23/11/2024 04:40Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Đăng bởi Vanachi vào 27/03/2019 09:48
Trong số các từ tập ít ỏi hiện còn có một từ tập khá đặc biệt bởi nó toàn vẹn nhất, dung lượng lớn nhất, lại có một quá trình lưu lạc khá lâu tại nước ngoài, đó là Cổ duệ từ của Tùng Thiện vương Miên Thẩm 從善王綿審 (1819-1870).
Liên quan đến sáng tác từ của Miên Thẩm, nhà thư mục học Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam và Tìm hiểu kho sách Hán Nôm cho biết Miên Thẩm có Thương Sơn từ tập. Tuy nhiên, không rõ Trần Văn Giáp dựa vào đâu để đưa ra những thông tin này bởi ở trong nước hiện nay không hề có Thương Sơn từ tập. Phan Văn Các trong phần đầu sách Cổ duệ từ – Khúc hát gõ mái chèo thì cho rằng ngoài Thương Sơn thi tập gồm 54 quyển, Miên Thẩm “còn có những tập từ” (1). Trên thực tế, sáng tác từ của Miên Thẩm hiện còn chỉ có một từ tập duy nhất mang tên Cổ duệ từ. Cổ duệ từ sở dĩ còn lại đến hôm nay là vì vào năm Giáp Dần niên hiệu Hàm Phong nhà Thanh [1854], một sứ đoàn nước ta khi đi sứ Trung Quốc đã mang theo từ tập này để giới thiệu với các sĩ phu ở Trung Quốc. Nhân đó nó được một nhà nho Trung Quốc là Lương Sằn Dư 梁莘畬 (2) chép lại. Rồi từ đó, qua những con đường khác nhau lan truyền khá rộng ở Trung Quốc.
Ở trong nước, người đầu tiên nhắc đến từ tập này là Phan Văn Các. Trên Tạp chí văn học số 3 năm 1998, trong bài “Về một chùm từ của Miên Thẩm”, Phan Văn Các dịch giới thiệu một chùm từ gồm 3 bài trong Cổ duệ từ. Đến năm 1999, trong sách Cổ duệ từ – Khúc hát gõ mái chèo, Phan Văn Các dịch công bố 14 bài trong Cổ duệ từ, đồng thời ông cũng cho biết một số thông tin về các bài từ mà ông đã dịch (3). Theo đó, có thể biết rằng Phan Văn Các thực ra không nắm được diện mạo toàn vẹn của Cổ duệ từ, phần mà ông tiếp xúc, phiên dịch chỉ là 14 bài được nhà nghiên cứu từ học Trung Quốc là Hạ Thừa Đảo 夏承燾 (1900-1986) trích tuyển từ Cổ duệ từ, in trong sách Vực ngoại từ tuyển 域外詞選, xuất bản năm 1934 (4).
Hạ Thừa Đảo cùng Du Bình Bá 俞平伯 (1900-1990), Đường Khuê Chương 唐圭璋 (1901-1990), Long Du Sinh 龍榆生 (1902-1966)… đều là các nhà từ học nổi tiếng đương thời. Vực ngoại từ tuyển là tuyển tập từ ngoài cõi Trung Hoa do Hạ Thừa Đảo tuyển chọn, gồm tác phẩm của: 8 tác giả Nhật Bản (74 bài), 1 tác giả Triều Tiên Lí Tề Hiền 李齊賢 (1287-1367, 53 bài) (5), 1 tác giả Việt Nam (Miên Thẩm, 14 bài). Phần cuối phụ lục 54 bài từ của Lí Tuân 李珣 (sinh mất vào khoảng năm 855-0930), người gốc Ba Tư, sống tại Trung Quốc. Tổng cộng tuyển tập này gồm 11 tác giả với 195 bài từ.
Tuy nhiên, bản Phan Văn Các tiếp xúc cũng không phải bản in năm 1934, mà là bản do nhà xuất bản Thư mục văn hiến in lại vào năm 1981 (6).
