnh buổi đầu đông) Xưa chưa từng gặp mặt nghe tiếng danh nàng làm thơ đã mến mộ.(Chưa từng gặp mặt lòng đà mến) Há phải xướng hoạ thơ cùng nhau ý mới nồng nàn (Há phải trao thơ ý mới nồng) Hồ Xuân Hương đã bày tiệc xuân ăn hỏi nơi Cổ Nguyệt Đường với láng giềng và một buổi lễ nơi bàn thờ Phật để trình với mẹ lễ hỏi cưới. Nàng khóc có lẽ vì thương mẹ già, cảnh một mẹ một con nay phải xa mẹ sẽ đi lấy chồng (Chưa khỏi tiệc xuân đôi mắt lệ. Ai khua đài Phật tiếng chuông rung). Và Xuân Hương sẽ tiễn Trần Phúc Hiển đến sông Lục Giang và sẽ về vì phải chờ sau khi chàng thu xếp việc trấn nhậm xong mới làm lễ cưới rước nàng về Vịnh Hạ Long. (Ân cần lưu lại trăng trời biển. Một biệt non tây lại vạn trùng.) Nhưng sau đó vì mẹ mất, Xuân Hương phải cư tang nên đầu năm 1816 mới về Hạ Long. Bản dịch trên của ông Bùi Hạnh Cẩn rất chỉnh và rất hay từng chữ, từng câu rất chính xác.

- Trang 104 bài 39. Bài này đối đáp với bài 38 của Hồ Xuân Hương. Bấy lâu ngưỡng mộ nay tương phùng với nhau. Được tiếp dung nghi chàng đường đường chính chính như mặt trời mọc hướng chính đông.(Bấy lâu ngưỡng mộ nay tương phùng, Được tiếp dung nghi: nhật chính đông) dịch là: “Lại tiếp dung nghi lúc rạng đông”, tôi cho là không đúng, vì từ Tam Đái đi đến Cổ Nguyệt Đường đi bằng thuyền. Trần Phúc Hiển phải đi ban đêm thì mới đến Thăng Long lúc rạng đông. Ngày xưa quan đi trấn nhậm thì ngày đi, đêm dừng thuyền nghỉ. Vả lại gặp nhau lúc rạng đông thì có gì để nói do đó nhật chính đông có nghĩa là mặt chàng đường đường chính chính như mặt trời mới mọc, chứng tỏ Hồ Xuân Hương rất trân trọng người bạn tình của mình. Bài này tôi dịch như sau:

Bấy lâu ngưỡng mộ nay tương phùng,
Được tiếp dung nghi: nhật chính đông.
Nhã ý biết nhau lòng đạm bạc,
Chén tình vừa nhấp đã say nồng.
Châu ta thanh khí cùng tương đắc,
Chung đúc tài tình một chữ đồng,
Tay nắm nói đi, chàng chớ ngại,
Lục giang một biệt cách ngàn trùng.
- Trang 105 bài 40. Bài này là bài hoạ của Hồ Xuân Hương hoạ lại bài 41 của Trần Quang Tĩnh. Bài 41 Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh trấn nhậm tại Nam Định từ tháng giêng năm Đinh Mão (1807) đến tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1809) được hai năm bốn tháng, ông bị bệnh xin về nghỉ. Ông lên Thăng Long cáo từ quan Tổng Trấn Bắc Thành nhân đó ông đến từ biệt Xuân Hương. Xuân Hương bày tiệc dưới trăng tiễn đưa. Hai câu 5, 6 bài 41.” Ta thẹn không tài thơ Bạch Tuyết, Khen bạn duyên cao sinh Cửa Son”. Điển tích Bạch Tuyết (tuyết trắng) và Dương Xuân là hai khúc hát do Sư Khoáng thời Xuân Thu Chiến Quốc làm ra Tống Ngọc viết: khi hai khúc hát này hát ra cả nước chỉ năm ba người hoạ theo được. Ý nói Xuân Hương có tài làm những bài thơ hay vần điệu ít người hoạ được. và khen bạn có duyên cao sinh cửa nhà quyền quý dòng dõi quan Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống, nhiều đời làm quan to. Bài 40 là bài thơ hay nhất thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương, dùng những điển tích: Phượng Cầu, Hán Khuyết, Hồ Môn, Sảnh Nữ thật tài tình. Nhất là hình ảnh Sảnh Nữ thoát xác đi theo chồng. Trần Quang Tĩnh đã quyến dụ nàng như Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng Cầu Kỳ hoàng, Xuân Hương chờ đợi chim Khách báo tin, nhưng chàng không tới? Vì sao chàng không như Tào Tháo chuộc tiếng kèn nàng Thái Diệm về đất Hán. Lòng thiếp tự thẹn đã vượt ra ngoài khuôn mẫu vọng tộc họ Hồ. Chia tay nhau hôm nay lòng thiếp lưu luyến. Hồn ngất ngây muốn thoát xác như nàng Sảnh Nương để đi theo cùng chàng (về Gia Định).

