22/11/2024 10:44Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cảm nhận về dòng thơ “Thiên đàng và địa ngục”

Thiên đường địa ngục (2019)

Đăng bởi Phan Quốc Vũ vào 13/06/2021 15:51

 

Nhà thơ Chiêu Dương với những câu thơ và đoạn thơ hay:
Mơ em là không gian tình ái,
Ước em là tổ ấm bình yên,
(Mọn)
Ở trong sự thiếu thốn của ái tình, của sự bất hạnh, nhà thơ Chiêu Dương mơ mộng trong không gian đẹp, cái mỹ từ như cảnh thần tiên để xoá đi nỗi nhọc nhằn đầy đau khổ mà ái tình và cuộc đời mang lại.

Ta lại thấy tác giả viết:
Em đến, nụ yêu thương e ấp,
Mùa xuân tâm hồn.
Chiếc giỏ xe đong đầy mơ ước,
Em chở cùng bình yên.
(Hành khất tình yêu)
Là niềm mơ ước hiển nhiên cho cuộc sống vá víu chút tàn phai với mùa xuân tâm hồn và với hai người yêu nhau ở ngưỡng cửa hôn nhân. Anh mơ được cùng người bạn đời chở cùng mình những bình yên để qua sóng gió cuộc đời, mà có lần anh có thể vô tình làm mất đi cơ hội thăng tiến cho mình - một cuộc sống giàu sang và đầy danh vọng. Bây giờ kiếp nghèo và kiếp thi sỹ là một sợi dây dẫn dắt anh đi dần qua số phận - cái định mệnh khắt khe.
Nhưng ta cũng thấy tác giả không chịu bó tay với thời cuộc:
Phải đi,
dù ngày mai hoa có tàn úa gãy đầu,
chim có ngừng bay,
Đi suốt đêm ngày vật vã,
qua đất liền, qua đại dương, đồi núi hiên ngang
Mặc bình minh dối trá hay u tịch hoàng hôn muốn ngủ.
(Xác tín)
Như kiểu viết đầy chất anh hùng trong cuộc sống dẫu biết đau khổ, ngang trái, chiến bại, nhưng cứ quyết tiến lên. Qua những cụm từ và câu thơ: “có tàn úa gãy đầu; chim có ngừng bay”; hay “qua đất liền, qua đại dương, đồi núi hiên ngang/ Mặc bình minh dối trá hay u tịch hoàng hôn muốn ngủ” đã nói lên khát vọng sống của tác giả từ trong cõi tuyệt vọng.

Rồi tác giả than:
Ước miếng cơm, manh áo nhà quê,
Sao đoạ đày bữa đói, bữa no gõ trống bụng?
(Chối từ)
Là sự thở than chật vật dưới mặt trời kia, cùng với cơm-áo-gạo-tiền đầy khó nhọc. Nhưng nghịch cảnh trớ trêu nào chịu buông tha: “Sao đoạ đày bữa đói, bữa no gõ trống bụng?”

Lẽ nào tác giả đã nhận ra một điều gì đó từ thâm tâm của mình khi mà đối diện với đời, với sự thật và đã ngộ ra những điều bất toàn ở chính mình! Nghệ thuật dùng từ ở đây rất có duyên: “gõ trống bụng” mà hình tượng.
Với tình yêu, ta cảm nghe chưa bao giờ Chiêu Dương có được hạnh phúc viên mãn, anh cứ lầm bầm, cứ ta thán:
Đêm nhỏ từng giọt cô đơn
tí tách
tiếng đàn thê lương,
Giọt máu tim ri rỉ hoà theo,
Tình vọng tiếng ly tao chới với.
(Chới với)
Thì biết đâu đây là sự thử thách mà Thượng Đế dành cho anh để vượt lên chính mình trong cái không gian cô độc: cô độc linh hồn và cô độc thân xác. Chúng ta nhìn vào “tí tách” và “ri rỉ” cũng đủ biết là sự chờ đợi bữa tiệc ái ân của tác giả chưa được thoả mãn, chưa được dễ dàng gì hay có chăng là sự đáp trả hời hợt. Nỗi điêu tàn trong ái tình của chàng dường như đang bị sụp đổ, nên mỗi cơn khóc trong thơ anh đều trào ra huyết lệ.
Vì những nỗi khát khao cháy bỏng, tác giả đã nằm mộng:
Người thắp sáng tình tôi
bằng cuộc sống yêu đời trầm hương nghi ngút.
Từ bóng đêm
thấy thấp thoáng bình minh
nhảy múa reo vui,
Tay người vẫy gọi không gian sáng chói.
(Chiêm bao)
Để giải đáp cái nhu cầu luyến ái này, ta chộp được hành động của tác giả qua một bóng giai nhân nào đó bằng cõi hồn, cõi yêu đương tan biến mà là cái tâm lý cuối cùng của người không nắm được chiếc phao tình ái. Nhẽ đời là vậy, khi mà chúng ta mất đi điều gì đáng có thì lúc này ta sẽ trân quý biết bao!

Một hồn thơ như Chiêu Dương cho chúng ta hiểu ra rằng: có thể nỗi đày đoạ tột cùng của dòng đời khiến anh phải có lần nghĩ đến cái chết, nhưng rồi cái chết cũng đâu giải quyết được điều gì cho chính anh và gia đình anh, nên anh nghĩ muốn chết để được yên, mà đâu dễ dàng gì như vậy!