Để độc giả trong nước có cái nhìn đầy đủ hơn về Cổ duệ từ, trong Thông báo Hán Nôm năm 2001, Trần Nghĩa có bài “Cổ duệ từ của Miên Thẩm dưới dạng toàn vẹn của nó”. Về văn bản Cổ duệ từ Phan Văn Các đã giới thiệu, Trần Nghĩa cho biết thêm: “Tập từ chép tay sau đó được Lương Tuỵ Xa (7) đem tặng lại cho học trò yêu của mình là Kính Duy công, rồi người con trai của Kính Duy công lại đem tập từ chép tay nhân bản lần nữa, và viết thêm lời Bạt để gửi cho toà soạn Từ học quý san ở Thượng Hải. Kết quả là Cổ duệ từ được toà soạn Từ học quý san chọn ra 14 bài, ghép với một số bài từ của các tác giả Triều Tiên, Nhật Bản để in chung dưới tiêu đề Vực ngoại từ tuyển công bố năm 1934. Khúc hát gõ mái chèo do Phan Văn Các dịch và giới thiệu chính là dựa vào phần Cổ duệ từ “tuyển” in trong Vực ngoại từ tuyển, được Nxb. Thư mục văn hiến Bắc Kinh in lại vào năm 1981”. Sau đó Trần Nghĩa thông tin một số nét về bản Cổ duệ từ do Lương Tuỵ Xa sao lục mà ông đã chép lại được toàn bộ. “Bìa sách, bên trên có dòng chữ ‘Thuý thuỷ thảo xá từ độc’ 翠水艸舍詞讀 viết theo hàng ngang từ phải sang trái. Giữa bìa sách có 3 chữ ‘Cổ duệ từ’ 鼓枻詞 viết theo hàng dọc từ trên xuống. Bên phải, có 5 chữ ‘Việt Nam Bạch Hào Tử trứ’ 越南白豪子著 viết theo hàng dọc từ trên xuống. Bên trái có 8 chữ ‘Tương Thuỷ Hồ Nhai Thuý Thuỷ thủ sao’ 湘水胡街翠水手抄 cũng viết theo hàng dọc từ trên xuống”. Ông cho biết thêm: bên trong sách, tờ đầu dành cho lời Bạt của Dư Đức Nguyên soạn năm Trung Hoa dân quốc 23 [1934]. Lời Bạt này, trong bản in năm 1981 của Nxb. Thư mục văn hiến Bắc Kinh đã bị lược đoạn cuối. “Tiếp sau lời Bạt là phần chính văn, gồm cả thảy 104 bài từ”. Cuối bài viết, Trần Nghĩa có bảng liệt kê 104 bài từ trong Cổ duệ từ (8).
Thực ra muốn biết Cổ duệ từ đã truyền sang Trung Quốc, lưu truyền ra sao, chỉ cần đọc lời Bạt của Dư Đức Nguyên thì sáng tỏ về cơ bản. Toàn văn lời bạt như sau:
“Trên đây là một quyển Cổ duệ từ, do Bạch Hào Tử người Việt Nam sáng tác. Bạch Hào Tử là người trong tông thất ở Việt Nam, được tập phong là Tùng Quốc công, tên là Miên Thẩm, tự Trọng Uyên, hiệu Thúc Viên, ở khoảng lông mày có lông trắng nên lấy hiệu như vậy. Ông lại trước tác 4 quyển Thương Sơn thi sao. Thương Sơn là tên phủ đệ của ông vậy.
Tháng Ba năm thứ 4 niên hiệu Hàm Phong nhà Thanh [1854], đoàn cống sứ Việt Nam đến kinh, trên đường qua đất Việt [粵-Quảng Đông], có mang theo Thương Sơn thi sao và tập từ này. Bấy giờ ông cậu tôi là Tiên sinh Lương Sằn Dư người ở Thiện Hoá đang ở mạc phủ của quan Đốc trấn Quảng Đông, thấy vậy thì rất thích thú, liền chép lại toàn bộ cất vào trong tráp, đem về liền tặng cho tiên phụ tôi là Kính Dung công 敬鏞公 vì coi tiên phụ tôi như học trò đắc ý của mình vậy. Tôi từ lâu đã muốn san khắc lưu hành mà chưa làm được. Nay may thay toà soạn Từ học quý san ở Hỗ Thượng [滬上-Thượng Hải] đang sưu tập trước tác của các danh gia để công bố với đời bèn chép ra một bản gửi đến, đặng có thể in thành sách để khiến tác phẩm từ lâu u ẩn sẽ được rạng tỏ.
Ôi! Việt Nam chỉ là một nước nhỏ ở đất phương Nam xa xôi, cũng có người tinh thông từ học, nghiễm nhiên trở thành một nhà, vốn là do linh tú của núi sông, tuy là ở nơi tuyệt vực vẫn không sao hết được. Vậy đủ thấy đương thời thanh giáo Trung Hoa lan truyền đến các nước đồng văn rất mạnh mẽ. Gần đây bản đồ Việt Nam đổi thuộc vào Pháp đã ba mươi năm, học thuật từ lâu đắm chìm vào Âu hoá, chẳng hay có còn ai nghiên cứu văn học Hoa ta như Bạch Hào Tử nữa không? Nghĩ đến đây, tôi khôn ngăn sùi sụt nhìn về phương Nam mà cảm khái vô cùng vậy.
Trung Hoa dân quốc năm thứ 23 [1934], ngày Kinh chập [ngày 6 tháng Ba], Lục Đình – Dư Đức Nguyên 陸亭-余德沅 (9) ở huyện Du viết lời bạt khi 70 tuổi” (10).
Trong Vực ngoại từ tuyển, cuối phần tuyển từ của Miên Thẩm có chép lời Bạt này, song đã lược bỏ đi đoạn “Ôi! Việt Nam chỉ là một nước nhỏ ở đất phương Nam xa xôi… Nghĩ đến đây, tôi khôn ngăn sùi sụt nhìn về phương Nam mà cảm khái vô cùng vậy” (11).