- Trang 109 bài 42. Thổ phượng tài cao nhất thế kinh. Bài thơ này của Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán làm khi mới tới gặp Hồ Xuân Hương. Từ kinh đô Phú Xuân mới đến Thăng Long, nghe nàng tiếng danh vang như chuông (thính huyền linh) nay mới được gặp. Bài 43 Hồ Xuân Hương sử dụng chữ “quán nhĩ linh” có nghĩa là ăn trộm bịt tai đi trộm chuông thật là dí dõm, khiêm nhường và tài tình. Tài tôi thẹn kém có ai kinh đâu. Mười năm qua, chẳng qua tôi lận đận trong gió bụi phong trần như ăn trộm bịt tai đi trộm chuông. Mười năm gió bụi lận đận của Hồ Xuân Hương là năm nào? Tôi cho rằng đó là thời điểm từ 1801 đến 1811. Từ lúc chia tay với Mai Sơn Phủ, có lẽ đã chết trong chiến tranh lúc nhà Tây Sơn sụp đổ. Hồ Xuân Hương tản cư lên Vĩnh Phú, làm lẽ Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà. Sau khi nhận được bài thơ Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du năm 1804, nàng dứt khoát không buồn khổ và chết như nàng Tiểu Thanh. Xuân Hương bỏ Tổng Cóc, “dù anh có cho tôi ngàn vàng tôi cũng như cóc bị bôi vôi không bao giờ về lại với anh” (Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi). Xuân Hương về lại Tây Hồ viết bài Chơi Tây Hồ nhớ bạn trả lời bài Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du. Xuân Hương có mang 6 tháng, sinh con, con chết.

Xuân Hương mở hiệu sách ở Nam phố gần trường ông Nghè Phạm Quý Thích và chùa Lý Quốc Sư, hiệu sách ế ẩm, nàng lại gia nhập vào tầng lớp thương gia phụ nữ đem sách vở, giấy, lụa, lĩnh đen làng Nghi Tàm bán cho các hội làng, các phú hộ các nơi. Xuân Hương đi rất nhiều, trên đường đi đùa vui với bạn bè đã để lại những bài thơ đùa bỡn. Những bài thơ được truyền tụng rộng rãi vì thế Xuân Hương gọi mình là “ăn trộm bịt tai đi trộm chuông” (quán nhĩ linh) làm gì ai cũng nghe cũng biết. Năm 1811 tình hình vùng Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ bất an vì có cuộc khởi loạn của Đặng Trần Siêu, Võ Đình Lục (1810-1822) thường chận đường cướp của các thương nhân. Cũng là năm Tử Minh mất, người bạn gia đình thân nhất, (không ruột nhưng mà thương quá ruột) đã để lại lớp học, làng Nghi Tàm lại mời Xuân Hương dạy học, danh tiếng Xuân Hương lại lên vì có những quan lớn, những danh sĩ đến thăm cầu duyên: (Nguyễn Du, Trần Quang Tĩnh, Tốn Phong, Trần Phúc Hiển, Trần Ngọc Quán...) Thơ truyền tụng có những bài Xuân Hương làm lúc thanh xuân như: Con cua, bánh trôi, thiếu nữ ngủ ngày, giếng nước... Phần lớn những bài đặc sắc làm trong mười năm lận đận: Lấy chồng chung, Già kén kẹn hom, Dệt vải tát nước, Cô hàng sách, Tranh Tố nữ, Cái quạt, Quán Khánh, Qua sông phụ sóng, Chửa hoang, Kẽm Trống, Đá Ông Chồng Bà Chồng, Vịnh Chùa Hương Tích, Đèo Ba Dội.. Và những bài viết vào cuối đời mang tâm sự người goá bụa: Thả thuyền chơi trăng, Chiếc bách, Tự tình, Khóc Phúc Hiển..