Ta ghê tợn và mê say cái từ ngữ mà Chiêu Dương mang lại:
Thắt cổ hoàng hôn
- nguồn cơn u tịch của tâm hồn.
Vung đao rạch từng ánh chớp,
xé rách nỗi cô đơn,
Màn đêm - tên đồng loã.
(Tuyệt vọng)
Bạn thấy đấy! “Thắt cổ hoàng hôn”; “Vung đao rạch từng ánh chớp, xé rách nỗi cô đơn” thì chứng minh nên một điều là tác giả không muốn phải làm một kẻ nghèo ti tiện, một kẻ bị xã hội chê bai và một kẻ đầy chiến bại qua quá nhiều việc đời.

Nhiều lần chứng kiến trong thơ cái sự vô duyên của hạnh phúc ái ân, tác giả khóc:
Một khát khao đời bao tử,
Một buông lơi đùa cợt hạnh phúc
ái ân.
(Bức màn khao khát)
Cái sự như trống đánh xuôi, kèn thổi ngược về ái ân làm tàn phai đi hi vọng và sự cổ vũ cho một người đàn ông trên cõi đời đang lo kiếm ăn này. Một kẻ đói sắp chết vì tình và một kẻ bỡn cợt chơi. Đây là lối so sánh rất bén của một tầm suy nghĩ đớn đau tột bực.

Qua nhiều nỗi trắc trở của ái tình, Chiêu Dương có một quyền tươi đẹp là sở hữu thiên đàng rực rỡ ở tâm trí và hồn của mình: “Thấp thoáng xa xa bóng thiên đàng rực rỡ,/ Thiên thần bay múa nhã nhạc sóng triều”, vì như vậy mới có thể làm chất men say múa rỡn cho người thi sĩ sống được mà viết lách. Anh cũng mơ mình làm thiên thần, mơ hoá phép để mà xoá đi nỗi bực dọc, đớn đau giằng xé.

Đọc đến bài thơ này, chúng ta vô cùng thông cảm và ưu ái anh qua cách viết này:
Hớp ánh sáng bạc
chấp chới bay,
Linh hồn trả trăng những câu thề hẹn,
Người đi!
Dốc men tình phụ,
Say chếnh choáng,
Thịt da lạnh lẽo cô đơn rợn người,
Ta khóc!
Quấn dải khăn tang,
Thít chặt mình,
Ruột gan cuộn thắt, não tim nứt vỡ,
Tình chết!
Oà nôn tạng phủ,
Ném linh hồn giăng sao Gấu,
Hình hài mây khói,
Du ca buồn thế nhân!
(Hồn giăng sao Gấu)
Có thể khẳng định rằng: Nghịch cảnh tàn khốc đã dệt nên con người Chiêu Dương - người nhà thơ của thiên đàng và địa ngục. Đọc các từ: “Hớp; dốc; thít; oà nôn” thì giọng thơ, chất thơ kết hợp trong toàn bài đã bay đến tầng thượng thanh khí, ngôn ngữ mạnh mẽ và sắc bén.

Nhìn ở cách anh muốn ra đi về miền vĩnh cửu cũng lạ:
Khổ đau giăng thành luỹ rình mò
Đôi ta quay mặt hoá mùa đông
Lặng câm
Máu nội tạng rỉ giọt khô khan
Sự sống lụi dần hoang phế
Ban chi tình yêu tử tội
Hay trách lầm, Thượng Đế ơi!
Phút tàn hơi hấp hối
Dập đầu xin đừng có kiếp sau
Xác thân nằm lại
Đôi linh hồn
song song.
Tôi chỉ nói vài câu thôi: “Khổ đau giăng thành luỹ rình mò; Xác thân nằm lại/ Đôi linh hồn/ song song” là kiểu cách ra đi cũng có ái tình, có đôi có cặp! Với nỗi khổ đau, tác giả mô tả như giăng thành luỹ rình mò thì hấp dẫn gì bằng. Thà là như vậy, cứ nói hết cái thống khổ man dại, mê man, tê đời đi cho đã còn hơn viết phơn phớt thì chả có ép phê gì!

Về nghệ thuật, nhà thơ Chiêu Dương đã đóng trọn vai trò của một linh hồn: chuyên chở khá nhiều nỗi thống khổ ở cõi nhân sinh cho chúng ta đọc, hồn thơ, tứ thơ và lối thơ tự do có nhạc tính, đẩy đến mức cao trào, vọt ra lai láng nỗi niềm trăn trở, hình ảnh anh dùng rất thật với đời sống, kiểu nói ngoa ngữ rất thuyết phục.

Rồi đây nhà thơ sẽ đi tiếp những đoạn vui - buồn trong cuộc người này nữa, nên tôi chưa vội gì kết luận cả sự nghiệp thơ của anh như thế nào.

Xét cho cùng, trong một giai đoạn làm thơ, anh đã cố công vận dụng hết khả năng của mình để đến gần bạn đọc dẫu có nông, có sâu nhưng các bạn hãy nghĩ đây là cây một nhà. Chúc nhà thơ và gia đình hạnh phúc!
Cái Bè, Tiền Giang, 2016
Hàn Quốc Vũ

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Chiêu Dương» Thiên đường địa ngục (2019) » Cảm nhận về dòng thơ “Thiên đàng và địa ngục”