Theo lời Bạt nói trên, Cổ duệ từ được sứ giả nước ta mang sang Trung Quốc năm 1854, đến Quảng Đông, được Lương Sằn Dư sao chép, sau đó Lương Sằn Dư giao lại cho Kính Dung công, rồi Kính Dung công truyền lại cho con trai là Dư Đức Nguyên. Năm 1934, khi đó Dư Đức Nguyên đã 70 tuổi, ông chép lại một bản Cổ duệ từ, viết lời Bạt gửi cho Từ học quý san ở Thượng Hải. Từ học quý san là tạp chí chuyên về từ học do Long Du Sinh Chủ biên, hoạt động từ tháng 4 năm 1933 đến tháng 9 năm 1936. Bản do Trần Nghĩa chép lại cũng có lời Bạt nói trên, theo đó, có nhiều khả năng chỉ là bản sao lại từ bản mà Dư Đức Nguyên đã sao lục để gửi cho Từ học quý san.
Vực ngoại từ tuyển in lần đầu năm 1934, cùng năm Dư Đức Nguyên viết lời Bạt trên nhưng trong Lời nói đầu sách này không thấy Hạ Thừa Đảo ghi rõ ông tuyển từ bản nào, tuy vậy sách có in lời Bạt của Dư Đức Nguyên (tuy đã lược bỏ một đoạn), rất có thể ông đã tuyển 14 bài từ của Miên Thẩm từ bản Cổ duệ từ do Dư Đức Nguyên sao chép gửi cho Từ học quý san. Không chỉ vậy, hai năm sau, vào 30 tháng Sáu năm Dân quốc thứ 25 [1936], Cổ duệ từ đã được in toàn văn trên tạp chí Từ học quý san, bao gồm trọn vẹn cả lời Bạt của Dư Đức Nguyên (Từ học quý san, số 2, quyển 3, tr.102-123). Như vậy, từ năm 1936, thông qua Từ học quý san, Cổ duệ từ của Miên Thẩm đã được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc.
Theo ghi chép trong các thư tịch, từ năm 1854, khi Cổ duệ từ truyền sang Trung Quốc, nó không phải chỉ nằm trong tráp của Lương Sằn Dư, Kính Dung công hay Dư Đức Nguyên, vì năm 1890, nhà từ học Huống Chu Di 況周頤 (1859-1926), một trong bốn danh gia từ học cuối triều Thanh, cũng từng tiếp xúc với từ tập này. Trong cuốn Huệ Phong từ thoại 蕙風詞話 nổi tiếng, Huống Chu Di từng viết: “Năm Canh Dần [1890], tôi làm khách ở Hộ Giang [Thượng Hải], mượn được một quyển Cổ duệ từ của Nguyễn Miên Thẩm, người Việt Nam, các bài từ ngắn (đoản điệu) trong trẻo đẹp đẽ, đáng để đọc, các bài từ dài (trường điệu) cũng có khí cách” (12).
Từ tập này ở Việt Nam hiện không thấy trong các kho tư liệu Hán Nôm, có phần chắc là đã mất. Tuy nhiên, bài tựa Cổ duệ từ hiện vẫn còn được lưu trong sách Thương Sơn ngoại tập (kí hiệu A.781/1, quyển IV, tờ 40-42), chúng tôi đã công bố toàn văn trên Tạp chí Hán Nôm (13). Trong Cổ duệ từ và lời Tựa đều không ghi niên đại, do đó không rõ đích xác thời gian hoàn thành của Cổ duệ từ, chỉ biết rằng tập từ này được các sứ giả Việt Nam mang sang Trung Quốc năm 1854. Như vậy, nó được hoàn thành trước, hoặc muộn nhất là năm 1854.
Về số lượng tác phẩm trong Cổ duệ từ, Huống Chu Di chỉ cho biết Cổ duệ từ gồm một quyển nhưng không nói rõ cụ thể số bài. Vực ngoại từ tuyển cho biết “Bạch Hào Tử tên là Miên Thẩm, hiệu là Tiêu Viên, người trong tông thất nước Việt Nam, có một quyển Cổ duệ từ, cả thảy 104 bài” (14). Trần Nghĩa cho là 104 bài (15). Hà Thiên Niên cũng cho biết tương tự (16).
Xét kĩ, Cổ duệ từ gồm 104 đề mục, mỗi đề mục thông thường tương ứng với một bài từ; nhan đề của mỗi đề mục có khi chỉ có tên từ điệu, có khi có cả từ điệu và từ đề, thảng hoặc còn có lời dẫn ngắn. Ở đề mục thứ 50 là điệu Vọng Giang Nam – Điệu vong 望江南-悼亡 thực chất là một chùm từ theo điệu Vọng Giang Nam gồm tất cả 10 bài. Huống Chu Di trong Huệ Phong từ thoại cũng từng ghi rằng điệu Giang Nam hảo có 10 bài, ông chỉ trích hai bài trong số đó (Huệ Phong từ thoại, quyển V). Đề mục thứ 89 là điệu Giảm tự mộc lan hoa – Đại nhân đáp nữ bạn hoạ vận 減字木蘭花-代人答女伴和韻 thực chất gồm 02 bài cùng điệu. Như vậy, tổng số tác phẩm trong Cổ duệ từ của Miên Thẩm không phải 104 mà là 114 bài. Các bài này viết theo 82 điệu, các điệu được sử dụng nhiều nhất gồm: Vọng Giang Nam (11 lần), Hành hương tử, Cán khê sa (4 lần), Giảm tự mộc lan hoa, Lâm giang tiên, Tây giang nguyệt (3 lần), Xú nô nhi lệnh, Sơ liêm đạm nguyệt, Bồ tát man, Lãng đào sa, Liễu sao thanh, Mô ngư nhi, Thâu thanh mộc lan hoa, Dương châu mạn, Ngu mĩ nhân, Giá cô thiên, Tuý xuân phong (2 lần), các điệu khác đều chỉ được sử dụng một lần duy nhất.