- Trang 112 bài 44 “Ma diệt thông minh giảm kiến linh” là bài thơ Hồ Xuân Hương tâm sự cùng Hiệp Trấn Trần Ngọc Quán, nàng xem người đồng hương như anh, vì nàng đã có nơi, sẽ về Yên Quảng.

Về phần phụ lục có vài điểm cần lưu ý:

- Trang 119, Minh Thanh là bút hiệu một nữ bác sĩ, và là một nhà thơ có xuất bản thơ bằng Pháp ngữ sinh sống tại Paris. Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn trong Tình sử Hồ Xuân Hương. Tạp Chí Khoa Học Xã Hội Paris 1983 trang 127 có ghi rõ: Tình bạn Hồ Xuân Hương với Nguyễn Du vào khoảng 1790-1793, do đó bài Mộng đắc thái liên, trong Nam Trung tạp ngâm, Nguyễn Du làm khoảng năm 1805 ở Phú Xuân, nhìn hồ sen hồ Tịnh Tâm mà nhớ đến những kỷ niệm đi hái sen với Hồ Xuân Hương ở Nghi Tàm, chứ không phải là mối tình khoảng năm 1804-1813.

- Trang 136, Trần Phúc Hiển không phải là người chồng đầu của Hồ Xuân Hương mà là người chồng thứ ba (1816-1819). Hai người chồng đầu là Thầy lang xóm Tây làng Nghi Tàm, bài Bà Lang khóc chồng khoảng năm 1796, thầy Lang mất sớm. Và người thứ hai là Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà ở Vĩnh Yên khoảng năm 1802-1804.

* * *

Tóm lại Lưu Hương ký do Tổ Hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ ra đời năm 2012, là một công trình, đáng hoan nghênh. Nhưng nếu độc giả đọc thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương ký không thấy hay thì nên tìm trên internet các bản dịch, và phiên âm trong các bài viết khác để so sánh. Ví dụ: câu: “Thức vàng đá nọ treo tăng giá” của GS Nguyễn Ngọc Bích đọc lên nghe như thơ của Mã Giám Sinh, “cò kè bớt một thêm hai” đối đáp với bà mối. Thơ Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương đọc nghe trang trọng “Thử vàng đá nọ treo tầng giá”. Thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương ký hay và hay tuyệt vời, mỗi bài thơ như một viên bích ngọc hoàn hảo không thể đổi một chữ, nếu bạn đọc thấy dỡ là lỗi tại GS Nguyễn Ngọc Bích và ông Đào Thái Tôn. Tác giả bài này cũng xin lỗi GS Bích, bất đắc dĩ phải làm công việc nhặt sạn trong một quyển sách, xin GS tha thứ và xem đây cũng là một “ngâm dỡn khúc”.
TS Phạm Trọng Chánh
Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hồ Xuân Hương» Lưu hương ký » Đọc “Lưu Hương ký” của Hồ Xuân Hương do Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích phiên âm & chú thích