Xét các điệu thức được sử dụng, về phân phiến gồm 2 loại đơn phiến và song phiến, không có loại tam điệp và tứ điệp. Về dung lượng có tiểu lệnh, trung điệu và trường điệu, tuy nhiên loại tiểu lệnh vẫn chiếm một tỉ lệ khá lớn.
Cổ duệ từ là một trong hai từ tập hiếm hoi hiện còn (17). Đây cũng là từ tập có số lượng tác phẩm lớn nhất trong từ sử Việt Nam. Số lượng tác phẩm cũng như các từ điệu được sử dụng trong từ tập này lớn số lượng tác phẩm, số lượng các từ điệu đã được các tác giả Việt Nam sử dụng từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XVIII (18). Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của thể loại từ ở Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX.
Về phong cách từ học và nguồn ảnh hưởng của Cổ duệ từ, trong phần mở đầu sách Vực ngoại từ tuyển, Hạ Thừa Đảo có các bài thơ luận về tác phẩm từ của các tác giả Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Về Miên Thẩm ông viết:
Nguyên văn:
前身鐵腳吟紅萼,
垂老蛾眉伴綠缸.
喚起玉田商夢境,
深燈寫泪欲枯江.
Phiên âm:
Tiền thân Thiết Cước” ngâm hồng ngạc,
Thuỳ lão nga mi bạn lục cang.
Hoán khởi Ngọc Điền thương mộng cảnh,
Thâm đăng tả lệ dục khô giang.
Tạm dịch:
“Tiền thân Chân Sắt” (19) ngâm mai thắm (20),
Già rủ mi cùng ang nước xanh.
Cõi mộng Ngọc Điền khơi dậy bán,
Trước đèn nhỏ lệ viết thâu canh.
Lại cho rằng Cổ duệ từ của Miên Thẩm “phong cách rơi vào khoảng Bạch Thạch, Ngọc Điền, tả diễm tình mà không tổn hại đến nét lả lướt kiều mị”…風格在白石玉田間,寫艷情不傷軟媚. Hạ Thừa Đảo có trích dẫn một số câu trong bài từ điệu Sơ liêm đạm nguyệt 疏簾淡月 và bài Chúc lệ điệu Tiểu đào hồng của Miên Thẩm, cho rằng các câu đó “đều rất ý vị” 皆堪玩味 (21).
Bạch Thạch tức Bạch Thạch Đạo Nhân Khương Quỳ 姜夔 (1155-1221?). Khương Quỳ tự Nghiêu Chương, sau lại lấy hiệu là Bạch Thạch Đạo Nhân, là một trong những từ gia lớn nhất thời Nam Tống, được các từ nhân đương thời xưng tụng, gây ảnh hưởng quan trọng đến các từ nhân từ thời Nam Tống đến tận thời Thanh.
Ngọc Điền là tên hiệu của từ gia Trương Viêm 張炎 (1248-1320?). Trương Viêm tự là Thúc Hạ, hiệu là Ngọc Điền và Lạc Tiếu Ông, là một từ gia lớn thời Tống – Nguyên. Ngoài ra ông còn có sách Từ nguyên, là một bộ sách lí luận từ học hết sức quan trọng. Trương Viêm đặc biệt hâm mộ tác phẩm từ của Khương Quỳ, do đó Từ nguyên chuyên luận về từ của Khương Quỳ, suy tôn từ của Khương Quỳ “Như mây nội lẻ bay, qua lại không dấu” 如野鶴孤飛,去留無跡, “chẳng những thanh không mà còn tao nhã, đọc lên khiến người ta tinh thần bay xa” 不惟清空,又且騷雅,讀之使人神觀飛越, vì thế được hậu nhân gọi chung là “Khương – Trương”. Một số từ nhân đời Thanh hâm mộ tác phẩm của Khương Quỳ và Trương Viêm, coi tông chỉ làm từ của mình là “Lấy Khương Quỳ làm nhà, lấy Trương Viêm làm cửa” 家白石而户玉田. Các khái niệm như “thanh không”, “tao nhã”, “ý thú”, “chất thực”… do Trương Viêm đưa ra trong Từ nguyên dần trở thành các khái niệm công cụ trong nghiên cứu và phê bình tác phẩm từ.
Như vậy, theo cách nói của Hạ Thừa Đảo, Miên Thẩm chịu ảnh hưởng của các từ gia Khương Quỳ, Trương Viêm thời Nam Tống, hoặc chí ít phong cánh từ học của ông gần gũi với hai từ gia trên. Còn Huống Chu Di chỉ khen “các bài từ ngắn (đoản điệu) trong trẻo đẹp đẽ đáng để đọc, các bài từ dài (trường điệu) cũng có khí cách”, sau đó dẫn các bài Quy tự dao 歸自遙, 2 bài trong chùm mười bài từ điệu Vọng Giang Nam 望江南, điệu Tấm viên xuân 沁園春, bài từ điệu Ngọc lậu trì – Trở vũ dạ bạc 玉漏遲-阻雨夜泊 làm lệ chứng; cuối cùng ghi: “Miên Thẩm tự là Trọng Uyên, tước Công”, ngoài ra không bình luận gì thêm.
Trong các tác gia cung đình triều Nguyễn, Tự Đức, Miên Trinh, Miên Khoan, Mai Am… đều quan tâm đến thể loại từ ở những mức độ khác nhau, song có lẽ chỉ có Miên Thẩm và người dụng công sâu sắc nhất vào thể loại văn học này. Trong lời tựa Cổ duệ từ, ông nhắc đến hàng loạt các từ gia nổi tiếng từ thời Ngũ đại đến thời Thanh và một số tác phẩm của họ, đồng thời cũng cho biết sự quan tâm sưu tập sách về từ của mình:
“Khách có kẻ nói: Nga Hoàng xét nhạc phổ, còn tìm về được dư thanh của thời Thiên Bảo (22); Tống Duyện nghe tiếng chuông, vẫn tìm được nhạc khí cổ của Thái thường tự (23). Huống nữa sách Âm vận của Chu Đức Thanh (24), gốc ở sách Từ nguyên của Trương Thúc Hạ (25). Chú từ phổ cậy ở Khương Quỳ (26), sáng yếu chỉ nhờ vào Lục Phụ (27). Trước do Thảo Đường biên tập (28), sau thì Trúc Tra chép sao (29). Ngoài ra còn, mấy trăm nhà ngữ nghiệp (30) thời Tống – Nguyên; vài chục pho Tuý biên (31) thời Minh – Thanh, không năm nào tôi không sưu tập, ngày ngày ngâm nga, tuy kĩ nữ Hà Gian cũng chưa đủ để thổi sáo đánh đàn (32), như rương nhỏ của Hành Dương, chứa đầy sách vở” (33) (Thương Sơn ngoại tập: A.781/1, quyển IV, tờ 40-42).
Về động cơ sáng tác và nguồn ảnh hưởng trực tiếp đến việc tác từ, Miên Thẩm cho biết:
“Nay thiên tử: sửa sang lại lễ nhạc, giáo hoá bằng nền văn trị rực rỡ, há chỉ có cương vực mở rộng (34), mà riêng từ học (35) chẳng nhiều như như cây vực sum suê (36), còn âm nhạc cổ không nối lại được nữa chăng? Bởi thế thần đây tuy vốn biết tài năng chẳng theo kịp [người xưa], xét lời Cố quân nói cũng có chỗ phải lẽ (37). Thuỷ nhạc thuyết của Nguyên Thứ Sơn, không có Cung có Chuỷ thì cũng có hại gì đâu (38); tập Khuê Đường của Hứa Hữu Phu, đặt tên là “Khoản nãi” rất hợp (39). Cảm tạ Chân Trường hiểu lòng ta (40), tin rằng Tử Hạ phát khởi được ý ta (41). Vội phạt một chén lớn (42), đưa chân gõ mạn thuyền (43), khách gọi Tiểu Hồng (44), đáp lời khua chèo. Liền án theo 28 điệu (45) nhạc chương (46) thời Tống – Nguyên, điệu đều là bài hát của Ngư phủ (47); đọc lớn mấy ngàn lời tiểu thuyết mua vui (48), chẳng đoái đến mắt nhìn của người trời vậy” (Thương Sơn ngoại tập: A.781/1, quyển IV, tờ 40-42).
Theo cách nói đó, Miên Thẩm là người có ý hướng phát huy thể loại từ. Riêng về Tiểu Hồng 小紅, vốn là ca kĩ tài sắc của Phạm Thành Đại 范成大 (1126-1193). Phạm Thành Đại rất yêu quý tài năng của Khương Quỳ, từng khen Khương Quỳ “văn chương nhân phẩm đều giống như các kẻ sĩ tao nhã thời Tấn-Tống” 翰墨人品皆似晉宋之雅士, do đó trở thành bạn vong niên. Mùa đông năm Thiệu Hi nguyên niên [1190], Khương Quỳ đội tuyết đến Thạch Hồ trao cho Phạm Thành Đại hai bài từ vịnh hoa mai là Ám hương 暗香 và Sơ ảnh 疏影 mới làm, Phạm Thành Đại rất yêu thích, liền tặng Tiểu Hồng cho Khương Quỳ. Trong bài thơ tứ tuyệt Quá Thuỳ Hồng 過垂虹 (Qua cầu Thuỳ Hồng) của Khương Quỳ viết trong đêm trừ tịch trên đường trở về Hồ Châu có câu: “Tự trác tân từ vận tối kiều / Tiểu Hồng đê xướng ngã xuy tiêu” 自琢新詞韻最嬌 / 小紅低唱我吹簫 (Mới chuốt bài từ vần tuyệt đẹp / Tiểu Hồng ca khẽ, ta thổi tiêu).
Trong lời tựa Cổ duệ từ, Miên Thẩm có nhắc đến sách Từ nguyên của Trương Thúc Hạ (tức Trương Viêm) cùng việc chú giải từ phổ của Khương Quỳ, cũng từng đề cập đến khái niệm “thanh không”: “Bởi bắc nam vốn xa cách, mà giọng hát bổng trầm, vốn chẳng khác đường; nhã tục năng phân, mà bút ý thanh không (49), tự nhiên cao giá”. Thêm vào đó cuối bài lại nhắc đến Tiểu Hồng, ý hướng mong muốn như Khương Quỳ thuở nào. Hạ Thừa Chú vốn là nhà từ học, khảo cứu rất sâu về Khương Quỳ và Trương Viêm, do đó khi cho rằng Cổ duệ từ của Miên Thẩm phong cách gần gũi với Khương Quỳ và Trương Viêm hiển nhiên là một nhận định đầy quyền uy. Lại như, trong lời tựa Cổ duệ từ, Miên Thẩm cũng tự nhận Cổ duệ từ của ông “án theo 28 điệu nhạc chương thời Tống – Nguyên”. Thêm nữa trong tác phẩm, ở bài từ điệu Quế chi hương 桂枝香 đề “Cảm tạ Chuyết Viên huynh nhân tặng một cành mai” 謝拙園兄惠梅花一枝 Miên Thẩm cũng nhắc đến hai bài từ Sơ ảnh và Ám hương của Khương Quỳ, đủ thấy sáng tác của ông chịu ảnh hưởng của Khương Quỳ và Trương Viêm là điều hết sức rõ ràng.
(1). Phan Văn Các: Cổ duệ từ – khúc hát gõ mái chèo, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, H. 1999, tr.3.
(2). Lương Sằn Dư 梁莘畬: chữ 畬 có hai âm là “Dư” và “Xa”, khi đi với chữ “Sằn” 莘 thì phiên là “Dư” hợp lí hơn. Tuy nhiên, cũng tên nhân vật này trong Vực ngoại từ tuyển in là 梁萃畬, theo đó có thể phiên là “Lương Tuỵ Dư” và “Lương Tuỵ Xa” (Xem các bộ vận thư: Đường vận, Tập vận).
(3). Bản dịch này công phu, nhưng tiếc là chưa được toàn mĩ vì một số bài từ ngắt câu chưa thực chuẩn.
(4). Phan Văn Các, sđd, tr.17-19.
(5). Lí Tề Hiền là người Triều Tiên, có thể coi là danh gia từ học Triều Tiên, sáng tác dưới ảnh hưởng từ phong của Tô Đông Pha và Nguyên Hiếu Vấn. Tuy nhiên do ông ta sống nhiều năm ở Trung Quốc nên trong một số sách của Trung Quốc, nhất là các sách về thể loại từ thường coi ông là tác giả từ Trung Quốc.
(6). Phan Văn Các, sđd, tr.19.
(7). Xem chú thích 2 ở trên.
(8). Trần Nghĩa: “Cổ duệ từ của Miên Thẩm dưới dạng toàn vẹn của nó”, in trong Thông báo Hán Nôm năm 2001, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, H. 2002, tr.385-392.
(9). Tên nhân vật này ở bản Vực ngoại từ tuyển in là Dư Đức Nguyên 余德源.
(10). Dịch từ Từ học quý san, số 2, quyển 3, tr.102-123.
(11). Hạ Thừa Đảo: Vực ngoại từ tuyển, Thư mục văn hiến xuất bản xã, 1981, tr.155.
(12). Huống Chu Di: Huệ Phong từ thoại (quyển 5), Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1960, tr.124.
(13). Phạm Văn Ánh: “Bài tựa Cổ duệ từ của Miên Thẩm”, Tạp chí Hán Nôm, số 3, năm 2010.
(14). Hạ Thừa Đảo, sđd, tr.1.
(15). Trần Nghĩa: Bđd, tr.385-392.
(16). Hà Thiên Niên 何仟年 (Trung Quốc): “Điền từ và từ học ở Việt Nam – Một [nghiên cứu] trường hợp về thể loại văn học trong bối cảnh di thực của văn hoá Hán” 越南的填詞及詞學-漢文學移植背景下的文体案例, đăng trên Học báo Đại học Quảng Tây 廣西大學學報, số tháng 6 năm 2008, tr.109.
(17). Từ tập còn lại là Mộng Mai từ lục của Đào Tấn. Từ tập này chép lẫn nhiều tác phẩm từ của Trung Quốc, theo giám định, nhiều nhất chỉ có 17/60 tác phẩm trong từ tập này là của Đào Tấn (Xem: Phạm Văn Ánh: “Sự thực nào cho Mộng Mai từ lục”, Tạp chí Văn học, số 9 năm 2009 và “Thêm một số lưu ý về Mộng Mai từ lục của Đào Tấn”, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (106) – 2011).
(18). Theo khảo sát của chúng tôi đến thời điểm hiện nay, các tác giả từ Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XVIII hiện còn khoảng 91 tác phẩm từ, viết theo 58 điệu.
(19). Mấy chữ “Tiền thân có bàn chân sắt” trong bài thơ của Hạ Thừa Đảo, vốn lấy ý từ bài Sơ liêm đạm nguyệt vịnh hoa mai của Miên Thẩm: “…Bản lai diện mục / Quân ưng tri ngã / Tiền thân thiết cước” (Bản lai diện mục / Người nên biết tớ / Tiền thân chân sắt). “Chân sắt” (Thiết cước) tức Thiết Cước đạo nhân, tương truyền là một vị đạo sĩ thời cổ, thích ăn hoa mai với tuyết, có người hỏi lí do, ông nói: “Ta thích cái lạnh của tuyết và hương thơm của hoa mai ngấm vào tận phế phổi”.
(20). Mai thắm: dịch từ chữ “hồng ngạc”. Theo logic bài thơ, trước nó đến Thiết Cước đạo nhân là người thích ăn hoa mai, nên “Hồng ngạc” ở đây chỉ hoa mai. Bài từ điệu Nhất ngạc hồng của Khương Quỳ có câu: “Cổ thành âm / Hữu quan mai kỉ hứa / Hồng ngạc vị nghi trâm” (Dưới bóng thành cổ, có mấy cây mai trong phủ quan / Nụ thắm chưa thích hợp để cài lên mái tóc).
(21). Hạ Thừa Đảo, sđd, tr.4.
(22). Thiên Bảo: niên hiệu của Đường Huyền Tông (từ 742 đến 756). Nga Hoàng là vợ của Nam Đường hậu chủ Lí Dực (từ gia kiệt xuất thời Ngũ đại). Trước đó, Đường Huyền Tông từng chế ra khúc Nghê Thường vũ y, song trải thời gian, đến thời Ngũ đại thì mai một. Nhạc phổ tàn khuyết của bản Nghê Thường vũ y rơi vào tay Lí Dực, sau được Nga Hoàng bổ sung, chỉnh lí và cho diễn tấu.
(23). Tống Duyện: người thời Đường. Theo Thái Bình quảng kí: Thái thường lệnh Tống Duyện những người rành âm nhạc, đời gần đây không ai sánh bằng. Thái thường tự bị mất điệu “Chuỷ”, Thẩm Duyện tra cứu âm luật của chuông mà tìm lại được.
(24). Chu Đức Thanh (1277- 1365): người thời Nguyên, tác giả của sách Trung nguyên âm vận.
(25). Trương Thúc Hạ: tức Trương Viêm (1248-1319?), từ gia thời Tống – Nguyên, tác giả sách Từ nguyên (gồm 2 quyển, 29 mục, khảo về lã luật, từ nhạc; bàn về phong cách, đặc trưng thể loại…).
(26). Khương Quỳ (1155-1221): từ gia nổi tiếng thời Nam Tống. Nhà từ luận Vương Quốc Duy trong Nhân gian từ thoại đánh giá rất cao về Khương Quỳ, cho là: từ nhân xưa nay giỏi về cách điệu không ai bằng Bạch Thạch đạo nhân – Khương Quỳ.
(27). Lục Phụ: từ nhân thời Nguyên, tác giả sách Từ chỉ, tương tự như thầy mình là Trương Viêm, ông cũng đánh giá rất cao về tác phẩm từ của Khương Quỳ. Từ chỉ là sách chịu ảnh hưởng rất sâu sắc bởi bộ Từ nguyên của Trương Viêm.
(28). Thảo Đường: tên hiệu của từ gia Chu Mật (1232-1298) thời Nam Tống, tác giả sách Thảo Đường vận ngữ, 6 quyển.
(29). Trúc Tra: tên hiệu của Chu Di Tôn (1629-1709), từ gia nổi tiếng thời Thanh.
(30). Nhà ngữ nghiệp: tức các từ gia. Ngữ nghiệp là một tên gọi khác của thể loại từ. Theo Vương Chước trong Bích kê mạn chí (quyển II), “Trần Vô Kỉ (tức từ gia Trần Sư Đạo) sáng tác mấy chục bài [từ], gọi là ngữ nghiệp”.
(31). Tuý biên: tức Hoa Đường tuý biên, là một tuyển tập từ do Trần Diệu Văn thời Minh tuyển chọn và biên tập, gồm 12 quyển, chủ yếu tuyển tác phẩm từ thời Đường – Tống, thảng hoặc có chọn thêm một số ít tác phẩm từ thời Nguyên.
(32). Theo Lạc Dương thành tây Già lam kí của Dương Huyễn Chi, Hà Gian vương là Sâm có đến 3 trăm kĩ nữ, thảy đều là hạng sắc nước hương trời.
(33). Hành Dương vương tên là Quân ở nước Tề thường tự tay viết bộ Ngũ kinh nhỏ, cho vào rương nhỏ, để tiện cho việc đọc sách.
(34). Cương vực: nguyên văn là “Bức viên” 幅隕. Chữ “viên” 隕, nguyên bản khắc nhầm bộ “phụ” 阜 thành bộ “cân” 巾. Hai chữ “Bức viên” lấy chữ từ thơ Trường phát trong phần Thương tụng của Kinh Thi: “Ngoại đại quốc thị cương / Bức viên kí trường” 外大國是疆 / 幅隕既長, nghĩa là: Lấy các nước chư hầu bên ngoài làm biên giới / Cương vực đã rộng lớn.
(35). Từ học: ban đầu chỉ sự học về từ chương nói chung, đến thời Minh – Thanh mới chuyên chỉ việc điền từ. Điền Đồng Chi thời Thanh trong tác phẩm Tây phố từ thuyết cho rằng cái đạo ỷ thanh (điền từ), nhân “cung điệu thất truyền, từ học cũng dần rối loạn vậy”. Các học giả Trung Quốc từ thời cận đại trở đi còn coi từ học là một lĩnh vực học thuật chuyên biệt, lấy từ và các vấn đề hữu quan của nó làm đối tượng nghiên cứu.
(36). Cây vực sum suê: nguyên là “Vực bốc”, nghĩa là cây vực mọc thành bụi đan xen vào nhau, cũng là tên một bài trong phần Đại nhã của Kinh Thi, ca ngợi thịnh đức của vua Văn Vương nhà Chu; cũng có khi dùng chỉ hiền tài đông đúc.
(37). Cố quân: chỉ Cố Ung, người thời Tam quốc. Mục Cố Ung truyện, trong phần Ngô chí sách Tam quốc chí ghi: “Cố quân không nói [thì thôi], đã nói ắt là trúng”. Bùi Tùng Chi chú dẫn Giang Biểu truyện của Ngu Phổ thời Tấn rằng: “Tôn Quyền nói: Cố công vui mừng, việc này hợp lẽ vậy; như ông ta không nói thì việc này chưa ổn thoả, quả nhân cần xem xét lại đã.
(38). Nguyên Thứ Sơn: tức Nguyên Kết (919-772), người thời Đường, tự là Thứ Sơn, hiệu là Mạn Tẩu. Tác phẩm có Thuỷ nhạc thuyết. Nhận xét về tác phẩm này, từ gia Nguyên Hiếu Vấn thời Kim cho là: “Thử xem Thuỷ nhạc thuyết của Nguyên Kết thời Đường: vốn chẳng có âm hưởng của Cung, Chuỷ, nhưng cũng tự thành thứ nhã nhạc tự nhiên giữa khoảng mây núi”.
(39). Hứa Hữu Phu: từ gia thời Nguyên, cùng Hứa Hữu Nhâm soạn sách Khuê Đường Khoản nãi tập (2 quyển).
(40). Chân Trường: tức Lưu Chân Trường. Thế thuyết Tân ngữ dẫn lời của Vương Trọng Tổ nói: “Chân trường hiểu ta, còn hơn ta tự hiểu về mình”.
(41). Thiên Bát dật sách - Luận ngữ ghi: Tử Hạ hỏi [Khổng Tử]: “Nét cười tươi quyến rũ, cặp mắt đẹp rạng ngời, trên nền trắng vẽ nên bức hoạ nhiều màu sặc sỡ, là nghĩa thế nào? Khổng Tử đáp: phải có nền trắng rồi sau mới vẽ nên bức tranh. Thưa: [Ý nói] lễ là cái có sau chăng? Khổng Tử khen: Phát khởi được ý ta chính là trò Thương vậy. Thương có thể bắt đầu cùng ta nói về Thi rồi đó”.
(42). Nguyên văn là “phù đại bạch”. Theo Thuyết uyển của Lưu Hướng, Nguỵ Văn hầu cùng các đại thần uống rượu, có đưa ra quy định, ai không cạn chén thì bị phạt một chén lớn. “Phạt một chén lớn”, nguyên phải nói là “phạt nhất đại bôi” 罰一大杯, nhưng vì rượu đã ngà ngà nên nói nhịu thành “phù nhất đại bạch” 浮一大白.
(43). Lấy ý từ Li tao của Khuất Nguyên, ngư phủ gõ mạn thuyền hát: “Sông Thương Lang trong xanh chừ, ta giặt dải mũ; sông Thương Lang ngầu đục chừ, ta rửa chân”.
(44). Tiểu Hồng: ca kĩ của Phạm Thành Đại, sau Phạm Thành Đại tặng lại cho Khương Quỳ.
(45). 28 điệu: Các cung điệu âm nhạc, như: chính cung, cao cung, trung lã cung, đạo điệu cung, nam lã cung, tiên lã cung, hoàng chung cung… Nguyên chú ghi: “phàm cái gọi là ‘tục nhạc’ gồm 28 điệu”.
(46). Nhạc chương: đây dùng với nghĩa là thể loại từ.
(47). Bài hát của Ngư phủ: từ tập này của Miên Thẩm mang tên là Cổ duệ từ, nghĩa là tập từ của người gõ mái chèo, lấy ý từ Li tao của Khuất Nguyên. Trong từ cũng có điệu Ngư phủ, là điệu từ rất nổi tiếng, được sáng tác từ thời Đường (như chùm từ điệu Ngư phủ của Trương Chí Hoà thời Đường ảnh hưởng lan toả sang cả Nhật Bản), thường dùng viết về cuộc sống ẩn dật.
(48). Tiểu thuyết mua vui: nguyên văn là “bài ưu tiểu thuyết”, một thể loại văn học có tính chất hài hước. Qua cách nói này, có thể thấy cho dù rất dụng công trong việc điền từ song Miên Thẩm vẫn coi từ là thể loại văn học giải trí, không có vị trí trang trọng như thơ ca nói chung.
(49). “Bút ý thanh không” được thể hiện trong Cổ duệ từ như thế nào đòi hỏi những phân tích sâu, chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác.